Các tiêu chí cơ bản về hệ thống hạ tầng kỹ thuật thông minh hỗ trợ công tác đánh giá quy hoạch đô thị trên địa bàn thành phố Hà Nội

 ThS.KTS. Lưu Quang Huy; ThS.KTS. Lê Chính Trực; TS.KS. Phan Thế Hùng

Tóm tắt

Bài viết này dựa vào mục tiêu phát triển đô thị thông minh (ĐTTM) của Trung ương cũng như của thành phố Hà Nội; hệ thống tiêu chí, tiêu chuẩn Quốc tế; những đặc điểm riêng và tình hình thực tế phát triển hạ tầng đô thị của Hà Nội hiện nay để đưa ra một số tiêu chí cơ bản về hệ thống hạ tầng kỹ thuật thông minh hỗ trợ công tác đánh giá quy hoạch đô thị trên địa bàn thành phố Hà Nội.

I. Đặt vấn đề

Tháng 9 năm 2015, tại Hội nghị Thượng đỉnh Liên hợp quốc về phát triển bền vững, các quốc gia trên thế giới đã thông qua Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững với 17 mục tiêu về phát triển bền vững. Nhằm cụ thể hóa Chương trình nghị sự 2030 tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững (Quyết định số 622/QĐ-TTg ngày 10 tháng 5 năm 2017), trong đó đã đề ra 17 mục tiêu phát triển bền vững với 115 mục tiêu cụ thể. Nhằm cụ thể hóa các mục tiêu, chỉ tiêu về phát triển bền vững, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 950/QĐ-TTg ngày 01 tháng 8 năm 2018 phê duyệt “Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến năm 2030”; Quyết định số 681/QĐ-TTg ngày 04 tháng 6 năm 2019 về Lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững Việt Nam đến năm 2030; Nghị quyết số 136/NQ-CP ngày 25 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ về phát triển bền vững.

Theo đó, thành phố Hà Nội là một trong 03 địa phương phải xây dựng Đề án tổng thể về phát triển đô thị thông minh và tổ chức thực hiện đầu tư hạ tầng và phát triển ứng dụng các tiện ích đô thị thông minh.[1]

Sau 15 năm phát triển, địa giới hành chính và số đơn vị hành chính của Thủ đô đã ổn định, đến nay diện tích được xác định là 3.358,92km2, dân số khoảng 8.246.500 người, với 12 quận, 1 thị xã, 17 huyện và 584 xã, phường, thị trấn. Trong những năm vừa qua việc đẩy mạnh đầu tư phát triển đô thị, huy động đa dạng các nguồn lực xã hội tham gia vào đầu tư phát triển đô thị đã nhanh chóng tạo nên diện mạo mới cho đô thị Thủ đô. Cơ sở hạ tầng dần được hoàn thiện và hiện đại hóa, vấn đề nhà ở cho nhân dân được cải thiện tốt hơn. Song, thành phố Hà Nội cũng nhìn nhận, việc phát triển kinh tế nhanh, tốc độ tăng dân số cao, nhu cầu của người dân tăng lên, dẫn đến tình trạng quá tải hệ thống hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là trong lĩnh vực giao thông, điện, nước và xử lý chất thải…

Một trong các giải pháp để giải quyết vấn đề này là cần có sự phối hợp giữa các đơn vị chức năng, các doanh nghiệp và người dân trong việc xây dựng các giải pháp hợp lý, bao gồm đầu tư, phát triển hạ tầng kỹ thuật thông minh, quản lý và sử dụng tài nguyên hiệu quả; Xây dựng hạ tầng kỹ thuật thông minh cần được nghiên cứu từ bước lập quy hoạch, tuy nhiên để xác định thế nào là hạ tầng kỹ thuật thông minh, cần có hệ thống tiêu chí để so sánh. Do đó việc xây dựng hệ thống tiêu chí cơ bản để đánh giá hệ thống hạ tầng kỹ thuật thông minh trong quy hoạch đô thị của thành phố Hà Nội là một yêu cầu cần thiết và có tính ứng dụng cao trong thực tiễn.

Trong nội dung này chúng tôi trình bày hệ thống tiêu chí cơ bản cần xem xét để đánh giá hệ thống hạ tầng kỹ thuật thông minh trong quy hoạch đô thị của thành phố Hà Nội. Hệ thống này bao gồm các tiêu chí chính như: chất lượng, khả năng đáp ứng theo quy định, tính thông minh hiệu quả, tính bảo mật, tính linh hoạt và tính sẵn sàng cho tương lai của hệ thống hạ tầng giao thông, điện, chiếu sáng, ICT, cấp nước, thoát nước… để đánh giá các giải pháp quy hoạch phục vụ quản lý và phát triển đô thị bền vững hơn trên địa bàn thành phố Hà Nội.

II. Cơ sở đề xuất bộ tiêu chí

2.1. Các khái niệm

* Khái niệm Đô thị thông minh

“Đô thị thông minh bền vững là đô thị sáng tạo sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông và các phương tiện khác để cải thiện chất lượng cuộc sống, phát huy hiệu quả các hoạt động và dịch vụ của đô thị, tăng khả năng cạnh tranh, trong khi vẫn bảo đảm đáp ứng các nhu cầu của hiện tại và tương lai đối với các khía cạnh về kinh tế, xã hội và môi trường.”[2]

Các thành phần chính của một đô thị thông minh bao gồm: Hạ tầng kỹ thuật thông minh, quản lý thông minh, dịch vụ công cộng thông minh, và cộng đồng thông minh. Hạ tầng kỹ thuật thông minh đảm bảo các cơ sở hạ tầng đáp ứng được nhu cầu của các dịch vụ công cộng thông minh và đáp ứng nhu cầu của người dân. Quản lý thông minh cung cấp các công cụ để quản lý tài nguyên và các dịch vụ đô thị một cách hiệu quả hơn. Dịch vụ công cộng thông minh cung cấp các dịch vụ tốt hơn và đáp ứng nhu cầu của người dân một cách nhanh chóng và hiệu quả. Cộng đồng thông minh đảm bảo sự tham gia của cộng đồng vào quá trình phát triển và quản lý đô thị thông minh.

* Khái niệm Hạ tầng kỹ thuật đô thị thông minh

Hạ tầng kỹ thuật trong đô thị thông minh là tập hợp các hệ thống kỹ thuật và cơ sở hạ tầng đáp ứng được các nhu cầu của đô thị thông minh. Nó bao gồm các hệ thống kỹ thuật cơ bản như hệ thống năng lượng, hệ thống nước, hệ thống giao thông, hệ thống viễn thông, hệ thống xử lý rác thải và các hệ thống khác. Trong một đô thị thông minh, các hệ thống kỹ thuật này được tích hợp với các công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) để tạo ra các giải pháp thông minh cho việc quản lý và sử dụng tài nguyên đô thị. Ví dụ, hệ thống giao thông thông minh có thể sử dụng các cảm biến và thiết bị định vị để thu thập dữ liệu về lưu lượng giao thông và điều khiển tín hiệu đèn giao thông một cách thông minh để giảm thiểu ùn tắc giao thông.

Hạ tầng kỹ thuật (technical infrastructure) trong đô thị thông minh (smart city) là cơ sở hạ tầng vật lý và công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) được triển khai để thu thập, quản lý và phân tích dữ liệu, hỗ trợ quyết định và cung cấp các dịch vụ thông minh cho người dân.

Các thành phần của hạ tầng kỹ thuật thông minh trong đô thị thông minh bao gồm:

Mạng lưới thông tin: Một hệ thống mạng lưới thông tin phát triển để kết nối và thu thập dữ liệu từ các thiết bị IoT, các cảm biến và hệ thống khác nhau.

Thiết bị IoT: Các thiết bị IoT được triển khai để thu thập dữ liệu về các thông số khác nhau như nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, âm thanh, tốc độ và di chuyển của các phương tiện giao thông.

Hệ thống giám sát: Hệ thống giám sát được triển khai để giám sát và phát hiện các sự cố và vi phạm thông qua hình ảnh và âm thanh từ các camera và các cảm biến khác.

Cơ sở dữ liệu: Một hệ thống cơ sở dữ liệu được phát triển để lưu trữ và phân tích dữ liệu thu thập từ các thiết bị IoT và các hệ thống khác.

Hệ thống phần mềm: Các hệ thống phần mềm được phát triển để phân tích và sử dụng dữ liệu để hỗ trợ quyết định và cung cấp các dịch vụ thông minh cho người dân.

2.2. Cơ sở hình thành bộ tiêu chí

* Các bộ tiêu chí, tiêu chuẩn quốc tế về ĐTTM

Tìm kiếm các tiêu chuẩn Hạ tầng kỹ thuật ĐTTM trong (Cơ sở dữ liệu của Perinorm) tập hợp danh sách các tiêu chuẩn khác nhau của các tổ chức Quốc tế, các quốc gia liên quan đến Hạ tầng kỹ thuật Đô thị thông minh, nhóm nghiên cứu đề xuất tham khảo trích lọc một số tiêu chí trong nhóm tiêu chuẩn quốc tế ISO 371XX về Hệ thống quản lý phát triển bền vững, các mô hình cho cộng đồng thông minh bền vững và quy định các chỉ số cho phát triển bền vững trong cộng đồng (áp dụng đồng thời cho đô thị thông minh); trong đó có các chỉ số áp dụng cho hạ tầng, và các chỉ số áp dụng cho các lĩnh vực cụ thể trong TCVN ISO 37120; TCVN ISO 37122 và TCVN ISO 37123.

* Một số văn bản đã ban hành về tiêu chí, chỉ số ĐTTM

- Quyết định số 950/QĐ-TTg ngày 01/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến năm 2030.

- Bộ chỉ số ĐTTM Việt Nam giai đoạn đến 2025 do Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành (Phiên bản 1.0)[3]. Bộ chỉ số này tập trung đánh giá việc ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) trong các hoạt động của đô thị, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) trong các hoạt động của đô thị. Bộ chỉ số KPI ĐTTM bao gồm 3 lớp: Lớp 1: Lấy người dân làm trung tâm; Lớp 2: Hiệu quả trong hoạt động của chính quyền đô thị (CQĐT); Lớp 3: Định hướng và thúc đẩy của CQĐT. Trong giai đoạn đến năm 2025, Bộ chỉ số KPI ĐTTM gồm 50 chỉ số và được phân bổ vào các Lớp và các Nhóm chỉ số. Các Nhóm chỉ số lại được chia thành các Phân nhóm; và các Chỉ số được phân bổ vào các Lớp, Nhóm và Phân nhóm.

- Khung tham chiếu ICT phát triển đô thị thông minh (phiên bản 1.0) được Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành tại Quyết định số 829/QĐ-BTTTT ngày 31/5/2019.

- Hướng dẫn các nguyên tắc định hướng về công nghệ thông tin và truyền thông trong xây dựng đô thị thông minh ở Việt Nam (Văn bản số 58/BTTTT-KHCN ngày 11/01/2018 của Bộ Thông tin và Truyền thông).

….

* Yếu tố Quy hoạch trong phát triển hạ tầng kỹ thuật ĐTTM

Text Box:  
Bản đồ Quy hoạch không gian xanh, mặt nước
Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011 đã thực hiện được hơn 10 năm. Hiện nay Hà Nội đang triển khai rà soát, đánh giá quá trình thực hiện quy hoạch cũng như xác định các yếu tố mới tác động, tiến tới lập điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội (đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương tại văn bản số 383/TTg-CN ngày 26/3/2021).

Để có được đô thị thông minh, một đô thị phải được xây dựng một cách thông minh, và việc xây dựng thông minh cần được bắt đầu từ công tác quy hoạch. Xây dựng thông minh theo nhiều khía cạnh. Trước hết bản thân công tác quy hoạch phải thông minh, nghĩa là các giải pháp quy hoạch phải được đưa ra dựa trên dữ liệu đầy đủ, cập nhật, được phân tích nhiều chiều để dự báo chính xác xu thế phát triển của bản thân đô thị cũng như môi trường tự nhiên, kinh tế - xã hội đang thay đổi nhanh. Để làm được như vậy công tác quy hoạch phải khai thác được tối đa các dữ liệu có trong hạ tầng thông tin đô thị thống nhất. Như vậy, bản thân bản quy hoạch đô thị phải phản ánh các yếu tố của hạ tầng đô thị thông minh. Các giải pháp quy hoạch thông minh cũng đem lại sự thuận tiện, nâng cao chất lượng đô thị, giảm chi phí thời gian đi lại, giảm chi phí đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng dịch vụ xã hội, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường.

Các thành phần của hạ tầng: Hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kinh tế - xã hội đô thị thông minh phải là các thành phần thông minh và gắn kết với nhau một cách hữu cơ thông qua hạ tầng thông tin thống nhất. Sự gắn kết này phải được thể hiện thông qua quy hoạch.

Nói cách khác Hà Nội muốn xây dựng đô thị thông minh thì trước hết phải thể hiện quyết tâm đó trong quy hoạch xây dựng đô thị. Trong quy hoạch xây dựng đô thị, các yếu tố về quy hoạch không gian, quy hoạch hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kinh tế - xã hội phải được tính toán một cách thông minh, dựa trên dữ liệu đầy đủ và tin cậy. Các giải pháp công trình, giải pháp công nghệ và giải pháp quản lý thông minh phải được phản ánh đầy đủ trong quy hoạch xây dựng đô thị.

Quy hoạch hạ tầng kỹ thuật là yếu tố vô cùng quan trọng trong việc phát triển đô thị thông minh của thành phố Hà Nội. Hạ tầng kỹ thuật đóng vai trò rất quan trọng để hỗ trợ các ứng dụng và dịch vụ công nghệ thông tin, đồng thời cung cấp các giải pháp quản lý thông minh cho các tài nguyên đô thị. Cụ thể, hạ tầng kỹ thuật đô thị thông minh bao gồm các thành phần chính như: mạng thông tin, hệ thống điều khiển và giám sát, các thiết bị đo lường và cảm biến, hệ thống giao thông thông minh, hệ thống điện thông minh, hệ thống cấp, thoát nước thông minh, hệ thống quản lý rác thải thông minh và các hệ thống khác. Các thành phần này được tích hợp với nhau để tạo ra một hệ thống đô thị thông minh hoạt động một cách hiệu quả và đồng bộ. Hạ tầng kỹ thuật đô thị thông minh còn hỗ trợ việc phát triển các ứng dụng và dịch vụ thông minh như giám sát và điều khiển giao thông, quản lý năng lượng, giám sát môi trường, quản lý chất thải, giám sát an ninh và hỗ trợ khẩn cấp. Hạ tầng kỹ thuật đô thị thông minh có thể chia sẻ và kết hợp hỗ trợ cho nhau, ví dụ như: kết hợp giao thông ngầm với thoát nước, tạo ra năng lượng từ xử lý chất thải... Điều này sẽ giúp cho các đô thị thông minh có thể cải thiện chất lượng cuộc sống của cư dân, tăng cường sự an toàn và an ninh, đồng thời giảm thiểu ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường và lãng phí tài nguyên.

III. Một số tiêu chí hạ tầng kỹ thuật đô thị thông minh cho thành phố Hà Nội cần được xem xét

Để hỗ trợ công tác đánh giá quy hoạch đô thị trên địa bàn thành phố Hà Nội, cũng như góp phần phục vụ công tác nghiên cứu điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội giai đoạn hiện nay, một số nội dung tiêu chí về hạ tầng kỹ thuật đô thị thông minh cần được xem xét như sau:

3.1. Hạ tầng Giao thông thông minh

Mật độ đường cao tốc và đường kết nối giữa các khu đô thị: Đây là một tiêu chí quan trọng để đảm bảo việc di chuyển giữa các khu đô thị được thuận tiện hơn và giảm thiểu tắc đường, tăng cường an toàn giao thông.

Hệ thống thông tin giao thông: Đây là một tiêu chí quan trọng để cung cấp thông tin về tình trạng giao thông, giúp người dân lựa chọn tuyến đường thuận tiện nhất để di chuyển. Hệ thống đèn giao thông, hệ thống điều khiển tín hiệu đèn giao thông thông minh, hệ thống định vị GPS…

Hệ thống giám sát giao thông: Đây là một hệ thống tự động giám sát giao thông bằng cách sử dụng các cảm biến và mạng thông tin để thu thập và phân tích dữ liệu về lưu lượng giao thông, tốc độ di chuyển và tình trạng đường.

Hệ thống phương tiện công cộng (xe buýt, tàu điện…) thông minh phải được thiết kế với các tính năng hiện đại, bao gồm hệ thống định vị và giám sát, giúp người điều hành quản lý lịch trình, tối ưu hóa các tuyến đường và giảm thiểu thời gian chờ đợi của hành khách.

Hệ thống giao thông đô thị thông minh phải được tích hợp với các hệ thống cảm biến và giám sát môi trường, giúp giảm thiểu ô nhiễm và tạo ra môi trường sống lành mạnh cho người dân.

Hệ thống quản lý đỗ xe thông minh: Hệ thống này sử dụng các cảm biến và hệ thống thông tin để quản lý đỗ xe, giúp giảm thiểu tắc đường và nâng cao hiệu quả sử dụng không gian đô thị.

Hệ thống thanh toán điện tử cho phương tiện công cộng: Hệ thống này cho phép người dân sử dụng phương tiện công cộng thanh toán thông qua các ứng dụng điện tử, giúp giảm thiểu thời gian chờ đợi và tăng tính tiện lợi.

3.2. Hạ tầng Cấp điện và chiếu sáng công cộng thông minh

* Hệ thống cấp điện

Mật độ và độ phân bố các trạm điện thông minh: Mật độ các trạm điện phải đảm bảo đủ để phân phối điện đến tất cả các khu vực đô thị và giảm thiểu tối đa tình trạng mất điện. Đồng thời, cần xác định các vị trí đặt trạm điện sao cho phù hợp với các yếu tố như khu dân cư, khu công nghiệp, khu thương mại, khu du lịch…

Hệ thống phân phối điện thông minh: Xây dựng hệ thống phân phối điện thông minh để đảm bảo điện được phân phối đúng mức và đúng chỗ, giúp giảm thiểu tình trạng mất điện và đảm bảo tính ổn định của hệ thống điện.

Hệ thống quản lý thông minh của điện lực: Xây dựng hệ thống quản lý thông minh để giám sát và điều khiển hoạt động của hệ thống điện. Hệ thống này phải đảm bảo tính liên tục, bảo mật và có khả năng dự báo các sự cố có thể xảy ra.

Hệ thống điện năng lượng tái tạo: Khuyến khích việc sử dụng các nguồn điện năng lượng tái tạo như điện mặt trời, gió, thủy điện… Điều này giúp giảm thiểu khí thải và tác động đến môi trường, đồng thời giúp tăng tính ổn định cho hệ thống điện.

Hệ thống kiểm tra, bảo trì, sửa chữa thông minh: Xây dựng hệ thống kiểm tra, bảo trì và sửa chữa thông minh để nhanh chóng phát hiện và khắc phục các sự cố khi xảy ra. Điều này giúp giảm thiểu thời gian mất điện và đảm bảo tính ổn định của hệ thống điện.

Hệ thống đo lường và giám sát tiêu thụ điện thông minh: Giám sát, đo lường và quản lý việc sử dụng điện năng trong hộ gia đình hoặc các tòa nhà, giúp người dùng tiết kiệm được chi phí điện năng.

* Hệ thống chiếu sáng công cộng

Hệ thống chiếu sáng đô thị thông minh cần có khả năng tự động điều chỉnh độ sáng của đèn dựa trên mức độ ánh sáng tự nhiên và lưu lượng giao thông, các khu vực khác nhau trong đô thị để tiết kiệm năng lượng.

Thiết kế thẩm mỹ: Các hệ thống chiếu sáng công cộng thông minh cần được thiết kế để tăng cường tính thẩm mỹ của không gian đô thị. Các vị trí đặt đèn chiếu sáng công cộng được tính toán sao cho đảm bảo phủ sóng chiếu sáng đồng đều và không gây chói mắt, đồng thời đảm bảo an toàn cho người đi bộ và phương tiện giao thông.

Cần áp dụng các công nghệ tiên tiến như đèn LED và cảm biến chuyển động để đảm bảo hiệu quả về mặt năng lượng và tiện ích sử dụng.

Các trụ đèn chiếu sáng cần được đặt sao cho phù hợp với quy hoạch đô thị và đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông cũng như tính mỹ quan.

Hệ thống chiếu sáng cần được liên kết với hệ thống giám sát an ninh để giúp cải thiện mức độ an toàn của khu vực và trật tự trên địa bàn đô thị.

Hệ thống chiếu sáng nên được kết nối với mạng điện thông minh để giúp quản lý, giám sát và phân phối năng lượng tiết kiệm hơn.

Hệ thống chiếu sáng cần được bảo trì và kiểm tra định kỳ để đảm bảo hoạt động hiệu quả và tránh các sự cố gây mất an toàn cho người tham gia giao thông.

3.3. Hạ tầng kỹ thuật ICT (Công nghệ Thông tin và Truyền thông) đô thị thông minh

Mật độ phủ sóng mạng: Tiêu chí này đánh giá mức độ phủ sóng mạng di động và wifi trên địa bàn thành phố Hà Nội, đặc biệt là trong các khu vực đông dân cư, trung tâm thương mại, khu công nghiệp, trường học... Mật độ phủ sóng mạng ảnh hưởng rất lớn đến việc sử dụng các dịch vụ công nghệ thông tin và truyền thông, đồng thời còn là tiền đề để triển khai các giải pháp đô thị thông minh.

Tốc độ và băng thông mạng: Tiêu chí này đánh giá tốc độ và băng thông của mạng di động và wifi trên địa bàn Thành phố. Tốc độ và băng thông mạng càng cao, người dân sẽ có thể sử dụng các dịch vụ truyền hình, trò chơi trực tuyến, đàm thoại video... một cách nhanh chóng và ổn định hơn.

Điểm công cộng thông minh: Tiêu chí này đánh giá mức độ áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý các khu vực công cộng trên địa bàn Thành phố, bao gồm công viên, khu vui chơi giải trí, khu phố đi bộ,... Một số giải pháp đô thị thông minh trong lĩnh vực này có thể kể đến như hệ thống giám sát an ninh thông minh, hệ thống đèn chiếu sáng tự động, khu vực trò chơi thông minh...

Hệ thống cảm biến: Đề xuất sử dụng các cảm biến để thu thập dữ liệu về giao thông, môi trường, năng lượng, sức khỏe và an ninh, giúp cho việc quản lý đô thị trở nên thông minh và hiệu quả hơn.

Hệ thống quản lý thông tin đô thị: Đề xuất xây dựng hệ thống quản lý thông tin đô thị để giúp cho việc quản lý, cập nhật và truyền tải thông tin của Thành phố trở nên hiệu quả hơn.

Hệ thống CSDL liên thông: Xây dựng cơ sở dữ liệu liên thông GIS Quy hoạch-kiến trúc-xây dựng và phát triển đô thị đầy đủ và chính xác, cập nhật liên tục để hỗ trợ cho quy hoạch, quản lý và giám sát đô thị thông minh.

Hệ thống giám sát và điều khiển thông minh: Xây dựng các hệ thống giám sát và điều khiển thông minh như giám sát môi trường, giao thông, an ninh, năng lượng, nước sạch… để hỗ trợ cho quy hoạch, quản lý và phát triển đô thị thông minh, đảm bảo sự an toàn và hiệu quả cho các hoạt động đô thị.

Các ứng dụng thông minh: Xây dựng các ứng dụng thông minh như hệ thống phân tích dữ liệu, hệ thống quản lý thông tin, ứng dụng chăm sóc sức khỏe cộng đồng, ứng dụng quản lý và giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông… để hỗ trợ cho quy hoạch, quản lý và phát triển đô thị thông minh.

Hệ thống bảo mật và an toàn thông tin gồm: Các quy trình, công nghệ, thiết bị bảo mật các và các biện pháp được thiết kế để bảo vệ các tài nguyên thông tin khỏi các mối đe dọa bên trong và bên ngoài.

3.4. Hạ tầng Cấp nước đô thị thông minh

Hệ thống phân phối nước thông minh: Đây là một yếu tố quan trọng trong việc giảm thiểu lãng phí và tăng cường hiệu quả sử dụng nước. Hệ thống này cần được trang bị các cảm biến để đo lượng nước được sử dụng tại các điểm sử dụng khác nhau trong đô thị, đồng thời cần có hệ thống điều khiển để điều chỉnh áp suất và lượng nước được cấp đến từng điểm sử dụng khác nhau.

Hệ thống cấp nước tập trung: Sử dụng các công nghệ thông minh để quản lý và vận hành hệ thống cấp nước tập trung, bao gồm cả hệ thống quản lý thông tin khách hàng, hệ thống giám sát và phân tích chất lượng nước đáp ứng được các yêu cầu về an toàn, vệ sinh và chất lượng nước để bảo vệ sức khỏe của người dân và đảm bảo môi trường sống trong lành. Hệ thống điều khiển mức nước và hệ thống phân tích và dự đoán về tiêu thụ nước trong tương lai, giúp cho các cơ quan quản lý có kế hoạch phát triển hạ tầng nước cho phù hợp với nhu cầu của người dân.

Hệ thống giám sát và điều khiển nước thông minh: Sử dụng các công nghệ thông minh để giám sát và điều khiển việc cấp nước trong Thành phố, bao gồm cả hệ thống đo lường lưu lượng nước, hệ thống báo động sự cố, hệ thống giám sát và điều khiển van và bơm nước.

3.5. Hạ tầng Thoát nước đô thị thông minh

* Thoát nước mưa

Hệ thống thoát nước phải được thiết kế và xây dựng đảm bảo tính linh hoạt và đa năng, có khả năng thích ứng với các tình huống thiên tai và thay đổi khí hậu.

Hệ thống giám sát và cảnh báo ngập lụt: Thiết bị đo mực nước, cảm biến cảnh báo ngập lụt, hệ thống thông tin địa lý, phân tích dữ liệu về mức độ ngập lụt, tốc độ dòng chảy và mức độ ảnh hưởng của ngập lụt đến khu vực đó.

Hệ thống thông tin về thoát nước: Thiết bị thu thập dữ liệu về hệ thống thoát nước, hệ thống thông tin địa lý, cơ sở dữ liệu quản lý hệ thống thoát nước, phân tích dữ liệu về tình trạng và hiệu suất của hệ thống thoát nước. Điều phối vận hành hệ thống thoát nước kênh, mương, hồ... trạm bơm. Quản lý cao độ nền bằng GIS.

* Thoát nước thải

Hệ thống thoát nước thông minh: Thiết bị cảm biến đo mức nước, hệ thống đường ống thông minh, các công nghệ xử lý nước thải độc hại hiệu quả, phân tích dữ liệu về mức độ ô nhiễm và dòng chảy của nước thải.

Hệ thống xử lý nước thải: Các công nghệ xử lý nước thải độc hại hiệu quả, hệ thống giám sát và phân tích dữ liệu về chất lượng nước thải, hệ thống quản lý nước thải, hệ thống thông tin địa lý, cơ sở dữ liệu quản lý hệ thống xử lý nước thải. Tái sử dụng nước sau xử lý cho các mục đích khác.

Hệ thống kỹ thuật môi trường: Hệ thống giám sát và phân tích dữ liệu về chất lượng không khí, chất lượng nước, chất lượng đất, tình trạng ô nhiễm môi trường, cảnh báo rủi ro ô nhiễm môi trường.

Hệ thống thoát nước cần phải được kết nối với các hệ thống khác như giao thông, điện, nước sạch, và ICT để tạo ra một hệ thống đô thị thông minh toàn diện.

3.6. Hạ tầng Xử lý chất thải rắn đô thị thông minh

Công nghệ xử lý chất thải: Hạ tầng kỹ thuật phải sử dụng các công nghệ xử lý chất thải tiên tiến, hiệu quả và bảo vệ môi trường, bao gồm cả xử lý bằng phương pháp hóa học, sinh học, vật lý và kỹ thuật điện. Việc xử lý chất thải tái tạo ra năng lượng điện hoặc tạo ra phân bón vi sinh, vật liệu xây dựng...

Tính tiện lợi và đáp ứng nhu cầu: Hạ tầng kỹ thuật phải được thiết kế và xây dựng để đáp ứng nhu cầu của cư dân đô thị và phải tiện lợi trong việc thu gom, xử lý và tái chế chất thải.

Khả năng tương tác thông minh: Hạ tầng kỹ thuật cần có khả năng tương tác thông minh để thu thập và chia sẻ dữ liệu về chất thải và quản lý quy trình xử lý chất thải một cách hiệu quả.

Tối ưu hóa sử dụng không gian: Hạ tầng kỹ thuật cần được thiết kế để tối ưu hóa sử dụng không gian đô thị, tránh gây ô nhiễm và giảm thiểu tác động đến môi trường.

Đảm bảo an toàn và bảo vệ môi trường: Hạ tầng kỹ thuật phải được xây dựng và vận hành một cách an toàn, bảo vệ môi trường và đảm bảo sức khỏe cho cư dân đô thị.

IV. Kết luận

Để xây dựng đô thị thông minh, trước hết cần được nghiên cứu, tạo những điều kiện kỹ thuật cần thiết từ khâu lập quy hoạch đô thị. Dựa trên một nền tảng quy hoạch thông minh, tốt, đủ điều kiện, các hệ thống thiết bị về hạ tầng kỹ thuật thông minh được gắn kết triển khai tạo nên một đô thị thông minh. Việc xây dựng và xem xét các hệ thống tiêu chí nêu trên giúp cho quy hoạch đô thị trên địa bàn thành phố Hà Nội được đánh giá một cách toàn diện và chính xác hơn. Nhờ vào các tiêu chí này, các yếu tố về hạ tầng kỹ thuật đô thị thông minh như hệ thống xử lý chất thải, hệ thống điện, hệ thống thông tin, hệ thống giao thông... sẽ được đánh giá và đưa vào quy hoạch một cách rõ ràng, giúp cho việc xây dựng đô thị thông minh và bền vững trở nên dễ dàng hơn.

Ngoài ra, việc xây dựng các tiêu chí này còn giúp cho việc quản lý và vận hành hạ tầng kỹ thuật đô thị thông minh trở nên hiệu quả hơn. Nhờ vào việc đánh giá và đưa ra tiêu chí rõ ràng, các cơ quan chức năng có thể đưa ra các quyết định và chính sách phù hợp để đảm bảo việc quản lý và vận hành hạ tầng đô thị thông minh đạt hiệu quả cao nhất.

 

Tài liệu tham khảo:

< >Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.Nghị quyết số 148/NQ-CP ngày 11/11/2022 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW.Nghị quyết số 136/NQ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ về Phát triển bền vững.Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 định hướng đến năm 2030.Quyết định số 829/QĐ-BTTTT ngày 31/5/2019 của Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Khung tham chiếu ICT phát triển đô thị thông minh.Văn bản số 58/BTTTT-KHCN ngày 11/01/2018 của Bộ Thông tin và Truyền thông Hướng dẫn các nguyên tắc định hướng về công nghệ thông tin và truyền thông trong xây dựng đô thị thông minh ở Việt Nam.Văn bản số 1247/BXD-PTĐT ngày 14/4/2022 của Bộ Xây dựng Hướng dẫn tổ chức thiết lập Hệ thống cơ sở dữ liệu đô thị liên thông trên nền GIS.TCVN ISO 37120; TCVN ISO 37122 và TCVN ISO 37123.Thuyết minh Nhiệm vụ Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 – Viện QHXD Hà Nội.


[1] Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến năm 2030.

[2] Quyết định số 829/QĐ-BTTTT ngày 31/5/2019 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc ban hành Khung tham chiếu ICT phát triển đô thị thông minh.

[3] Văn bản số 3098/BTTTT-KHCN ngày 13/9/2019 của Bộ Thông tin và Truyền thông về Bộ chỉ số ĐTTM Việt Nam giai đoạn đến năm 2025.

(Nguồn:Tạp chí Quy hoạch xây dựng số (121))
Tin cũ hơn

Tạp chí QHXD

Ebook

Giới thiệu sách

Liên kết website