Theo dự thảo Nghị quyết, nội dung sửa đổi tập trung vào việc tinh gọn bộ máy nhà nước, cải thiện hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị. Tăng cường vai trò của nhân dân, đảm bảo quyền làm chủ, nâng cao chất lượng giám sát và phản biện xã hội. Đổi mới quản lý địa phương, phù hợp với yêu cầu phát triển của đất nước.
Dự thảo Nghị quyết dự kiến sửa đổi 8 điều gồm Điều 9, 10 (thuộc Chương 1 về chế độ chính trị), Điều 84 (thuộc Chương V về Quốc hội); các Điều 110, 111, 112, 114, 115 (thuộc Chương 9 về chính quyền địa phương bao gồm những nội dung quan trọng như tổ chức lại Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, điều chỉnh mô hình chính quyền địa phương từ 03 cấp (tỉnh, huyện, xã) sang 02 cấp (tỉnh, xã) và xác định rõ vai trò của Công đoàn Việt Nam trong quan hệ lao động.
Sửa đổi Hiến pháp là việc làm có ý nghĩa rất quan trọng, giúp các cấp chính quyền giảm bớt thủ tục hành chính, nâng cao tính chuyên nghiệp, đảm bảo thống nhất trong hoạt động. Nâng cao hiệu quả quyền giám sát và phản biện xã hội của nhân dân, giúp nhân dân tham gia sâu hơn vào quá trình quản lý nhà nước. Đồng thời, dự thảo Nghị quyết còn áp dụng cơ chế chuyển tiếp để đảm bảo quá trình sắp xếp lại bộ máy nhà nước diễn ra đồng bộ, không gây gián đoạn đến hoạt động của các cơ quan, tổ chức.
Với mục đích lấy ý kiến về dự thảo Nghị quyết nhằm phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, huy động trí tuệ, tâm huyết và tạo sự đồng thuận, thống nhất cao của toàn dân trong việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013, bảo đảm Hiến pháp phản ánh đúng ý chí, nguyện vọng của Nhân dân.
Để triển khai lấy ý kiến, VIUP đã ra thông báo số 21/TB-VQHQG ngày 16/5/2025 về việc lấy ý kiến đối với dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 và phát phiếu xin ý kiến tại các đơn vị trực thuộc về 8 nội dung sửa đổi. Các ý kiến góp ý được tổng hợp, báo cáo Bộ Xây dựng.
Ngoài ra, cán bộ, viên chức, người lao động thuộc VIUP có thể tham gia góp ý đối với dự thảo Nghị quyết trên ứng dụng VneID hoặc theo yêu cầu tại địa phương.