Giới thiệu

Thành tựu nổi bật

I. THỜI KỲ 1956 - 1964

1. MỘT SỐ THÀNH TỰU TIÊU BIỂU

Nhân dân miền Bắc bước vào xây dựng khôi phục và phát triển đất nước. Một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong giai đoạn này là xây dựng và phát triển các ngành công nghiệp nặng. Bộ trưởng Bùi Quang Tạo trực tiếp chỉ đạo công tác quy hoạch nhất là các vùng, đô thị có vị trí an ninh quốc phòng trọng điểm của cả nước.

Công tác quy hoạch xây dựng để đáp ứng yêu cầu đô thị hóa, phát triển cùng việc hình thành các khu công nghiệp như gang thép Thái Nguyên, công nghiệp nhẹ Việt Trì, công nghiệp hóa chất Bắc Giang, khu công nghiệp Thượng Đình, Minh Khai ở Hà Nội, khu Cửa Cấm Hải Phòng, than và nhiệt điện Quảng Ninh, khu Apatit Cam Đường Lào Cai…

Từ 1960 đến 1964, đô thị hóa phát triển theo chiều rộng với xu hướng chiến lược là xây dựng một mạng lưới đô thị trung bình và nhỏ đều khắp trên toàn lãnh thổ đất nước. Công tác quy hoạch của Viện lúc đó đi sâu vào các lĩnh vực: Thiết kế, cải tạo, phát triển xây dựng, phục hồi các đô thị và điểm dân cư nông thôn toàn miền Bắc.

Công tác lập đồ án quy hoạch đô thị bước đầu được hình thành theo quy trình của Liên Xô. Đồ án quy hoạch thủ đô Hà Nội được thực hiện với sự trợ giúp của chuyên gia Liên Xô. Chuyên gia Trung Quốc sang giúp quy hoạch 2 thành phố công nghiệp Thái Nguyên và Việt Trì. Ba Lan giúp quy hoạch TP. Hải Phòng…

Nghiên cứu lý thuyết tiểu khu nhà ở Kim Liên với 3 cấp phục vụ, được tổ chức theo tầng bậc và các mẫu đơn nguyên căn hộ khép kín được du nhập vào nước ta từ thời đó. Các công trình công cộng như nhà trẻ - mẫu giáo, trường học, bệnh viện, câu lạc bộ, nhà máy nước…, được quan tâm phát triển xây dựng. Mẫu nhà lắp ghép bằng tấm panen cũng được áp dụng song song với sự giúp đỡ của chuyên gia Triều Tiên.

Nghiên cứu thiết kế ban đầu cho ý tưởng tổ chức phát triển lãnh thổ và nhiều đô thị quan trọng ở nước ta như thủ đô Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Hải Dương, Thái Bình, Vinh, Hòn Gai, Cẩm Phả, Thái Nguyên, Việt Trì…

Các nhà chung cư với các căn hộ điển hình xây dựng và phân phố đều cho người lao động nhằm xóa dần sự không công bằng giữa giầu và nghèo. Nhìn chung, công việc của Viện hầu như theo đúng quy trình lập quy hoạch của Liên Xô, vì khi đó chúng ta hoàn toàn chưa có kinh nghiệm, chưa có nhận thức đầy đủ về đô thị hóa và phát triển đô thị.

Nghiên cứu ý tưởng xây dựng cho các công trình quan trọng như Nhà Quốc hội, nhà sàn của Bác Hồ, các mẫu nhà ở tập thể…

Từ tháng 8/1964, miền Bắc bị đánh phá, Viện phải đi sơ tán về nông thôn. Một bộ phận nhỏ của Viện đã được giao nghiên cứu thực nghiệm quy hoạch vùng nông thôn. Lực lượng còn lại của Viện được giao nghiên cứu sẵn các phương án cho mục tiêu đón thời cơ khi hòa bình lập lại ở một số đô thị lớn như Hà Nội, Vinh, Nam Định, Hải Phòng, Việt Trì, Thái Nguyên…

II. THỜI KỲ 1965 – 1975

2. MỘT SỐ THÀNH TỰU TIÊU BIỂU

Công tác hợp tác quốc tế phát triển mạnh: Nhiều đoàn chuyên gia các nước xã hội chủ nghĩa sang giúp Viện: Liên Xô sang giúp quy hoạch Thủ đô, Ba Lan sang giúp quy hoạch Hải Phòng. CHDC Đức giúp quy hoạch thành phố Vinh, xây dựng khu nhà ở Quang Trung, Rumani giúp quy hoạch thị xã Thái Bình, CHDCND Triều tiên giúp quy hoạch thị xã Bắc giang, Cuba giúp quy hoạch thị xã Đồng Hới.

Ngoài ra, còn có đoàn chuyên gia xây dựng của Đảng cộng sản Nhật do đ/c KTS NoRoLara - Moriaki làm trưởng đoàn đã giới thiệu những kinh nghiệm và ưu điểm, nhược điểm của quy hoạch xây dựng đô thị Nhật Bản và đóng góp những ý kiến về xây dựng và cải tạo thủ đô Hà Nội.

Giai đoạn này, Viện lập quy hoạch xây dựng lại nhiều thị xã như Hà Giang, Cao Bằng, Lào cai… khu nghỉ mát Tam Đảo, khu công nghiệp Bãi Bằng  (Vĩnh Phú) và khu công nghiệp Gò Đầm (Thái Nguyên)

Với sự giúp đỡ nhiệt tình của các đoàn chuyên gia nước ngoài, đội ngũ cán bộ quy hoạch của Viện đã được mở rộng cả nhận thức thực tế cũng như lý thuyết và đã có một bước trưởng thành rõ rệt. Giai đoạn này Viện đã tham gia:

Nghiên cứu phát triển thủ đô Hà Nội lên phía Bắc, tiếp tục điều chỉnh bổ sung quy hoạch thủ đô Hà Nội.

Sau khi Bác mất 1969, Bộ Chính trị đã quyết định xây Lăng Chủ Tịch Hồ Chí Minh. Viện đã tích cực tham gia các phương án thiết kế Lăng Hồ Chủ Tịch. Đặc biệt là quy hoạch Quảng trường Ba Đình và khu vực xung quanh Lăng Bác, đây được xem là đóng góp có tính lịch sử của Viện.

Cùng với các chuyên gia tư vấn nước ngoài, Viện đã tham gia xây dựng quy hoạch thành phố Hải Phòng, thành phố Vinh, khu nhà ở Quang Trung - Vinh, thành phố Nam Định, thị xã Phủ Lý, thành phố Hòn Gai - Bãi Cháy, thành phố Thái Bình và thị xã Bắc Giang.

Quy hoạch nông thôn cũng chưa bao giờ được mở rộng như thời kỳ này. Với 2 điểm quy hoạch nông thôn được thực hiện ở Đào Viên - Khoái Châu - Hải Hưng và Yên Sở ở ngoại thành Thủ đô Hà Nội, cũng như quy hoạch các huyện điểm: Quỳnh Lưu - Nghệ An, Vũ Thư, Đông Hưng - Thái Bình, Nam Ninh - Nam Định…

Theo chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Xây dựng, năm 1973 Viện đã cử một đoàn cán bộ vào Nam để xây dựng thủ đô cho Chính phủ lâm thời Miền nam. Sau khi thống nhất đất nước Viện còn tiếp tục cử 1 đoàn nữa đi hỗ trợ Tây nguyên. Các chuyên gia từ hai đoàn công tác này sau đều trở thành cán bộ lãnh đạo và lực lượng chuyên môn chủ chốt cho các Sở Xây dựng và các Viện Quy hoạch phía Nam.

* Viện đã nghiên cứu rút kinh nghiệm đưa ra 3 mô hình công tác quy hoạch, kiến trúc xây dựng:

Mô hình quy hoạch vùng tỉnh của đoàn Bungari, đặc biệt là cách phân tích diễn biến thay đổi từng giai đoạn tiến lên sản xuất lớn của mạng lưới các điểm dân cư nông thôn và sự xuất hiện các đô thị nông nghiệp, trên địa bàn nông thôn.

Mô hình giải quyết quy hoạch xây dựng cụ thể của đoàn chuyên gia CHDC Đức, nhằm đáp ứng các yêu cầu bức bách trước mắt (đặc biệt là vấn đề nhà ở cho việc hồi cư) trên cơ sở xác định hợp lý một khu dân cư của đô thị.

Mô hình bảo vệ môi trường lâu bền trong quy hoạch phát triển khai thác du lịch, bảo tồn sinh thái, bảo vệ môi trường cảnh quan vùng Hạ Long, hài hòa với việc phát triển các ngành kinh tế (công nghiệp, nông lâm nghiệp, nuôi trồng chế biến hải sản, phát triển cảng biển, khai thác vật liệu xây dựng…) của đoàn chuyên gia Hungari.

III. THỜI KỲ 1976 – 1985

3.  MỘT SỐ THÀNH TỰU TIÊU BIỂU

Lịch sử mới của đất nước đã sang trang, cũng là lúc công tác nghiên cứu quy hoạch đô thị bắt đầu những cơ hội và thách thức mới. Xác định nhận thức, quan điểm mới, tầm nhìn mới. Với tư cách là cơ quan đầu ngành làm công tác quy hoạch đô thị, viện đã có dịp so sánh 2 đường lối đô thị hóa, 2 hệ thống đô thị hình thành và phát triển dưới 2 chế dộ chính trị - kinh tế - xã hội khác nhau để rút ra những bài học cần thiết, hết sức thực tiễn và chờ đợi những định hướng mới về chính sách kinh tế xã hội để vượt qua thử thách.

Một cục diện mới về phát triển đô thị đã được hình thành với hai hình thái phát triển đô thị riêng biệt. Miền Bắc nhanh chóng phục hồi các đô thị, các cơ sở công nghiệp và hạ tầng đô thị bị tàn phá nặng nề trong chiến tranh. Miền Nam, các đô thị chủ yếu là đô thị phi sản xuất, do hậu quả của chiến tranh để lại. Nhưng từ những năm 1980 trở đi, hệ thống đô thị toàn quốc đã dần hình thành, với các đô thị cấp quốc gia như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh; các đô thị trung tâm vùng và mạng lưới các thị trấn huyện lỵ. 

Đây là giai đoạn hoàn thiện các lý luận quy hoạch xây dựng đô thị và nông thôn XHCN. Lúc này, Viện đảm đương gần như toàn bộ công tác thiết kế từ quy hoạch chung đô thị, đến quy hoạch chi tiết và quy hoạch điểm dân cư nông thôn trên toàn quốc. Số lượng các đồ án quy hoạch được Viện lập trong giai đoạn này cũng rất lớn. Ngoài việc thực hiện đồ án quy hoạch các loại, Viện đã sưu tập và hệ thống hóa các tiêu chuẩn thiết kế quy hoạch đô thị và các thiết kế điển hình khu ở, đưa công tác quy hoạch vào nền nếp theo một quy trình chặt chẽ. Công tác quy hoạch xây dựng nông thôn cũng được đặc biệt chú ý. Nhiều quy hoạch vùng huyện được lập trong phạm vi cả nước. Quy hoạch cấp cơ sở ở nông thôn và cấp xã cũng được triển khai trên cơ sở các nghiên cứu định hình khu trung tâm xã và các công trình hạ tầng xã hội và kỹ thuật kèm theo. 

IV. THỜI KỲ 1986 - 1995

4. MỘT SỐ THÀNH TỰU TIÊU BIỂU

Trong quản lý Nhà nước dưới sự chỉ đạo của Bộ Xây dựng, Viện đã tham gia tích cực trong việc biên soạn các văn bản pháp quy về xây dựng đô thị nhà ở, đổi mới nội dung công tác quy hoạch đô thị - nông thôn, quản lý xây dựng theo quy hoạch. Thời kỳ này hầu hết các đô thị từ tỉnh lị trở lên đã được điều chỉnh lại quy hoạch. Việc đầu tư xây dựng ở các đô thị tăng nhanh, trật tự, kỷ cương được lập lại. Bộ mặt kiến trúc đô thị, đường phố đô thị, vệ sinh môi trường đô thị được khang trang, sạch đẹp hơn. Nhà ở, nước uống và các dịch vụ ở các đô thị được cải thiện, nâng cấp một bước mới.

Dưới sự chỉ đạo của Bộ Xây dựng, Viện đã tham gia nghiên cứu các đô thị lớn như Hà Nội, Thành phố HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ; các đô thị vừa và nhỏ như Hồng Gai, Thái Nguyên, Nam Định, Vinh, Đồng Hới, Huế, Nha Trang, Quy Nhơn, Cần Thơ, Vũng Tàu… Đặc biệt Thủ đô Hà Nội được nghiên cứu với ý tưởng phát triển không gian đô thị sang phía Bắc, đưa trục cảnh quan sông Hồng vào trong cấu trúc đô thị… Các giải pháp kết nội hạ tầng sang sông Hồng cũng được đề cập. Thiết kế xây dựng các khu chức năng quan trọng, như: khu trung tâm chính trị Ba Đình, quy hoạch chi tiết khu phố cổ, Hồ Gươm (Hà Nội), quy hoạch định hướng phát triển các khu công nghiệp tập trung toàn quốc và 3 địa bàn kinh tế trọng điểm, luận chứng địa điểm và quy hoạch khu công nghiệp lọc dầu số một tại Dung Quất (Quảng Ngãi), quy hoạch xây dựng các khu công nghiệp tập trung Cái Lân (Quảng Ninh), Hòa Khánh (Đà Nẵng), Chân Mây (Thừa Thiên - Huế), Mỹ Xuân (Bà Rịa - Vũng Tàu), Vũng Áng (Hà Tĩnh), Việt Trì (Vĩnh Phú), Xuân Mai - Hòa Lạc (Hà Tây)…, Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội được phê duyệt năm 1992.

Đẩy mạnh công tác quy hoạch xã với hàng trăm xã đã có quy hoạch tổng thể và cơ sở hạ tầng cùng hàng trăm dự án xây dựng đường xá, trường học, chợ… ở nông thôn

Công tác khảo sát địa hình và địa chất phục vụ quy hoạch do Viện thực hiện đã đáp ứng kịp thời cho công tác nghiên cứu thiết kế quy hoạch.

Tham gia nhiều chương trình nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước, cấp ngành như chương trình về đô thị hóa, chiến lược phát triển đô thị, phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, động thái dân số đô thị, xã hội học đô thị, giao thông đô thị… Kết quả nghiên cứu  đều được Hội đồng nghiệm thu cấp Nhà nước đánh giá khá và xuất sắc. Trong năm 1994 - 1995, đề tài “Chiến lược phát triển đô thị quốc gia” do Thứ trưởng Phạm Sỹ Liêm chỉ đạo, Viện thực hiện và được đánh giá như một đề tài nghiên cứu khoa học đầu tiên, góp phần thực hiện công tác quản lý Nhà nước về Quy hoạch đô thị và nông thôn trên phạm vi cả nước.

Xây dựng và mở rộng quan hệ hợp tác hợp tác quốc tế, được các tổ chức quốc tế lớn tài trợ như: UNDP, UNFPA, UNCDF, ADB, CIDA, DANIDA…

Dự án VIE/86/020 đã tạo dựng được phương pháp mới quy hoạch cơ sở hạ tầng nông thôn, lập các dự án và thực thi các công trình cơ sở hạ tầng đường xá, trường học, chợ tại 8 xã thí điểm ở các tỉnh Vĩnh Phúc, Hà Nội và Nam Hà mở 3 lớp tập huấn đào tạo cán bộ quy hoạch phát triển nông thôn cho 7 tỉnh (khoảng 150 cán bộ cấp Sở làm công tác quy hoạch phát triển nông thôn). Dự án nghiên cứu Chiến lược Quốc gia cấp nước và vệ sinh nông thôn: Các chuyên gia Việt Nam và các Chuyên gia tư vấn quốc tế đã tiến hành khảo sát đánh giá thực trạng cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn 69 tỉnh đại diện cho 8 vùng, nghiên cứu soạn thảo chiến lược, trao đổi ý kiến trực tiếp với các Bộ, Ngành và tổ chức nhiều cuộc Hội thảo cấp cơ sở, cấp tỉnh, cấp vùng và Hội thảo quốc tế để xin ý kiến. Dựa vào các kết quả nghiên cứu trên Bộ Xây dựng đã biên soạn chiến lược Quốc gia cấp nước và vệ sinh nông thôn đến năm 2020. Liên Bộ - Bộ Xây dựng và Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã trình Thủ tướng Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 104/QĐ-TTg ngày 25/8/2000 phê duyệt chiến lược quốc gia cấp nước và vệ sinh nông thôn đến năm 2020.

Với sự tài trợ của DANIDA dự án đã xây dựng thí điểm công trình cấp nước sạch tập trung ở xã Cẩm Nhượng huyện Cẩm Xuyên công suất 2000m3/ngày đêm và công trình cấp nước sạch tập trung ở thị trấn Cẩm Xuyên huyện Cẩm Xuyên công suất 3000m3/ngày đêm. Thí điểm hình thành quỹ tín dụng quanh vùng cho các hộ dân vay vốn tín dụng theo hình thức trả góp để dẫn nhánh nước và lắp đồng hồ vào từng hộ gia đình. (Quỹ tín dụng này được giao cho Hội phụ nữ huyện Cẩm Xuyên vận hành)

Tham gia công tác giảng dạy và đào tạo tại các trường Đại học Bách khoa, Đại học Kiến trúc, Đại học Xây dựng và Đại học Quốc gia Hà Nội; hướng dẫn nghiên cứu sinh, thạc sĩ, sinh viên và chấm thi tốt nghiệp tại các trường. Tiếp nhận một bộ phận lớn sinh viên từ các khoa Kiến trúc và khoa Quy hoạch của các trường đến thực tập và làm đồ án tốt nghiệp. Trong thời gian này Viện đã tổ chức 12 khóa đào tạo: chuyên môn, nghiệp vụ, nâng cao trình độ cho trên 350 lượt cán bộ làm công tác quản lý nghiên cứu quy hoạch, môi trường đô thị của các địa phương trong cả nước.

Mặt khác, Viện cũng đã đặt quan hệ hợp tác với một số trường Đại học lớn trên thế giới để hợp tác, trao đổi trong lĩnh vực nghiên cứu và quy hoạch phát triển đô thị ở Úc, Mỹ, Pháp, AIT (Thái Lan), Hà Lan. Thời kỳ này đã có 17 cán bộ được cử đi đào tạo thạc sĩ và sau đại học ở các nước Thái Lan, Hà Lan, Đức, Mỹ, Úc… 50 lượt cán bộ đi tham quan khảo sát ở hầu hết các nước Đông Nam Á, 45 lượt cán bộ đi dự các hội nghị, hội thảo quốc tế lớn như Hội nghị Thượng đỉnh về Habitat ở New York và Thổ Nhĩ Kỳ.

Cùng với công tác nghiên cứu quy hoạch, Viện đã phát động tất cả cán bộ hăng hái tham gia các cuộc thi và đạt được các giải thưởng lớn của quốc gia và quốc tế, như: Quy hoạch làng nổi Tháp Mười (tại Pháp), quy hoạch khu ở tương lai MINCK (Liên Xô cũ), làng hoa (Bungari), làng văn hóa các dân tộc Việt Nam (Bộ Văn hóa và Thông tin)…

V. THỜI KỲ 1996 - 2007

5. MỘT SỐ THÀNH TỰU TIÊU BIỂU

Công tác quản lý nhà nước:

Thời gian này, Viện tham gia soạn thảo các văn bản pháp quy quan trọng như Luật Xây dựng, Nghị định về quy hoạch xây dựng, đánh giá tác động môi trường trong quy hoạch xây dựng. Từ năm 2005 đến cuối 2007, Viện tiếp tục tham gia việc soạn thảo Nghị định 132 về phân cấp, phân loại đô thị; Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Xây dựng, Nghị định tham gia cải tiến nội dung quy trình thiết kế quy hoạch đô thị và tham dự vào việc sửa đổi, dự thảo các Quyết định, Thông tư liên quan đến công tác phát triển đô thị. Đặc biệt trong thời gian này, Viện đã tham gia tích cực vào soạn thảo Luật Quy hoạch xây dựng.

Tham gia soạn thảo các văn bản pháp quy quan trọng như Luật Xây dựng trong đó có Chương II về Quy hoạch xây dựng. Nghị định 08/2005/NĐ-CP về quy hoạch xây dựng. Thông tư 10/2000/TT-BXD hướng dẫn đánh giá tác động môi trường trong quy hoạch xây dựng. Thông tư 15/2005/TT-BXD hướng dẫn lập thẩm định và xét duyệt quy hoạch xây dựng.

Công tác nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế:

Viện đã thực hiện thành công dự án quốc tế VIE 86/020 (Quy hoạch phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn), VIE/88/P02 (Nghiên cứu dân số, lao động và đô thị hóa), VIE/94/006 (Nâng cao năng lực quản lý quy hoạch), VIE 93/034 (Quy hoạch tổng thể vùng đồng bằng sông Hồng)… cùng với chuyển giao công nghệ thích hợp về giao thông nông thôn, cấp nước, xây dựng trường học, y tế cho một số xã thí điểm như Đại Áng (Thanh Trì - Hà Nội), Hy Cương (Vĩnh Phúc) và 5 dự án quy hoạch xây dựng thí điểm; dự án hạ tầng cơ sở nông thôn dựa vào cộng đồng; dự án ổn định dân cư vùng lòng hồ thủy điện sông Đà (Hòa Bình); hoàn thành chiến lược cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn do Đan Mạch tài trợ (DANIDA)… Viện đã phối hợp và triển khai nhiều dự án hợp tác như dự án IDRC 92-1303; dự án EC về quy hoạch môi trường đô thị; dự án RETA 6121 về liên kết tiểu vùng sông Mê Kông…

Viện có quan hệ hợp tác với nhiều tổ chức của chính phủ, phi chính phủ trong lĩnh vực quy hoạch xây dựng và bảo vệ môi trường như: Trung tâm nghiên cứu vùng, JICA - Nhật Bản, Đại học Quốc gia Úc, Viện Nghiên cứu kinh tế xây dựng Nhật Bản, Viện nghiên cứu định cư và trường đại học Kungwan - Hàn Quốc, Cơ quan quy hoạch vùng Ile de France - Cộng hoà Pháp; Viện là thành viên của chương trình quản lý đô thị Châu Á và tổ chức quy hoạch thế giới.

Tiến hành nghiên cứu khoa học cấp Bộ, ngành và cấp quốc gia, để thúc đẩy các nghiên cứu mang tính chỉ đạo vĩ mô. Viện đã thực hiện 02 chương trình NCKH cấp Nhà nước 28A và 28.01, 70 đề tài nghiên cứu khoa học (trong đó: 3 đề tài cấp Nhà nước, 16 đề tài cấp Bộ, 18 đề tài liên kết cấp Nhà nước và cấp Bộ, 33 đề tài cấp Viện) và nhiều dự án, đề tài khác, nhằm chi tiết hóa các nội dung nghiên cứu chiến lược nói trên. Kết quả đã được Nhà nước phê duyệt và được ứng dụng vào công tác quy hoạch xây dựng trên phạm vi toàn quốc.

Công tác Quy hoạch xây dựng:

Thời kỳ năm 1997 có sự điều chỉnh tách nhập nhiều tỉnh trong cả nước, nhiều đồ án quy hoạch đô thị, tỉnh lỵ phải gấp rút thực hiện đáp ứng cho yêu cầu tái lập tỉnh mới như: Bắc Ninh, Phủ Lý, Tam Kỳ, Đà Nẵng…

Viện đã liên tiếp giúp địa phương nghiên cứu điều chỉnh các quy hoạch đô thị, trong đó phải kể đến Hà Nội, TP. HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Huế, Cần Thơ, Hạ Long, Nha Trang, Vũng Tàu… Đồng thời tiếp tục nghiên cứu quy hoạch các đô thị mới và các đô thị tỉnh lỵ mới được tách tỉnh, như Vạn Tường - Dung Quất, Chu Lai - Kỳ Hà, Bắc Ninh, Hưng Yên, Gia Nghĩa.

Năm 2000-2001, Viện được giao lập Định hướng quy hoạch chung xây dựng dọc tuyến đường Hồ Chí Minh, nghiên cứu các quy hoạch và dự án phát triển đô thị quan trọng như khu đô thị Hùng Thắng (Hạ Long - Quảng Ninh), khu công nghiệp khí điện đạm Cà Mau, khu du lịch Liang bian (Đà Lạt - Lâm Đồng), trung tâm thể thao quốc gia Mỹ Đình (Hà Nội), tuyến đường Láng - Hòa Lạc, khu Đại học Quốc gia…

Bước đầu tiến hành nghiên cứu sâu rộng các quy hoạch vùng lãnh thổ quan trọng như: vùng thủ đô Hà Nội, vùng Tây Nguyên, vùng duyên hải Trung Bộ vùng TP. HCM, vùng biên giới phía Bắc, vùng đồng bằng sông Cửu Long…

Viện cũng đã tiến hành công tác lựa chọn địa điểm xây dựng các khu công nghiệp, quy hoạch xây dựng khu liên hiệp lọc - hóa dầu, khu công nghệ cao cùng với các khu công nghiệp vừa và nhỏ như Bỉm Sơn, Nghi Sơn, Lệ Môn; QHXD khu công nghiệp Dung Quất; khu công nghệ cao Hòa Lạc; khu công nghiệp phố Nối - Hưng Yên; Hòa Bình - Kon Tum; QH khu công nghiệp Vũng Áng - Hà Tĩnh; lựa chọn địa điểm xây dựng cụm Khí - Điện - Đạm Cà Mau và nhiều khu công nghiệp khác.

Tiến hành nghiên cứu thí điểm một số thiết kế đô thị ở Hạ  Long - Quảng Ninh, Đà Lạt - Lâm Đồng và ở một số đô thị khác.

Nhiều đồ án quy hoạch vùng tiếp tục được triển khai như: Quy hoạch xây dựng vùng Nam Thanh - Bắc Nghệ; vùng Tây Nguyên; quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng Bắc Trung Bộ; quy hoạch nhiều vùng huyện ở An Giang, Tiền Giang, Đồng Nai; quy hoạch định hướng phát triển đô thị vùng duyên hải miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ; quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội 4 tỉnh Đông Bắc; QHXD khắc phục lũ lụt 8 tỉnh miền Trung (Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và Phú Yên); triển khai quy hoạch tổng thể phát triển đô thị và các khu dân cư nông thôn cho các tỉnh Quảng Trị, Đồng Nai, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Đăklăk, Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu…

Viện đã thực hiện quy hoạch các vùng sinh thái và các vùng đặc thù khác như: Vườn quốc gia Ba Vì, khu nghỉ mát Tam Đảo, khu du lịch sinh thái bán đảo Cà Mau, khu du lịch sinh thái Hạ Long, khu du lịch sinh thái vịnh Văn Phong. Các quy hoạch bảo tồn như quy hoạch bảo tồn và khai thác cố đô Huế, QH bảo tồn khai thác di sản thiên nhiên vịnh Hạ Long, QH bảo tồn khai thác cố đô Hoa Lư, QH làng văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam, QH các cửa khẩu biên giới, QH các khu kinh tế cửa khẩu được Viện tập trung nghiên cứu. Nhiều đồ án quy hoạch này đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt như: QHC cửa khẩu Lao Bảo; QHC khu kinh tế cửa khẩu Bờ Y - Ngọc Hồi - Kon Tum; QHC cửa khẩu Hữu Nghị, Đồng Đăng - Lạng Sơn; khu cửa khẩu Lào Cai… và những quy hoạch xây dựng khác đã được Viện thực hiện trong thời kỳ đổi mới đất nước.

Viện đã tiến hành công tác quy hoạch xây dựng mạng lưới đô thị và dân cư cho nhiều địa phương như Bắc Ninh, Lâm Đồng, Lào Cai, Hà Giang…

Ngoài ra, nhiều đồ án quy hoạch hạ tầng kỹ thuật cũng được Viện thực hiện như: Luận chứng kinh tế - kỹ thuật hệ thống cấp điện cho TP. Quy Nhơn, Quy hoạch thoát nước TP. Nha Trang, Sầm Sơn, Kon Tum; Luận chứng KTKT cấp nước dọc quốc lộ 18, khu sân bay Nội Bài; Quy hoạch phát triển hệ thống giao thông toàn tỉnh Quảng Ninh. Quy hoạch hướng dẫn xây dựng các điểm dân cư ven các tuyến quốc lộ 5, 10, 18.

Nghiên cứu chiến lược phát triển đô thị:

Nghiên cứu quy hoạch xây dựng các khu dân cư và tái định cư dọc các quốc lộ mới, quốc lộ mở rộng, vùng lòng hồ thủy điện; Nghiên cứu tình hình ô nhiễm môi trường giao thông đô thị; Nghiên cứu khai thác bảo vệ không gian mặt nước trong quy hoạch và quản lý đô thị; Nghiên cứu không gian xanh với việc cải thiện và bảo vệ môi trường đô thị; Xây dựng mô hình quy hoạch đô thị theo hướng xã hội hóa; Hướng dẫn đánh giá tác động môi trường các đồ án quy hoạch; Nghiên cứu thiết kế đô thị; Nghiên cứu một số phương pháp quy hoạch mới nhằm nâng cao chất lượng đồ án quy hoạch…

Năm 2002, Viện đề nghị Bộ cho thành lập “Tạp chí Quy hoạch xây dựng”. Tháng 8/2002, tạp chí được cấp giấy phép hoạt động. Đây là cơ quan ngôn luận của ngành về lĩnh vực quy hoạch xây dựng, do Viện là cơ quan chủ quản. Tạp chí được xuất bản và phát hành toàn quốc, số đầu tiên ra mắt bạn đọc vào tháng 1/2003. Tạp chí là diễn đàn khoa học của giới chuyên môn, đồng thời cũng là cẩm nang phổ biến rộng rãi những thông tin chủ trương, chính sách về quy hoạch xây dựng và phát triển đô thị đến nhiều đối tượng độc giả trong nước và quốc tế.

Viện là đơn vị khởi xướng việc hình thành và xây dựng một hệ thống các tổ chức làm công tác quy hoạch xây dựng, từ trung ương đến địa phương, thông qua việc tổ chức Diễn đàn Quy hoạch đô thị và nông thôn lần đầu tiên vào mùa hè năm 2003. Biểu tượng của diễn đàn là chiếc chìa khóa vàng, với ý nghĩa là công tác quy hoạch là chìa khóa để mở mọi cánh cửa phát triển đô thị.

Công tác quy hoạch nông thôn:

Viện đã tham gia lập quy hoạch tổng thể và quy hoạch phát triển cơ sở hạ tầng cho 127 xã thuộc 43 tỉnh được l; 168 dự án xây dựng hạ tầng cơ sở (đường, trường học, chợ, trạm y tế…) cho các địa phương trong cả nước; đã xây dựng thí điểm 12 xã và trên 40 công trình hạ tầng tại nhiều địa phương trong cả nước.

Viện đã thực hiện thành công dự án quốc tế VIE 86/020 (Quy hoạch phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn), VIE/88/P02 (Nghiên cứu dân số, lao động và đô thị hóa), VIE/94/006 (Nâng cao năng lực quản lý quy hoạch), VIE 93/034 (Quy hoạch tổng thể vùng đồng bằng sông Hồng)… cùng với chuyển giao công nghệ thích hợp về giao thông nông thôn, cấp nước, xây dựng trường học, y tế cho một số xã thí điểm như Đại Áng (Thanh Trì - Hà Nội), Hy Cương (Vĩnh Phúc) và 5 dự án quy hoạch xây dựng thí điểm; dự án hạ tầng cơ sở nông thôn dựa vào cộng đồng; dự án ổn định dân cư vùng lòng hồ thủy điện sông Đà (Hòa Bình); hoàn thành nghiên cứu chiến lược quốc gia cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn do Đan Mạch tài trợ (DANIDA)… Viện đã phối hợp và triển khai nhiều dự án hợp tác như dự án IDRC 92 1303; dự án RETA 6121 về liên kết tiểu vùng sông Mê Kông…

Giải thưởng quốc tế:

 Năm 2003, Cuộc thi Ý tưởng khu trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm năm 2003 - Giải Ba;

Năm 2007, Cuộc thi Ý tưởng quy hoạch tổng thể khu đô thị cảng Hiệp Phước - Giải Nhì; Cuộc thi Ý tưởng Thiết kế đô thị khu trung tâm hiện hữu mở rộng TP. HCM - Giải Ba.

VI. THỜI KỲ TỪ 2008 - 2016 

6. MỘT SỐ THÀNH TỰU TIÊU BIỂU

Quản lý nhà nước:

Viện đã tham gia biên soạn Luật Quy hoạch đô thị; Các nghị định như Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Quy hoạch đô thị; Nghị định 42/NĐ-CP của Chính phủ về phân loại đô thị; 03 Nghị định (37/2010/NĐ-CP, 38/2010/NĐ-CP, 39/2010/NĐ-CP), 04 thông tư (09/2010/TT-BXD, 10/2010/TT-BXD, 15/2010/TT-BXD, 99/2010/TT-BXD).

Tham gia góp ý, phản biện các nội dung về Dự thảo Luật Quy hoạch do Bộ Kế hoạch đầu tư biên soạn; Kinh nghiệm quốc tế về quy hoạch - Hệ thống quy hoạch của Cộng hòa Pháp nhằm phục vụ các yêu cầu của Bộ Xây dựng; Thông tư hướng dẫn về định mức, đơn giá lập quy hoạch xây dựng và Thông tư hướng dẫn nội dung xây dựng đô thị tăng trưởng xanh.

Nghiên cứu QHCT nhà tang lễ Quốc gia, QHCT nghĩa trang mới tại Yên Trung - Thạch Thất - Hà Nội, QHXD hệ thống trụ sở làm việc của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan TW tại Hà Nội và TP HCM đến năm 2030, QH quản lý chất thải rắn vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, QH quản lý chất thải rắn lưu vực sông Đồng Nai, QH thoát nước lưu vực sông Cầu, QH quản lý chất thải rắn vùng Đồng Bằng Bắc Bộ...

Nghiên cứu bộ tiêu chí đô thị xanh, đô thị sinh thái, mô hình huyện nông thôn mới; Giải pháp chống ùn tắc giao thông ở các đô thị lớn; Tổng hợp thông tin, dữ liệu quy hoạch xây dựng các đô thị phục vụ quản lý nhà nước; Đánh giá các đồ án quy hoạch xây dựng do tư vấn nước ngoài thực hiện…

Tham gia các đoàn công tác của lãnh đạo Bộ Xây dựng tới hơn 40 Tỉnh, Thành phố trong chương trình công tác các năm 2014, 2015, 2016 của Bộ Xây dựng (Hà Giang, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Cao Bằng, Thái Bình, Ninh Bình, Hưng Yên, Thái Nguyên, Hà Nam, Nam Định, Quảng Ninh, Kon Tum, Gia Lai, Đăklăc, TP Hồ Chí Minh)

Là thành viên các hội đồng thẩm định các đề tài NCKH, các đồ án quy hoạch, các tiêu chuẩn, quy chuẩn do Bộ Xây dựng chủ trì. Phối hợp với các Cục, Vụ chức năng của Bộ để trả lời các văn bản của địa phương có liên quan trong công tác quy hoạch và kiến trúc đô thị. Tham gia nghiên cứu, tọa đàm, trao đổi góp ý nhằm góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hệ thống qui hoạch xây dựng Việt Nam.

Tham gia công tác phân giới, cắm mốc trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc; Việt Nam - Cămpuchia, Việt Nam - Lào. Tham gia các đoàn công tác đàm phán của Uỷ ban biên giới quốc gia về phân giới cắm mốc: tham gia vòng đàm phán cấp chuyên viên biên giới Việt Nam - Campuchia lần thứ 20 (năm 2014), lần thứ 24 (năm 2016) tại thủ đô Phnompenh về thiết kế mẫu cọc dấu, vòng đàm phán cấp chuyên viên biên giới Việt Nam - Lào tại Nghệ An về thiết kế mẫu vật đánh dấu trên đường biên giới VN - Lào. Thiết kế cột mốc biên giới VN - CPC, VN -Trung quốc

Nghiên cứu khoa học:

Nghiên cứu đề án mô hình quy hoạch nông thôn mới, lập quy hoạch 11 xã thí điểm trong thời kỳ đẩy mạnh CNH - HĐH. Chương trình sử dụng năng lượng và tài nguyên tiết kiệm và hiệu quả trong lĩnh vực kiến trúc và quy hoạch xây dựng; triển khai các dự án thí điểm ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu, các đề tài về kiến trúc xanh, bảo tồn di sản kiến trúc, các đề tài tiêu chuẩn hoá, thiết kế điển hình, các dự án Nghị định thư với Nga, Trung Quốc, Mỹ, CuBa… như: Đề tài hợp tác quốc tế theo Nghị định thư Việt Nam - CuBa “Các giải pháp thiết kế quy hoạch không gian công cộng ven biển cho các đô thị du lịch nhằm tăng cường khả năng tiếp cận và ứng phó với BĐKH”; đề tài độc lập cấp Nhà nước “Nghiên cứu đổi mới toàn diện công tác lập quy hoạch đô thị tại Việt Nam”.

Lập điều chỉnh QH tổng thể phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn 2050 (QĐ số 445/QĐ-TTg ngày 07/4/2009). Xây dựng nhiệm vụ Điều chỉnh định hướng phát triển kiến trúc, cảnh quan đô thị Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050. Đề án định hướng quy hoạch hệ thống các trường cao đẳng và đại học vùng Hà Nội, vùng TP HCM; hệ thống các khu công nghiệp và y tế tại Thủ đô Hà Nội.

Ngoài việc tham gia các đề tài NCKH, do Bộ Xây dựng giao VIUP còn chủ động tìm kiếm, ký hợp đồng với các nhà tài trợ nước ngoài và các cơ quan quản lý nhà nước để thực hiện theo đơn đặt hàng (Quỹ Rockefeller, tổ chức USAID, quỹ hỗ trợ phát triển Bắc Âu; Tổ chức bảo tồn thiên nhiên thế giới IUCN...). Các dự án đề tài này giúp Viện mở rộng hoạt động hợp tác, trao đổi thông tin với các tổ chức KHCN trong nước cũng như quốc tế, đồng thời mở ra hướng mới trong công tác phát triển hoạt động NCKH trong những năm tiếp theo.

Tháng 7/2016 Viện đã chủ trì và phối hợp với Hội quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam tổ chức Diễn đàn quy hoạch đô thị - nông thôn lần thứ 4 tại thành phố Thanh Hóa cùng với sự tham gia của hơn 250 đại biều là các nhà khoa học, nhà nghiên cứu về quy hoạch đô thị và đại diện của 15 tỉnh, thành trong cả nước. Chủ đề của diễn đàn năm nay là “Đổi mới công tác quy hoạch đô thị góp phần nâng cao hiệu quả quản lý đô thị” do Viện khởi xướng đã được giới chuyên môn đánh giá cao về tư duy đột phá trong công tác quy hoạch đô thị.

Công tác NCKH đã đáp ứng một số vấn đề nóng, cấp bách do thực tế quản lý nhà nước và xã hội đặt ra như: Đổi mới công tác lập quy hoạch đô thị và vùng; Nghiên cứu về Không gian công cộng có tính đến sự tham gia cộng đồng và BĐKH; Các đề tài nghiên cứu phục vụ chiến lược tăng trưởng xanh của Chính phủ, chương trình phát triển bền vững vùng Tây Bắc... Số lượng các đề tài, nội dung phong phú thiết thực. Kết quả nghiên cứu của các đề tài là những nội dung quan trọng góp phần khắc phục những khoảng trống trong công tác quản lý nhà nước về quy hoạch đồng thời góp phần hoàn thiện dần hệ thống văn bản pháp quy, quy chuẩn, tiêu chuẩn về quy hoạch xây dựng.

Các quy chuẩn, tiêu chuẩn, thiết kế điển hình:

Tham gia xây dựng Quy chuẩn quốc gia về QHXD nông thôn, nhằm phục vụ cho đề án xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới cấp xã, theo chỉ đạo của Chính phủ (TT số 32/2009/TT-BXD ngày 10/9/2009) và Tiêu chuẩn QHXD nông thôn phục vụ cho công tác lập QHXD nông thôn mới tại các xã điểm theo chỉ đạo của BCHTW (TT số 31/2009/TT-BXD ngày 10/9/2009);

Nghiên cứu 19 tiêu chuẩn thuộc lĩnh vực thiết kế công trình và chấp nhận tiêu chuẩn quốc tế ISO. Trình Bộ ký ban hành 03 tập thiết kế điển hình về Nhà ở công nhân khu công nghiệp, Công sở làm việc cấp xã áp dụng cho vùng núi, vùng ngập lũ, Thiết kế điển hình bộ phận nhà ở vùng bão lụt.

Nghiên cứu dự thảo Quy chế quản lý kiến trúc - xây dựng và quản lý sử dụng khuôn viên trung tâm Hội nghị quốc gia; Xây dựng Quy chế quản lý kiến trúc tuyến đường Láng - Hoà Lạc; Tham gia xây dựng dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng và quy hoạch đô thị thay thế QCXDVN 01-2008; Quy chuẩn kỹ thuật về quy hoạch, kiến trúc tại khu vực các quận Hoàn Kiếm, Đống Đa, Ba Đình, Hai Bà Trưng thành phố Hà Nội.

Công tác quy hoạch xây dựng:

Viện đã được Bộ Xây dựng và các địa phương trong cả nước giao lập quy hoạch xây dựng các vùng, liên vùng, các đô thị quan trọng của đất nước, góp phần phục vụ quản lý Nhà nước về phát triển vùng và đô thị.

Thực hiện Nghị quyết số 15/2008/QH12 ngày 29/5/2008 của Quốc hội về mở rộng ranh giới hành chính Thủ đô Hà Nội, Viện tham gia chính trong đồ án QHC xây dựng thủ đô Hà Nội mở rộng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là đồ án có ý nghĩa đặc biệt quan trọng xây dựng Thủ đô hướng đến nền kinh tế tri thức và thành phố “xanh - văn minh - văn hiến - hiện đại”. Riêng trên địa bàn thành phố Hà Nội, Viện đã được UBND TP Hà Nội giao triển khai 19 đồ án QHC các đô thị vệ tinh, huyện và thị trấn sinh thái sau khi QHC Hà Nội mở rộng được phê duyệt.

Quy hoạch xây dựng dọc tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn Hoà Lạc - Pác Bó, đoạn Bình Phước - Cà Mau; Vùng trung du miền núi phía Bắc; Quy hoạch xây dựng vùng trung du và miền núi Bắc Bộ; QHXD vùng tỉnh Phú Yên, Kiên Giang… vùng Nam Phú Yên - Bắc Khánh Hòa, Quy hoạch xây dựng: Vùng Nam Hà Tĩnh - Bắc Quảng Bình; vùng chiến khu ATK; công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn - Hà Giang, Điều chỉnh QHC và QHCT Đại học Quốc gia, Hà Nội...

Đối với các địa phương, doanh nghiệp, Viện cũng là đơn vị tư vấn tin cậy có uy tín tham gia thực hiện các loại hình đồ án quy hoạch xây dựng. Viện thực hiện nhiều đồ án quy hoạch xây dựng vùng như: Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Thái Nguyên, Đắc Lắk, Bắc Kạn, Cao Bằng, Điện Biên; Quy hoạch chất thải rắn vùng tỉnh Bắc Ninh, Nam Định; Quy hoạch xây dựng vùng huyện Hải Hà, Quảng Ninh, điều chỉnh QHC xây dựng huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang; TP Điện Biện; Điều chỉnh quy hoạch chung các đô thị: TP. Quy Nhơn, TP. Việt Trì, TP. Phủ Lý, TP. Thái Nguyên, thị trấn SaPa, TP. Vũng Tàu, TP. Buôn Ma Thuột, TP. Hạ Long, Tịnh Biên, TP Điện Biên, TP Lạng Sơn, đô thị Phố Nối, TP Quảng Ngãi, TP Rạch Giá, TP Hòa Bình, TP Đà Lạt, TP Nha Trang…

Tư vấn QHC và QHCT các khu kinh tế: ĐCQHC khu kinh tế Dung Quất; Đông Nam Nghệ An, Phú Yên, cửa khẩu Cầu Treo, cửa khẩu Đồng Đăng, cửa khẩu Hoa Lư…. QHCXD khu du lịch Tràng An - Ninh Bình; Cửa khẩu Long An, Móng Cái, Cảng biển Vũng Áng, Đông Nam Quảng Trị, Ninh Cơ...

Các đồ án đòi hỏi nghiên cứu sâu trong lĩnh vực chuyên ngành Viện là đơn vị có nhiều kinh nghiệm triển khai đồ án như: Quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích Thành cổ Hà Nội, Quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích Cổ Loa, Quy hoạch chung xây dựng vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, Quy hoạch chi tiết di sản Vịnh Hạ Long, Quy hoạch chung thị trấn sinh thái Trúc Sơn.

Giai đoạn này thực hiện chủ trương của Bộ trong lĩnh vực đưa thiết kế đô thị vào trong quản lý thực tiễn, Viện đã thực hiện các đồ án thiết kế đô thị thuộc dự án thí điểm của Bộ Xây dựng tại Quảng Ninh và Cần Thơ, nhiều đồ án thiết kế đô thị đã được Viện thực hiện tại địa phương như: Thiết kế đô thị vành đai đi bộ Bãi Cháy - thành phố Hạ Long, Thiết kế đô thị trục đường Nguyễn Văn Cừ - thành phố Hạ Long...

Thực hiện Quyết định 1659 của Chính phủ về Chương trình phát triển đô thị quốc gia đến năm 2020, Viện cũng đã tích cực giúp địa phương lập nhiều Chương trình phát trình phát triển đô thị trên các địa bàn tỉnh như: Đồng Nai, Khánh Hòa, Thừa Thiên Huế, thành phố Quy Nhơn - tỉnh Bình Định... và thực hiện nhiều đề án nâng cấp đô thị, quy chế quản lý đô thị trên toàn quốc. 

Nhiều đồ án được công bố quy hoạch giúp các địa phương quản lý phát triển đô thị như: Điều chỉnh Quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội, Quy hoạch xây dựng vùng Trung du và miền núi phía Bắc, Quy hoạch xây dựng vùng Nam Hà Tĩnh - Bắc Quảng Bình, Quy hoạch xây dựng vùng Tây Nguyên, Quy hoạch Vùng tỉnh Đăk Lăk, Điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Hạ Long, Điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Buôn Ma Thuột...

Công tác thiết kế kiến trúc:

Lập tổng mặt bằng Nhà Quốc hội; Nhà dừng chân “Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Trụ sở Viện Kinh tế, nhà làm việc mới Bộ Tư pháp. Trụ sở tỉnh ủy Phú Thọ, trung tâm hành chính TP Huế… Thi công mỹ thuật một số công trình: Quảng trường và nhà văn hoá TT tỉnh Quảng Trị, Làm phù điêu trang trí tại Hạ Long, một số hạng mục thuộc Trung tâm Hội nghị quốc tế.

Tư vấn thiết kế kiến trúc cũng là một trong những mảng hoạt động theo chức năng nhiệm vụ của Viện. Một số dự án điển hình thuộc loại hình này Viện đã và đang triển khai giai đoạn này như: Thiết kế thi công Cung quy hoạch hội chợ triển lãm Quảng Ninh, thiết kế ý tưởng Trung tâm hội chợ triển lãm quốc gia (phối hợp với Công ty Sdesign); thiết kế sân vườn Bảo tàng Hồ Chí Minh; Lập hồ sơ dự án đầu tư XD công trình, tổ hợp chung cư cao tầng Ecocity quận Long Biên; Lập dự án đầu tư XD Viện Khoa học kỹ thuật hạt nhân; Thiết kế bản vẽ thi công nhà học đa năng - trường Cao đẳng xây dựng công trình đô thị, khu nhà ở Minh Đức; tư vấn giám sát công trình chung cư 82 Nguyễn Tuân, Nhà máy thuốc lá Thăng Long, bệnh viện đa khoa Thái Nguyên; và một số dự án tư vấn quản lý dự án, tư vấn đấu thầu, thí nghiệm kiểm định chất lượng công trình XD, tư vấn thẩm tra hồ sơ thiết kế, dự toán công trình..

Công tác đào tạo:

Hoàn thành hồ sơ bảo vệ hội đồng cấp nhà nước cho 01 nghiên cứu sinh. Hoàn thành đề án mở mã ngành đào tạo tiến sỹ chuyên ngành quy hoạch vùng và đô thị trình Bộ GDĐT phê duyệt.

Thực hiện chương trình Quy hoạch Môi trường đô thị Việt Nam do Liên minh Châu Âu (EC) tài trợ thực hiện từ 2004 - 2009 với 11 khoá đào tạo có sự tham gia của khoảng 330 lượt học viên là các cán bộ vùng Đồng bằng Sông Cửu Long. Dự án hỗ trợ kỹ thuật xây dựng năng lực lập quy hoạch và quản lý đô thị do JICA tài trợ.

Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nghiên cứu kiến trúc quy hoạch

Nhiều đồ án quy hoạch Viện thực hiện có sự phối hợp của tư vấn nước ngoài. Hình thức hợp tác này tận dụng được mặt mạnh của tư vấn nước ngoài, tiết kiệm chi phí cho chủ đầu tư và quan trọng hơn là khẳng định được vị trí, uy tín của Viện trong lĩnh vực quy hoạch xây dựng.

Viện đã phối hợp với liên danh PPJ (Mỹ - Hàn Quốc) để nghiên cứu đồ án Quy hoạch chung XD Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Hợp tác với WATG Singapore Inc - Mỹ thực hiện ĐC QHC XD đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Hợp tác với DDG (Mỹ) NC QHC XD thành phố Quảng Ngãi; phối hợp với Woodhead Pty Ltd (Úc) thực hiện QHC XD khu kinh tế Dung Quất. Hợp tác với các chuyên gia Pháp, Úc, Singapore thực hiện dự án bảo tồn, tôn tạo di tích Thành cổ và Thành Cổ Loa phục vụ Đại lễ 1000 năm Thăng Long, Hà Nội. Phối hợp với Tư vấn của Cộng hòa Pháp để nghiên cứu đồ án Điều chỉnh QHXD vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Hợp tác với AREP (Pháp) NC Điều chỉnh QHC: thành phố Phủ Lý tỉnh Hà Nam, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên, thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng.

Hợp tác với tư vấn Singapore Inc thực hiện ĐCQHC thành phố Buôn Ma thuột, tỉnh Đắc lắc. Hợp tác với nhóm chuyên gia 3RockD (Mỹ) NC QHC XD công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Tiếp tục xây dựng và mở rộng mối quan hệ với các tổ chức, cơ quan quốc tế có hợp tác với Viện như WB, JICA, Vùng Ile de France, Koica, Krihs (Hàn Quốc), quỹ Rockeffeller, USAID (Mỹ), Công ty Hansen Partnership (Úc), ADB, SIDA (Thụy Điển), quỹ phát triển Bắc Âu (NDF)...

Tổ chức làm việc, ký kết các biên bản ghi nhớ hợp tác với các đối tác nước ngoài như: Tổng cục quản lý đất đai và quy hoạch đô thị Cămpuchia, Phó đô trưởng Thủ đô Viêng Chăn (Lào), Viện nghiên cứu quy hoạch miền Tây Trung Quốc, Viện nghiên cứu định cư Hàn Quốc, Công ty Kume Design Asia, Đại học KU Leuven (Bỉ)…

Hoạt động hợp tác giữa Viện với các tổ chức quốc tế, các viện nghiên cứu, trường đại học của nước ngoài, ngày càng phát triển. Viện đã hợp tác nghiên cứu với nhiều nước và nhiều tổ chức khoa học quốc tế và nước ngoài như: Trường đại học Tổng hợp Lund (Thụy Điển); Hiệp hội tiêu chuẩn Úc, Đại học tổng hợp Xây dựng Xôphia (Bungary), Đại học Nữ Chiêu Hoàng (Nhật bản), trường Đại học tổng hợp Macrche (Italia), Trung tâm hợp tác quốc tế CECI (Canađa), Uỷ ban Tổng thống Mỹ về người tàn tật, Viện nghiên cứu Kiến trúc Bắc Kinh (Trung Quốc), Đại học Xây dựng Matxcơva (Nga), để nghiên cứu các vấn đề về lĩnh vực kiến trúc và tiêu chuẩn hóa xây dựng.

Triển khai nhiệm vụ thường xuyên về ”Phổ biến nghiệp vụ cho các địa phương về lập và quản lý QHXD, phát triển đô thị và hạ tầng kỹ thuật”. Phối hợp với Học viện nông nghiệp, Hiệp hội công viên cây xanh Việt Nam, tổ chức 3 khóa đào tạo và cấp chứng chỉ tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh về chủ đề ”Thiết kế đô thị và cây xanh, cảnh quan” cho hơn 250 cán bộ của Viện và 26 tỉnh, thành khu vực phía Bắc, Nam Trung bộ và Nam Bộ. Tháng 4/2016 mở lớp đào tạo “Thiết kế đô thị và cây xanh, cảnh quan” cho khoảng 120 cán bộ của Viện và các tỉnh khu vực Trung trung bộ và Tây Nguyên.

Tổ chức các hội thảo chuyên đề như: Hội thảo chuyên đề Thiết kế cảnh quan phối hợp với chuyên gia Đại học Kiến trúc và cảnh quan Bordeaux (Pháp); Hội thảo chuyên đề “Đảo nhiệt đô thị với Quy hoạch chung Hà Nội” phối hợp với Đại học Hiroshima (Nhật); Hội thảo “Hướng tới quy hoạch đô thị toàn diện về KTXH, sử dụng đất, giao thông vận tải và môi trường” phối hợp với Ban chỉ đạo ĐTXD vùng Thủ đô-BXD và Đại học Kyoto (Nhật).
Tổ chức các đoàn cán bộ của Viện đi dự hội thảo, tham quan học tập nước ngoài, tham gia các khoá đào tạo nước ngoài tại các nước Nhật, Nga, Hàn Quốc, Thái Lan….

Tham gia hội thảo ”Diễn đàn các nhà lập pháp châu Á trong lĩnh vực quy hoạch đô thị” tổ chức tại Seoul - Hàn Quốc.

Tạp chí quy hoạch xây dựng:

Tạp chí Quy hoạch xây dựng được xuất bản định kỳ 2 tháng 1 số, phát hành trên toàn quốc, là tờ tạp chí chuyên ngành hàng đầu về quy hoạch và phát triển đô thị. Các ấn phẩm tạp chí với các chủ đề luôn bám sát đến các vấn đề thời sự của ngành và của xã hội như: Phong thủy trong QH-KT, QHĐT hướng tới tăng trưởng xanh, Không gian công cộng trong đô thị, Tham vấn về dự thảo Luật quy hoạch, QH ứng phó với biến đổi khí hậu. Đặc biệt, tạp chí đã xuất bản các tập san chuyên đề như chuyên đề về Nhà ở xã hội... Bên cạnh đó, chương trình Café Kiến trúc diễn ra đều đặn đã trở nên quen thuộc với giới phê bình lý luận kiến trúc và báo chí truyền thông khi luôn cập nhật các vấn đề mang tính thời sự trong công tác kiến trúc và quy hoạch xây dựng. Trang WEB luôn cập nhật đầy đủ, thường xuyên và kịp thời các hoạt động chuyên môn của Viện.

Giải thưởng quy hoạch, kiến trúc quốc gia:

Với những đóng góp song hành cùng sự phát triển nền Kiến trúc nước nhà, Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia đã trở thành cái tên được vinh danh nhiều nhất tại Giải thưởng Kiến trúc quốc gia các năm.

* Giải thưởng quốc tế:

- Năm 2009, Cuộc thi Ý tưởng quy hoạch chi tiết khu đô thị mới, khu công viên vui chơi giải trí và công viên khoa học Gia Lâm - Giải Ba.

- Năm 2012,cuộc thi ý tưởng thiết kế tổ hợp thương mại, văn hóa, bảo tàng TP. Hạ Long- Giải nhất.

- Năm 2012, cuộc thi ý tưởng quy hoạch phân khu trung tâm đô thị,Thương mại, dịch vụ tài chính Nha Trang - Giải nhất.

- Năm 2012, cuộc thi ý tưởng quy hoạchphân  khu khu đô thị đại học tỉnh Vĩnh Phúc - Giải nhì.

- Năm 2014, cuộc thi thiết kế trung tâm hành chính tập trung tỉnh Khánh Hòa - Giải nhì (duy nhất).

* Giải thưởng trong nước:

- Năm 2010, 03 giải Ba, gồm QH chung xây dựng Khu kinh tế Nam Phú Yên đến 2025; QH chi tiết xây dựng Khu du lịch và phim trường VinaUniversal, Sa Huỳnh, Quảng Ngãi; QH chi tiết xây dựng Khu đô thị trung tâm - Khu kinh tế Vũng Áng, Hà Tĩnh;01 giải khuyến khích: QH chi tiết xây dựng khu du lịch Kỳ Ninh - Khu kinh tế Vũng Áng, Hà Tĩnh;

- Năm 2010, ấn phẩm Tạp chí Kiến trúc Việt Nam, Giải nhì.

- Năm 2016. Dự án thiết kế xây dựng Cung Quy hoạch Kiến trúc tỉnh Bắc Ninh, Giải nhì (Không có giải nhất ); PGS. TS. Lưu Đức Cường được mạng lưới các thành phố Châu Á chống chịu với biến đổi khí hậu trao giải thưởng toàn cầu của tháng 9 cho những đóng góp về nghiên cứu ứng phó với BĐKH ở Việt Nam.

Giải nhì (Không có giải nhất) Phương án tổ chức giao thông và các giải pháp chống ùn tắc giao thông trên địa bàn TP.Hà Nội đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Giải Vàng-Giải thưởng Kiến trúc quốc gia 2016-2017: QH phân khu Khu vực ven Đầm Nại, Ninh Hải, Ninh Thuận

Giải Bạc-  Giải thưởng Kiến trúc quốc gia 2016-2017: Quy hoạch chung thị xã sông Cầu – tỉnh Phú Yên đến năm 2020 định hướng đến năm 2030.

Giải Đồng – Giải thưởng Kiến trúc quốc gia 2016-2017: Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích thành Cổ Loa tỷ lệ 1/2000.

Giải nhất -Cuộc thi tuyển P.A QHC TP. Long Xuyên tỉnh An Giang đến 2035, tầm nhìn 2050

Giải nhất - Cuộc thi Ý tưởng quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 Khu Trung tâm logistics Cái Mép Hạ, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Giải nhì - Cuộc thi Ý tưởng QHPK tỷ lệ 1/2000 Khu du lịch Lâm Viên Núi Dinh – Bà Rịa Vũng Tàu

* Các giải thưởng kiến trúc

- Cuộc thi thiết kế kiến trúc trụ sở các cơ quan Đảng, UBND, HDND tỉnh Cao Bằng - Giải Nhì.

- Cuộc thi thiết kế kiến trúc trụ sở Ban quản lý khu kinh tế Đông Nam Nghệ An- Giải Nhất.

- Cuộc thi thiết kế Trung tâm hành chính tập trung thành phố Huế- Giải Nhất.

- Cuộc thi thiết kế ý tưởng cột đồng hồ tại phường Bạch Đằng, TP.Hạ Long - Giải nhất.

- Phương án được bình chọn nhiều nhất và lựa chọn để thi công Cuộc thi thiết kế biểu tượng thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình.

- Cuộc thi thiết kế trung tâm Hành Chính tỉnh Hải Dương - Giải Ba.

- Cuộc thi “Thi tuyển P.A Kiến trúc công trình Nhà hát dân ca quan họ Bắc Ninh” - Giải nhì.

VII. THỜI KỲ 2016 - NAY:

1. Công tác phục vụ quản lý nhà nước:

Công tác tham gia phục vụ quản lý Nhà nước của Bộ Xây dựng, được Viện đẩy mạnh trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là đóng góp hoàn thiện các văn bản pháp quy của ngành trong lĩnh vực về quy hoạch xây dựng, phát triển đô thị và nhà ở cụ thể như sau: - Tham gia các tổ biên tập soạn thảo văn bản pháp luật của Bộ Xây dựng: Luật quản lý phát triển đô thị 2018; Đề án hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật ngành Xây dựng đến năm 2021 tầm nhìn đến năm 2030; Luật quy hoạch 2017; Thông tư hướng dẫn mẫu hợp đồng dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt; Xây dựng dự thảo thông tư về thời hạn bảo quản hồ sơ, tài liệu hình thành phổ biến trong hoạt động của ngành xây dựng; Thông tư sửa đổi, bổ sung thông tư số 05/2017/TT-BXD về định mức chi phí QHXD, QHĐT; Dự thảo danh mục bí mật nhà nước ngành xây dựng, Thông tư hướng dẫn tiêu chí đô thị tăng trưởng xanh năm 2018…

- Tham gia Tổ biên tập và Bộ phận giúp việc chuẩn bị báo cáo đánh giá tình hình thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 của ngành Xây dựng; Tham gia tổ biên tập xây dựng báo cáo và bộ phận giúp việc cho báo cáo đánh giá việc thực hiện đột phá chiến lược về phát triển kết cấu hạ tầng trong giai đoạn 2011-2020 và vấn đề đặt ra trong giai đoạn 2021-2030, kế hoạch 5 năm 2021-2025 của ngành Xây dựng; Tham gia tổ biên tập và bộ phận giúp việc về xây dựng báo cáo đánh giá quá trình đô thị hóa ở Việt Nam giai đoạn 2011-2020 và mục tiêu nhiệm vụ của giai đoạn 2021-2030, kế hoạch 5 năm 2021-2025, phục vụ xây dựng Văn kiện đại hội Đảng 13. Tham gia Tổ chuyên gia liên ngành giúp việc Ban chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản theo QĐ số 59/QĐ-BCĐNQ&TTBĐS ngày 21/01/2020. Tham gia Tổ Biên tập xây dựng Đề án “Phát triển đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Tham gia soạn thảo báo cáo thực trạng công tác quy hoạch và cơ chế phối hợp liên vùng trong quá trình đô thị hóa Việt Nam giai đoạn 2010-2020, những vấn đề đặt ra và các  giải pháp và kiến nghị cho giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo yêu cầu của Ban Kinh tế Trung ương.

- Tham gia Ban soạn thảo và Tổ Biên tập xây dựng Đề án “Đổi mới phương pháp quy hoạch đô thị và phát triển đô thị”.

- Tham gia góp ý các văn bản pháp luật: dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật kinh doanh bất động sản, Luật quy hoạch đô thị, Luật quản lý phát triển đô thị, Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch; Dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về An toàn cháy cho nhà và công trình, Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về Nhà chung cư; Quy chế quản lý Kiến trúc của Luật Kiến trúc; Thông tư hướng dẫn xác định các chi phí lập đề án phân loại đô thị, chương trình phát triển đô thị và hồ sơ đề xuất khu vực phát triển đô thị; Thường trực Ban tiêu chuẩn quy hoạch - hạ tầng kỹ thuật: Xây dựng danh mục rà soát và định hướng xây dựng mới hệ thống tiêu chuẩn. Chủ trì đính chính, sửa đổi một số nội dung của Quy chuẩn xây dựng Việt Nam 01:2019 về quy hoạch xây dựng. Đầu mối soạn thảo trình Bộ Xây dựng ban hành Thông tư ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Quy hoạch xây dựng (QCVN 01:2021/BXD); Tham gia nghiên cứu các quy chuẩn, tiêu chuẩn về nhà ở đô thị, nhà ở nông thôn, nhà cao tầng, các loại hình công trình đặc thù như căn hộ khách sạn (Condotel), Văn phòng kết hợp lưu trú (Officetel), biệt thự nghỉ dưỡng (Resort), Nhà ở kết hợp thương mại (Shophouse);

- Tham gia góp ý vào các chiến lược, chương trình đề án của Bộ Xây dựng như: “Chiến lược phát triển đô thị Việt Nam”; Kế hoạch hành động của ngành Xây dựng triển khai Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững. Góp ý kiến và đề xuất xây dựng kế hoạch triển khai của Bộ Xây dựng thực hiện quyết định phê duyệt “Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018-2025 và định hướng đến năm 2030”; Kế hoạch phòng chống thiên tai quốc gia giai đoạn 2021-2025. Kế hoạch phát triển đô thị tăng trưởng Xanh của Bộ Xây dựng;

- Tham gia các tổ công tác của Bộ Xây dựng về biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh; Về công tác tổ chức APEC 2017; Tham gia Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của Bộ Xây dựng,

- Lập Nhiệm vụ Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

- Là thành viên các hội đồng thẩm định các đề tài Nghiên cứu khoa học, các đồ án quy hoạch, các tiêu chuẩn, quy chuẩn do Bộ Xây dựng chủ trì. Phối hợp với các Cục, Vụ chức năng của Bộ để trả lời các văn bản của địa phương có liên quan trong công tác quy hoạch và kiến trúc đô thị. Tham gia nghiên cứu, tọa đàm, trao đổi góp ý nhằm góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hệ thống qui hoạch xây dựng Việt Nam.

- Tham gia Hội đồng tư vấn tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng của Bộ Xây dựng với tư cách trưởng Tiểu ban Quy hoạch xây dựng, hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị và nông thôn.

2. Công tác nghiên cứu khoa học:

Nghiên cứu khoa học là nhiệm vụ được ưu tiên hàng đầu của Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia. Với vai trò là Viện nghiên cứu đầu ngành về Quy hoạch phát triển đô thị và nông thôn, Viện luôn bám sát thực tiễn các vấn đề cấp thiết, hoặc chủ động đề xuất nghiên cứu các đề tài “Nóng”, mang tính chất thời sự trong xã hội. Đặc biệt, trong giai đoạn từ 2017-2021, Viện đã thực hiện nhiều đề tài trọng điểm của Bộ Xây dựng có giá trị thực tiễn và khoa học cao, trong đó 30 đề tài nghiên cứu khoa học, dự án sự nghiệp kinh tế cấp Nhà nước, cấp Bộ Xây dựng, cấp thành phố đã được nghiệm thu.

Các đề tài nghiên cứu đã góp phần xây dựng cơ sở khoa học cho công tác hoạch định chính sách phát triển của Bộ Xây dựng và các tỉnh thành trong cả nước. Một số đề tài được nghiệm thu và trở thành tài liệu tham khảo có giá trị cho Ngành và các Cục, Vụ chức năng của Bộ Xây dựng. Kết quả này đã chứng minh năng lực và vai trò tiên phong của Viện trong ngành xây dựng, luôn chủ động và không ngừng nghiên cứu để góp phần giải quyết các vấn đề tồn tại trong thực tiễn quản lý và phát triển đô thị tại Việt Nam. Một số nghiên cứu quan trọng có thể kể đến như sau:

- Đề tài NCKH độc lập cấp Nhà nước: Nghiên cứu đổi mới toàn diện công tác lập quy hoạch đô thị ở Việt Nam.

- Đề tài NCKH trọng điểm Bộ Xây dựng: Đổi mới Phương pháp luận Quy hoạch và quản lý phát triển đô thị.

- Đề tài NCKH trọng điểm Bộ Xây dựng: Nghiên cứu hướng dẫn QHĐT, QH nông thôn trong khu vực chịu ảnh hưởng của lũ ống, lũ quét, sạt lở đất - Vùng trung du miền núi phía Bắc.

- Đề tài NCKH trọng điểm Bộ Xây dựng: Nghiên cứu xây dựng hướng dẫn lập quy hoạch cao độ nền và thoát nước mặt theo định hướng phát triển bền vững

- Để tài NCKH trọng điểm Bộ Xây dựng: Nghiên cứu giải pháp quy hoạch đô thị nén phát triển bền vững

- Đề tài NCKH theo nghị định thư Việt Nam-Cu ba: Giải pháp quy hoạch không gian công cộng ven biển các đô thị du lịch nhằm tăng cường khả năng tiếp cận của cộng đồng và thích ứng với BĐKH.

- Đề tài Soát xét Quy chuẩn Việt Nam về Quy hoạch xây dựng

- Điều chỉnh Định hướng Quy hoạch phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đến 2035 tầm nhìn đến 2050 có tính đến yếu tố biến đổi khí hậu

- Điều tra khảo sát, đánh giá đề xuất kế hoạch phát triển đô thị tăng trưởng xanh Việt Nam và triển khai thí điểm.

- Rà soát và kiến nghị điều chỉnh quy hoạch đô thị và Kế hoạch hành động cải tạo đô thị theo CLQG về TTX và Xác định nhu cầu cải tạo đô thị phát triển bền vững theo chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh - Mã số VCEP001-VIAURP

- Hỗ trợ Quá trình và thúc đẩy thể chế hóa Chiến lược phát triển đô thị (CDS) ở cấp Quốc gia - Mã số D415-SSAOC16-004

3. Công tác lập đồ án quy hoạch xây dựng:

Là đơn vị đầu ngành trong lĩnh vực quy hoạch đô thị, Viện luôn đặt trọng tâm công tác chuyên môn vào việc tham gia triển khai các đồ án quy hoạch đô thị. Trong giai đoạn từ năm 2017 đến 2021 đã có hơn 100 đồ án quy hoạch các loại (Từ quy hoạch xây dựng vùng, quy hoạch chung đô thị, quy hoạch chung xây dựng, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, chương trình phát triển đô thị…) do Viện thực hiện được các cấp chính quyền phê duyệt, đặc biệt trong đó có 17 đồ án cấp Thủ tướng chính phủ phê duyệt như:

- Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Bình Định đến năm 2035

- Điều chỉnh quy hoạch xây dựng Vùng tỉnh Bắc Ninh đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050

- Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Đồn đến năm 2040

- Điều chỉnh quy hoạch chung TP. Nam Định đến năm 2040, tầm nhìn 2050

-Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia Mộc Châu, tỉnh Sơn La đến năm 2030

- Điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Nhơn Hội, tỉnh Bình Định đến năm 2040

- Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đến năm 2035

- Quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế Thái Bình đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050

Năm 2019, Luật Quy hoạch bắt đầu có hiệu lực và Viện được giao thực hiện một số đồ án Quy hoạch Tỉnh. Đây là loại hình đồ án mới theo Luật quy hoạch nên còn tồn tại nhiều vấn đề thiếu cụ thể, rõ ràng, gây khó khăn trong quá trình triển khai. Tuy nhiên, bằng bề dày kinh nghiệm trong suốt 65 năm qua, Viện cũng đã khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt hợp phần nghiên cứu đúng tiến độ và yêu cầu chất lượng. Quy hoạch tỉnh Bắc Giang là đồ án Quy hoạch tỉnh đầu tiên được VIUP thực hiện cùng với 04 liên doanh tư vấn, ngoài ra còn có sự phối hợp với toàn bộ các bộ máy hành chính cấp sở ngành và các huyện trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Trên cơ sở đánh giá thực trạng, định hướng phát triển và nguồn lực của các ngành và địa phương, bảo vệ các không gian quan trọng, VIUP đã xây dựng một hợp phần quy hoạch tổng thể có tính thực tiễn và mức độ tích hợp cao.

Cùng với việc hoàn thành đồ án Quy hoạch tỉnh Bắc Giang, Viện còn đang triển khai nhiều đồ án QHT khác như: QHT Hà Giang, Quảng Trị, Long An, Hòa Bình, Yên Bái, Nghệ An, Cao Bằng, Bà Rịa-Vũng Tàu; tham gia hợp phần quy hoạch đô thị và nông thôn trong các đồ án QHTP Đà Nẵng, Quy hoạch tổng thể quốc gia phối hợp với Viện Chiến lược Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Kinh nghiệm triển khai các đồ án Quy hoạch Tỉnh đầu tiên này đã được VIUP kịp thời đúc rút để hoàn thiện thành quy trình nghiên cứu, phương án phối hợp với các đối tác chuyên môn và chính quyền địa phương cho các đồ án QHT tiếp theo. VIUP cũng đang xây dựng kế hoạch chuẩn hóa ứng dụng phần mềm Mapinfor, ArcGis trong thể hiện hồ sơ đồ án Quy hoạch Tỉnh nhằm tạo điều kiện kết nối thống nhất với các sản phẩm nghiên cứu của các đơn vị đối tác triển khai đồ án QHT Bên cạnh các đồ án Quy hoạch tỉnh, Viện cũng đang tập trung triển khai nhiều đồ án QHXD khu kinh tế, Khu Du lịch quốc gia, Quy hoạch chung đô thị quan trọng như: Điều chỉnh tổng thể QHC Khu kinh tế Vân Đồn, Phú Quốc, Vân Phong; Các khu kinh tế ven biển: Thái Bình, Chu Lai, Dung Quất, Nam Phú Yên, Bình Định; ĐC QHCXD Khu Kinh tế Vân Phong; Điều chỉnh QHC Khu Kinh tế cửa khẩu Móng Cái; QHC Khu du lịch quốc gia Mộc Châu, KDL quốc gia lòng hồ Hòa Bình; KDL Quốc gia Sapa. Các đồ án QHXD Khu Kinh tế có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong chiến lược xây dựng và phát triển của Tỉnh và quốc gia, là cơ sở pháp lý quan trọng trong việc quản lý đầu tư xây dựng, thu hút các nhà đầu tư vào Việt Nam. Ngoài ra, Viện còn thực hiện lập quy hoạch một số đô thị lớn như: Điều chỉnh QHC thành phố Hạ Long, TP. Hải Phòng, TP. Nam Định...

Ngoài các đồ án quy hoạch đô thị, Viện đã và đang thực hiện nhiều đồ án quy hoạch xây dựng phát triển nông thôn, các đồ án chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật và môi trường và chương trình phát triển đô thị như:

- Thực hiện thí điểm quy hoạch xây dựng vùng huyện nông thôn mới theo QĐ số 676/QĐ-TTg về việc phê duyệt đề án xây dựng nông thôn mới trong quá trình đô thị hóa trên địa bàn cấp huyện giai đoạn 2017 – 2020, cụ thể tại các huyện Đức Trọng tỉnh Lâm Đồng, huyện Bảo Thắng - tỉnh Lào Cai, huyện Lạng Giang - tỉnh Bắc Giang;

- Quy hoạch cấp nước vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ đến năm 2030 và định hướng đến năm 2050; Quy hoạch cấp nước vùng tỉnh Hòa Bình, Hà Nam đến năm 2030; Quy hoạch xử lý chất thải rắn Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch tổng thể hệ thống cây xanh thành phố Cần Thơ đến năm 2030...

- Chương trình phát triển đô thị tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2015- 2020 và định hướng 2035; Chương trình phát triển đô thị tỉnh Hòa Bình đến năm 2030, Chương trình phát triển đô thị tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030...

4. Công tác thiết kế kiến trúc, khảo sát, kiểm định:

Trong giai đoạn 2017-2021, Viện đã và đang thực hiện nhiều hợp đồng thiết kế kiến trúc công trình, tư vấn khảo sát; lập mô hình; thẩm tra; kiểm định ....trong đó có một số công trình điển hình như: Thiết kế thi công Nhà hát biểu diễn thực cảnh “Mơ về Vịnh Hạ Long”; Thiết kế thi công trung tâm Văn hóa- Thể thaothị xã Từ Sơn; Tư vấn thiết kế sửa chữa cải tạo trụ sở Nhà xuất bản chính trị quốc gia sự thật; TKTC và lập dự toán thuộc dự án ĐTXD công viên hồ nước khu thủy tổ quan họ Bắc Ninh; TKCS và TKTC khu đô thị Tân Hoàng Mai; Thiết kế cơ sở và bản vẽ thi công Khu đô thị Đại Sơn - Chí Linh, Hải Dương; Thiết kế cơ sở Khu du lịch sinh thái Green Hill, Phú Quốc;

- Lập mô hình Quy hoạch tổng thể Bảo tồn tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích Thành cổ Hà Nội; Lập mô hình Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích thành Cổ Loa...

- Giám sát công trình xanh trường cao đẳng xây dựng công trình đô thị; Tư vấn giám sát công trình các khu nhà ở Minh Đức, Minh Giang thuộc huyện Mê Linh, Hà Nội; Tư vấn quản lý dự án tòa nhà Sky Garden 115 Định Công; Kiểm định cảng chuyên dùng nhà máy nhiệt điện Ninh Bình, Kiểm định công trình học viện báo chí và tuyên truyền; Tư vấn giám sát thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị trung tâm Thương mại và dịch vụ thị trấn Thanh Miện; Khảo sát, kiểm định cảng đường thủy nội địa Nhiệt điện Phả Lại;

- Tư vấn khảo sát, đo vẽ địa hình và lập đồ án quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia Hồ Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình đến năm 2035; Khảo sát địa hình phục vụ lập QHC đô thị Việt Yên, tỉnh Bắc Giang đến năm 2030; Khảo sát bản đồ địa hình phục vụ lập đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Hạ Long; Khảo sát bản đồ địa hình phục vụ lập đồ án Quy hoạch chung khu kinh tế Thái Bình; Khảo sát bản đồ địa hình phục vụ lập đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung khu thành phố Hà Giang. Và nhiều hợp đồng tư vấn tư vấn khảo sát địa hình phục vụ lập quy hoạch thẩm tra; kiểm định cho khắp các địa phương trên cả nước.

5. Công tác đào tạo:

Công tác đào tạo luôn được Viện coi là trọng tâm trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực, trong đó tập trung vào công tác đào tạo lại và đào tạo nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, kiến trúc sư, kỹ sư của Viện. Công tác đào tạo lại: Đội ngũ cán bộ trẻ, mới tốt nghiệp chiếm tỉ lệ khá cao, khoảng 30% đội ngũ cán bộ, đặc biệt là tại các đơn vị tư vấn, sản xuất. Trong những năm qua, Viện luôn chú trọng công tác đào tạo lại để bổ sung và hoàn thiện kiến thức chuyên môn và thực tiễn, giúp các cán bộ trẻ nhanh chóng hòa nhập với công việc chuyên môn của viện. Thông qua các hình thức đào tạo như: tổ chức các khóa đào tạo nội bộ, hội thảo chuyên đề do các chủ nhiệm đồ án, chủ trì các bộ môn có kinh nghiệm lâu năm của Viện trực tiếp truyền giảng, hàng trăm lượt cán bộ trẻ của Viện đã được đào tạo, tập huấn, từng bước nắm vững quy trình quy hoạch và vươn lên đảm đương các vị trí quan trọng như chủ trì, chủ nhiệm các đồ án quy hoạch. Công tác đào tạo nâng cao năng lực: Công tác đào tạo nâng cao năng lực được thực hiện thường xuyên, thông qua nhiều hình thức như tổ chức các khóa tập huấn nội bộ, cử cán bộ tham gia các khóa đào tạo trong và ngoài nước.

Trong các năm từ 2016 đến 2020, Viện đã tổ chức được khoảng 20 hội thảo, lớp tập huấn. Các chủ đề đào tạo luôn bám sát các yêu cầu nhiệm vụ công tác của Viện như: Phổ biến tuyên truyền kiến thức pháp luật trong lĩnh vực quy hoạch xây dựng như: phổ biến nội dung Luật Quy hoạch, Luật Xây dựng sửa đổi, Luật Quy hoạch đô thị, các quy chuẩn, tiêu chuẩn QHXD...; Bổ sung các kiến thức chuyên môn mới như: Vấn đề tích hợp trong công tác quy hoạch xây dựng; ứng dụng công nghệ GIS trong QHXD, Ứng dụng Mô hình tính toán kinh tế đô thị CUE (tích hợp giao thông và sử dụng đất), Mô hình thông tin công trình (BIM) trong quy hoạch đô thị, Phương pháp luận nghiên cứu khoa học và quy hoạch tích hợp, Quy hoạch đô thị xanh, đô thị thông minh. Công tác đào tạo ngoại ngữ và tin học cho cán bộ cũng được thực hiện hàng năm với các khóa đào tạo tiếng Anh chuẩn B1 châu Âu, Sử dụng phần mềm AcrGis, Mapinfo…

Bên cạnh công tác đào tạo nội bộ, với vai trò chức năng là một Viện đầu ngành trong lĩnh vực Quy hoạch xây dựng, Viện được Bộ Xây dựng giao thực hiện công tác đào tạo nâng cao năng lực quy hoạch và quản lý quy hoạch cho cán bộ lãnh đạo, chuyên môn, các đơn vị tư vấn địa phương. Từ 2016-2020, Viện đã tổ chức được 07 khóa đào tạo cho cán bộ các Sở Xây dựng, UBND các tỉnh, thành trên toàn quốc, tổ chức tại: Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ, Gia Lai, Bắc Giang, về các chủ đề như: Tác động của Luật Quy hoạch đến công tác quản lý quy hoạch tại địa phương, Thiết kế cảnh quan, Quản lý phát triển đô thị... Cùng với công tác đào tạo do Viện tiến hành, các chuyên gia, cán bộ của Viện cũng tích cực tham gia phối hợp đào tạo với các trường đại học, học viện đào tạo cán bộ thuộc Bộ Xây dựng cũng như các tỉnh thành địa phương trong công tác đào tạo sinh viên ngành quy hoạch đô thị và đào tạo sau đại học; hỗ trợ thực tập sinh do các trường đại học trong và ngoài nước như: Đại học Kiến trúc Hà Nội, Đại học Xây dựng, Đại học Seoul Hàn Quốc, tham gia các lớp tập huấn về chuyên môn và phổ biến văn bản pháp luật cho cán bộ địa phương...

6. Công tác hợp tác quốc tế trong lĩnh vực quy hoạch kiến trúc:

Công tác hợp tác quốc tế luôn là điểm sáng trong công tác chuyên môn của Viện giai đoạn vừa qua. Bên cạnh việc tăng cường quảng bá hình ảnh cho Viện, công tác hợp tác còn đóng góp trực tiếp cho việc nâng cao chất lượng các công tác khác của Viện, trong đó có công tác nghiên cứu khoa học và đào tạo. Các hoạt động hợp tác quốc tế trong nghiên cứu của Viện đa dạng về hình thức và nội dung, bao gồm các lĩnh vực chính:

- Triển khai các dự án hợp tác quốc tế, các nhiệm vụ hợp tác trong khuôn khổ Nghị định thư hợp tác giữa Việt Nam và các nước: Thực hiện Đề tài Nghị định thư hợp tác với Cu Ba về: “Các giải pháp thiết kế quy hoạch không gian công cộng ven biển cho các đô thị du lịch nhằm tăng cường khả năng tiếp cận và ứng phó với biến đổi khí hậu”; “Giải pháp quy hoạch xây dựng và quản lý quy hoạch nhằm khai thác hiệu quả các nguồn lực phát triển khu kinh tế ven biển”. Đây là 02 nghiên cứu trọng điểm giữa Bộ Xây dựng và Bộ Kinh tế, Kế hoạch Cuba trong khuôn khổ Nghị định thư hợp tác Việt Nam-Cuba. Kết quả của các nghiên cứu này không những góp phần giải quyết các vấn đề phát sinh từ thực tiễn phát triển lãnh thổ của cả hai nước mà còn giúp tăng cường mối quan hệ hợp tác toàn diện, hữu nghị giữa hai nước.

Hỗ trợ quy trình và xúc tiến thể chế hóa Chiến lược phát triển thành phố (CDS) ở Cấp Quốc gia”, trong Chương trình “Hỗ trợ Chiến lược Phát triển Phát triển Thành phố có sự tham gia của cộng đồng tại 7 thành phố của Việt Nam” tài trợ từ Liên minh các Thành phố (Cities Alliance); Thực hiện dự án thoát nước Đô thị bền vững kết hợp nông nghiệp đô thị thực hiện thí điểm tại Thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc Dự án được tài trợ từ nguồn vốn ODA viện trợ không hoàn lại do quỹ phát triển Bắc Âu (NDF); Phối hợp thực hiện dự án Quy hoạch Đô thị xanh thí điểm tại Thành phố Rạch Giá tỉnh Kiên Giang và Khu đô thị Yên Bình thành phố Thái Nguyên tài trợ bởi Chính phủ Hàn Quốc, đại diện Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA); Phối hợp thực hiện dự án xây dựng chính sách tổng thể nhà ở xã hội tại Việt Nam trong giai đoạn 2021-2030 tài trợ bởi Chính phủ Hàn Quốc, đại diện Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA). Phối hợp với Sở Tài nguyên Môi trường, UBND TP. Hà Nội và Chính quyền địa phương vì sự bền vững (ICLEI) thực hiện dự án “Thành phố tham vọng” do Bộ Môi trường, Bảo tồn Thiên nhiên, Xây dựng và An toàn Hạt nhân Cộng hòa Liên bang Đức (BMUB) tài trợ.

- Hợp tác trong nghiên cứu triển khai đồ án quy hoạch xây dựng Bên cạnh hợp tác nghiên cứu cơ bản, Viện cũng chú trọng công tác hợp tác quốc tế trong triển khai nghiên cứu lập các đồ án quy hoạch xây dựng quan trọng nhằm nâng cao chất lượng đồ án nói chung và học tập các kinh nghiệm nghiên cứu, tư vấn, công nghệ tiên tiến từ các đối tác quốc tế lớn. Trong những năm qua, rất nhiều các đồ án quy hoạch tỉnh, thành phố lớn đã được Viện triển khai với sự hợp tác của các tổ chức tư vấn quốc tế lớn có uy tín như: Quy hoạch chung thành phố Hải Phòng đến năm 2035 phối hợp với tư vấn AECOM Singapore PTE.LTP; Điều chỉnh QHC KKT Phú Quốc phối hợp với WATG; Điều chỉnh QHC KKT Vân Đồn phối hợp với Arcadis & Callison RTKL; Điều chỉnh QHC KKT Vân Phong phối hợp với Boston Consulting Group (BCG)...

- Hợp tác trong đào tạo nâng cao năng lực nghiên cứu: Viện đã phối hợp với các đối tác quốc tế truyền thống như tổ chức KOICA (Hàn Quốc), JICA (Nhật Bản), các trường đại học, các tổ chính phủ Úc, New Zealand, Canada, Cuba, Singapore.. để cử hàng chục lượt cán bộ tham gia các khóa đào tạo nâng cao năng lực, đào tạo sau đại học tại các trường đại học và tổ chức nghiên cứu uy tín như: Đại học Soeul, Viện Nghiên cứu định cư Hàn Quốc...Từ 2016-2020, đã có khoảng 100 cán bộ của Viện tham gia các khóa học ngắn hạn, tập huấn tại nước ngoài, 05 cán bộ tham gia khóa đào tạo thạc sĩ tại Hàn Quốc và Nhật Bản.

- Tham gia các hội thảo và viết bài cho tạp chí quốc tế Trong khuôn khổ hợp tác với các đối tác quốc tế, Viện đã cử các cán bộ tham gia trình bày tại các hội thảo quốc tế như: Hội thảo Viện Nghiên cứu định cư Hàn Quốc - Việt Nam 2018, Đại hội thế giới 2018 tại Montreal, Canada, Hội thảo với Viện Quy hoạch vật thể Cuba. Viện cũng chủ động mời các chuyên gia quốc tế đến thuyết trình tại Viện về các chủ đề nghiên cứu mới, mang tính thời sự hiện nay như: Đô thị tăng trưởng xanh, quy hoạch ứng phó với BĐKH, Đô thị thông minh...để trao đổi kiến thức chuyên môn cũng như tạo điều kiện cọ sát nâng cao trình độ nghiên cứu cho cán bộ. Các cán bộ của Viện cũng tích cực tham gia viết bài đăng trên các tạp chí quốc tế như Tạp chí quy hoạch lãnh thổ của Viện Quy hoạch vật thể Cuba...

7. Công tác phát hành tạp chí quy hoạch xây dựng:

Bên cạnh công tác hỗ trợ đào tạo và thúc đẩy hợp tác quốc tế, Viện thường xuyên đẩy mạnh công tác truyền thông, xuất bản ấn phẩm, tạp chí chuyên ngành theo nhiệm vụ thường xuyên do Bộ Xây dựng giao với 02 công cụ chính là website www.viup. vn và tạp chí Quy hoạch xây dựng. Đặc biệt trong 3 năm trở lại đây, tạp chí Quy hoạch Xây dựng đã được tập trung đẩy mạnh nội dung với các chuyên đề ngày càng phong phú và bài viết có chất lượng sâu về khoa học, trong khi vẫn đảm bảo hình thức lôi cuốn hấp dẫn. Qua thời gian hoạt động, Tạp chí đã nhận được sự đánh giá cao của giới nghiên cứu và sự yêu mến của bạn đọc cả nước bởi nội dung các số tạp chí luôn được xây dựng trên cơ sở các chuyên đề mang tính chuyên môn cao, đáp ứng tối đa nhu cầu thông tin của giới chuyên môn cũng như cộng đồng xã hội. Tạp chí còn nhận được sự quan tâm của những nhà quản lý qua rất nhiều những bài viết, phân tích, đánh giá, cũng như trao đổi kinh nghiệm. Mỗi số tạp chí xuất bản bao gồm các chuyên mục: Sự kiện, Khái niệm, Diễn đàn, Ý kiến chuyên gia và nhà quản lý, Thiết kế đô thị, Quy hoạch và tác giả, Dành cho sinh viên, Quy hoạch và kiến trúc thế giới, Đô thị bốn phương, Đa ngành, Thông tin dự án, Tin trong nước và quốc tế. Sự trưởng thành của Tạp chí được ghi lại dấu ấn bằng những giải thưởng danh giá và có uy tín cao: Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia năm 2004 và 2005, Giải A (duy nhất) cho thể loại ấn phẩm Quy hoạch xây dựng – Giải thưởng Quy hoạch đô thị quốc gia lần thứ I, cùng nhiều giải thưởng và kỷ niệm chương khác. Tạp chí thực sự trở thành sân chơi chính cho các nhà nghiên cứu, những người làm nghề quy hoạch kiến trúc cùng nhau chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm cũng như có cơ hội phát ngôn trong lĩnh vực chuyên môn, đồng thời là tài liệu tham khảo chuyên ngành có ý nghĩa, phục vụ học tập, đào tạo cũng như công tác quản lý ngành tại các địa phương.

8. Giải thưởng quy hoạch, kiến trúc:

Công tác tổ chức tham gia thi tuyển quy hoạch kiến trúc tiếp tục thường xuyên được Viện đẩy mạnh với mục đích vừa để nâng cao kiến thức học thuật, chuyên môn của cán bộ, vừa tìm kiếm các hợp đồng tư vấn mới. Các giải thưởng đạt được trong giai đoạn vừa qua đã khẳng định tên tuổi và thương hiệu 65 năm của Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia, cụ thể qua các năm như sau:

Năm 2017:

  • Giải Nhì cuộc thi (Không có giải Nhất) cuộc thi ý tưởng tổ chức giao thông và chống ùn tắc giao thông trên địa bàn TP. Hà Nội đến năm 2025, tầm nhìn 2030 (Phối hợp với tư vấn Nikken Sekkei);
  • Giải Ba cuộc thi thiết kế điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Hội An (Phối hợp với tư vấn Hansen Partnership);
  • Giải Nhì cuộc thi thiết kế điều chỉnh QHC Thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang.

Năm 2018:

  • Giải Nhất cuộc thi quốc tế “Ý tưởng quy hoạch xây dựng khu vực quanh đầm Thị Nại” (liên danh với Công ty Deso (Pháp);
  • Giải Nhì (không có giải Nhất) thi tuyển phương án kiến trúc công trình Công viên Đảo nổi Hồ Trung Tâm, thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông.
  • Tham gia các cuộc thi “Thiết kế kiến trúc đền thờ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hi sinh trong chiến dịch Điện Biên Phủ”, “Thiết kế kiến trúc công trình trụ sở các đơn vị sự nghiệp của tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu”

Năm 2019:

Lần đầu tiên tham dự giải thưởng Quy hoạch quốc gia tổ chức vào năm 2019, Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia đã vinh dự đạt được 12 giải thưởng; trong đó có các giải thưởng tiêu biểu như sau:

  • 01 Giải vàng Thể loại A (Đồ án QHXD) với đồ án QHXD vùng thủ đô Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn 2050 (VIUP & Vùng Il de France);
  • Giải vàng Thể loại B (Các khu vực đã được đầu tư xây dựng) với Tổ hợp các công trình văn hóa, bảo tàng, thư viện, cung Quy hoạch thành phố Hạ Long (Liên danh VIUP và công ty S-design) và 01 Giải A Thể loại C với ấn phẩm Tạp chí Quy hoạch xây dựng.
  • Giải Bạc Hạng mục Tác phẩm xuất sắc tại Việt Nam của KTS nước ngoài cho đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Tp. Pleiku đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Liên danh tư vấn nước ngoài và trong nước AREP Ville/Viện Kiến trúc – Hội KTSVN/ Viện thiết kế đô thị-VIUP) đoạt giải)
  • Ngoài ra, Viện đã tham gia thi tuyển ý tưởng quy hoạch chung xây dựng TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng và vùng phụ cận đến năm 2040, Thi thiết kế ý tưởng quy hoạch kiến trúc khu lưu niệm chủ tịch Hồ Chí Minh xã Kim Liên, huyện Nam Đàn.

Năm 2020:

  • Giải Ba của cuộc thi ý tưởng quy hoạch chung TP Bảo Lộc và vùng phụ cận đến năm 2040 do UBND tỉnh Lâm Đồng, Sở Xây dựng và UBND TP Bảo Lộc tổ chức. (Liên danh Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn Quốc gia (VIUP) và Công ty RUA)
  • Giải thưởng cho phương án xuất sắc cuộc thi “Ý tưởng kiến trúc bệnh viện dã chiến” do Hội Kiến trúc sư Việt Nam tổ chức.

Năm 2021:

Giải thưởng Quy hoạch đô thị Quốc gia lần thứ II:

  • Giải Đặc biệt - Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, Việt Nam.
  • Giải Vàng - Quy hoạch chi tiết khu dân cư đảo Trí Nguyên, phường Vĩnh Nguyên, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.
  • Giải Vàng - Khu đô thị Ngôi sao An Bình 2 (An Bình City) – Thành phố Hà Nội.
  • Giải Bạc thể loại ấn phẩm - Hướng dẫn quy hoạch đô thị, điểm dân cư nông thôn trong khu vực chịu ảnh hưởng của lũ ống, lũ quét, sạt lở đất. (Chủ biên PGS.TS.KTS Lưu Đức Cường-Viện trưởng VIUP)
  • Giải Bạc - Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh đến năm 2040.
  • Giải Bạc - Điều chỉnh quy hoạch tổng thể Quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế Nhơn Hội, tỉnh Bình Định đến năm 2040.
  • Giải Bạc - Điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh.
  • Giải Bạc - Quy hoạch phân khu Trung tâm logistis Cái Mép Hạ, huyện Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu.
  • Giải Đồng - Quy hoạch chung xây dựng khu du lịch Ven biển phía Nam tỉnh Ninh Thuận, huyện Ninh Phước, huyện Thuận Nam và thành phố Phan Rang – Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận đến năm 2035.
  • Giải Đồng - Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Quốc gia hồ Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình đến năm 2035.
  • Giải Đồng - Điều chỉnh bổ sung Quy hoạch chi tiết 5 khu tái định cư thị xã Mường Lay, tỉnh Điện Biên.
  • Giải Đồng - Thiết kế cảnh quan công trình khách sạn và biệt thự nghỉ dưỡng Thiên Đường Xanh.
  • Giải Đồng - Quy hoạch Xây dựng vùng huyện Nam Đàn tỉnh Nghệ An đến năm 2035.
  • Giải Khuyến khích - Quy hoạch chi tiết Khu đô thị mới tại xã Hoàng Quang và Hoàng Long, thành phố Thanh Hóa.
  • Giải Khuyến khích - Quy hoạch chi tiết khu đô thị sinh thái và biệt thự nghỉ dưỡng hồ An Biên.

Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia 2021:

  • Giải Vàng - Đồ án Quy hoạch chung đô thị Hiệp Hoà, tỉnh Bắc Giang, đến năm 2035.
  • Giải Đồng - Dự án Khu nghỉ dưỡng Suối khoáng nóng cao cấp Quang Hanh tại phường Quang Hanh, TP Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh.

9. Bằng khen các địa phương dành tặng VIUP vì đã có thành tích tốt trong công tác lập Quy hoạch và phát triển đô thị tại các địa phương: