Chống biến đổi khí hậu bằng rừng ngập mặn

Trong nỗ lực bảo vệ các cộng đồng ven biển khỏi biến đổi khí hậu và khuyến khích đầu tư, các quốc gia châu Phi đang chuyển sang các dự án phục hồi rừng ngập mặn. Trong đó, Ai Cập và Mozambique trở thành những quốc gia mới nhất triển khai các dự án được mệnh danh là “dự án carbon xanh đầu tiên trên thế giới”.

Nhóm nghiên cứu trồng cây ngập mặn tại khu Safaga ở biển Đỏ thuộc Ai Cập

Mozambique, sau Kenya, Madagascar, Gambia và Senegal, được coi là nước có dự án lưu trữ carbon hệ sinh thái biển hoặc ven biển lớn nhất thế giới. Được gọi là carbon xanh, carbon được các hệ sinh thái này thu giữ có thể cô lập hoặc loại bỏ carbon dioxide khỏi khí quyển với tốc độ nhanh hơn so với rừng, mặc dù có kích thước nhỏ hơn.

Ông Vahid Fotuhi, Giám đốc điều hành Chương trình Blue Forest của Mỹ, cho biết: “Carbon xanh có thể được sử dụng không chỉ để cô lập hàng tấn carbon dioxide mà còn cải thiện cuộc sống của các cộng đồng ven biển. Có khoảng 1 triệu ha rừng ngập mặn ở châu Phi. Nói chung, chúng có thể thu giữ nhiều carbon dioxide hơn tổng khí thải hàng năm của một quốc gia như Croatia hoặc Bolivia”.

Các khu rừng ngập mặn chính của châu Phi đã bị tàn phá trong những thập niên gần đây do khai thác gỗ, nuôi cá, phát triển ven biển và ô nhiễm; dẫn đến tăng lượng khí thải carbon và các cộng đồng ven biển dễ bị tổn thương trước lũ lụt cùng các mối đe dọa khác đối với sinh kế. Việc chuyển hướng trọng tâm sang việc phục hồi rừng ngập mặn một phần do ảnh hưởng từ dự án Mikoko Pamoja, được khởi xướng vào năm 2013 tại vịnh Gazi của Kenya.

Dự án này đã bảo vệ 117ha rừng ngập mặn và trồng lại 4.000 cây hàng năm. Mikoko Pamoja, tiếng Swahili có nghĩa là “rừng ngập mặn của chung”, tập trung nỗ lực bảo vệ các cộng đồng nhỏ ở các làng Gazi, Makongeni khỏi bị mất cá và giảm biến đổi khí hậu. Dự án này được mệnh danh là “dự án carbon xanh đầu tiên trên thế giới” và đã mang lại cho cộng đồng danh tiếng toàn cầu, giải thưởng, tiền mặt cũng như mức sống cao hơn. Một số dự án khác đã được triển khai kể từ đó. Tại Senegal, 79 triệu cây rừng ngập mặn được trồng lại dự kiến sẽ lưu trữ 500.000 tấn carbon trong vòng 20 năm tới. Nước láng giềng Gambia đã khởi động nỗ lực trồng rừng của riêng mình vào năm 2017, và Madagascar cũng tuân theo dự án bảo tồn của riêng mình 2 năm sau đó.

Ai Cập cũng đang thực hiện dự án phục hồi rừng ngập mặn trước khi đăng cai tổ chức hội nghị khí hậu COP27 của Liên hiệp quốc vào tháng 11 năm nay. Được khởi động vào tháng 4-2020, dự án được thiết lập để phục hồi tổng diện tích 210ha rừng ngập mặn. Nó được sử dụng như một tuyến phòng thủ, làm chậm tác động của biến đổi khí hậu - trong đó cấp bách nhất là mực nước biển dâng. Tốc độ gia tăng mực nước biển Đỏ đã tăng gần gấp đôi trong những năm gần đây, theo một nghiên cứu năm 2021.

Rừng ngập mặn mọc tự nhiên ở 28 địa điểm dọc theo bờ biển Đỏ của Ai Cập. Tiến sĩ Oman Ghali, người đứng đầu Đơn vị canh tác cây môi trường và đất khô tại Trung tâm Nghiên cứu sa mạc của Chính phủ Ai Cập, cho biết: “Do sự can thiệp của con người, sự phát triển của chúng chỉ còn khoảng 500m tại mỗi địa điểm. Cây ngập mặn mọc ở vùng nước mặn của những vùng này để giúp ổn định đất và bảo vệ các bãi biển khỏi bị xói mòn thông qua các rễ chằng chịt của chúng gắn chặt mặt đất với nhau. Dự án có kinh phí 4 triệu bảng Ai Cập (khoảng 300.000 USD), với sự hỗ trợ của Học viện Nghiên cứu khoa học và công nghệ của chính phủ, sẽ “tăng diện tích rừng ngập mặn lên 60ha ở mỗi địa điểm”.

Tiến sĩ O.Ghali lưu ý rằng, rừng ngập mặn là nơi hấp thụ rất nhiều khí thải carbon. Theo một nghiên cứu năm 2020, một mẫu cây rừng ngập mặn đang phát triển có thể hấp thụ từ 50-220 tấn carbon - gấp 3 hoặc 4 lần lượng hấp thụ của các khu rừng thông thường.

(Nguồn:sggp.org.vn)
Tin cũ hơn

Tạp chí QHXD

Ebook

Giới thiệu sách

Liên kết website