Dự Hội nghị có Thứ trưởng Nguyễn Việt Hùng, đại diện lãnh đạo các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, các Cục quản lý chuyên ngành, Ban Quản lý dự án và sự tham gia của 13 doanh nghiệp thuộc Bộ.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh chủ trì Hội nghị
Tại Hội nghị, phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh cho biết, trong bối cảnh cả hệ thống chính trị với quyết tâm cao nhất để huy động và khơi thông mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội, Bộ Xây dựng đã nỗ lực, quyết tâm thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu đề ra trong năm 2025. Các doanh nghiệp thuộc Bộ cũng không thể đứng ngoài cuộc cách mạng này.
“Từ khi hoàn thành sáp nhập đến nay, Bộ Xây dựng đã hoàn thành việc phê duyệt, giao kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2025, yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện mục tiêu sản xuất kinh doanh tăng trưởng trên 8% theo chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ”, Bộ trưởng Trần Hồng Minh nói đồng thời chỉ rõ, Hội nghị lần này là cơ hội để các doanh nghiệp thuộc Bộ Xây dựng báo cáo, đề xuất, kiến nghị nhằm kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư, tái cơ cấu.
Báo cáo tổng hợp kết quả thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển trong 6 tháng đầu năm 2025 của các doanh nghiệp trực thuộc Bộ Xây dựng, Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp Vũ Ngọc Anh cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2025, tổng giá trị sản xuất của các doanh nghiệp thuộc Bộ Xây dựng đạt khoảng 29.515 tỷ đồng, bằng 47,05% kế hoạch năm 2025; doanh thu đạt 30.065 tỷ đồng, bằng 46,67% kế hoạch; lợi nhuận khoảng 2.358 tỷ đồng, vượt kế hoạch đề ra trong 6 tháng đầu năm là 537 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, các Tổng công ty đã nghiêm túc triển khai Đề án cơ cấu lại các doanh nghiệp giai đoạn 2021 - 2025 được phê duyệt, trong đó tập trung xây dựng và thực hiện phương án xử lý, thoái vốn các khoản đầu tư tài chính tại các doanh nghiệp khác, nhất là đối với các doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả.
Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp cũng cho biết, về cơ bản, công tác tái cơ cấu các doanh nghiệp thuộc Bộ đã bám sát chủ trương của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Chính phủ, Kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 1479/QĐ-TTg ngày 29/11/2022 và Kế hoạch điều chỉnh, Quyết định số 382/QĐ-BXD ngày 11/4/2023 của Bộ Xây dựng; nghiêm túc triển khai Đề án cơ cấu lại các doanh nghiệp giai đoạn 2021 - 2025 đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, trong đó tập trung sắp xếp, thoái vốn đầu tư của các Tổng công ty tại các doanh nghiệp khác.
“Nhìn chung, kết quả sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm 2025 của các doanh nghiệp thuộc Bộ Xây dựng đạt kết quả tích cực. Các chỉ tiêu về giá trị sản xuất kinh doanh, doanh thu, lợi nhuận tăng so với với cùng kỳ năm 2024”, ông Vũ Ngọc Anh khẳng định.
Cũng tại Hội nghị, đại diện Vụ Quản lý doanh nghiệp đề nghị, 6 tháng cuối năm 2025, các doanh nghiệp cần tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án cơ cấu lại các doanh nghiệp giai đoạn 2021 - 2025 đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; trong đó tập trung thực hiện phương án xử lý, sắp xếp, thoái vốn các khoản đầu tư tài chính tại các doanh nghiệp khác, nhất là các doanh nghiệp hoạt động thua lỗ, kém hiệu quả.
Các doanh nghiệp thuộc Bộ phải tiếp tục thực hiện Nghị quyết 220/NQ-CP, Thông báo số 23-TB/TW ngày 28/12/2023 và Quyết định số 136/QĐ-BGTVT ngày 7/2/2024 về thực hiện xử lý Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC); Quyết toán dự án nhà máy đóng tàu Dung Quất giai đoạn 1, tàu 104.000 tấn; Xử lý các tồn tại vướng mắc tại Công ty đóng tàu Sông cấm, Hạ Long, VFC, VFL; Hoàn thiện Đề án nâng cao năng lực các doanh nghiệp đóng tàu trong nước...
“Các đơn vị cần tập trung thực hiện công tác quyết toán vốn Nhà nước tại thời điểm chính thức chuyển doanh nghiệp thành công ty cổ phần đối với các doanh nghiệp theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 5/6/2025 của Thủ tướng Chính phủ”, Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp nhấn mạnh đồng thời đề nghị các đơn vị cần đôn đốc, giám sát việc thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển năm 2025 của các doanh nghiệp, đảm bảo đạt và vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch đã được phê duyệt; khẩn trương cập nhật, xây dựng, ban hành điều lệ, quy chế quản lý doanh nghiệp theo quy định tại Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp số 68/2025/QH15 và các Nghị định, văn bản hướng dẫn thi hành; đẩy mạnh thực hiện tinh gọn bộ máy quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh và tính linh hoạt của bộ máy.
Tại Hội nghị, đại diện các doanh nghiệp thuộc Bộ Xây dựng đã báo cáo cụ thể tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư, tái cơ cấu và đưa ra một số đề xuất, kiến nghị với lãnh đạo Bộ nhằm kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Việt Hùng đánh giá cao Vụ Quản lý doanh nghiệp đã nhanh chóng kiện toàn tổ chức, chủ động, kịp thời báo cáo, tham mưu cho lãnh đạo Bộ chỉ đạo, thực hiện các chức năng của cơ quan đại diện chủ sở hữu đối với các doanh nghiệp. Trên cơ sở ý kiến phát biểu và kiến nghị của các doanh nghiệp, Thứ trưởng chỉ đạo rõ từng đơn vị cần có kế hoạch để mở rộng thị trường, tìm kiếm thêm đơn hàng, từ đó đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, đảm bảo hoàn thành và vượt mức chỉ tiêu kế hoạch được phê duyệt.
Đồng tình với ý kiến của Thứ trưởng Nguyễn Việt Hùng, Bộ trưởng Trần Hồng Minh cũng biểu dương các doanh nghiệp đã cố gắng, vượt qua khó khăn để triển khai hiệu quả kế hoạch được giao. Hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2025 có nhiều chuyển biến tích cực. Các chỉ tiêu giá trị sản xuất kinh doanh, doanh thu, lợi nhuận và giá trị đầu tư đều tăng so với cùng kỳ năm 2024.
Bộ trưởng nhận định, 6 tháng cuối năm 2025 vẫn còn rất nhiều nhiệm vụ hết sức nặng nề, khó khăn, đòi hỏi các doanh nghiệp phải quyết tâm rất cao, nhất là việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng trên 8% theo yêu cầu của Trung ương và Chính phủ.
Vì vậy, Bộ trưởng Trần Hồng Minh đề nghị các doanh nghiệp thuộc Bộ Xây dựng cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm.
Trước hết, Bộ trưởng yêu cầu các doanh nghiệp tiếp tục nghiêm túc, quán triệt và kịp thời thực hiện các chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng; tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp lớn, then chốt, trọng tâm 6 tháng cuối năm 2025, trong đó yêu cầu hoàn thành đạt và phấn đấu vượt mức kế hoạch sản xuất kinh doanh được phê duyệt.
Các đơn vị cũng phải tổ chức triển khai ngay Luật Quản lý vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp và các Nghị định quy định chi tiết sau khi có hiệu lực từ 1/8/2025.
Trong thời gian tới, các doanh nghiệp thuộc Bộ phải chủ động, quyết liệt thực hiện một số giải pháp, tiên phong trong chuyển đổi số.
Các doanh nghiệp phải tăng cường hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau trên cơ sở thế mạnh của riêng mình để cùng vượt qua khó khăn, phát triển mạnh mẽ hơn…