Mô hình khu đô thị dành cho trí thức trẻ

 

TS. Phạm Đình Tuyển[1], TS. Lê Lan Hương1*

ThS. Nguyễn Minh Hiếu[2], KTS. Nguyễn Thị Diệp2

 

Tóm tắt

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang ngày càng cần nhiều hơn lao động trí thức. Để rút ngắn khoảng cách với các nước phát triển và hướng đến mục tiêu năm 2045 Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao, khâu đột phá đầu tiên phải là đào tạo và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực chất lượng cao hay tầng lớp trí thức; phải có chính sách đãi ngộ xứng đáng, trước hết là nhà ở cho họ. Nhóm nghiên cứu đã đưa ra một số quan điểm, nguyên tắc và mô hình quy hoạch phát triển Khu đô thị dành cho trí thức trẻ. Mô hình dựa trên nền tảng khu nhà ở xã hội kết hợp hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.

Abstracts

The industrial revolution 4.0 is increasingly requiring more and more intellectual workers. To shorten the gap with developed countries and aim for becoming a high-income developed country in 2045, the first Vietnamese breakthrough must be training and effective use of high-quality human resources as well as having a worthy incentives policy, including housing for intellectuals. The research team has come up with some perspectives, principles, and models of urban development planning for young intellectuals. The model is based on a social housing complex that combines a startup and innovation ecosystem.

1Phần mở đầu

1.1.Khái niệm về trí thức trẻ

Nghị quyết số 27 - NQ/TW, ngày 06/8/2008 của Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương khóa X về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước xác định: "Trí thức là những người lao động trí óc, có trình độ học vấn cao về lĩnh vực chuyên môn nhất định, có năng lực tư duy độc lập, sáng tạo, truyền bá và làm giàu tri thức, tạo ra những sản phẩm tinh thần và vật chất có giá trị đối với xã hội".

Trí thức trẻ là những nhà trí thức của tương lai, những người còn trẻ cả về tuổi nghề và tuổi đời. Trong nghiên cứu này, trí thức trẻ bao gồm những người đã tốt nghiệp đại học, tuổi dưới 40.

1.2.Quá trình đô thị hóa và nhà ở cho trí thức trẻ

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2020, dân số Việt Nam là 97,58 triệu người, trong đó dân số thành thị là 35,93 triệu người, chiếm 36,82% tổng dân số. Số người di cư từ khu vực nông thôn sang khu vực thành thị (học và làm việc) chủ yếu nằm trong độ tuổi từ 15-39 tuổi chiếm tỷ lệ 84%.

Trong quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa cũng như quá trình chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, con người là yếu tố quan trọng nhất. Trong nhiều trường hợp, quá trình đô thị hóa không chỉ đơn thuần đáp ứng nhu cầu về chỗ ở, dịch vụ công cộng cho người dịch cư từ nông thôn ra thành phố mà còn là tạo lập môi trường không gian thu hút người tài và hình thành con người mới cho giai đoạn phát triển mới. Việc hình thành các Khu nhà ở dành cho trí thức trẻ bên cạnh các Khu nhà ở dành cho người lao động trong và ngoài khu công nghiệp trong quá trình đô thị hóa là xu hướng tất yếu.

1.3.Nhu cầu về nhà ở của trí thức trẻ

Nhóm nghiên cứu đã tiến hành điều tra xã hội học nhằm thu thập ý kiến các trí thức trẻ đã tốt nghiệp đại học và tuổi từ 39 trở xuống từ tháng 10/2022 đến tháng 4/2023 để phục vụ trực tiếp cho việc xây dựng Mô hình khu đô thị dành cho trí thức trẻ. Nghiên cứu thu được 478 phiếu điều tra XHH, trong đó tỷ lệ nữ giới chiếm 40,1%, nam giới 59,9%; có 84,6% trình độ đại học và 15,4% trình độ trên đại học. Có 54,6% số người được hỏi có thu nhập dưới 9 triệu đồng/tháng (tương đương mức thu nhập không phải đóng thuế, có thể được thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội), 57,7% có nhu cầu mua nhà ở xã hội.

Theo Số liệu thống kê giáo dục đại học của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong 5 năm gần đây nhất, trung bình hàng năm có khoảng 315 ngàn sinh viên ra trường. Giả định số lượng trí thức trẻ tính cho 15 năm (từ năm 2015 - 2030) sẽ có 4,73 triệu trí thức trẻ tuối dưới 39 tuổi. Nếu chỉ tính với 50% người có nhu cầu nhà ở (theo khảo sát là 57,7%), đã có gần 2,4 triệu trí thức trẻ (ra trường trong khoảng thời gian 2015 - 2030) có nhu cầu về nhà ở.

2Các quan điểm quy hoạch phát triển Mô hình khu đô thị cho trí thức trẻ

2.1. Khu đô thị cho trí thức trẻ là một trong các dạng thức khu NOXH

NOXH là nhà ở có sự hỗ trợ của Nhà nước cho các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở theo quy định của Luật Nhà ở (Luật số 65/2014/QH13, ngày 25/11/2014). Theo Điều 49 của Luật Nhà ở, có 10 nhóm đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về NOXH. Khu NOXH dành cho trí thức trẻ (tốt nghiệp đại học) có thể thuộc vào 3 loại: Người thu nhập thấp tại khu vực đô thị (Đối tượng 4 có điều kiện kèm theo); Người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp (Đối tượng 5); Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức (Đối tượng 7).

Hình thức phát triển Dự án khu NOXH trong Mô hình:

- Cách thức đầu tư xây dựng: Do doanh nghiệp đầu tư theo dự án. Việc lựa chọn chủ đầu tư dự án NOXH được quy định của Luật nhà ở.

- Nguồn vốn: Được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn của doanh nghiệp, tổ chức (gọi chung là nguồn vốn ngoài ngân sách).

- Tính chất : Dự án đầu tư xây dựng khu, nhóm NOXH có hệ thống hạ tầng kỹ thuật (HTKT) và hạ tầng xã hội đồng bộ; Dự án đầu tư xây dựng khu đô thị hoặc dự án sử dụng đất hỗn hợp mà có dành diện tích đất trong dự án để xây dựng NOXH;

- Kế hoạch: Căn cứ vào Chương trình phát triển NOXH cụ thể của từng địa phương; kết hợp với các dự báo số lượng trí thức trẻ có nhu cầu về NOXH, diện tích, số lượng căn hộ NOXH cần đáp ứng mà hình thành dự án.

2.2. Quan điểm quy hoạch: Việc quy hoạch Khu đô thị dành cho tri thức trẻ liên quan trực tiếp đến việc đáp ứng 9 nhu cầu sau:

a) Nhu cầu tự thân - Kế thừa mô hình khu nhà ở xã hội hiện nay: i) Việc quy hoạch phải đáp ứng cao nhất nhu cầu nhà ở xã hội gắn với khả năng chi trả của người lao động; Quy hoạch tích hợp nhà ở với công trình dịch vụ công cộng, hạ tầng kỹ thuật, cây xanh theo các quy định hiện hành; ii) Đáp ứng nhu cầu sinh kế và cộng đồng của cư dân trong khu nhà ở; iii) Đáp ứng và phù hợp với hoạt động bất động sản tại địa phương.

b) Nhu cầu mở rộng - Đồng bộ hóa với các nhân tố thời hội nhập CMCN 4.0: iv) Quy hoạch thúc đẩy tương tác xã hội; Kết nối những cá nhân, cộng đồng trong nhiều lĩnh vực khác nhau; Thúc đẩy đổi mới sáng tạo các loại hình công nghệ và sản phẩm mới; v) Quy hoạch tạo điều kiện cho việc hình thành Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tạo điều kiện cho hoạt động sống của cư dân trong đô thị hướng về Khởi sự doanh nghiệp và khởi đầu một sự nghiệp mới; vi) Hình thành cấu trúc đô thị kiểu mới về không gian đô thị, thiết kế cảnh quan, nghệ thuật tạo hình và phát triển bền vững; vii) Hình thành các không gian thúc đẩy chuyển đổi số; quản lý, vận hành đô thị theo hướng thông minh; viii) Hướng tới trở thành một ví dụ tiêu biểu về sự định cư trong giai đoạn mới - công dân toàn cầu; ix) Góp phần hình thành một chuẩn mực xã hội mới; Tiếp nối và hình thành một văn hóa mới cho thế hệ trẻ.

2.3. Thiết chế của Mô hình:

Mô hình Khu đô thị dành cho trí thức trẻ là một mô hình đặc biệt, vì vậy cần một thiết chế riêng biệt, tương tự như Thiết chế của công đoàn trong việc đầu tư xây dựng nhà ở, nhà trẻ, siêu thị và các công trình văn hóa thể thao tại các Khu công nghiệp, Khu chế xuất.

Thiết chế của Mô hình là một loại thiết chế xã hội, một hệ thống tổ chức và giám sát có nhiệm vụ đáp ứng cao nhất nhu cầu của Khu đô thị, nhờ đó mà các quan hệ xã hội trong mô hình được tích hợp và đồng bộ hóa với nhau, đảm bảo cho cộng đồng trí thức trẻ bên trong Khu đô thị hoạt động nhịp nhàng và bền vững. Thiết chế được thiết lập trên cơ sở quy định của Hiến pháp, pháp luật và nhu cầu thực tiễn, gồm các các yếu tố chính:

- Yếu tố triết lý: Lấy con người, trí thức trẻ với phẩm cách đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp làm trung tâm;

- Yếu tố cơ sở vật chất: Là khu NOXH với hệ thống công trình công cộng, HTKT đồng bộ thông thường và được mở rộng thêm các công trình thúc đẩy các hoạt động: i) Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; ii) Chuyển đổi số; iii) Hình thành con người mới.

- Yếu tố tài chính và quản lý vận hành: Đối với nhà đầu tư, việc thu hồi vốn của dự án được thực hiện theo quy định của nhà nước như đối với khu NOXH. Nguồn lực tài chính thu được từ các cơ sở dịch vụ khi Khu đô thị đi vào hoạt động được Ban quản lý Khu đô thị, Ban quản lý các tòa nhà sử dụng cho việc duy trì hoạt động liên tục của Khu đô thị cũng như toàn bộ thiết chế.

- Yếu tố dân cư: gồm 2 nhóm: i) Cộng đồng cư dân sống trong Khu đô thị dành cho trí thức trẻ; ii) Cá nhân và nhóm trí thức trẻ bên ngoài Khu đô thị đến đây thực hiện các hoạt động kết nối, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và hình thành văn hóa mới.

- Yếu tố khác: Thiết chế của Mô hình còn mở rộng thêm: i) Yếu tố tri thức liên quan đến hoạt động khoa học, công nghệ, giáo dục, nghệ thuật và văn hóa; ii) Yếu tố giao tiếp công cộng: Liên quan đến việc thúc đẩy các hoạt động thực và ảo (trên mạng xã hội) gắn với đổi mới sáng tạo, công dân kỹ thuật số và công dân toàn cầu; iii) Yếu tố truyền thông hay lan truyền gắn với việc hình thành các chuẩn mực xã hội và văn hóa mới. Thiết chế của Mô hình Khu đô thị dành cho trí thức trẻ chỉ sớm được thực hiện thành công khi có sự đồng thuận của các Bộ, ban, ngành và địa phương có liên quan. Thiết chế này sẽ tiếp tục bổ sung và hoàn thiện trong quá trình đầu tư và vận hành dự án trong phạm vi quốc gia và của từng địa phương.

3Mô hình khu nhà ở cho trí thức trẻ

3.1. Công thức khái quát cho Mô hình

Mô hình Khu Đô thị dành cho trí thức trẻ có thể tóm lược gọn trong công thức:

Khu Đô thị dành cho trí thức trẻ = Khu NOXH + Hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo”.

Hiện tại, Phong trào khởi nghiệp mới tập trung phát triển Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại cơ sở đào tạo đại học hoặc tồn tại độc lập. Trong Mô hình, Hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo gắn liền với khu nhà ở dành cho trí thức trẻ, nhằm khai thác tối đa thời gian rảnh và hoạt động thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp của các cư dân trong Khu đô thị và cả xung quanh

 

3.2. Mô hình gốc và Mô hình mở rộng

a) Mô hình gốc

- Khu đô thị: Mô hình gốc hay Mô hình nguồn Khu đô thị dành cho trí thức trẻ có quy mô khoảng 10 ha, dân số khoảng 5 ngàn người. Đây là quy mô phổ biến trong các dự án phát triển các khu đô thị tại Việt Nam.

b) Mô hình mở rộng

- Đơn vị ở đô thị: Từ Mô hình gốc có thể mở rộng quy mô hướng tới một đợn vị ở đô thị. Mô hình mở rộng hay Mô hình trình diễn có quy mô trung bình khoảng 3 Mô hình gốc với diện tích đất khoảng 30 - 60ha (phù hợp với bán kính có thể đi bộ được); dân số khoảng 1,5 - 1,8 vạn người (phù hợp với quy mô cấp quản lý hành chính- cấp phường trong đô thị).

 

4Quy hoạch Khu đô thị cho trí thức trẻ

4.1. Lựa chọn địa điểm

a) Các tiêu chí thông thường của địa điểm một dự án NOXH

- Vị trí thuận lợi đến nơi làm việc;

- Vị trí thuận lợi đến các công trình: Giáo dục; Y tế; Vườn hoa, sân tập luyện thể thao; Chợ, chỗ bán lẻ; Bến xe bus, giao thông đô thị; Gần các công trình dịch vụ đô thị cấp cao: bệnh viện, bưu điện, TT thương mại, công viên; Cách xa nơi ô nhiễm, tiếng ồn (đường GT chính, đường sắt…);

- Quy mô diện tích, hình dáng ô đất XD phù hợp;

- Kết nối thuận tiện với hệ thống HTKT xung quanh;

- Có cơ hội kinh doanh và việc làm trong khu vực;

- Tiềm năng của vị trí trong tương lai...

b) Các tiêu chí khác:

- Khu đô thị dành cho trí thức trẻ nên đặt tại các đô thị loại I, đây là nơi tập trung nhiều trường đại học và có hoạt động kinh tế, xã hội phát triển mạnh.

- Xét đến yếu tố của một khu NOXH, Khu đô thị dành cho trí thức trẻ nên nằm tại ven thành phố: Khoảng cách đến trung tâm thành phố trong phạm vi 40 phút đi lại.

- Tại vùng Đồng bằng Bắc bộ, vị trí có thể đặt tại các Làng khoa bảng, như là một giải pháp kết nối với truyền thống học tập và nảy sinh các thế hệ người hiền tài tại Việt Nam.

4.2. Chỉ tiêu quy hoạch

a) Các chỉ tiêu về sử dụng đất: Phù hợp với Quy chuẩn, tiêu chuẩn Xây dựng Việt Nam và các quy định khác liên quan:

- Dân số trung bình: 3 người/hộ;

- Đất ở: tối thiểu 15m2/người;

- Đất giao thông: Chiếm tỷ lệ 18-30% tổng diện tích đất quy hoạch; Chỗ đỗ xe được tính toán cho từng công trình và có bãi đỗ xe riêng dành cho khách vãng lai.

- Đất cây xanh: Đất cây xanh sử dụng công cộng trong nhóm nhà ở: tối thiểu 1m2/người; Đất cây xanh trong từng lô đất xây dựng công trình: Chung cư tối thiểu 20%; Nhà trẻ 30% tổng diện tích lô đất.

- Mật độ xây dựng: Phù hợp theo từng loại đất và chiều cao công trình theo quy định.

b) Các chỉ tiêu về hạ tầng kỹ thuật: Phù hợp với Quy chuẩn, tiêu chuẩn Xây dựng Việt Nam và các quy định khác liên quan

Bảng 1: Cơ cấu sử dụng đất trong Khu đô thị cho trí thức trẻ (Mô hình gốc)

TT

Ký hiệu

Loại đất

Diện tích

Tỷ lệ

1

NO

Đất ở

43060

43,39

2

 

Đất công cộng dịch vụ

24625

24,82

2.1

TT ĐMST

TT Đổi mới sáng tạo

3396

3,42

2.2

TT TMDV

TT Thương mại, dịch vụ

3396

3,42

2.3

NT

Nhà trẻ

3758

3,79

2.4

TH

Trường tiểu học

9900

9,98

2.5

UBND

Ủy ban nhân dân phường

1832

1,85

2.6

YT

Trạm Y tế

2343

2,36

3

CX

Cây xanh tập trung

24684

24,88

3.1

 

Cây xanh TDTT

14158

14,27

3.2

 

Cây xanh vườn hoa

10526

10,61

4

HTKT

HTKT

638

0,64

5

GT

Giao thông

6224

6,27

5.1

 

Bãi đỗ xe

1442

1,45

5.2

 

Đường giao thông rộng 12m

4782

4,82

 

 

Tổng

99231

100,0

4.3. Định hướng phát triển không gian mô hình khu đô thị dành cho trí thức trẻ

1) Trục không gian chính mang tính biểu tượng, dễ ghi nhận: Khu Đô thị dành cho trí thức trẻ (City For Young Intellectuals) hình thành trên một mạng lưới trục không gian bắt nguồn từ hình chữ Y với 3 cánh đều nhau hay hình bát giác. Các trục không gian này có thể mở rộng tùy theo điều kiện địa hình và tạo cho cấu trúc không gian của Khu đô thị có một biểu tượng về sự linh hoạt, mở rộng và kết nối. Chính cấu trúc không gian theo hình chữ Y này tạo cho Khu đô thị dành cho trí thức trẻ dễ ghi nhận và khác biệt so với các khu đô thị khác tại Việt Nam. Từ các trục không gian chính, hình thành các trục không gian phụ với bố cục về cơ bản phù hợp với trục không gian chữ Y.

2) Phân khu chức năng đáp ứng đồng thời nhu cầu tự thân và nhu cầu mở rộng: Khu vực Dự án có chức năng sử dụng đất đa dạng (ở kết hợp với thương mại dịch vụ, văn phòng; Thương mại dịch vụ kết hợp với văn phòng, triển lãm hội thảo...), nhằm gia tăng hiệu quả tổng hợp theo hướng kinh tế đô thị hiện đại, phù hợp với các quan điểm quy hoạch về nhu cầu tự thân và nhu cầu mở rộng đã nêu tại phần trên, gồm:

- Đất ở: Chung cư 9, 10, 11 tầng: Tầng 1 là không gian dịch vụ thương mại, văn phòng khởi nghiệp. Tầng trên là căn hộ. Kết nối các khối 17 căn hộ là một khối không gian, cao thông tầng có vai trò là không gian sinh hoạt cộng đồng. Xung quanh chung cư là quảng trường, sân đường dạo, cây xanh vườn hoa và các công trình dịch vụ kèm theo (Trung tâm tổ chức sự kiện, triển lãm). Các công trình chung cư được thiết kế theo mẫu.

- Đất dịch vụ công cộng: Trung tâm đổi mới sáng tạo; Trung tâm thương mại dịch vụ; Trường tiểu học; Nhà trẻ; Trạm y tế; Công trình tập luyện thể dục thể thao. Công trình cao 1 - 5 tầng.

- Đất công trình hành chính: UBND phường, cao 3 tầng.

- Đất cây xanh: Công viên, vườn hoa, sân thể thao là không gian mở liên kết các khối công trình thấp tầng, theo các không gian xanh tập trung và theo các dải hay hành lang không gian xanh.

- Đất giao thông nội bộ và bãi đỗ xe cho khách vãng lai và đất xây dựng công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật.

3) Bố cục không gian linh hoạt và mở: Các công trình được bố trí theo các trục không gian hình chữ Y và phân bố phù hợp với quy mô của các khu chức năng và kết nối liên thông với nhau thông qua hệ thống không gian mở và các tuyến đường đi bộ.

4) Hình thức công trình:

- Phần lớn công trình có ngôn ngữ kiến trúc hiện đại: Hình khối phong phú, đa dạng; Vật liệu xây dựng mới; Màu sắc tươi sáng, xen kẽ với các mảng màu mạnh mẽ, phù hợp với nhu cầu thị hiếu của giới trẻ.

- Bổ sung các công trình kiến trúc nhỏ thể hiện ngôn ngữ kiến trúc cổ điển quốc tế và truyền thống, tạo thành các điểm nhấn thị giác.

- Các công trình không có hàng rào đặc bao quanh.

5) Bố cục hệ thống cây xanh như một hệ thống không gian mở liên tục:

- Hệ thống cây xanh trong Khu đô thị bao gồm cây xanh tập trung và cây xanh phân tán trong các ô đất xây dựng.

- Đảm bảo diện tích cây xanh tập trung không nhỏ hơn 20% diện tích Khu đô thị.

- Hệ thống cây xanh được kết nối với nhau tạo thành một hệ thống không gian mở liên tục là cơ sở cho việc hình thành một khu đô thị xanh và phát triển bền vững.

 

Hình 2: Sơ đồ phân khu chức năng và kết nối không gian trong Khu đô thị cho trí thức trẻ - Mô hình của NuceTech và Khoa Kiến trúc & Quy hoạch, Đại học Xây dựng Hà Nội.

 

5Kết luận

Việt Nam có nhiều dự án về NOXH, song phần lớn tập trung vào NOXH dành cho người thu nhập trung bình và thấp tại đô thị và lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp. Dự án NOXH dành cho trí thức trẻ, với những đặc thù riêng chưa thực sự được nghiên cứu và triển khai trong thực tế. Nhóm nghiên cứu đề xuất "Mô hình Khu đô thị dành cho tri thức trẻ" đóng góp thêm một trong những loại hình khu NOXH tập trung mới cho các đô thị Việt Nam. Mô hình sớm được triển khai sẽ góp phần thúc đẩy xây dựng đội ngũ trí thức trẻ trong thời kỳ công nghiêp hóa, hiện đại hóa đất nước.

 

Tài liệu tham khảo

  1. Nghị định 49/2021/NĐ-CP ngày 01/4/2021 về Sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội.

  2. Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 06/8/2008 của Hội nghị BCH Trung ương Đảng về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

  3. Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng QCXDVN :01/2008/BXD.

  4. Báo cáo tổng kết đề tài NCKH cấp BXD “Nghiên cứu các giải pháp công nghệ nhằm tạo lập Mô hình phát triển NOXH”, 2016; Mã số RD 99-13; Chủ nhiệm đề tài: TS. Phạm Đình Tuyển.

 


[1] Khoa Kiến trúc và Quy hoạch, Đại học Xây dựng Hà Nội   

[2] Công ty NUCE Tech, Đại học Xây dựng Hà Nội.

* Tác giả liên hệ:   Email: huongll@huce.edu.vn   Tel: 0986699698.

(Nguồn:Tạp chí Quy hoạch xây dựng số (123))
Tin cũ hơn

Tạp chí QHXD

Ebook

Giới thiệu sách

Liên kết website