Chuyển đổi số trong công tác nghiên cứu lập Quy hoạch xây dựng tại Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia

TS. Nguyễn Trung Dũng

Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia

Digital transformation in the construction planning in Vietnam Institute of Urban and Rural Planning

The digital transformation strategic orientation of the Party and Government in all sectors and fields in general and in construction planning in particular aims to improve labor productivity and raise efficiency of State management in the direction of transparency, accuracy and modernity. Over the years, a series of programs and projects of the Government and ministries, branches and localities have been developed to concretize this orientation, the National digital transformation scheme has objectives, solutions and specific roadmaps to form the basis for ministries and branches to implement their digital transformation plans.

The Ministry of Construction has issued the “The digital transformation plan of the construction industry for the period 2020-2025, with a vision to 2030” in the Decision No. 1004/QD-BXD dated July 31, 2020 and the Information Technology Application Plan in the operation of the Ministry of Construction in the period 2021-2025. The construction planning, urban development and urban technical infrastructure were identified as one of six priority areas for the digital transformation in the Decision No. 1533/QD-BXD dated December 7, 2020.

The digital transformation in construction planning currently still has many limitations and lacks the connection between construction planning consulting units and State management agencies at the central and local level. The main limitations can be mentioned as:

- There is no national unified database system on urban development planning and management.

- The unit cost has been calculated (According to the circular No. 20/2019/TT-BXD) ) for the GIS application in construction planning and management, urban development managemen but it is only recommended;

- The application of information and smart technology at construction planning consulting units to improve labor productivity and quality of planning projects still seems slow to innovate.

- There is lack of human resources with information technology expertise and resources for building technology infrastructure

Vietnam Institute for Urban and Rural Planning is the leading unit under the Ministry of Construction in the construction planning research, has been gradually transforming towards digitization and increasing the application of information and smart technology in construction planning projects in order to create a breakthrough in improving their quality and increasing productivity and labor efficiency.

Chuyển đổi số trong tất cả các ngành, lĩnh vực phát triển nói chung và trong công tác quy hoạch xây dựng (QHXD) nói riêng là một định hướng chiến lược của Đảng và Chính phủ nhằm mục tiêu nâng cao năng suất lao động, hiệu quả công tác quản lý nhà nước theo hướng minh bạch, chính xác và hiện đại. Trong các năm vừa qua, hàng loạt các chương trình, đề án của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương được xây dựng nhằm cụ thể hóa định hướng này, trong đó có Đề án chuyển đổi số quốc gia với các mục tiêu, giải pháp và lộ trình cụ thể, là cơ sở để các bộ, ngành triển khai kế hoạch chuyển đổi số của mình.

Bộ Xây dựng đã ban hành “Kế hoạch chuyển đổi số ngành Xây dựng giai đoạn 2020-2025, định hướng đến 2030” tại Quyết định số 1004/QĐ-BXD ngày 31/7/2020 và Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan Bộ Xây dựng giai đoạn 2021-2025. Tại Quyết định 1533/QĐ-BXD ngày 7/12/2020, lĩnh vực Quy hoạch xây dựng, phát triển đô thị và hạ tầng kỹ thuật đô thị được xác định là một trong sáu lĩnh vực ưu tiên thực hiện chuyển đổi số.

Thực tế tại nước ta hiện nay, công tác chuyển đổi số trong lĩnh vực quy hoạch xây dựng vẫn còn nhiều hạn chế và thiếu sự kết nối giữa các đơn vị tư vấn nghiên cứu lập quy hoạch xây dựng và các cơ quan quản lý nhà nước ở trung ương và địa phương. Các vấn đề hạn chế chính có thể kể đến như:

- Chưa có hệ thống cơ sở dữ liệu thống nhất toàn quốc về quy hoạch và quản lý phát triển đô thị;

- Ứng dụng Hệ thống thông tin địa lý (GIS) trong QHXD và quản lý QHXD, quản lý phát triển đô thị (PTĐT) tuy đã được xây dựng cơ sở tính toán đơn giá chi phí (Thông tư 20/2019/TT-BXD) nhưng mới dừng ở mức độ khuyến nghị áp dụng;

- Việc ứng dụng công nghệ thông tin và thông minh trong công tác nghiên cứu tại các đơn vị tư vấn lập QHXD để nâng cao năng suất lao động và chất lượng đồ án quy hoạch còn chậm đổi mới.

- Thiếu nguồn nhân lực có chuyên môn về công nghệ thông tin và nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ.

Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia với vai trò là đơn vị đầu ngành của Bộ Xây dựng trong lĩnh vực nghiên cứu Quy hoạch xây dựng đã và đang từng bước chuyển đổi theo hướng số hóa và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ thông minh trong công tác nghiên cứu đồ án QHXD nhằm tạo ra sự đột phá trong nâng cao chất lượng các đồ án quy hoạch xây dựng và tăng năng suất, hiệu quả lao động trong toàn Viện. Các nội dung Viện đã triển khai trong thời gian qua bao gồm:

  • Ứng dụng Hệ thống Thông tin địa lý (GIS) trong công tác lập quy hoạch xây dựng

Trong nhiều năm trước đây, việc nghiên cứu và thể hiện đồ án QHXD chủ yếu sử dụng các phần mềm AutoCad và 3D Max... Tuy nhiên, các phần mềm này được sử dụng riêng biệt và chưa được kết nối đồng bộ trong hệ thống. Điều này khiến cho việc kết nối, chia sẻ dữ liệu gặp nhiều khó khăn và đặc biệt là không cho phép khả năng đồng bộ hóa tự động giữa các bản vẽ thuộc các bộ môn khác nhau, khiến cho công việc điều chỉnh, bổ sung hoàn thiện hồ sơ bản vẽ tốn rất nhiều thời gian và công sức lao động. Việc tính toán sơ bộ khối lượng đào đắp và khái toán chi phí cho các phương án ý tưởng thiết kế hạ tầng kỹ thuật chủ yếu vẫn được làm thủ công và thiếu chính xác. Công tác quản lý và lưu trữ hồ sơ bản vẽ cũng chủ yếu là thủ công và còn nhiều hạn chế, bất cập.

Từ năm 2008, Viện Kiến trúc, Quy hoạch đô thị và nông thôn trước đây nay là Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia đã thành lập đơn vị chuyên môn về công tác nghiên cứu và ứng dụng Hệ thống thông tin địa lý GIS, đó là Phòng Quản lý dữ liệu D-GIS. Hệ thống GIS đã được nghiên cứu và ứng dụng trong công tác quy hoạch đô thị với các nội dung như: Nghiên cứu và đánh giá tác nghiệp lập QHXD trong các bước và các bộ môn của công tác lập đồ án QHXD. Hệ thống GIS với khả năng tạo ra bản đồ từ cơ sở dữ liệu, tính trực quan của bản đồ đã thể hiện tính bao quát, và quan trọng hơn là việc truyền đạt thông tin thông qua nội dung thể hiện của lãnh thổ để hỗ trợ tìm ra được những quy luật của sự phân bố các đối tượng, chức năng ưu việt nhất của GIS đó là phân tích không gian cũng được ứng dụng nhiều trong đồ án.

Ứng dụng công nghệ GIS đã được VIUP triển khai trong một số đồ án quan trọng như: Đồ án Quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050; Xây dựng cơ sở dữ liệu GIS và lập các bản đồ phân tích phục vụ công tác Điều chỉnh định hướng quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2035 tầm nhìn 2050 và trong các đồ án quy hoạch tỉnh do Viện chủ trì hoặc tham gia hiện nay...

Trong năm 2019, 2020, 2022, Viện đã tổ chức các khóa đào tạo ứng dụng phần mềm ArGIS trong quy hoạch xây dựng; ứng dụng phần mềm TransCAD (TransCAD là Hệ thống thông tin địa lý (GIS) đầu tiên và duy nhất được thiết kế dành riêng cho các chuyên gia quy hoạch giao thông) trong dự báo nhu cầu giao thông trong QHXD cho các cán bộ chủ trì, chủ nhiệm, cán bộ tham gia nghiên cứu đồ án QHXD.

  • Thí điểm Ứng dụng Hệ thống quản lý thông tin công trình (BIM) trong quy trình nghiên cứu lập đồ án quy hoạch xây dựng

Năm 2016, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2500/QĐ-TTg về việc Phê duyệt Đề án áp dụng mô hình thông tin công trình (BIM) trong hoạt động xây dựng và quản lý vận hành công trình, và giao cho Bộ Xây dựng là cơ quan chủ trì triển khai Đề án.

Năm 2022, Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia xây dựng và trình Bộ Xây dựng Đề án “Ứng dụng thí điểm quy trình BIM trong công tác lập quy hoạch xây dựng”. Để triển khai đề án này, Viện đã tổ chức các buổi tọa đàm khoa học nhằm đánh giá khả năng ứng dụng của quy trình BIM trong công tác lập quy hoạch xây dựng và tiến hành tổ chức các khóa đào tạo sử dụng các phần mềm trong hệ thống BIM như: Civil 3D, Infra Work… cho các cán bộ chủ trì, chủ nhiệm đồ án quy hoạch.  

  • Ứng dụng các công nghệ hỗ trợ công tác đo đạc, khảo sát bản đồ

Cùng với sự phát triển khoa học kỹ thuật và tiếp cận các công nghệ tiên tiến trên thế giới, Trung tâm khảo sát, quy hoạch xây dựng của VIUP cũng đã và đang tiến hành triển khai xây dựng các thể loại bản đồ 3D phục vụ cho các mục đích nghiên cứu quy hoạch của mình. Công nghệ GIS 3D được áp dụng cho mục đích quy hoạch đô thị để tăng cường phân tích, lập kế hoạch và ra quyết định. Đặc điểm chính của GIS 3D là phát triển kịch bản dựa trên các phân tích và tạo ra các kịch bản; GIS 3D hỗ trợ phân tích không gian, lập kế hoạch và ra quyết định theo hai cách: Trước tiên, sử dụng khả năng lưu trữ và truy xuất dữ liệu, cung cấp khả năng truy xuất và chia sẻ dữ liệu nhanh chóng và hiệu quả để hỗ trợ các quyết định lập kế hoạch. Thứ hai, bằng khả năng phân tích đô thị 3D tích hợp của nó, cho phép các phương án khác nhau được mô hình hóa.

Đánh giá chung về công tác chuyển đổi số của VIUP

Công tác chuyển đổi số trong lập QHXD đã được VIUP nghiên cứu triển khai trong nhiều năm qua và bước đầu đã có một số thành quả nhất định. Tuy nhiên các kết quả đạt được vẫn còn khiêm tốn so với năng lực của Viện do một số nguyên nhân sau:

- Về mặt nhận thức chung

Nhận thức của một số lãnh đạo các đơn vị tư vấn quy hoạch về công tác chuyển đổi số còn hạn chế, dẫn đến việc ngại đổi mới và vẫn làm theo thói quen, phương pháp nghiên cứu quy hoạch truyền thống đã định hình trong nhiều năm qua.

Thông tư số 20/2019/TT-BXD về hướng dẫn xác định và quản lý chi phí quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị đã cho phép đối với các đồ án quy hoạch có yêu cầu lập hồ sơ quy hoạch theo hệ thống thông tin địa lý (GIS) thì chi phí lập đồ án quy hoạch được điều chỉnh với hệ số K=1,1. Tuy nhiên, do nhận thức của các cơ quan quản lý quy hoạch tại địa phương còn hạn chế về tính thiết thực và hiệu quả của chuyển đổi số đối với việc nâng cao hiệu quả, tính khoa học, tính chính xác của đồ án quy hoạch nên dẫn đến việc rất ít đồ án được phê duyệt cấp kinh phí cho nội dung ứng dụng GIS trong triển khai các đồ án quy hoạch xây dựng.

- Về đội ngũ nhân lực

Việc chuyển đổi số đòi hỏi phải xây dựng được đội ngũ cán bộ chuyên trách vừa có kiến thức về quy hoạch xây dựng vừa có kỹ năng ứng dụng các công nghệ thông tin, công nghệ thông minh mới, trong khi các cán bộ có thâm niên và kinh nghiệm trong công tác QHXD thường hay ngại học tập đổi mới công nghệ, việc ứng dụng công nghệ mới trông đợi nhiều ở đội ngũ cán bộ trẻ.

- Về cơ sở vật chất

Công tác số hóa và ứng dụng công nghệ thông minh đòi hỏi sự đầu tư ban đầu lớn về hệ thống phần cứng (máy tính, thiết bị hạ tầng kết nối mạng), hệ thống phần mềm có bản quyền có chi phí cao trong khi nguồn lực tài chính của các đơn vị tư vấn quy hoạch trong nước còn khá hạn chế do định mức kinh phí tư vấn quy hoạch xây dựng nước ta rất thấp so với mặt bằng chung các nước trong khu vực cũng như là chưa tương xứng so với tính phức tạp của quy trình, thủ tục và khối lượng công việc lớn, kéo dài của công tác lập quy hoạch xây dựng.  

Một số định hướng trọng tâm về công tác chuyển đổi số trong QHXD

Để tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác QHXD, Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia đã xây dựng Đề án “Chuyển đổi số trong công tác QHXD tại Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn giai đoạn 2023-2025”, trong đó đề ra các nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là: Nghiên cứu xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu số hóa các đồ án QHXD do Viện triển khai.

Hai là: Ứng dụng rộng rãi hệ thống Thông tin địa lý GIS trong các đồ án Quy hoạch quan trọng như các đồ án Quy hoạch tỉnh, Quy hoạch khu kinh tế, quy hoạch chung các đô thị lớn.

Ba là: Tiếp tục ứng dụng thí điểm Quy trình thông tin công trình BIM cho một số đồ án quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết đô thị để làm cơ sở đánh giá hiệu quả và nhân rộng.

Bốn là: Tiếp tục đẩy mạnh việc áp dụng các công nghệ mới để hỗ trợ và làm tăng năng suất, hiệu quả công tác khảo sát đo đạc bản đồ phục vụ QHXD.

Năm là: Xây dựng và hoàn thiện hệ thống quản lý số trong hoạt động chức năng, quản lý của Viện như: công tác quản lý chất lượng, quản lý đấu thầu, quản lý tiến độ công việc, quản lý hành chính, tài chính...

Các nhiệm vụ cụ thể trong năm 2023

          Triển khai “Kế hoạch chuyển đổi số ngành Xây dựng giai đoạn 2020-2025, định hướng đến 2030”, trong năm 2023, VIUP dự kiến triển khai các nhiệm vụ cụ thể sau:

- Tiếp tục tổ chức đào tạo ứng dụng GIS trong QHXD cho đội ngũ cán bộ, chủ nhiệm, chủ trì, tham gia đồ án của Viện; Triển khai ứng dụng GIS, BIM cho một số đồ án quy hoạch đô thị quan trọng do Chính phủ phê duyệt.

- Tổ chức triển khai một số đề tài nghiên cứu cấp Viện để ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động quản lý, chuyên môn của Viện trong các công tác tài chính kế hoạch, hành chính quản trị, quản lý khoa học…

- Đầu tư mua sắm có chọn lọc hệ thống phần cứng và phần mềm của hệ thống GIS, BIM, phần mềm phục vụ công tác quản lý chung của Viện.

Công tác chuyển đổi số là một nhiệm vụ khó khăn, đòi hỏi sự quyết tâm cao của lãnh đạo Viện và các phòng ban, đơn vị và nguồn lực đầu tư lớn về vật chất và nhân lực, nhưng Ban lãnh đạo Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia luôn xác định đây là một giải pháp quan trọng hàng đầu giúp tăng cường hiệu quả công tác hỗ trợ quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng và nâng cao chất lượng đồ án quy hoạch, năng suất lao động và tăng cường năng lực cạnh tranh của Viện trong bối cảnh thị trường tư vấn quy hoạch xây dựng ngày càng khó khăn hiện nay và phù hợp với xu thế từng bước tự chủ trong hoạt động của Viện trong giai đoạn tới đây.

(Nguồn:Tạp chí Quy hoạch xây dựng số (121))
Tin cũ hơn

Tạp chí QHXD

Ebook

Giới thiệu sách

Liên kết website