VIUP tổ chức tọa đàm khoa học “Đổi mới cách tiếp cận về Tổ chức không gian lãnh thổ và Nghiên cứu định lượng về sức chứa lãnh thổ và ngưỡng sinh thái cho phát triển mạng lưới đô thị - nông thôn quốc gia”

Ngày 20/3/2023, Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia đã tổ chức tọa khoa học “Đổi mới cách tiếp cận về Tổ chức không gian lãnh thổ và Nghiên cứu định lượng về sức chứa lãnh thổ và ngưỡng sinh thái cho phát triển mạng lưới đô thị - nông thôn quốc gia”.

Tham dự tọa đàm có Phó Viện trưởng Phạm Thị Nhâm, Phó Viện trưởng Hoàng Vĩnh Hưng, cùng nhiều chủ trì, chủ nhiệm, nhóm nghiên cứu về môi trường, về hạ tầng kỹ thuật thuộc VIUP.

Phát biểu khai mạc tọa đàm, Phó Viện trưởng phụ trách Phạm Thị Nhâm cho biết tọa đàm này là một trong chuỗi các tọa đàm khoa học mà Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (VIUP) đang triển khai tổ chức thực hiện, để xây dựng tiền đề lý luận cho lập quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tọa đàm khoa học được tổ chức với mong muốn các nhà khoa học, các vị đại biểu tập trung làm rõ những vấn đề lý luận và thực tiễn các cách tiếp cận tổ chức không gian lãnh thổ; phương pháp và kỹ thuật đánh giá định lượng nguồn lực, nội lực đặc biệt là nguồn lực thiên nhiên (điều kiện tự nhiên, tài nguyên và môi trường) cho phát triển lãnh thổ của các quốc gia trên thế giới và khả năng áp dụng ở Việt Nam vào việc lập quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn quốc gia thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn 2050 mà VIUP đang thực hiện. Việc chia sẻ, trao đổi thông tin về các nội dung này sẽ giúp nâng cao nhận thức, tăng sự hiểu biết về hệ thống các cách tiếp cận quy hoạch không gian lãnh thổ, các phương pháp và kỹ thuật đánh giá định lượng nguồn lực, nội lực, tài nguyên thiên thiên và môi trường, tiến tới đổi mới cách tiếp cận quy hoạch không gian lãnh thổ góp phần phát triển hệ thống đô thị và nông thôn ngày một chất lượng hơn, bền vững hơn. Ban Tổ chức Tọa đàm mong muốn các các nhà khoa học, các Quý vị đại biểu tham dự Tọa đàm hôm nay chia sẻ những vấn đề lý luận cơ bản về cách tiếp cận về tổ chức không gian lãnh thổ và phương pháp, kỹ thuật đánh giá định lượng; cùng nhau suy nghĩ, thẳng thắn trao đổi về thực tiễn thực hiện tổ chức không gian lãnh thổ và đánh giá định lượng ở các quốc gia trên thế giới cũng như ở nước ta hiện nay; cùng nhau xem xét và trao đổi về tính đầy đủ, toàn diện trong đánh giá nhận diện vấn đề liên quan đến bảo tồn và phát triển tài nguyên sinh thái, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu từ phân tích hiện trạng phát triển đô thị và nông thôn thời gian qua đến nay đồng thời gợi mở, khuyến nghị về những cơ sở khoa học, phương pháp và kỹ thuật định lượng có thể giúp gắn kết logic hơn nữa những kết quả đánh giá đó với những đề xuất định hướng của nhóm nghiên cứu của VIUP, trên giác độ khoa học liên ngành, khoa học quy hoạch lãnh thổ, khoa học trái đất, khoa học môi trường... Từ đó giúp xác định những vấn đề đặt ra và đề xuất đổi mới cách tiếp cận về tổ chức không gian lãnh thổ và đánh giá định lượng cho phát triển Hệ thống đô thị - nông thôn quốc gia.

Phó Viện trưởng phụ trách Phạm Thị Nhâm phát biểu khai mạc tọa đàm

Tiếp đó, Phó Viện trưởng Phạm Thị Nhâm trình bày tham luận đề dẫn “Định hướng bảo tồn và phát triển tài nguyên sinh thái, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu tích hợp trong quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn quốc gia”. Từ nghiên cứu, đánh giá thực trạng hệ thống đô thị và nông thôn từ góc độ sinh thái môi trường và góc độ rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu, bà đưa ra định hướng chiến lược đô thị hoá tích hợp phát triển và bảo tồn toàn diện tài nguyên thiên nhiên và thích ứng với biến đổi khí hậu, bao gồm:

Thứ nhất là, đô thị hoá theo nguyên lý bảo tồn tài nguyên sinh thái

Thứ hai là, đô thị hoá gắn với quản lý tổng hợp tài nguyên nước

Thứ ba là, tối ưu hoá sử dụng năng lượng, thúc đẩy đô thị tăng trưởng xanh

Thứ tư là, đô thị hoá thích ứng với biến đổi khí hậu

Bên cạnh đó cũng đề xuất định hướng giải pháp cho lập quy hoạch đô thị và nông thôn bền vững

  1. Định hướng bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu trong quy hoạch đô thị
  2. Định hướng bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu trong các quy hoạch không gian lãnh thổ, quy hoạch xây dựng bao chứa điểm dân cư nông thôn

Tại tọa đàm, các đại biểu được nghe tham luận” Tiếp cận sức chứa lãnh thổ và Ngưỡng sinh thái cho phát triển hệ thống đô thị - nông thôn quốc gia” do PGS.TS. Lưu Thế Anh - Viện trưởng Viện Tài nguyên và Môi trường, ĐH Quốc gia HN trình bày. Trong đó ông đưa ra một số kiến nghị tiếp cận sức chứa và ngưỡng sinh thái trong quy hoạch phát triển hệ thống đô thị và nông thôn Việt Nam.

PGS.TS. Lưu Thế Anh với bài tham luận” Tiếp cận sức chứa lãnh thổ và Ngưỡng sinh thái cho phát triển hệ thống đô thị - nông thôn quốc gia”

PGS.TS.KTS Nguyễn Hồng Thục trình bày về “Sinh thái học đô thị - nền của hình thái đô thị kiểu mới ở Việt Nam”

Các đại biểu còn được nghe PGS.TS.KTS Nguyễn Hồng Thục – ĐHQG HN trình bày về “Sinh thái học đô thị - nền của hình thái đô thị kiểu mới ở Việt Nam” và PGS.TS. Nguyễn Ngọc Khánh – ĐHQG HN trình bày về “Ngưỡng sinh thái xã hội phát triển”.

Tại phần thảo luận, các đại biểu đã trao đổi cùng với các diễn giả nhiều vấn đề liên quan tới chủ đề của tọa đàm như phương pháp tính toán sức chứa, ngưỡng chịu tải, nhấn mạnh vào hệ sinh thái tự nhiên…

Quang cảnh hội nghị

Phát biểu tại buổi tọa đàm, Phó Viện trưởng Phạm Thị Nhâm cám ơn các diễn giả đã cung cấp nhiều kiến thức hữu ích cho các thành viên nhóm nghiên cứu và các chuyên gia VIUP. Bà hy vọng rằng khi  đồ án quy hoạch này trình phê duyệt thì sẽ đưa ra kiến nghị để các viện có những nghiên cứu khoa học nền tảng làm tiền đề  để triển khai các giai đoạn tiếp theo. Qua chuỗi tọa đàm như thế này, nhóm nghiên cứu sẽ nhận dạng rõ nét hơn được hướng đi đổi mới trong từng ngành, từng lĩnh vực, cũng như phải có nghiên cứu tích hợp liên ngành, thậm chí xuyên ngành.

Nhân dịp này PVT VIUP Phạm Thị Nhâm và VT Viện tài nguyên môi trường Lưu Thế Anh đã ký kết Bản ghi nhớ hợp tác giữa hai Viện. Nội dung hợp tác gồm:

- Hợp tác đề xuất và triển khai các đề tài, dự án,dịch vụ khoa học và công nghệ trên cơ sở sử dụng hiệu quả tiềm lực khoa học sẵn có của mỗi Bên;

- Hợp tác nghiên cứu phát triển, thử nghiệm sản xuất và triển khai ứng dụng các sản phẩm khoa học công nghệ được hai Bên quan tâm;

- Hợp tác tổ chức các hội nghị, hội thảo khoa học quốc gia và quốc tế; tìm kiếm và thúc đẩy hoạt động hợp tác quốc tế trên cơ sở thế mạnh của mỗi Bên;

- Hợp tác đào tạo sau đại học; tổ chức các khóa tập huấn, huấn luyện và đào tạo ngắn hạn theo các chuyên ngành và nhu cầu của xã hội;

- Hợp tác trong hoạt động công bố, xuất bản trong nước và quốc tế;

PVT VIUP Phạm Thị Nhâm và VT Viện tài nguyên môi trường Lưu Thế Anh đã ký kết Bản ghi nhớ hợp tác giữa hai Viện

(Nguồn:VIUP)
Tin cũ hơn

Tạp chí QHXD

Ebook

Giới thiệu sách

Liên kết website