Hội thảo khoa học “Đô thị hóa và phát triển đô thị Việt Nam - Thực trạng và định hướng chính sách đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”

Trong khuôn khổ đề tài nghiên cứu khoa học “Nghiên cứu đánh giá vấn đề đô thị hóa và phát triển đô thị Việt Nam giai đoạn 2010-2020, đề xuất định hướng chính sách về đô thị hóa và phát triển đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” do Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng thực hiện, ngày 16/9/2022, tại trụ sở VIUP, Viện NCĐT-PTHT đã tổ chức Hội thảo “Đô thị hóa và phát triển đô thị Việt Nam - Thực trạng và định hướng chính sách đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Hội thảo được tổ chức bằng hình thức trực tiếp tại trụ sở VIUP và hình thức trực tuyến tại 15 điểm cầu tại TP. Hồ Chí Minh và sở xây dựng các địa phương.

Tham dự hội thảo trực tiếp tại Hà Nội có GS.TS Đỗ Hậu - Phó Chủ tịch Hội kiêm Tổng Thư ký Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam, TS Trần Thị Lan Anh- Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị, ông Đào Công Hùng - Phó Chủ tịch UBND thành phố Bắc Giang cùng nhiều chuyên gia đến từ các hiệp hội, các trường đại học. ThS.KTS Lê Kiều Thanh – Trưởng phòng Quản lý khoa học đại diện VIUP tham dự hội thảo và trình bày tham luận.

PGS.TS. Lưu Đức Hải trình bày tổng quan về nội dung nghiên cứu của đề tài

Tại hội thảo, Chủ nhiệm đề tài PGS.TS. Lưu Đức Hải – Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng đã trình bày tổng quan về nội dung nghiên cứu của đề tài và chỉ rõ mục tiêu của đề tài nhằm nghiên cứu đánh giá vấn đề đô thị hóa và phát triển đô thị Việt Nam giai đoạn 2010-2020 và đề xuất định hướng chính sách về đô thị hóa và phát triển đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Qua phân tích đánh giá về đô thị hóa và phát triển đô thị, cơ sở khoa học và thực tiễn đề xuất chính sách về đô thị hóa và phát triển đô thị, nhóm nghiên cứu đã đề xuất định hướng, chính sách đô thị hóa và phát triển đô thị đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đối với định hướng chính sách đô thị hóa, đề tài đưa ra đề xuất định hướng chính sách về dịch cư và dân số đô thị; về đất đô thị và tổ chức không gian đô thị; về mối quan hệ đô thị, nông thôn và công nghiệp hóa; về hạ tầng kỹ thuật đô thị. Đối với định hướng về chính sách phát triển đô thị, đề tài đề xuất định hướng chính sách về phát triển đô thị; về phát triển mạng lưới đô thị; về phát triển các khu công nghiệp (có liên quan đến đô thị hóa); về phát triển cụm công nghiệp.

Tại hội thảo, TS.KTS Lê thị Bích Thuận đã trình bày tham luận “Định hướng chính sách về mối quan hệ giữa đô thị và nông thôn. Thay mặt PVT VIUP Phạm Thị Nhâm, ThS Lê Kiều Thanh đã trình bày tham luận “Đánh giá đất đô thị và tổ chức không gian đô thị”. Đại biểu tham dự hội thảo được nghe 02 tham luận “Định hướng chính sách dịch cư đô thị đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” do ThS. Phan Thanh Mai và “Đề xuất “Giải pháp xung” giải quyết ùn tắc giao thông cho Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh” do TS. Nguyễn Đức Thắng trình bày.

Các đại biểu tham dự hội thảo đại diện cho cơ quan quản lý trung ương, cơ quan quản lý địa phương và hội nghề nghiệp đã đóng góp ý kiến về chính sách kinh tế đô thị, chính sách năng lượng đô thị, chính sách tạo việc làm cho người dân, kinh nghiệm quốc tế liên quan tới đô thị hóa…

PGS.TS. Lưu Đức Hải tổng kết hội thảo

Kết luận hội thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng cảm ơn các đại biểu đã dành thời gian tham dự hội thảo, cũng như đóng góp ý kiến tại hội thảo. Các tham luận cũng như ý kiến tại hội thảo cho thấy tính phức tạp và tầm quan trọng của quá trình đô thị hóa và phát triển đô thị tại Việt Nam. Ông cho rằng các nhà khoa học, nhà quản lý và người dân cần nỗ lực hơn nữa để trong tương lai cụm từ “đô thị hóa” chính thức xuất hiện trong các văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam. Nhóm nghiên cứu mong muốn bắt đầu từ đề tài này chính thức thể hiện điều đó.

Điểm cầu TP. Hồ Chí Minh

Quang cảnh hội thảo điểm cầu Hà Nội

 

(Nguồn:VIUP)
Tin cũ hơn

Tạp chí QHXD

Ebook

Giới thiệu sách

Liên kết website