Phòng ngừa và khắc phục sự cố môi trường

Phòng ngừa ứng phó và khắc phục sự cố môi trường (SỰ CỐ MÔI TRƯỜNG) là một chế định quan trọng được quy định ở Mục 3, Chương X của Luật bảo vệ môi trường năm 2014 và nhiều điều khoản khác như các quy định về quy hoạch BVMT, đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC), đánh giá tác động môi trường (ĐTM), phương án BVMT, quản lý chất thải, quan trắc môi trường, đánh giá sức chịu tải của môi trường, với mục tiêu ngăn ngừa ô nhiễm và phòng ngừa SỰ CỐ MÔI TRƯỜNG. Đây là những quy định quan trọng chi phối toàn bộ các quy định của Luật bảo vệ môi trường năm 2014.

Nguyễn Đăng Sơn

------------------------------------------------------

Theo khái niệm SỰ CỐ MÔI TRƯỜNG thì bão, lũ, sự cố hóa chất, hỏa hoạn, tràn dầu đều có thể xem là SỰ CỐ MÔI TRƯỜNG và tất cả các dạng sự cố này đều có cơ chế để phòng, chống và ứng phó. Tuy nhiên, qua thực tiễn về SỰ CỐ MÔI TRƯỜNG vừa qua cho thấy, các quy định và cơ chế về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục SỰ CỐ MÔI TRƯỜNG đều chưa phát huy hiệu quả do các quy định của Luật bảo vệ môi trường năm 2014 còn chưa cụ thể, chưa bao quát các biện pháp để phòng ngừa, ứng phó và khắc phục SỰ CỐ MÔI TRƯỜNG.
Do vậy, việc sửa đổi, bổ sung các quy định về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục SỰ CỐ MÔI TRƯỜNG là vấn đề quan trọng, có tính chất chi phối đến các chế định khác của Luật bảo vệ môi trường năm 2014, từ đó có thể khắc phục các bất cập hiện nay.

Phòng ngừa SỰ CỐ MÔI TRƯỜNG

Để phòng ngừa SỰ CỐ MÔI TRƯỜNG, tại Điều 108 của Luật bảo vệ môi trường năm 2014 đã quy định về trách nhiệm của chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh trong phòng ngừa SỰ CỐ MÔI TRƯỜNG với các biện pháp như: Lập kế hoạch phòng ngừa và ứng phó; lắp đặt thiết bị, dụng cụ, phương tiện ứng phó; đào tạo, huấn luyện, xây dựng lực lượng tại chỗ ứng phó SỰ CỐ MÔI TRƯỜNG; thực hiện chế độ kiểm tra thường xuyên, áp dụng biện pháp an toàn theo quy định của pháp luật; có biện pháp loại trừ nguyên nhân gây ra SỰ CỐ MÔI TRƯỜNG khi phát hiện có dấu hiệu SỰ CỐ MÔI TRƯỜNG. Ngoài ra, Luật bảo vệ môi trường năm 2014 còn có các quy định khác về biện pháp phòng ngừa SỰ CỐ MÔI TRƯỜNG như quy hoạch BVMT, ĐMC, ĐTM, quản lý chất thải, đánh giá sức chịu tải của môi trường; công bố các đoạn sông, dòng sông không còn khả năng tiếp nhận chất thải; xác định hạn ngạch xả nước thải vào sông; phương án BVMT; bảo hiểm môi trường, ký quỹ cải tạo và phục hồi môi trường, quy chuẩn kỹ thuật về môi trường; quan trắc môi trường; công khai thông tin môi trường; thanh tra, kiểm tra, kiểm soát hoạt động BVMT. Có thể thấy, đây là những quy định quan trọng có vai trò quyết định địa điểm, công nghệ của dự án, kiểm soát việc xả thải, giám sát quá trình hoạt động của cơ sở, để hạn chế tối đa ô nhiễm môi trường (ÔNMT) hoặc SỰ CỐ MÔI TRƯỜNG.

Tuy nhiên, các quy định này, đặc biệt là quy định tại Điều 108 của Luật bảo vệ môi trường năm 2014 còn chưa cụ thể và chưa bao quát hết các biện pháp phòng ngừa SỰ CỐ MÔI TRƯỜNG. Do vậy, các biện pháp phòng ngừa SỰ CỐ MÔI TRƯỜNG cần được nghiên cứu bổ sung các nội dung: Xác định danh mục các ngành nghề có khả năng gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, hoặc tiềm ẩn nguy cơ SỰ CỐ MÔI TRƯỜNG để có các biện pháp ứng xử phù hợp với từng dự án, cơ sở sản xuất, kinh doanh thuộc ngành, nghề đó. Việc ứng xử này cần được quy phạm hóa nhằm can thiệp ngay từ giai đoạn lập quy hoạch phân vùng sản xuất, kinh doanh của các ngành, nghề, phân vùng xả thải đến các yêu cầu trong ĐTM, kế hoạch quản lý môi trường, phương án BVMT; có biện pháp giám sát đặc biệt trong quá trình sản xuất, kinh doanh và biện pháp ứng phó nếu xảy ra SỰ CỐ MÔI TRƯỜNG. Áp dụng công nghệ tốt nhất có thể (BAT) để đạt được nhiều mục tiêu, trong đó có việc giảm thiểu chất thải thông qua sử dụng công nghệ tốt nhất hiện có trong mối tương quan giữa năng lực của cơ sở sản xuất, kinh doanh với yêu cầu bảo vệ môi trường nhằm đạt hiệu quả cao nhất. Việc sử dụng BAT không bắt buộc phải áp dụng kỹ thuật và công nghệ cụ thể nào mà chỉ tính đến đặc tính công nghệ, vị trí địa lý, điều kiện môi trường, tính khả thi về kỹ thuật và chi phí khi áp dụng.

Do đó, cần xác định quy trình áp dụng, thứ tự ưu tiên và cơ chế đặc thù khi cơ sở sản xuất, kinh doanh áp dụng BAT. Áp dụng kiểm toán môi trường nhằm đánh giá sự tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường của cơ sở sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, có được công cụ nhằm nghiên cứu, kiểm tra các tài liệu, số liệu, báo cáo môi trường của cơ sở sản xuất, kinh doanh trong thời gian nhất định nhằm phát hiện những sai sót, vi phạm trong hoạt động bảo vệ môi trường của cơ sở sản xuất, kinh doanh. Thông qua kiểm toán môi trường, với việc đánh giá các yếu tố sản xuất (đầu vào, đầu ra, có tính đến sự thất thoát để giám sát hoạt động xả thải) sẽ cung cấp bằng chứng xác thực về việc gây ô nhiễm, cũng như SỰ CỐ MÔI TRƯỜNG của cơ sở sản xuất, kinh doanh. Đây là công cụ quan trọng để xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại môi trường, truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tổ chức, cá nhân có hành vi gây ra SỰ CỐ MÔI TRƯỜNG.

Xác định mối quan hệ giữa quy chuẩn kỹ thuật quốc gia chung về chất thải với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia áp dụng riêng cho từng ngành, loại hình sản xuất kinh doanh theo hướng quy chuẩn áp dụng riêng phải có yêu cầu cao hơn (khắt khe hơn) quy chuẩn chung, hoặc phân cấp cho địa phương xây dựng quy chuẩn địa phương áp dụng riêng cho từng ngành, loại hình sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Minh bạch thông tin về môi trường và kết quả kiểm toán môi trường là cơ sở quan trọng để hạn chế các hành vi vi phạm quy định về BVMT, kiểm soát các hoạt động xả thải trái pháp luật tiềm ẩn nguy cơ gây SỰ CỐ MÔI TRƯỜNG thông qua vai trò giám sát của cộng đồng và cơ quan quản lý nhà nước. Đồng thời, nâng cao vai trò của cộng đồng, tổ chức xã hội, tổ chức phí chính phủ, cơ quan thông tấn báo chí trong việc giám sát hoạt động BVMT. Đây là kênh giám sát quan trọng và hiệu quả trong việc kiểm soát hoạt động BVMT.

Quy định về đào tạo, tập huấn, diễn tập về phòng ngừa và ứng phó SỰ CỐ MÔI TRƯỜNG. Do SỰ CỐ MÔI TRƯỜNG diễn ra bất ngờ, phức tạp, khó lường, dễ gây lúng túng và hoảng loạn trong cơ sở sản xuất, kinh doanh, cũng như cộng đồng dân cư xung quanh, vì vậy, việc đào tạo, tập huấn, diễn tập để có phản ứng phù hợp khi sự cố xảy ra là hết sức cần thiết.

Hiện nay, cơ chế ứng phó sự cố và thiên tai ở nước ta là tương đối đầy đủ, nhất là khi Chính phủ đã ban hành Nghị định số 30/2017/NĐ-CP quy định tổ chức, hoạt động ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, trong đó đã bao quát cả SỰ CỐ MÔI TRƯỜNG, do vậy, cần cân nhắc trong việc sửa đổi Luật bảo vệ môi trường năm 2014 theo hướng ứng dụng cơ chế quy định tại Nghị định nêu trên. Tuy nhiên, Nghị định chỉ quy định về cơ chế chỉ huy, tham mưu, huấn luyện, huy động nguồn lực khi sự cố xảy ra mà không quy định bản chất và nội dung của các loại sự cố, do vậy, đối với chế định về ứng phó SỰ CỐ MÔI TRƯỜNG cần quy định rõ các vấn đề: Ứng phó SỰ CỐ MÔI TRƯỜNG, xác định lại nội hàm của khái niệm SỰ CỐ MÔI TRƯỜNG để tránh trùng lặp với sự cố thiên tai, sự cố hóa chất, sự cố tràn dầu, hỏa hoạn… vì các sự cố này đã có luật tương ứng điều chỉnh. Theo đó, nên xác định SỰ CỐ MÔI TRƯỜNG là sự suy thoái hoặc biến đổi môi trường nghiêm trọng do chất thải của hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoặc các hoạt động khác của con người gây ra, hay những tác động khác do chất thải phi tự nhiên gây ra. Xây dựng các tiêu chí phân loại SỰ CỐ MÔI TRƯỜNG tương ứng với thẩm quyền xử lý của các cấp trong hệ thống tổ chức ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn để nhanh chóng xác định được cấp có thẩm quyền xử lý, cơ quan có thẩm quyền chỉ huy, tham mưu, thực hiện ứng phó SỰ CỐ MÔI TRƯỜNG.

Quy định rõ vai trò, trách nhiệm và quyền hạn của Bộ TN&MT và Sở TN&MT bởi vấn đề này còn chưa được quy định đầy đủ, phù hợp trong Nghị định số 30/2017/NĐ-CP, đồng thời quy định các cơ chế đặc thù huy động nguồn lực tham gia ứng phó SỰ CỐ MÔI TRƯỜNG. Khắc phục SỰ CỐ MÔI TRƯỜNG Khi SỰ CỐ MÔI TRƯỜNG xảy ra, sẽ xuất hiện các loại thiệt hại: Thiệt hại về môi trường (sự thay đổi theo chiều hướng bất lợi của hệ sinh thái, mất an toàn môi trường, ÔNMT…); Thiệt hại về dân sự (ảnh hưởng tới sức khỏe, an toàn của con người, mất nguồn thu nhập, thiệt hại về tài sản, thay đổi theo hướng bất lợi về nơi sinh sống và sinh kế…).

Theo nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền”, thì người gây SỰ CỐ MÔI TRƯỜNG phải gánh chịu toàn bộ hậu quả do hành vi của mình gây ra như bồi thường thiệt hại về môi trường, bồi thường thiệt hại về dân sự và khắc phục SỰ CỐ MÔI TRƯỜNG, hoặc phải chịu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, các quy định thực thi nguyên tắc này chưa được quy định đầy đủ, cụ thể trong Luật bảo vệ môi trường năm 2014, mà chỉ quy định mang tính nguyên tắc. Do đó, Luật bảo vệ môi trường năm 2014 cần bổ sung các quy định giải quyết thấu đáo các vấn đề trên, cụ thể:

Đối với thiệt hại về môi trường, Luật bảo vệ môi trường năm 2014 mới dừng lại ở quy định về phục hồi môi trường đối với hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản, khai thác nước dưới đất, phục hồi môi trường đất bị ô nhiễm. Tuy nhiên, các quy định này còn chưa cụ thể và đầy đủ. Do đó, cần có quy định về phục hồi môi trường, trong đó quy định rõ các loại hình và phương pháp phục hồi môi trường như đưa môi trường trở lại thời điểm khi chưa có sự cố, hay cải tạo môi trường để có môi trường, hệ sinh thái mới, hoặc đơn giản chỉ là môi trường không còn bị ô nhiễm… Từ đó, xác định các chi phí để phục hồi môi trường, bồi thường thiệt hại về môi trường; đồng thời có các quy định bảo đảm việc thực hiện trách nhiệm phục hồi môi trường như ký quỹ phục hồi môi trường, bảo hiểm môi trường, sự tham gia của cộng đồng trong phục hồi môi trường, cơ chế giám sát, tổ chức thực hiện phục hồi môi trường…
Đối với thiệt hại về dân sự, Luật bảo vệ môi trường năm 2014 cần có quy định rõ về trách nhiệm chứng minh của các bên liên quan, theo đó, người thiệt hại không bắt buộc phải có nghĩa vụ chứng minh yêu cầu bồi thường nhưng người gây SỰ CỐ MÔI TRƯỜNG phải có nghĩa vụ chứng minh về mức độ phải bồi thường.

Như vậy, có thể thấy, trước yêu cầu bảo vệ môi trường trong tình hình mới thì việc sửa đổi, bổ sung Luật bảo vệ môi trường năm 2014 nói chung và các quy định về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục SỰ CỐ MÔI TRƯỜNG nói riêng được kỳ vọng là sẽ tạo chuyển biến lớn trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về BVMT, nhằm hướng tới mục tiêu tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về môi trường.

(Nguồn:Tạp chí QHXD số 101+102)
Tin cũ hơn

Tạp chí QHXD

Ebook

Giới thiệu sách

Liên kết website