Tổng quan về khu vực ven đô các thành phố lớn trong quá trình đô thị hóa nhanh

Đô thị hoá vùng ven đô thành phố lớn là hiện tượng phổ biến của quá trình tăng trưởng đô thị và luôn được quan tâm trong chiến lược phát triển đô thị quốc gia, nhất là các đô thị châu Á đang có tốc độ đô thị hoá cao. Ở Việt Nam, do việc mở rộng khu vực nội đô và thực hiện các dự án đầu tư xây dựng quy mô lớn khiến quá trình đô thị hoá khu vực ven đô các thành phố lớn diễn ra phức tạp và nhanh chóng trong khoảng 30 năm gần đây. Kết quả là hình thái cảnh quan vùng ven đô thường bị lộn xộn và ảnh hưởng bất cập tới môi trường - xã hội - kinh tế; đây là hệ quả của chủ trương pháp lý và công cụ quản lý quy hoạch khu vực ven đô đang bị chồng lấn và xung đột lẫn nhau.

NCS. Phạm Thị Nhâm - ThS. Phan Thị Vân Anh

Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia - VIUP

--------------------------------------------------------------------------

MỞ ĐẦU

Thách thức chính của vùng ven đô là thiết lập quy hoạch cấu trúc khu vực đô thị hoá luôn biến động để khu vực đô thị - nông thôn cùng tham gia vào quá trình tái cấu trúc nền kinh tế. Thực tế khi triển khai dự án tái thiết các “thị trấn”, hay phát triển dự án mới thường phải điều chỉnh quy hoạch nhiều lần. Do vậy, chính quyền luôn đặt câu hỏi làm thế nào để tổ chức phát triển vùng ven đô theo mục tiêu, mà vẫn đổi mới dần cấu trúc đô thị hiện có của các thị trấn cũ nằm đan xen giữa nhà ở và các cơ sở công nghiệp đang chịu sự thiếu hụt nghiêm trọng các công trình hạ tầng giao thông và công trình công cộng.

Bên cạnh đó, vùng ven đô thành phố lớn biểu hiện quá trình mở rộng ranh giới đô thị, tuy nhiên khó xác định được ranh giới mở rộng rõ ràng để quản lý hiệu quả. Sự phát triển nhanh chóng ở khu vực ven đô thường chống lại mọi hình thức hợp nhất các địa bàn thành chính quyền đô thị lớn; khi không có quyết định áp đặt từ chính quyền Trung ương, mối quan hệ giữa các địa bàn này là “thương lượng” giữa các chính quyền địa phương.

Trên thực tế, vùng ven đô có ranh giới không rõ ràng, không được định nghĩa trong các văn bản pháp luật ở Việt Nam. Vùng ven đô chứa đựng nhiều loại ranh giới quản lý khác nhau, thường chồng chéo các công cụ quản lý và thường xuyên thay đổi quy hoạch, như:

+ Ranh giới nội thị, ngoại thị; ngoại thành, nội thành;

+ Ranh giới phát triển đô thị (hoặc ranh giới tăng trưởng đô thị);

+ Ranh giới dự án phát triển đô thị.

Có thể thấy, vùng ven đô thường có nhiều chủ trương pháp lý và công cụ quản lý quy hoạch bị chồng lấn và xung đột nhau, làm cho cảnh quan vùng ven đô thường bị lộn xộn và thiếu sự quản lý. Do vậy, bài viết này sẽ không chỉ xem xét khu vực ven đô theo hướng quản trị đô thị mà còn dựa trên hình thái không gian và sự phân bố của mật độ dân cư.

I. ĐÔ THỊ HOÁ VÀ MỞ RỘNG ĐÔ THỊ CÁC THÀNH PHỐ LỚN Ở VIỆT NAM

Vùng ven đô thị lớn các nước Mỹ và Tây Âu tăng trưởng nhanh chóng vào khoảng đầu và giữa thế kỉ 20; ở các nước châu Á vào khoảng giữa và cuối thế kỉ 20, ở các nước Đông Nam Á trong đó có Việt Nam bắt đầu từ đầu thế kỉ 21 đến nay. Đô thị hoá vùng ven đô làm biến đổi kinh tế nông nghiệp nông thôn trở thành kinh tế dịch vụ - công nghiệp.

Quá trình đô thị hóa ở Việt Nam diễn ra chậm chạp, trình độ đô thị hóa thấp. Từ thế kỉ III trước Công nguyên, thành Cổ Loa được coi là đô thị đầu tiên ở nước ta. Vào thời phong kiến, một số đô thị được hình thành ở những nơi có vị trí địa lí thuận lợi, với các chức năng chính là hành chính, thương mại, quân sự. Thế kỉ XI xuất hiện thành Thăng Long, sau đó là các đô thị: Phú Xuân, Hội An, Đà Nẵng, Phố Hiến ở thế kỉ XVI - XVIII. Thời Pháp thuộc, hệ thống đô thị nhỏ bé, chức năng chủ yếu là hành chính, quân sự. Đến những năm 30 của thế kỉ XX mới có một số đô thị lớn được hình thành như Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định. Từ năm 1945 đến năm 1954, quá trình đô thị hoá diễn ra chậm, các đô thị không có sự thay đổi nhiều. Từ năm 1954 đến năm 1975 đô thị phát triển theo hai xu hướng khác nhau: Ớ miền Nam, chính quyền Sài Gòn đã dùng “đô thị hoá” như một biện pháp để dồn dân phục vụ chiến tranh. Ở miền Bắc, đô thị hóa gắn liền với quá trình công nghiệp hóa trên cơ sở mạng lưới đô thị đã có. Từ 1965 đến 1972, các đô thị bị chiến tranh phá hoại, quá trình đô thị hoá chững lại. Từ năm 1975 đến nay, quá trình đô thị hóa có chuyển biến khá tích cực. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng của các đô thị (hệ thống giao thông, điện, nước, các công trình phúc lợi xã hội) vẫn còn ở mức thấp so với các nước trong khu vực và thế giới. Tỉ lệ dân thành thị tăng nhanh từ năm 1986 thực hiện chính sách Đổi mới. Tuy nhiên, tỉ lệ dân thành thị còn thấp so với các nước trong khu vực. Phân bố đô thị không đều giữa các vùng. Vùng trung du và miền núi Bắc Bộ có số lượng đô thị nhiều nhất nước ta nhưng chủ yếu là các đô thị vừa và nhỏ và ít nhất là vùng Đông Nam Bộ với nhiều đô thị lớn, đông dân. Số thành phố lớn còn quá ít so với mạng lưới đô thị.

Việt Nam nằm ở rìa biển Đông của lục địa Đông Nam, các đô thị lớn nằm ở vùng đồng bằng châu thổ các con sông lớn và ven biển. Quá trình tăng trưởng mở rộng không gian đô thị lớn và sự biến động của vùng ven đô có nhiều điểm tương đồng và khác biệt về tự nhiên, lịch sử, dân cư, thể chế, trình độ phát triển so với các quốc gia khác. Cả nước có 5 đô thị cấp quốc gia là 5 thành phố Trung ương, tương đương với đô thị vùng: Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ. Ngoài ra có thêm một số đô thị hướng đến thành phố Trung ương như Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Bình Dương, Đồng Nai… Vùng ven đô các đô thị lớn này đang ngày càng trở nên quan trọng, tích luỹ nhiều hoạt động kinh tế mới và cạnh tranh mạnh mẽ giữa các hoạt động đô thị - nông thôn. Do yếu tố lịch sử và chính trị, vùng ven đô thị lớn được phân biệt làm 2 giai đoạn:

- Giai đoạn trước năm 1986, đô thị hoá Việt Nam tăng trưởng chậm. Mặc dù các vùng đồng bằng châu thổ là nơi tập trung dân cư đông đúc nhưng sự dịch cư từ nông thôn đến đô thị thấp. Bởi động lực phát triển các đô thị chủ yếu là hành chính, công nghiệp và dịch vụ phụ thuộc vào nền kinh tế kế hoạch quy mô nhỏ. Do vậy, vùng ven đô là sự hoà nhập dần giữa thành phố với vành đai tiểu thủ công nghiệp xung quanh. Không gian đô thị mở rộng đến vùng ven đô liên quan đến nguồn lực hạn hẹp từ nguồn ngân sách nhỏ bé thực hiện quy hoạch đô thị và đất đai của nhà nước Trung ương hoặc chính quyền địa phương.

- Giai đoạn sau năm 1986, đô thị hoá Việt Nam tăng trưởng nhanh chóng nhờ hội nhập kinh tế và toàn cầu hoá. Điều này khác biệt hoàn toàn với tăng trưởng đô thị ở các nước phương Tây đã phát triển qua giai đoạn công nghiệp hoá.

Diễn biến quá trình đô thị hóa, qua chỉ số tỷ lệ số dân thành thị so với tổng số dân cả nước không thay đổi nhiều từ trước năm 1986: 20,6% (1976); 19,2% (1979); 19,9% (1985) và 19,8% (1989). Cho đến năm 2000, tốc độ tỷ lệ dân thành thị bắt đầu gia tăng nhanh chóng, lên 24,6% (2000); 27,5% (2005); 30,6% (2010); 33,6% (2015); 35,03% (2017) [4]. Các thành phố đạt dân số trên 1 triệu dân có TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ và Biên Hoà. Các đô thị loại I tuy dân số chưa đạt quy mô triệu dân nhưng đang có xu hướng đô thị hoá vùng ven đô. Giai đoạn 2010 - 2020, nhiều thành phố mở rộng khu vực nội thị và được nâng cấp từ loại II lên loại I.

Theo dự báo quốc gia, tỷ lệ đô thị hoá toàn quốc đến năm 2035 đạt 50% - 55% (năm 2017 là 35,03%) [4]. Việt Nam là quốc gia đang phát triển nên quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ ở các vùng đô thị lớn và khu vực nông thôn ven đô. Trên thực tế, các thành phố trực thuộc Trung ương như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ, các đô thị loại I trong giai đoạn 2010 - 2020 có xu hướng mở rộng không gian từ trung tâm lõi đô thị ra ngoại vi. Khu vực ven các thành phố lớn thường là đầu mối gắn kết hoạt động sản xuất, thương mại giữa hai thị trường đô thị - nông thôn; cung cấp nguyên liệu, lao động cho đô thị, là nơi bố trí các đầu mối HTKT của đô thị cũng như các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội vùng, là cầu nối liên kết đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh khác trong vùng đô thị lớn.

II. CÁC THÁCH THỨC MÀ VÙNG VEN ĐÔ PHẢI ĐỐI MẶT

1. Về môi trường

Môi trường là một vấn đề cần được xem xét đầu tiên khi xét đến quá trình đô thị hoá. Một mặt đô thị hoá làm thay đổi nhanh chóng bộ mặt đô thị và khu vực ven đô. Mặt khác nó cũng làm suy thoái môi trường sống của con người do sức ép tăng dân số, sự pha trộn lối sống, thiếu đầu tư cho cơ sở hạ tầng, quản lý đô thị yếu kém... Do môi trường sinh thái ven đô có tính lưỡng cư, vừa mang đặc điểm nông nghiệp - nông thôn vừa mang đặc điểm đô thị nên dưới tác động của đô thị hoá hệ sinh thái này sẽ bị phá vỡ. Chẳng hạn, các chất thải công nghiệp và sinh hoạt, bao gồm cả chất thải rắn và lỏng do không được xử lí hoặc xử lí chưa tốt sẽ gây ô nhiễm không khí và nguồn nước dẫn đến suy thoái và ô nhiễm môi trường, làm mất đi hệ sinh thái tự nhiên vốn có của khu vực ven đô.

Đất đai ngoại thành đang suy giảm nhanh khi đô thị hoá cao. Tại Hà Nội, hiện nay đã vượt qua ngưỡng dự báo: Chiến lược phát triển đô thị năm 1998 dự kiến đến năm 2020 đất đô thị là 450.000ha nhưng chỉ đến 2005 đã lên đến 480.000ha. Tình trạng này dẫn đến thiếu kiểm soát ngoại thành, ven đô. Quản lý phát triển ngoại thành hiện được thực hiện theo cơ chế chung về quản lý của chính quyền địa phương. Quy hoạch nông thôn mới ngoại thành được triển khai theo quy định chung về quy hoạch nông thôn mới chung của quốc gia. Chưa xác định tiêu chí đặc thù để phù hợp, gắn với quy hoạch chung đô thị.

Không gian nông thôn ngoại thành và đô thị có sự ràng buộc trên góc độ sinh thái tự nhiên. Đô thị càng phát triển thì bản thân nó càng khó tự cân bằng và đảm bảo được yếu tố môi trường, tự nhiên, khí hậu. Đặc biệt là tính bền vững môi trường trước những biến đổi khí hậu khó lường. Ví dụ như việc vỡ đê sông Bùi ở Quốc Oai, Hà Nội tháng 10/2017 vừa qua, nằm trong dự kiến "vỡ đê theo kế hoạch", hạn chế sự tác động của lũ lụt tới diện rộng hơn đã minh chứng cho vai trò của khu vực vùng ven đối với đô thị trong việc giảm thiểu các tác động của thảm họa tự nhiên.

Quan hệ không gian sinh thái này hiện chưa sẵn sàng phát huy được vai trò tích cực của nó mà cần phải có các chính sách phát triển, điều tiết rõ rệt. Người làm quy hoạch đang dễ dãi bôi màu xanh vào đất nông nghiệp (thậm chí cả khu đất điểm dân cư nông thôn) và coi như đã có đất cây xanh, sinh thái hỗ trợ cho đô thị. Hành lang xanh trong Quy hoạch chung Hà Nội là một ví dụ. Nguyên tắc phát triển các khu vực có cây xanh thuần, giảm nhiệt đô thị, giảm thiểu tác động của thảm họa tự nhiên, tạo sự đa dạng sinh học, thiết lập cảnh quan sinh thái, nông nghiệp sạch để phục hồi các chu trình tuần hoàn tự nhiên đang bị phá vỡ bởi thuốc trừ sâu... đã không được chỉ rõ. Bản thân khu vực ngoại thành các yếu tố sinh thái cũng đang suy giảm thì sao có thể hỗ trợ được cho đô thị.

Không gian liên kết sinh thái bị tác động bởi không gian kinh tế. Nó làm cho tất cả những ý tưởng tốt đẹp của một môi trường tổng thể bị chia rẽ quan điểm, cái nhìn kinh tế cục bộ thắng thế. Nếu chỉ nhìn cục bộ 1ha đất ruộng chuyển thành 1ha đất trồng rừng trên góc độ kinh tế sẽ cho quan điểm rất khác so với việc đánh giá chúng trên cả lợi ích sinh thái tổng thể.

Tóm lại, đô thị hoá vùng ven thường diễn ra ở khu vực nhạy cảm về sinh thái môi trường, không gian thiên nhiên xâm lấn. Các dự án đầu tư thường không đồng bộ về thời gian và vị trí địa lý, nên không gian thường bị phân mảnh và phá vỡ cấu trúc làng xã nông thôn. Cảnh quan nông nghiệp bị suy thoái do hệ thống thuỷ lợi bị cắt đứt, không gian trống gồm cánh đồng, mảnh vườn, ao hồ thường trở thành nơi ô nhiễm chứa đựng rác và nước thải bẩn. Không gian làng xã truyền thống bị chia cắt hoặc phát triển tự phát làm nhà ở cho người nhập cư, làm cho chất lượng môi trường sống nông thôn ven đô bị suy giảm.

Đô thị hóa không chỉ bó hẹp ở việc hình thành các đô thị mới trong đó có công nghiệp - dịch vụ, mà chính xác hơn, đô thị hóa còn có nghĩa là công nghiệp hóa cả khu vực nông thôn, đưa công nghiệp về nông thôn và các vùng ven đô thông qua việc thành lập các xí nghiệp vừa và nhỏ để thu hút lao động nông thôn, hạn chế sự di động nhân lực từ nông thôn vào thành thị. Đô thị hoá theo hướng tích cực sẽ thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội của khu vực đô thị nói riêng và của quốc gia nói chung. Song, đô thị hoá cũng có những tác động tiêu cực như làm tăng khoảng cách giữa giàu và nghèo, làm suy thoái môi trường và các tệ nạn xã hội.

Do vậy, để đảm bảo sự phát triển đô thị bền vững cần giải quyết đồng thời vấn đề tăng trưởng kinh tế đô thị và phát triển xã hội, trong đó cần chú trọng giải quyết các vấn đề về phân công lao động đô thị và bình đẳng trong việc tiếp cận và sử dụng các nguồn lực đô thị, quản lý có hiệu quả các nguồn lực tự nhiên và kinh tế, bảo vệ môi trường và chăm lo sức khoẻ cho cộng đồng.

2. Về xã hội

Đô thị hóa đã tác động mạnh mẽ vào đời sống mỗi gia đình nông dân ven đô. Sự biến đổi lối sống từ nông thôn sang đô thị, từ nông dân sang thị dân làm thay đổi các chuẩn mực văn hoá dẫn đến sự thay đổi thái độ, hành vi và cách ứng xử của mỗi cư dân ven đô trong đời sống gia đình và xã hội. Đô thị hoá còn làm biến đổi các mối quan hệ xã hội của người dân ven đô. Chúng không còn đơn giản là các mối quan hệ họ hàng, cộng đồng làng xã mà là các quan hệ xã hội đa chiều, phức tạp do sự pha trộn nhiều tầng lớp dân cư và sự chuyển đổi các mô hình tổ chức. Các nhóm cộng đồng làng xã sẽ dần được thay thế bằng các cộng đồng mở với các quan hệ bắc cầu. Đây là một trong những đặc trưng của cộng đồng đô thị.

Dân cư đô thị tăng nhanh là thực trạng song có sự khác biệt: tăng tự nhiên, di cư hoặc mở rộng địa giới. Xét riêng với dân cư ngoại thành luôn là đối tượng dễ bị tổn thương nhất “chuyển vào đô thị hoặc chuyển đổi nghề, hay đào tạo lại lao động để thích hợp với lao động đô thị, nông nghiệp đô thị mà không di dời nơi ở. Nguồn lao động cũng có sự khác biệt so với khu vực thuần nông thôn, đó là không chỉ cho hoạt động nông nghiệp mà còn cho đô thị. Lao động tham gia không chỉ là những lúc nông nhàn mà thường xuyên với dạng lao động con lắc. Với bán kính khoảng 30km trở lại, việc di chuyển bằng xe máy chỉ mất dưới 1 giờ thì không phải là khoảng cách quá xa giữa nơi ở (nông thôn) và nơi làm việc (đô thị). Sức lao động ở đô thị được trả cao hơn gấp nhiều lần là lý do để nguồn lao động hướng tới khu vực đô thị. Lao động vùng ngoại thành có 3 lựa chọn: Làm việc tại làng xã, làm việc tại đô thị (con lắc) và làm việc tại đô thị (cư trú tạm thời). Thực tế với lao động trẻ, sức hấp dẫn đô thị lớn nên tại các làng xã ngoại thành hiện nay chỉ còn lao động trung niên, già và trẻ em.

Việc chuyển mục đích sử dụng đất cũng làm nảy sinh những mâu thuẫn xã hội và gia tăng bạo lực do tranh giành đất đai và do đất là nguồn sinh kế chính của nhiều hộ nông dân vùng ven đô. Do đất ở khu vực ven đô ngày càng trở nên khan hiếm, dẫn đến giá đất ở đây ngày càng tăng cao, tạo ra một sức ép tâm lý cho người dân. Hậu quả là người nghèo có thể sẽ bị đẩy ra xa hơn hoặc bị dồn ép vào các khu vực đất đai ít giá trị hay thiếu các dịch vụ công cộng và ô nhiễm môi trường, xã hội trở nên bất ổn nếu việc mâu thuẫn và bạo lực gia tăng.

Quá trình đô thị hoá cũng dẫn đến những thay đổi trong sự phân công lao động, đặc biệt là phân công lao động về giới ở khu vực ven đô. Do có sự thay đổi trong việc sử dụng đất nên vai trò của phụ nữ trong các hoạt động sinh kế để chuyển các nguồn lực tự nhiên thành hàng hoá kinh tế của hộ gia đình bị giảm đi và dường như tăng lên trong các thành phần kinh tế không chính thức. Điều này thường thấy ở các nước đang phát triển, nơi phụ nữ vẫn là nhóm dễ bị tổn thương trong quá trình chuyển đổi mục đích sử dụng đất do họ bị hạn chế cơ hội để bắt đầu các hoạt động sinh kế thay thế, trong khi đó nam giới có thể tham gia vào các hoạt động đô thị dễ dàng hơn.

Tình trạng mất đất nông nghiệp cho việc xây dựng các khu công nghiệp và khu dân cư đã làm mất nguồn sinh kế chủ yếu của nhiều hộ gia đình, đặc biệt là các hộ nghèo, buộc họ phải chuyển đổi nghề nghiệp. Tuy nhiên, để có thể hội nhập được vào cuộc sống đô thị, những người nông dân vùng ven cần phải có thời gian chuẩn bị về mặt tâm lý để tránh bị sốc khi phải đối mặt với những vấn đề của đô thị hoá. Hơn nữa, họ cũng cần có thời gian trang bị cho mình một hành trang kiến thức, kỹ năng, tay nghề và cả vốn xã hội để có thể hội nhập vào các hoạt động kinh tế thị trường đô thị với sự cạnh tranh khốc liệt. Trên thực tế, tốc độ đô thị hoá nhanh của Hà Nội trong những năm gần đây đã làm cho một bộ phận dân cư ven đô giàu lên nhanh chóng nhờ bán đất hoặc bắt nhịp được với tốc độ chuyển đổi, đồng thời cũng làm cho một số khác nghèo đi do bị mất đất và không chuyển đổi kịp để hội nhập vào các hoạt động đô thị. Hệ quả là sự phân hoá giàu nghèo và những mâu thuẫn về lợi ích giữa các nhóm xã hội đã nảy sinh. Các nhóm được hưởng lợi từ việc thu hồi đất thì ủng hộ chính sách quy hoạch của thành phố, còn nhóm bị mất đất và không chuyển đổi kịp thời thì không đồng tình, thậm chí còn chống đối và gây cản trở cho việc thu hồi đất. Điều này đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến việc đầu tư, dẫn đến hạn chế tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Sự tăng dân số do dòng nhập cư đến các vùng ven đô và sự thu hẹp đất đai canh tác đã khiến cho việc làm trở thành một vấn đề bức xúc hiện nay của các phường, xã ven đô. Đặc biệt, khi Hà Tây được sát nhập vào Hà Nội thì một bộ phận lớn cư dân nông thôn trước đây được coi là dân ngoại tỉnh, nay đã trở thành cư dân Hà Nội nên họ có thể tham gia chính thức vào các hoạt động kiếm sống ở thành phố cũng như các khu vực ven đô của Hà Nội. Mặc dù sát nhập cả Hà Tây nhưng các hoạt động sản xuất nông nghiệp của Hà Nội đang bị giảm đi nhanh chóng, thay vào đó là sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ và buôn bán. Các ngành nghề phi nông nghiệp và các dịch vụ buôn bán đã thu hút một phần lực lượng lao động tại chỗ là những người nông dân bị mất đất canh tác. Tuy nhiên, các hoạt động sản xuất công nghiệp đòi hỏi người lao động phải có một trình độ học vấn tay nghề nhất định và những kĩ năng cần thiết thì lực lượng lao động tại chỗ lại không đáp ứng được hoặc chỉ đáp ứng được một phần. Do đó, người sử dụng lao động phải tuyển các lao động có tay nghề từ nơi khác đến. Đây là một nghịch lý đang xảy ra ở các vùng ven đô cũng như ở các khu công nghiệp mới hiện nay.

Để giải quyết vấn đề trên, chính quyền Trung ương hướng đến chính sách phát triển cân bằng lãnh thổ, cấp đô thị sử dụng biện pháp để hạn chế dòng nhập cư từ nông thôn đến đô thị và các vùng ven đô, mặt khác cần chú trọng việc đào tạo nghề và tạo cơ hội việc làm cho lực lượng lao động trẻ tại chỗ, đặc biệt là các lao động trẻ trong các hộ gia đình phải chuyển đổi nghề nghiệp do bị mất đất. Hơn nữa, cần hỗ trợ và tạo điều kiện cho các đối tượng không còn đủ khả năng đào tạo nghề có thể có những việc làm thích hợp để tạo ra thu nhập thay thế cho thu nhập bị mất từ đất bị thu hồi và nhanh chóng hoà nhập với cuộc sống đô thị.

Tuy nhiên, cư dân vùng ven đô vẫn luôn bị đe doạ bởi nguồn lực sinh kế bị cạn kiệt, bởi môi trường bị suy thoái và mẫu thuẫn xã hội nảy sinh từ việc không hoà nhập với cư dân nhập cư.

3. Về kinh tế

Các mối quan hệ tương tác lẫn nhau về mặt kinh tế của hệ thống nông thôn - ven đô - đô thị được thể hiện ở chỗ nông thôn và ven đô là nơi cung cấp thường xuyên, lâu dài lương thực, thực phẩm, nguồn nguyên liệu và nguồn lao động cho đô thị. Ngược lại, đô thị tạo ra thị trường để tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp, tạo việc làm và nơi ở cho các dòng di dân từ nông thôn đến đô thị và cung cấp hàng hóa phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.

Sự phát triển của các đô thị, hạ tầng và khu công nghiệp tạo ra một động lực mạnh trong phát triển một số vùng nông thôn, đặc biệt là các vùng nông thôn ở xung quanh các đô thị lớn và các khu công nghiệp tập trung cấp quốc gia, cấp tỉnh. Dưới tác động của tăng trưởng kinh tế chung, chính bản thân các khu vực nông thôn này cũng có các chuyển biến mạnh mẽ trong sản xuất nông nghiệp, tiến lên một nền sản xuất hàng hóa quy mô lớn trên cơ sở các trang trại và phát triển ngành nghề phi nông nghiệp. Từ đó mức sống nông dân được nâng cao, bộ mặt làng quê được thay đổi, đặt cơ sở cho tiến trình đô thị hoá nông thôn. Trên thực tế tại nhiều khu vực nông thôn ở đồng bằng sông Hồng, đồng bằng sông Cửu Long và khu vực nông thôn xung quanh các khu công nghiệp, khu kinh tế, các khu vực cửa khẩu biên giới thuận lợi cho thông thương hàng hóa xuyên biên giới, tiến trình đô thị hoá nông thôn đã hình thành rõ nét.

Tác động dễ nhận thấy nhất của đô thị hóa đến kinh tế của vùng ven đô là việc chuyển mục đích sử dụng đất từ nông nghiệp sang mục đích phi nông nghiệp như xây dựng các khu công nghiệp, khu dân cư, khu dịch vụ và vui chơi giải trí. Cơ cấu kinh tế của vùng ven đô thường biến đổi theo hướng công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp sinh thái. Sự thay đổi quy mô và nội dung hoạt động sản xuất nông nghiệp dẫn tới việc đòi hỏi phải có một cơ cấu ngành nghề thích hợp ở các vùng ven đô. Quá trình này không chỉ làm thay đổi cấu trúc không gian và vật chất của vùng ven đô mà quan trọng hơn, còn làm thay đổi điều kiện sống, sinh kế, di động xã hội, và đặc biệt là làm biến đổi lối sống của cư dân ở các vùng này.

Đô thị hóa đã tạo ra sự thay đổi trong việc sử dụng đất ở khu vực ven đô. Việc chuyển một phần lớn diện tích đất nông nghiệp sang xây dựng các khu công nghiệp, khu dân cư đô thị đã làm mất đi nguồn sống chính của những người nông dân, buộc họ phải chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp sang các hoạt động phi nông nghiệp. Đây là một thách thức đối với nông dân, đặc biệt là nông dân nghèo vì nó đòi hỏi phải có thời gian và sự đầu tư cả về tiền bạc lẫn trí tuệ thì mới có thể thích ứng được với điều kiện mới. Ở những nước có tốc độ đô thị hoá nhanh và không kiểm soát được thường dẫn đến những hậu quả kinh tế và xã hội nghiêm trọng như thất nghiệp, nghèo khổ, sự bất ổn xã hội.

Tuy nhiên, đô thị hóa là quá trình tất yếu và việc phát triển đô thị theo hướng bền vững sẽ thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội, vì nó tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho các vùng ven đô nhờ phát triển các hoạt động phi nông nghiệp như công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, buôn bán và dịch vụ. Các hoạt động này sẽ thu hút lực lượng lao động tại chỗ và lao động nhập cư từ các vùng nông thôn, góp phần giải quyết việc làm cho cư dân ven đô và các vùng nông thôn, mở rộng tầm nhìn của người nông dân đối với các hoạt động kinh tế thị trường. Đô thị hóa tạo cơ hội cho người dân được tiếp xúc với cái hiện đại nên sẽ làm nảy sinh những nhu cầu tiêu dùng mới trong cuộc sống, dẫn đến thúc đẩy các ngành công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng, thị trường và dịch vụ phát triển. Nhiều nhà máy, xí nghiệp và các dịch vụ được hình thành để đáp ứng những nhu cầu mới đó, góp phần phát triển kinh tế, xã hội vùng ven đô nói riêng và đô thị nói chung.

III. KẾT LUẬN

Khu vực ngoại thành các đô thị lớn Việt nam đang thiếu các định hướng và công cụ quản lý cho giai đoạn quá độ chuyển đổi từ nông thôn lên đô thị. Đô thị hóa vùng nông thôn ven đô thành phố lớn có nhiều biến động về nhân khẩu, đất đai dẫn đến cấu trúc nông thôn truyền thống bị phá vỡ đột ngột, hạ tầng quá tải gây nên những vấn nạn về môi trường; nhà ở, hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật chưa kịp đáp ứng nhu cầu; đất đai xây dựng dàn trải thiếu kiểm soát, mất đất nông nghiệp, an ninh trật tự xã hội mất ổn định là những hệ lụy đang diễn ra tại các khu vực ven đô các thành phố lớn.

Do vậy, các định hướng quy hoạch buộc phải mang tính chiến lược nhằm kiểm soát: (1) Phát triển vùng ven đô linh hoạt hơn khi đưa khu vực đô thị - nông thôn cùng tham gia vào quá trình tái cấu trúc nền kinh tế, kiểm soát quá trình mở rộng ranh giới đô thị và phát triển hiệu quả các khu vực đất trống; (2) Giảm mật độ tập trung ở khu vực trung tâm lõi đô thị ra vành đai ven đô để gia tăng dân số và phát triển kinh tế - xã hội; (3) Hấp dẫn đầu tư tư nhân trong nước và quốc tế.

Tài liệu tham khảo

  1. Phạm Hùng Cường (2001). Chuyển đổi cấu trúc làng xã vùng ven đô thị lớn đồng bằng sông Hồng thành đơn vị ở trong quá trình đô thị hoá. Luận án tiến sĩ trường ĐH Xây dựng Hà Nội.
  2. Department of Commerce - Census Bureau (2011). "Urban Area Criteria for the 2010 Census; Notice" (PDF). Federal Register. National Archives and Records Administration. Retrieved August 3, 2017.
  3. Ngô Trung Hải (2017). Cấu trúc không gian đô thị thích ứng trong quá trình chuyển hoá không gian đô thị Việt Nam. Luận án Tiến sĩ ĐH Kiến trúc Hà Nội
  4. Tổng Cục thống kê (2012, 2013, 2014, 2018) - Niên giám thống kê năm 2011, 2012, 2013, 2017. NXB Thống Kê.
  5. Bùi Văn Tuấn (2010). “Tác động của đô thị hoá đến các vấn đề xã hội vùng ven đô Hà Nội hiện nay, nghiên cứu trường hợp xã Mễ Trì, huyện Từ Liêm”.

 

(Nguồn:Tạp chí QHXD số 103+104)
Tin cũ hơn

Tạp chí QHXD

Ebook

Giới thiệu sách

Liên kết website