Hà Nội: Tập trung xây dựng các cơ chế, chính sách phát triển đô thị theo hướng xanh, thông minh, bền vững

Ngày 11/4, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn -Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy về “Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị giai đoạn 2021-2025” chủ trì Hội nghị giao ban quý I/2024. Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Doãn Toản, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình cùng dự.

Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn chủ trì Hội nghị

Báo cáo tại Hội nghị, Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong, Ủy viên Thường trực Ban Chỉ đạo cho biết, thực hiện Thông báo số 39/TB-VP ngày 22/1/2024 về việc Thông báo kết luận của đồng chí Trưởng Ban Chỉ đạo chương trình tại Hội nghị tổng kết năm 2023, triển khai kế hoạch năm 2024, Ban Chỉ đạo Chương trình và UBND Thành phố đã tổ chức các cuộc họp chuyên đề để giải quyết các chỉ tiêu khó.

Cùng với đó, cơ quan thường trực Chương trình (Sở Xây dựng) đã phối hợp với các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan; các quận, huyện, thị xã để xây dựng dự thảo kế hoạch triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Ban Chỉ đạo Chương trình. Trong đó xác định rõ các nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp, lộ trình thực hiện cụ thể cho từng quý để tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ thuộc trách nhiệm của đơn vị, địa phương mình được giao…

Kết quả, đến nay đã có 4/19 nhóm chỉ tiêu hoàn thành và cơ bản hoàn thành gồm: Chỉ tiêu hoàn thành xây dựng 2 đến 3 siêu thị, trung tâm thương mại lớn; phát triển, mở rộng 3 đến 5 khu vực thành không gian, tuyến phố đi bộ; đầu tư xây dựng 1 tháp trung tâm tài chính; triển khai đầu tư xây dựng 2 đến 3 khu đô thị mới theo định hướng đô thị thông minh.

Hiện còn 4 chỉ tiêu còn khó khăn, vướng mắc: Hạ ngầm 100% hệ thống cáp điện lực, thông tin tại các khu vực phát triển đô thị, các tuyến đường cải tạo, xây dựng mới; tỷ lệ vận tải hành khách công cộng đạt 30-35% vào năm 2025, đến hết năm 2023 tỷ lệ này đạt 19,5%; tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý đạt 50-55%; triển khai đầu tư xây dựng 1 đến 2 khu outlet quy mô lớn.

Lý do chỉ tiêu hạ ngầm gặp nhiều khó khăn do nguồn vốn để thực hiện rất lớn, đặc biệt là phần hạ ngầm điện lực. Theo Tổng Công ty Điện lực thành phố Hà Nội, việc đầu tư hạ ngầm chỉ đạt mục tiêu bảo đảm an toàn, cảnh quan đô thị, không mang lại hiệu quả kinh tế. Do đó, Thành phố đã chỉ đạo điều chỉnh cơ chế đầu tư giao một phần cho cấp quận kết hợp cải tạo hè và hạ ngầm bằng vốn đầu tư công; rà soát điều chỉnh chỉ tiêu (khoảng 210-219 tuyến phố), chỉnh một phần danh mục tuyến phố thực hiện hạ ngầm sang giai đoạn năm 2026-2030.

Đối với tỷ lệ vận tải hành khách công cộng đạt 30-35% vào năm 2025, nhưng đến hết năm 2023 tỷ lệ này mới đạt 19,5%. Sở Giao thông vận tải đã và đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp đồng bộ như: Phối hợp thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ liên quan đến lĩnh vực ngành quản lý với 3 nội dung lớn được Thành phố tập trung triển khai trong năm 2024; tổ chức điều chỉnh Quy hoạch giao thông vận tải sau khi quy hoạch chung điều chỉnh được phê duyệt và tham mưu xây dựng kế hoạch phát triển mạng lưới đường sắt đô thị; hoàn thiện, nâng cao hiệu quả hoạt động của mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, gắn với tổ chức điều chỉnh mạng lưới, mở rộng theo lộ trình đề án rà soát mạng lưới. Sở Giao thông vận tải phấn đấu đến hết năm 2024 nâng tỷ lệ này lên 22%, đến năm 2025 phấn đấu đạt 25-26%.

Với chỉ tiêu tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý đạt 50-55%, đến tháng 3/2024 tỷ lệ nước thải đô thị đạt 30,9%, để hoàn thành chỉ tiêu này phụ thuộc vào việc hoàn thành Dự án Hệ thống xử lý nước thải Yên Xá. Đến cuối tháng 1/2023 gói thầu số 1: Dự án Xây dựng nhà máy xử lý nước thải Yên Xá đã cơ bản hoàn thành công tác thi công xây dựng (đạt 97%). Phấn đấu vận hành thử vào quý II/2024, khai thác nhà máy vào cuối năm 2024. Gói thầu số 2 xây dựng hệ thống cống bao cho sông Tô Lịch và cống chính đã hoàn thành thi công khoảng 90% khối lượng. Theo kế hoạch sẽ hoàn thành thi công toàn bộ gói thầu trong năm 2024…;

Về chỉ tiêu triển khai đầu tư xây dựng 1 đến 2 khu outlet quy mô lớn, Sở Công Thương tiếp tục phối hợp với Sở Quy hoạch - Kiến trúc rà soát về vị trí, quy mô đối với 7 địa điểm dự kiến bố trí đầu tư trung tâm outlet khác thuộc địa bàn các huyện, thị xã Gia Lâm, Chương Mỹ, Sóc Sơn, Phú Xuyên, Thạch Thất, Phúc Thọ, Sơn Tây; tham mưu UBND Thành phố ban hành văn bản gửi Bộ Công Thương và Bộ Xây dựng để trao đổi, xin ý kiến hướng dẫn với quy chuẩn, tiêu chuẩn, nội dung liên quan đến mô hình trung tâm mua sắm outlet và Bộ Công Thương đã có văn bản phản hồi.

Tại Hội nghị, đại diện các sở, ngành, quận, huyện đã trao đổi, làm rõ thêm về một số nội dung: Việc di dời các hộ dân khỏi nhà nguy hiểm cấp D; tình hình thực hiện thí điểm dự án cải tạo, xây dựng lại khu tập thể chung cư cũ Nguyễn Công Trứ; việc thực hiện chỉ tiêu hạ ngầm hệ thống cáp điện lực, thông tin; tiến độ thực hiện 38 dự án, công trình trọng điểm thuộc Chương trình... 

Phát biểu kết luận Hội nghị, Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình 03-CTr/TU Nguyễn Ngọc Tuấn đánh giá cao các thành viên Ban Chỉ đạo đã nghiêm túc, trách nhiệm, thường xuyên kiểm đếm tiến độ thực hiện 19 chỉ tiêu của Chương trình. Vì thế, sau 3 năm, Chương trình đã thực hiện được nhiều công việc lớn, trong đó nhiều vườn hoa, công viên, hồ nước được quy hoạch, hình thành với các thiết chế; đặc biệt là đã tạo sự thay đổi lớn trong nhận thức về chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị.

Tuy nhiên, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Ngọc Tuấn cũng lưu ý, hiện còn một số chỉ tiêu, nhiệm vụ chậm, khó khăn cần nâng cao trách nhiệm, tiếp tục chỉ đạo thực hiện, vì thế các sở, ngành, quận, huyện theo chức năng, nhiệm vụ của mình tập trung thực hiện để đẩy nhanh tiến độ.

Đối với việc xây dựng 1 đến 2 khu Outlet quy mô lớn, các sở, ngành hoàn thành việc rà soát, đánh giá nguồn gốc, hiện trạng sử dụng đất thủ tục cập nhật quỹ đất thực hiện dự án vào các quy hoạch của Thành phố để lựa chọn nhà đầu tư; tổ chức thực hiện các giải pháp để thực hiện các chỉ tiêu khó như là ngầm 100% hệ thống cáp điện lực. Đặc biệt, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp Thành phố phối hợp với các sở, ngành tập trung tháo gỡ, đề xuất các giải pháp khắc phục các nội dung tồn tại, khó khăn để triển khai các gói thầu thuộc hệ thống xử lý nước thải Yên Xá; tiếp tục xây dựng các cơ chế, chính sách để tháo gỡ khó khăn thực hiện chỉ tiêu: Cải tạo, chỉnh trang biệt thự và các công trình kiến trúc có giá trị xây trước năm 1954; chỉnh trang hè đường phố, cải tạo chung cư cũ... nhằm phát triển đô thị theo hướng xanh, thông minh, bền vững.

(Nguồn:hanoi.gov.vn)
Tin cũ hơn

Tạp chí QHXD

Ebook

Giới thiệu sách

Liên kết website