Cách Singapore 'hạ nhiệt' đô thị

Singapore đang tìm hiểu về cách nhiệt độ tác động tới con người trong những tình huống khác nhau, từ đó lên phương án quy hoạch thành phố, giải quyết thách thức đảo nhiệt đô thị.

Nhiệt độ đã lên tới 30 độ C và vẫn đang trên đà tăng. Độ ẩm đo được là 75%. Ánh nắng mặt trời lấp ló phía sau những tòa nhà cao tầng.

14 tình nguyện viên, 6 nhà nghiên cứu cùng xe khí tượng sinh học di động có tên “Smarty” đã vào vị trí, sẵn sàng “tản bộ đo nhiệt” tại khu vực trung tâm thành phố của Singapore. Nhóm tình nguyện viên đã đeo thiết bị đo nhịp tim và nhiệt độ da. Trưởng nhóm nghiên cứu Winston Chow sẽ là người giám sát hoạt động.

Nhóm của ông Chow là một phần của Cooling Singapore - dự án khởi động vào năm 2017 do chính phủ tài trợ. Mục tiêu hiện tại của dự án là xây dựng mô hình máy tính gồm dữ liệu của thành phố, hay còn gọi là “bộ đôi khí hậu đô thị kỹ thuật số” (digital urban climate twin - DUCT).

DUCT kết hợp thông tin về tòa nhà, giao thông, thảm thực vật, bề mặt đất, thậm chí chuyển động của con người, cũng như các yếu tố gió và ánh sáng mặt trời, theo Bloomberg.

Mô hình ảo này sẽ cho phép giới hoạch định chính sách phân tích, kiểm tra hiệu quả của các biện pháp ứng phó với nhiệt, đưa ra các kịch bản khác nhau, trước khi bắt tay vào xây dựng các phương án đó.

Chính phủ Singapore hy vọng nghiên cứu này có thể được nhân rộng trên toàn thế giới, theo New York Times.

“Nhiều người tự hỏi đâu là yếu tố thực sự ảnh hưởng tới cảm giác khó chịu của cơ thể. Tốc độ gió thấp, nhiệt độ không khí cao, hay độ bức xạ mặt trời cao?”, ông Chow - phó giáo sư khoa học, công nghệ và xã hội tại Đại học Quản lý Singapore - đặt loạt câu hỏi. “Chúng tôi có thể xử lý được vấn đề đó. Nghiên cứu có thể giúp ích rất nhiều trong việc thiết kế đô thị thông minh hơn ở cấp độ quy hoạch, hoặc cả cách cá nhân đối phó với nắng nóng”.

Nỗi sợ của Singapore

Tiềm lực kinh tế phát triển mang lại cho Singapore nguồn lực đầu tư vào các giải pháp công nghệ cao. Giới nghiên cứu cho rằng vị trí địa lý của quốc gia Đông Nam Á này cũng khiến Singapore trở thành hình mẫu cho nhiều nước, đặc biệt là ở khu vực vùng nhiệt đới. Nằm gần xích đạo, nhiệt độ quanh năm ở nước này dao động ở 31,1 độ C. Không chỉ vậy, độ ẩm tại đây cũng cao, trung bình 84%.

Singapore thường trực nỗi sợ rằng nắng nóng khắc nghiệt có thể khiến đất nước giàu có này thành nơi không thể sinh sống.

Nghiên cứu quốc gia về biến đổi khí hậu vào năm 2015 dự đoán nhiệt độ trung bình hàng ngày của Singapore có thể tăng 1,4-4,6 độ C vào cuối thế kỷ này. Năm 2019, Thủ tướng Lý Hiển Long nói rằng thời tiết ở Singapore “nóng hơn một cách rõ rệt”, trong khi quy mô mưa bão lớn hơn. Ông nhấn mạnh “điều này rất có thể sẽ tồi tệ hơn trong vài thập niên tới”.

Các nhà khoa học cũng cảnh báo về nhiệt độ bầu ướt - cách đo kết hợp giữa nhiệt độ không khí khô (số hiện trên nhiệt kế) và độ ẩm. Việc tiếp xúc liên tục với một số ngưỡng nhiệt và độ ẩm cao nhất định khiến con người khó hạ nhiệt vì cơ thể không thể toát mồ hôi. Hiện tượng này dễ dẫn đến tử vong, ngay cả đối với người khỏe mạnh.

Giới phê bình cho rằng Singapore có thể làm nhiều hơn nữa để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Gần như mọi nguồn cung năng lượng của Singapore đều đến từ nhiên liệu hóa thạch. Nước này cũng là một trong những tổ hợp lọc và hóa dầu lớn nhất thế giới. Điều hòa không khí được sử dụng cực kỳ phổ biến tại quốc gia gần 6 triệu dân.

Con hẻm nhỏ gắn kín máy điều hòa ở khu Boat Quay, Singapore. Ảnh: Bloomberg.

Khoảng 25% hộ gia đình thu nhập thấp sống trong căn hộ công một hoặc hai phòng ngủ có máy điều hòa không khí, theo khảo sát năm 2019 của chính phủ. Năm 2019, một bộ trưởng cấp cao Singapore cho biết điều hòa chiếm tỷ lệ “đáng kể” trong lượng khí thải carbon từ các tòa nhà và hộ gia đình - nguồn phát thải cao thứ hai sau lĩnh vực công nghiệp.

Quá trình đô thị hóa khiến Singapore nóng hơn nhiều so với trước đây. Trong những thập niên gần đây, chính phủ đã xây dựng các tòa nhà chọc trời cao, đóng cọc bê tông, thép và kính tại nơi từng là những khu rừng tự nhiên.

Chính những chính sách này đã góp phần gây nên hiệu ứng “đảo nhiệt đô thị”. Nhiệt độ giữa trung tâm thành phố Singapore và các khu rừng ở phía tây bắc có thể chênh lệch tới hơn 7,1 độ C.

Vào năm 2017, các nhà nghiên cứu của Cooling Singapore đã đề xuất cho chính phủ 86 cách sửa đổi quy hoạch, chẳng hạn như thay đổi hướng các tòa nhà để tạo luồng gió và sử dụng hệ thống làm mát khu vực - dẫn nước lạnh đến các tòa nhà xung quanh để làm mát không khí - thay vì dựa vào điều hòa.

Đề xuất cũng nêu sử dụng sơn phản quang là cách tốt để giảm nhiệt. Tuy vậy, Peter Crank, một thành viên của Cooling Singapore, cho biết những đề xuất này rất đắt đỏ, vậy nên tính toán lợi ích - chi phí tiềm ẩn nhiều thách thức.

Loại cây quan trọng hơn số lượng cây

Trước Cooling Singapore, chính phủ vẫn chưa xác định đầy đủ các yếu tố lớn nhất ảnh hưởng đến nhiệt. Giờ đây, họ có thể xác định mức độ tác động tới nhiệt độ nếu trồng thêm cây xanh hoặc giảm số lượng ôtô tại một số khu vực nhất định. Từ những đánh giá này, họ có thể điều chỉnh các biện pháp dựa trên nhu cầu từng quận.

Theo nhà nghiên cứu khí hậu Rachel Pek, các nghiên cứu về nhiệt trước đây thường chỉ dựa trên dữ liệu thu được từ các trạm thời tiết, chứ không hoàn toàn phản ánh những gì người đi đường cảm nhận.

Cô Pek đã cùng chiếc xe đẩy di động đi quanh khuôn viên Đại học Quản lý Singapore ở trung tâm thành phố trong khoảng một giờ. Một số khu vực lân cận, đặc biệt là nơi không có bóng râm, nóng hơn nhiều so với những khu vực khác.

Rachel Pek kéo Smarty - thiết bị theo dõi các yếu tố như gió - để thực hiện nghiên cứu "Cooling Singapore". Ảnh: New York Times.

Trên phố Bencoolen, nơi các tòa nhà cao tầng chắn nắng buổi sáng, nhiệt độ bức xạ trung bình - chỉ số đo nhiệt độ không khí và bức xạ từ môi trường xung quanh một người - là 27,8 độ C. Cách đó không xa, trên phố Queen - nơi tiếp xúc với ánh nắng nhiều hơn, nhiệt độ lên tới 53 độ.

“Giả thuyết phổ biến hiện nay là sự xuất hiện và thiếu vắng bóng râm ở Singapore là yếu tố quyết định quan trọng trong điều chỉnh khả năng tiếp xúc với nhiệt”, ông Chow nhận định. Để giải quyết vấn đề này, Singapore cam kết trồng một triệu cây xanh vào năm 2030. Hiện tại, nước này đã trồng hơn 388.000 cây.

Tuy nhiên, ông Chow cho rằng số lượng cây không quan trọng bằng loại cây, và lý tưởng nhất là cây có “tán với bóng râm tối đa”. “Nếu trồng loại cây nhỏ, chẳng hạn như cây cọ, thì cũng chưa hoàn toàn tối ưu”, ông nói.

Tình nguyện viên Shamil Kuruppu chia sẻ anh đã từ bỏ thói quen đi bộ đường dài giống như khi còn ở Sri Lanka. Giờ đây, anh chỉ tập thể dục trong các phòng tập có máy lạnh.

“Tôi thực sự thích cuộc sống ở đây”, người đàn ông 28 tuổi nói. “Điều khó chịu duy nhất là thời tiết”.

Yuliya Dzyuban, thành viên nghiên cứu của Cooling Singapore, cho biết mục tiêu đặt ra hiện nay là tạo ra nơi mọi người có thể cảm nhận được làn gió mát khi đi bộ trên đường trong một ngày nắng nóng.

Nghiên cứu phát hiện ra những thay đổi nhỏ trong thiết kế đô thị và thảm thực vật có thể tạo ra cảm giác này, bà Dzyuban nói. Hiểu rõ hơn về cách thức và thời điểm mọi người tiếp xúc với nắng nóng thậm chí có thể giúp chính phủ khuyến khích thêm người đi phương tiện giao thông công cộng, bà nói thêm.

Để khiến mọi người thay đổi thói quen, “chúng ta cần tìm cách làm cho trải nghiệm của họ thoải mái và thú vị hơn”, bà kết luận.

(Nguồn:zingnews.vn)
Tin cũ hơn

Tạp chí QHXD

Ebook

Giới thiệu sách

Liên kết website