Phát triển hệ thống đô thị quốc gia bền vững trong thời kỳ vông nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước

GS. TS. Lê Hồng Kế

Viện Nghiên cứu Môi trường và QHPTBV

Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam

 

Ngày nay trên thế giới, khái niệmPhát triển bền vững” không còn xa lạ so với những thập kỷ cuối của thế kỷ trước, nhất là trong những năm 70 khi mà phong trào bảo vệ môi trường thế giới đã có những thành tựu to lớn. Và cho đến nay, cụm từ “Phát triển bền vững” (PTBV) còn được sử dụng cho
nhiều loại hình bền vững khác nhau trong đời sống xã hội trên thế giới, trong đó có loại hình phát triển đô thị và đô thị hoá “Phát triển đô thị bền vững” (PTĐTBV). Với xu thế đó, ở Việt Nam trong công cuộc phát triển nói chung và phát triển đô thị, đô thị hoá nói riêng, khái niệm “Phát triển đô thị bền vững” và quá trình đô thị hóa bền vững không còn mấy xa lạ, mặc dù cho đến nay chưa có những khái niệm nào về phát triển đô thị bền vững thật sự được công nhận là chuẩn mực. Để nghiên cứu về PTBV, nhất là coi PTBV như một chuyên ngành, rất cần thiết xem xét một cách có hệ thống.

            1. Khái niệm phát triển bền vững và phát triển đô thị bền vững:
            1.1. Phát triển bền vững:
            Lần đầu tiên, năm 1987, trong báo cáo “Tương lai của chúng ta” tại Hội đồng thế giới về môi trường và phát triển (WCED) do cựu thủ tướng Nauy, Gro Harlem Brundtland làm chủ tịch đã đưa ra ý tưởng và khái niệm về phát triển bền vững. Đó là “Những thế hệ hiện tại cần đáp ứng các nhu cầu của mình, mà không làm tổn hại đến khả năng của các thế hệ tương lai trong đáp ứng các nhu cầu của họ”..Tiếp theo sau đó, nhiều định nghĩa khác nhau lần lượt ra đời như:
           “PTBV là quá trình nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân loại trong phạm vi
đáp ứng được của các hệ sinh thái” (Chương trình Môi trường của Liên hiệp quốc -
UNEP).
            “PTBV chính là sự duy trì và nâng cao chất lượng cuộc sống của con người về
mặt xã hội, kinh tế, môi trường trong giới hạn khả năng chịu tải của các hệ sinh thái dịch vụ và cơ sở tài nguyên của môi trường, nghĩa là vẫn đảm bảo tính bền vững của môi trường” (Ngân hàng Thế giới –WB).
            “Phát triển bền vững là một quá trình dàn xếp, thoả hiệp giữa các hệ thống kinh tế, tự nhiên và xã hội”, tức là PTBV phải đảm bảo 3 mục tiêu kinh tế, xã hội và môi trường hài hòa với nhau (H.Barton, International Institute for environmental and development –IIED).

             Và theo Luật Bảo vệ môi trường 2005 của nước ta:“Phát triển bền vững là phát triển đáp ứng được nhu cầu của các thế hệ hiện tại mà không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu đó của các thế hệ tương lai trên cơ sở kết hợp chặt chẽ, hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế, bảo đảm tiến bộ xã hội và bảo vệ môi trường”.

              Từ những khái niệm trên có thể thấy rằng, về bản chất, phát triển bền vững là một quá trình biến đổi mạnh mẽ trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội nhằm tạo ra hiệu quả tối ưu nhất về tăng trưởng để đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng cuộc sống của con người mà không làm tổn hại đến hệ các sinh thái và môi trường hiện tại cũng như tương lai. Tổng quát hơn, phát triển bền vững chính là một quá trình liên tục cân bằng và hoà nhập các mục tiêu kinh tế, xã hội và môi trường sinh thái. Nó đảm bảo sự trường tồn của nhân loại. Chính vì vậy, phát triển bền vững đã trở thành mục tiêu chiến lược cho toàn cầu, cho từng quốc gia, từng khu vực cũng như cho từng đô thị.
            Chính vì vậy, phát triển bền vững đã trở thành mục tiêu chiến lược cho toàn cầu, cho từng quốc gia, cho từng khu vực, vùng đô thị, cũng như cho từng đô thị.

            Theo kinh nghiệm của Cộng hòa Pháp, một đất nước đã rất thành công về quy hoạch, phát triển và bảo vệ môi trường đô thị, điển hình trong số đó là thủ đô Paris. Mặt khác, về kinh tế đô thị, Pháp cũng là một kinh nghiệm rất tốt về tính toán giá thành chi phí cho các giai đoạn trong quá trình đô thị hóa. Các nhà quy hoạch Pháp cho rằng có hai giai đoạn tài chinh trong việc đầu tư xây dựng đô thị theo quy hoạch, chủ yếu như 2 sơ đồ sau:          

           1.2. Phát triển đô thị bền vững:
           1.2.1. Khái niệm về phát triển đô thị bền vững:
          Trên cơ sở khái niệm chung về Phát triển Bền vững (PTBV), phát triển đô thị bền vững (PTĐTBV) là một đối tượng và vật thể quan trọng trong xã hội phát triển và PTBV. Đô thị phát triển bền vững vẫn được dựa trên nguyên tắc: Kinh tế đô thị - Môi trường đô thị và Văn hoá xã hội đô thị. Phát triển đô thị bền vững được dựa trên một hệ thống nhóm các tiêu chí (Criteria) trong đó có rất nhiều tiểu tiêu chí (Sub - criteria) cụ thể khác.
          Như vậy, có thể thấy mối quan hệ giữa các tiêu chí PTĐTBV là một thể thống nhất, chặt chẽ, hữu cơ. Thiếu một trong các nhóm tiêu chí cũng như các tiểu tiêu chí trong các nhóm tiêu chí, đều có thể dẫn tới đô thị sẽ không thể phát triển lành mạnh và càng không thể phát triển đô thị bền vững.

           Trên cơ sở nguyên lý Phát triển bền vững, với đặc thù của một đô thị, khái niệm về Phát triển Đô thị Bền vững có thể được hiểu là “mối quan hệ hữu cơ, mật thiết giữa các yếu tố cấu thành đô thị như :

  1. Kinh tế đô thị:

2.  Văn hóa xã hội đô thị;

3.  Môi trường - Sinh thái đô thị;

4.  Cơ sở hạ tầng đô thị;

5. Và Quản lý xây dựng đô thị.                           

Từ sơ đồ, mô hình trên, rất dễ nhận thấy các mối quan hệ rất mật thiết, hữu cơ giữa các nội dung phát triển đô thị bền vững.

           Đó là sự thống nhất chặt chẽ vừa là hình học, vừa là kinh tế - xã hội, vừa là các mối liên hệ... trong các hoạt động của đô thị. Các hoạt động này là hoàn toàn chính xác, đã được kiểm chứng qua rất nhiều thế kỷ, trên hầu hết các quốc gia phát triển và đang phát triển được hình thành cho đến nay, chỉ khác nhau ở trình độ cao hay thấp mà thôi.
            Và từ sơ đồ trên, có thể dễ nhận thấy một cách dễ dàng về khái niệm PTĐTBV có thể được thể hiện cho tất cả các cấp độ: Cấp độ đô thị, cấp độ vùng lãnh thổ và cấp độ hệ thống đô thị quốc gia.
             1.2.2. Xây dựng các tiêu chí PTĐTBV:         
             Theo Định hướng Chiến lược Phát triển bền vững ở Việt Nam, tại Quyết định số  45/QĐ-TTg về phê duyệt Điều chỉnh định hướng quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến 2050, những yêu cầu của nội dung PTĐTBV trong quá trình đô thị hóa gồm:
             Một là, đô thị hoá bền vững phải xuất phát từ quan điểm tổng hòa phát triển bền vững giữa kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường, cân bằng các hệ sinh thái và bảo đảm cho một cấu trúc liên kết hữu cơ về không gian các chức năng hoạt động của đô thị, hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật và cơ sở hạ tầng xã hội, mối quan hệ chặt chẽ giữa đô thị - nông thôn.

             Hai là, đô thị xét trên tổng thể phải là một cấu trúc chặt chẽ trong hệ thống phân bố dân cư theo xu thế giảm bớt sự cách biệt giữa đô thị và nông thôn. Đô thị xét về nội tại, phải phát triển cân đối trên quan điểm cân bằng hệ sinh thái đô thị trong nội thành và hệ sinh thái vùng ngoại thành. Đô thị phát triển bền vững về dân cư, sử dụng đất, phát triển cơ sở hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật, bảo vệ môi trường và giữ gìn các hệ sinh thái tự nhiên và xã hội.
             Ba là, phát triển đô thị làm cơ sở để lập kế hoạch toàn diện cho xóa đói giảm nghèo, xóa nhà ổ chuột đô thị.
             Đề xuất hệ thống tiêu chí PTĐTBV trong quá trình đô thị hóa (ĐTH):
Trong chuyên đề nghiên cứu về “Phân tích chính sách ĐTH trong quá trình ĐTH tác động đến phát triển bền vững ở Việt Nam”, thuộc chương trình “Thiên niên kỷ 21” do UNDP tài trợ, đã đề xuất mười nhóm tiêu chí bền vững trong quá trình đô thị hóa như bảng 1:

Bảng 1: TIÊU CHÍ PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ BỀN VỮNG

TT

NHÓM TIÊU CHÍ

CÁC TIÊU CHÍ

1

Quy hoạch Vùng và quy hoạch đô thị phù hợp với các vùng địa lý và điều kiện sinh thái tự nhiên, bảo vệ môi trường.

 Có 4 tiêu chí: 1) 6 vùng địa lý; 2) Điều kiện tự nhiên tại 6 vùng địa lý; 3) Các vùng sinh thái tự nhiên; 4) Đảm bảo điều kiện vệ sinh môi trường đất, nước, bờ biển, rừng, sông, hồ

 

2

 

Kinh tế đô thị phát triển ổn định và bền vững tạo nhiều việc làm cho mọi thành phần kinh tế và mọi người dân đô thị.

Có 5 tiêu chí: 1) Tăng trưởng các ngành công nghiệp; 2) Tăng trưởng ngành thương mại và dịch vụ; 3) Tăng trưởng thu nhập thuế thành phố; 4) Tạo sự cạnh tranh lành mạnh cho các thành phần kinh tế; 5) Tạo nhiều việc làm cho các thành phần kinh tế phi chính quy (informal sector).

3     

Trình độ dân trí đô thị và nguồn lực phát triển đủ mạnh.

Có 5 tiêu chí: 1) Trình độ đại học; 2) Trình độ Cao đẳng; 3) Trình độ Trung học và tương đương; 4) Trình độ Tiểu học; 5) Thất học.

4

Trình độ quản lý quy hoạch và phát triển đô thị bền vững.

Có 5 tiêu chí: 1) Có cán bộ, đủ trình độ đại học và trên đại học; 2) Trình độ Cao đẳng; 3) Trình độ Trung học và tương đương; 4) Trình độ Tiểu học; 5) Thất học.

 

5

 

Dịch vụ đô thị đáp ứng yêu cầu phục vụ đô thị ngày càng cao.

Có 6 tiêu chí: 1) Chăm sóc sức khỏe nhân dân đô thị; 2) Giáo dục đào tạo đáp ứng nhu cầu ; 3) Vui chơi giải trí thỏa mãn; 4) Hòa nhập công đồng đô thị tốt; 5) Thỏa mãn nhu cầu, dịch vụ mua sắm; 6) Và các nhu cầu dịch vụ đặc biệt  khác.

 

 

6

 

 

Cơ sở hạ tầng xã hội đô thị đáp ứng kịp thời và đầy đủ.

Có 6 tiêu chí: 1) Nhà ở đô thị đủ, tiện nghi; 2) Không gian xanh, mặt nước đô thị đầy đủ; 3) Có đủ các loại công trình giáo dục, đào tạo; 4) Có đủ các loại công trình chăm sóc sức khỏe; 5) Có đủ các loại công trình vui chơi giải trí; 6) Có đủ các loại công trình văn hóa, liên quan khác…

 

 

 

7

 

 

 

Cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị đáp ứng kịp thời và đầy đủ.

 Có 7 tiêu chí: 1) Giao thông đối nội và đối ngoại đô thị; 2) Cấp nước thị; 3) Thoát nước đô thị có hai hệ thống riêng; 4) Thu gom và  quản lý CTR đúng quy đinh; 5) Sử dụng năng lượng theo hướng khai thác năng lượng nhiều hơn; 6) Thông tin truyền thông đô thị ngày càng hiện đại; 7) Tiếp cận và khai thác kịp thời các công nghệ tiên tiến trong quy hoạch và quản lý xây dựng đô thị.

 

 8

 

Lồng ghép quy hoạch môi trường trong quy hoạch xây dựng đô thị.

Có 5 tiêu chí: 1) Tổ chức không gian xanh, mặt nước vùng và đô thị; 2) Khai thác mặt nước tối đa có thể; 3) Giữ gìn tốt môi trường xã hội; 4) Bảo vệ môi trường, di sản hiệu quả; 5) Thực hiện đầy đủ quy hoạch môi trường đô thị.

 

9

 

Huy động cộng đồng tham gia công tác quy hoạch và quản lý xây dựng đô thị.

Có 5 tiêu chí: 1) Đóng góp ý kiến về quy hoạch đô thị; 2) … về đầu tư phát triển đô thị; 3) … về công tác quản lý đô thị; 4) …. về công tác điều hành và quản lý đô thị; 5) … về vai trò phụ nữ trong công tác quản lý, đầu tư xây dựng đô thị.

 

 

10

 

 

Hợp tác, điều hành và quản lý xây dựng đô thị…

Có 5 tiêu chí: 1) Hình thành ranh giới và quản lý không gian vùng hợp lý; 2) Hình thành một cơ chế quản lý vùng hiệu quả; 3) Đảm bảo lợi ích cho các đô thị trong vùng; 4) Hợp tác trong công tác bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, 5) Đảm bảo cân bằng hệ sinh thái tự nhiên và  hệ sinh thái đô thị.

               2. Vấn đề môi trường và tác động của nó đến PTĐTBV:
               Báo cáo tổng quan môi trường toàn cầu năm 2000 và 2005 của Chương trình Môi trường Liên hiệp quốc (UNEP) là sản phẩm nghiên cứu của hơn 850 tác giả trên khắp thế giới, của trên 30 cơ quan môi trường và các tổ chức khác của Liên hợp quốc đã cùng phối hợp tham gia biên soạn. Các báo cáo này đã phân tích 3 xu hướng bao trùm khi loài người bước vào thiên niên kỷ thứ ba:

                Vấn đề thứ nhất:

                Thế giới đang ngày càng biến đổi, trong đó sự phối hợp quản lý môi trường ở quy mô quốc tế luôn bị tụt hậu so với sự phát triển KT-XH. Những thành quả về môi trường thu được nhờ công nghệ và chính sách mới không theo kịp nhịp độ và quy mô gia tăng dân số và phát triển kinh tế tại khu vực đô thị cũng như cả quốc gia.Từ đó dẫn đến những vấn đề môi trường mang tính toàn cầu. Đây chính là những thách thức lớn đối với loài người, với mỗi quốc gia:
               a) Khí hậu toàn cầu biến đổi và tần suất thiên tai ngày càng gia tăng, trong đó có vấn đề mực nước biển dâng làm ảnh hưởng đến một số lục địa trong đó có Việt Nam.
               b) Sự suy giảm tầng ôzôn (O3).
               c) Tài nguyên bị cạn kiệt và suy thoái. Ô nhiễm môi trường đang xảy ra ở quy mô ngày càng rộng lớn.
               d) Sự gia tăng dân số và dân số đô thị trong quá trình đô thị hóa nhanh chóng.
Những nguy cơ và thách thức trong quá trình đô thị hoá.
               e) Sự suy giảm tính đa dạng sinh học trên trái đất.
               Trong những vấn đề môi trường chung nêu trên, “Những nguy cơ và thách thức trong quá trình đô thị hóa”, có tác động rất mạnh mẽ và trực tiếp đến vấn đề PTĐTBV nói chung trên thế giới, khu vực và nước ta.

               Vấn đề thứ hai:

               Đó là các hệ sinh thái và sinh thái nhân văn toàn cầu bị đe dọa bởi sự mất cân bằng sâu sắc trong năng suất và trong phân bố hàng hóa và dịch vụ. Một tỷ lệ đáng kể nhân loại hiện nay vẫn đang sống trong sự nghèo khó và dự báo sẽ có sự khác biệt ngày càng tăng giữa người nghèo và người giàu, đe dọa sự ổn định của toàn bộ hệ thống nhân văn và vấn đề môi trường toàn cầu.
           Rõ ràng rằng, phát triển đô thị trong quá trình đô thị hóa, một mặt rất tích cực, đóng góp to lớn trong quá trình phát triển. Tuy nhiên mặt tiêu cực khác là “sự khác biệt ngày càng tăng giữa người nghèo và người giàu”, giữa đô thị và nông thôn. Đó là những nguy cơ làm mất cân bằng và tổn hại đến việc hướng tới một khu vực đô thị theo hướng PTĐTBV.

              Vấn đề thứ ba:

              PTĐTBV trong quy hoạch xây dựng đô thị ở nước ta:
              Như trên đã trình bày, quy hoạch đô thị hiện nay, trong quá trình lập nhiệm vụ quy hoạch, cần nghiên cứu các tiêu chí về PTĐTBV. Tất nhiên, những tiêu chí trên chưa thể thực hiện khi chưa được xem xét, ban hành như là một hệ thống quy chuẩn trong quy hoạch đô thị ở nước ta. Vì thế, trước mắt để PTĐTBV nên xem xét ở các khía cạnh sau đây:
              1. Khai thác hợp lý tài nguyên thiên nhiên tại mỗi vùng phục vụ quá trình đô thị hóa quy hoạch, xây dựng và phát triển đô thị:
             Tài nguyên đất đai và quy hoạch sử dụng đất đai;

             Tài nguyên biển, ngoài khơi, ven bờ, đảo và quần đảo;

             Tài nguyên nước, mặt nước, không gian xanh;

             Tài nguyên rừng;

             Tài nguyên văn hoá xã hội và nhân văn: Là tài nguyên phi vật thể như phong tục, tập quán, trình độ phát triển…

             2. Đảm bảo tính phù hợp với các quy hoạch chuyên ngành khác:
          Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội quốc gia, của vùng lãnh thổ, của đô thị; Quy hoạch phát triển của các chuyên ngành khác, như quy hoạch các vùng chuyên canh; Quy hoạch và kế hoạch đảm bảo an ninh quốc phòng.

            3. Định hướng Quy hoạch Tổng thể đô thị Việt Nam thời kỳ 2000 – 2020:
            Cho đến nay, Quyết định số 10/1998/QĐ-TTg ngày 23/10/1998 của Thủ tướng Chính phủ vẫn đã và đang được triển khai thực hiện. Một số chỉ tiêu chủ yếu theo quyết định này về đô thị Việt Nam thời kỳ 2010 – 2020, tầm nhìn đến 2030 đã và đang được tiếp tục thực hiện.

           Gần đây, Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã có nhiều ý kiến chỉ đạo thực hiện công tác Quy hoạch Tổng thể Phát triển Hệ thống đô thị Quốc gia, phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2020 và tầm nhìn đên 2030.

           Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhiều lần dự, đóng góp ý kiến và phê duyệt quy hoạch các đô thị loại đặc biệt như Quy hoạch chung thủ đô Hà Nội, Quy hoạch chung thành phố Hồ Chí Minh, Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2020 – 2030 và vài thập kỷ tiếp theo.

           Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh vai trò của các khu vực kinh tế tư nhân trong việc tham gia ý kiến về quy hoạch, đầu tư, xây dựng nhiều khu công nghiệp, khu công nghệ cao góp phần đáng kể cho sự phát triển ổn định của nhiều khu công nghiệp tại thủ đô Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Đà Nẵng.    

          Các vùng sâu, vùng xa, hải đảo, Tây Nguyên, cần được chú ý lập quy hoạch để xây dựng và phát triển nhanh hơn, vững chắc hơn, vừa đảm bảo phát triển địa phương, vừa góp phần đảm bảo an ninh, quốc phòng.        

          Trong các đô thị, quy hoạch, xây dựng, thiết kế kiến trúc phải phản ánh đầy đủ bản sắc dân tộc, tính truyền thống, tính hiện đại… xứng tầm với một quốc gia Việt Nam ngày càng hùng mạnh, có vị thế to lớn trong khu vực và trên toàn thế giới.

          3.1. Thành phố Hà Nội

         Đối với một trung tâm lớn, theo thông báo số 348/TB-VPCP ngày 19/11/2009 của Văn phòng Chính phủ đã chỉ ra: “Trong giai đoạn trước mắt … nghiên cứu quy hoạch trụ sở các cơ quan hành chính nhà nước tại khu vực Mỹ Đình, tạo điều kiện cho các Bộ, ngành Trung ương xây dựng, nâng cấp trụ sở làm việc, đáp ứng yêu cầu công tác cải cách hành chính”.
          Về định hướng quy hoạch nhà ở và điều kiện sống, đề xuất nghiên cứu hợp lý hơn khu phố cổ, cũ, nhất là đối với các khu tập thể là: “… không làm tăng thêm quy mô dân số; bổ sung, hoàn thiện chức năng các khu ở; chuyển đổi một phần sang các mục đích công cộng và mạng lưới cơ sở hạ tầng kỹ thuật…”.

          Về định hướng quy hoạch các khu trung tâm đào tạo, đặc biệt, một số đề xuất về “Định hướng quy hoạch trung tâm giáo dục đào tạo tại khu vực Hà Nội là phát triển các trung tâm giáo dục ở các đô thị vệ tinh nhằm giảm quy mô đào tạo ở khu vực nội đô” là một đề xuất hợp lý, đúng đắn cho trước mắt cũng như lâu dài trong việc cung cấp nguồn nhân lực có trình độ cao cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
          Về định hướng phát triển khu vực nông thôn
          Một xu thế tất yếu để thực hiện mục tiêu cả nước nói chung và thủ đô Hà Nội nói riêng trở thành một nước công nghiệp, một thủ đô công nghiệp (tất nhiên công nghiệp với công nghệ cao) vào năm 2020, theo xu thế tăng lao động khu vực II (Công nghiệp, xây dựng) và khu vực III (Thương mại, dịch vụ, nghiên cứu khoa học) đồng thời giảm khu vực I (Nông, lâm, ngư nghiệp). Đó là một cơ sở khoa học mà bất cứ quốc gia nào trên thế giới cũng phải trải qua. Mặt khác, chỉ có như vậy, khu vực nông thôn mới có thể thực hiện được các vấn đề cần giải quyết như sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa và công nghệ cao, tăng khả năng cạnh tranh, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cải tạo môi trường, giảm mật độ xây dựng, khai thác du lịch tại các làng nghề, đáp ứng nhu cầu nghỉ ngơi, tham quan du lịch cho người dân đô thị. Và như vậy mới có thể thực hiện được chủ trương Tam Nông (Nông Nghiệp, Nông thôn, Nông dân) của Đảng và Nhà nước ta.
           Mạng lưới điểm dân cư nông thôn, được xác định theo tầng bậc rõ ràng như: Trung tâm tiểu vùng trong huyện là các thị tứ, thị trấn; Cụm điểm dân cư mới là điểm dân cư nông nghiệp được hình thành theo hướng sản xuất hàng hóa với công nghệ cao; Trung tâm dịch vụ sản xuất cụm: được hình thành trong các khu sản xuất nông nghiệp tập trung như rau, cây ăn quả chất lượng cao, chăn nuôi, trồng lúa; Điểm dân cư trung tâm xã và điểm dân cư trung tâm xóm với các loại hình sản xuất như lúa, chăn nuôi gia cầm, trồng cây ăn quả, trồng hoa, tiểu thủ công nghiệp…
           Và các loại hình điểm dân cư nông thôn: Điểm dân cư sản xuất lúa, chăn nuôi gia cầm, nuôi trồng thủy sản; Điểm dân cư trồng rau an toàn; Điểm dân cư xã trồng cây ăn quả; Điểm dân cư xã trồng hoa, cây cảnh; Điểm dân cư chăn nuôi bò sữa, bò thịt và Điểm dân cư làng nghề truyền thống...
           Về đề xuất phát triển công nghiệp
           Định hướng chung cho các loại hình các khu công nghiệp trong khu vực nội thành cũ là khá hợp lý: Di chuyển các khu cụm công nghiệp trong nội thành cũ, chuyển đổi chức năng sử dụng đất hợp lý, tăng cường khai thác sử dụng công nghệ cao, sạch, trong sạch môi trường. Đồng thời hình thành 3 khu công nghiệp có diện tích khoảng

8000 - 9000ha. Như vậy sẽ có khả năng liên kết về sản xuất, sử dụng hợp lý cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, bảo vệ môi trường…

          Về chiến lược quy hoạch phát triển không gian xanh mặt nước:

          Hành lang xanh được hình thành dựa trên ý tưởng không gian xanh sông Đáy, sông Tích, dọc sông Hồng, sông Nhuệ, sông Cà Lồ… trong đó, vùng đệm xanh tập trung chủ yếu tại khu vực phía Nam sông Hồng, giữa vành đai 3 và 4. Trong không gian xanh, tổ chức các công viên vui chơi giải trí cấp quốc gia, cấp vùng với các loại hình công viên lịch sử, công viên văn hóa, vui chơi giải trí, công viên cây xanh tự nhiên, công viên cây xanh chuyên đề… kết hợp với hồ điều hòa, cây xanh bảo tồn thiên nhiên…

          Khai thác loại hình sinh thái tự nhiên bằng việc tổ chức các đô thị sinh thái:
Một loại hình “sông sinh thái” với mục tiêu là “đảm bảo sự bền vững về môi trường”, gồm các sông Đà, Tích, Đuống, Cà Lồ, Thiếp, Nhuệ và sông Đáy là một ý tưởng đẹp, khả thi, rất sinh thái và rất thân thiện với môi trường. Việc khai thác đầy đủ hệ thống sông này, chắc chắn sẽ là một giải pháp tối ưu nhằm bảo vệ môi trường, cân bằng không những đối với các hệ sinh thái tự nhiên mà cũng cho cả hệ sinh thái đô thị vùng thủ đô Hà Nội hiện nay và tương lai, lại được phân bố trên một diện rất rộng với nhiều loại địa hình khác nhau: Đồng bằng, đồi núi, trung du, thậm chí cả miền núi (4 xã thuộc tỉnh Hòa Bình cũ), nhất là với quy mô dân số hàng chục triệu dân, một trong số 20 thành phố lớn trên thế giới.
           Rõ ràng rằng, Quy hoạch chung Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2050 sẽ đáp ứng hệ thống các tiêu chí của PTĐTBV về cơ bản. Tuy nhiên, khu vực mở rộng (thuộc tỉnh Hà Tây và 4 xã thuộc tỉnh Hòa Bình cũ) vẫn còn khá nhiều thách thức không thể giải quyết một sớm một chiều. Đó là việc chuyển hóa từ khu vực canh tác nông nghiệp sang khu vực có các chức năng đô thị, là các điểm dân cư nông thôn theo mô hình dân cư mới, là đất đai canh tác nông nghiệp chuyển sang không gian xanh, là khai thác hệ thống sông, ngòi vào không gian mặt nước… như là một chức năng thư giãn, vui chơi, giải tri hàng ngày, cuối tuần cho mọi người dân trong đô thị. Đây là những yếu tố  thủ đô Hà Nội cần sớm nghiên cứu, cải tạo và xây dựng để thỏa mãn những tiêu chí về PTĐTBV.
           3.2. Thành phố Hồ Chí Minh:
          
TP.HCM là thành phố lớn nhất nước ta, được xếp vào “top 25” thành phố có quy mô dân số trên 10 triệu dân trên thế giới. Với vai trò và vị trí là hạt nhân của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, thực hiện nghị quyết của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định số 1570/QĐ-TTg ngày 27 tháng 11 năm 2006 về việc phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2025 và Quyết Định số 589/QĐ-TTg ngày 20/05/2008 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng TP.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2050. Theo đó, một số nhiệm vụ chủ yếu của thành phố là:
           Thực hiện nhanh nhất việc chuyển dịch cơ cấu theo hướng có lợi hơn cho sự nghiệp CNH - HĐH thành phố và vùng. Trong ranh giới hành chính hiện tại, TP.HCM có 24 đơn vị hành chính, trong đó có 19 quận (13 quận cũ và 6 quận mới ), 5 huyện ngoại thành và 322 đơn vị xã phường, thị trấn. Tổng diện tích thành phố là 209.554,47ha và tổng dân số là 6.424.519 người, trong đó dân số đô thị (phường, thị trấn) là 5.463.478 người, có tỷ lệ đô thị hoá trên 80% cao nhất nước, tính đến cuối năm 2006. Điều đáng lưu ý là số dân số KT3 và KT4 có khoảng 1,8 triệu người, chiếm đến 28,9%, gần 1/3 dân số thành phố. Đây là quy luật dịch cư của quá trình đô thị hoá và phát triển các thành phố lớn trên thế giới. Nếu tính cả dân số vùng TP.HCM gồm 8 tỉnh thì dân số lên đến 15.686.205 người, chiếm tỷ lệ 18.64% dân số của cả nước. Tính đến năm 2006, cơ cấu lao động, khu vực II là 44,78% và khu vực III chiếm 50,08%. Như vậy chỉ có 5,14% lao động thuộc khu vực I. Cơ cấu này cũng đồng nghĩa với cơ cấu kinh tế theo hướng ngày càng tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp (KVII), thương mại, dịch vụ, du lịch... (KVIII) trong nền kinh tế khu vực đô thị.  

          Đó là một cơ cấu phù hợp đối với TP. HCM, đồng thời cũng rất phù hợp với quá trình CNH - HĐH, phù hợp với quy luật của quá trình đô thị hóa và phát triển đô thị tại đây.

         TP.HCM cũng là thành phố dẫn đầu trong cả nước về tốc độ tăng trưởng kinh tế GDP, về các chỉ tiêu phát triển các ngành kinh tế chủ yếu như sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, sản xuất nông lâm ngư nghiệp, có mức thu nhập bình quân cao nhất nước: 3.300USD/người, đóng góp khoảng trên 1/3 ngân sách cả nước.

         Phát triển thế mạnh của thành phố như một vai trò quan trọng trong việc kết hợp chặt chẽ với cả vùng như bố trí các khu đô thị vệ tinh, các đô thị đối trọng, phát triển công nghiệp, không gian xanh, mặt nước, cơ sở hạ tầng, khu xử lý chất thải rắn, nghĩa trang ...

          Phát triển thêm nhiều hành lang phát triển phía Tây, Tây Nam và các hướng hành lang quan trọng khác.

          Phát triển thành phố không phụ thuộc ranh giới hành chính để tạo cơ hội cho việc hình thành các khu chức năng có quy mô lớn và tính chất chuyên ngành hơn. Tuy nhiên, vấn đề ô nhiễm môi trường và sự cân bằng các hệ sinh thái, nhất là hệ sinh thái đô thị vẫn còn là những thách thức không hề nhỏ .

             Một vấn đề khác là các dòng dịch cư từ các địa phương trên cả nước nhập cư không chính thức (informal sector) vào thành phố, tạo nên một sức tải cơ sở hạ tầng đô thị, thiếu công ăn việc làm, tạo nên một sức ép không nhỏ lên các hoạt động trong đời sống đô thị. Đây vẫn là một quy luật vốn có tại nhiều thành phố lớn trên thế giới và khu vực.
            3.3. Thành phố Huế:

            Thành phố Huế có nhiều loại hình vừa là không gian kiến trúc cổ, hiện đại, vừa
là cảnh quan đô thị, cây xanh, sông nước, lại được phân bố khác nhau theo các loại địa
hình: đồng bằng, ven biển, miền núi.

            Thành phố Huế còn là nơi có rất nhiều di sản kiến trúc thế giới như khu vực “đại nội, lăng tẩm cung đình”…, di sản phi vật thể “Nhã nhạc cung đình”, cảnh quan thiên nhiên thơ mộng như sông Hương và núi Ngự, là điểm nhấn quan trọng để thành phố Huế nói riêng và cả tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung mang đậm một nét đặc thù rất riêng: Duyên dáng, thơ mộng và quyến rũ. Vì thế nơi này mang đậm một dấu ấn “Thành phố của một hệ sinh thái xã hội và nhân văn”. Đây là những nét rất riêng, rất hấp dẫn của thành phố Huế.

           Khác với thủ đô Hà Nội và TP.HCM, thành phố Huế có môi trường xã hội thật êm ả, con người có giọng nói rất riêng, thật nhẹ nhàng, duyên dáng, cảnh quan sông nước thật thơ mộng và kiến trúc cung đình là những nét nổi bật trong hầu hết các công trình cũ và cổ tại thành phố Huế.

           Chức năng sản xuất thành phố Huế, nhất là các khu công nghiệp, hầu hết là các khu công nghiệp nhẹ, ít ô nhiễm môi trường và rất đặc thù, không ồn ào và rất hài hòa với các không gian chức năng thành phố Huế.

           Xét các tiêu chí về PTĐTBV, tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung và thành phố Huế nói riêng có thể đáp ứng khá đầy đủ. Tuy nhiên, nếu xét về tốc độ phát triển kinh tế, nhất là các yếu tố phát triển mang tính đột phá, thành phố Huế và tỉnh Thừa Thiên Huế chưa thật rõ nét, thuyết phục.

           Tóm lại, công tác quy hoạch xây dựng, quản lý xây dựng đô thị nói chung và quy hoạch xây dựng đô thị nói riêng hiện nay đã từng bước hướng tới các yêu cầu về PTĐTBV. Với chức năng của mình, ngành xây dựng đã từng bước đáp ứng các yêu cầu cho mỗi loại hình quy hoạch xây dựng theo Luật Xây dựng. Tuy nhiên, trong thời kỳ công tác quy hoạch xây dựng ngày càng phát triển, vẫn phải đáp ứng đầy đủ các yêu cầu theo hướng Phát triển Đô thị Bền vững.

            Vì thế, việc thực hiện quy hoạch và phát triển đô thị bền vững theo các nhóm tiêu chí nêu trên là cần thiết. Tuy nhiên, rất cần thiết có một cơ sở pháp lý sau luật Quy hoạch để các nhóm tiêu chí về Phát triển đô thị bền vững có thể áp dụng vào công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch xây dựng của cả nước một cách hiệu quả.

            Các Bộ Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tư pháp, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ và các địa phương trên cả nước... cần tiếp tục nghiên cứu, đóng góp ý kiến để công tác quy hoạch và quản lý xây dựng đô thị và nông thôn hiệu quả hơn, đóng góp vào công cuộc phát triển kinh tế xã hội nói chung và quá trình đô thị hóa, phát triển và quản lý đô thị ngày một tốt hơn.

 TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Luật Xây dựng – Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia – Hà Nội 2005.
  2. Định hướng Quy hoạch Tổng thể phát triển Đô thị Việt Nam, thời kỳ 2000-2020 – Viện Quy hoạch Đô thị - Nông thôn Quốc gia, Bộ Xây Dựng.
  3. Định hướng Chiến lược Phát triển Bền vững ở Việt Nam (Chương trình Nghị sự 21) Việt Nam – Hà Nội, tháng 8 năm 2004 – Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường.
  4. Phân bố dân cư trong quá trình đô thị hóa trên cơ sở chuyển dịch kinh tế thời kỳ 2000-2010-2020 – Đề tài NCKH cấp Nhà nước - 2004 – PGS.TS. Lê Hồng Kế.
  5. Thăng Long – Hà Nội – 1000 năm Đô thị hóa – Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội – 2010, GS.TS. Lê Hồng Kế.
  6. Analysis impacts of Urbanizaation policies to Sustainable Development of Vietnam, Ministry of Planning Investment, National Agenda 21 of Vietnam, Project VIE-01-021, Ha Noi 2006.
(Nguồn:Tạp chí QHXD số 97+98)
Tin cũ hơn

Tạp chí QHXD

Ebook

Giới thiệu sách

Liên kết website