Quy hoạch xây dựng TP.HCM như thế nào khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành

VIỆN QUY HOẠCH XÂY DỰNG - HCM

 

Luật Quy hoạch có nội dung và điểm gì mới?

Luật Quy hoạch số 21/2017/QH14 được Quốc hội thông qua ngày 24/11/2017, có hiệu lực từ ngày 01/01/2019. Luật Quy hoạch quy định việc lập, phê duyệt, công bố, điều chỉnh quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia. Một số nội dung nổi bật trong Luật Quy hoạch là:

  • Tư duy tích hợp, chồng các quy hoạch lên nhau để hạn chế việc điều chỉnh quy hoạch tùy tiện, dễ dàng dẫn đến phá vỡ quy hoạch mà trong thực tiễn đã từng xảy ra.
  • Một trong những điểm nổi bật của Luật Quy hoạch là việc quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động quy hoạch nhằm hạn chế tối đa các tiêu cực trong quy hoạch.
  • Thực trạng Quy hoạch thay đổi theo nhiệm kỳ, không đồng nhất, thiếu tính kết nối, tạo thành một lực cản cho sự phát triển của từng địa phương và cả nước đã được khắc phục những hạn chế tại Điều 4 Luật Quy hoạch quy định trong hoạt động quy hoạch phải tuân thủ những nguyên tắc thống nhất bảo đảm tính liên tục, kế thừa, ổn định, đồng bộ.
  • Theo quy định tại Điều 19 Luật Quy hoạch, khi lập quy hoạch cơ quan lập quy hoạch phải lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức liên quan và đối tượng chịu sự tác động của quy hoạch.
  • Việc điều chỉnh quy hoạch không làm thay đổi mục tiêu của quy hoạch, được thực hiện khi có một trong các căn cứ do:
  • Có sự điều chỉnh mục tiêu của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, chiến lược phát triển ngành, lĩnh vực làm thay đổi mục tiêu của quy hoạch;
  • Có sự điều chỉnh của quy hoạch cao hơn làm thay đổi nội dung quy hoạch hoặc có sự mâu thuẫn với quy hoạch cùng cấp;
  • Có sự thay đổi, điều chỉnh địa giới hành chính làm ảnh hưởng đến tính chất, quy mô không gian lãnh thổ của quy hoạch;
  • Do tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu, chiến tranh làm thay đổi mục tiêu, định hướng, tổ chức không gian lãnh thổ của quy hoạch;
  • Do biến động bất thường của tình hình kinh tế - xã hội làm hạn chế nguồn lực thực hiện quy hoạch;
  • Do sự phát triển của khoa học, công nghệ làm thay đổi cơ bản việc thực hiện quy hoạch;
  • Do yêu cầu bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Những mặt được và sự kỳ vọng ở Luật quy hoạch

  • Hiện nay, do thiếu cơ chế phối hợp, thiếu quy định thống nhất về pháp lý nên quy hoạch các cấp chồng chéo, cùng một ngành nhưng có nhiều quy hoạch được lập, mỗi quy hoạch lại đề ra một chỉ tiêu khác nhau gây khó khăn, tốn kém trong quá trình thực hiện. Luật quy hoạch ra đời với kỳ vọng sẽ thống nhất sự sắp xếp lại toàn bộ các loại quy hoạch trên toàn quốc. Hạn chế đến mức thấp nhất sự cắt khúc, chồng chéo của các loại quy hoạch ngành, lĩnh vực, sản phẩm, xóa bỏ tình trạng ngành nào biết ngành đó.
  • Giảm được chi phí lập từ trên 8.000 loại quy hoạch các cấp với 20.000 đồ án quy hoạch, giảm chi cho ngân sách nhà nước.
  • Luật Quy hoạch khi thực hiện sẽ đơn giản hồ sơ thủ tục cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong đầu tư sản xuất kinh doanh, thực hiện các công trình, dự án vì các loại quy hoạch còn giữ lại sẽ được tích hợp chung vào một bộ dữ liệu quy hoạch của tỉnh và được công khai rộng rãi để người dân được biết. Khi có nhu cầu thực hiện dự án thì nếu phù hợp với quy hoạch tỉnh là sẽ được phê duyệt, thay vì phải mất nhiều thời gian, chi phí lập hồ sơ, chờ các Sở, ngành địa phương phê duyệt quy hoạch và có thể có nhiều rủi ro, mất đi các cơ hội trong đầu tư mở rộng sản xuất.
  • Tiết kiệm được nguồn nhân lực, thời gian lập, thẩm định, phê duyệt, triển khai thực hiện quy hoạch. Số lượng các loại quy hoạch ở các cấp quốc gia, tỉnh sẽ giảm rất nhiều, (quy hoạch cấp quốc gia giảm từ 270 còn 41 loại, quy hoạch cấp vùng giảm từ 76 còn 6, quy hoạch cấp tỉnh giảm từ 3.308 còn 63, bỏ khoảng hơn 700 quy hoạch tổng thể cấp huyện).

Hiệu lực của Luật bắt đầu từ 1/1/2019, Nghị định 37/2019/NĐ-CP ban hành 7/5/2019, đến nay mới được 6 tháng nên chưa thể đánh giá được hết ưu và khuyết điểm. Giai đoạn sắp tới khi triển khai Luật Quy hoạch trong thực tế sẽ thấy rõ những mục tiêu đạt được cũng như những điểm hạn chế cần phải điều chỉnh.

Hiệu quả của Luật Quy hoạch, những vấn đề nảy sinh, vướng mắc

Luật Quy hoạch được Quốc hội thông qua vào ngày 24 tháng 11 năm 2017 và bắt đầu có hiệu lực từ 1/2/2019 nhưng phải đến 7/5/2019, Chính phủ mới ban hành Nghị định số 37/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quy hoạch. Vẫn cần các Thông tư hướng dẫn cụ thể sau đó, nghĩa là Luật vẫn chưa hoàn chỉnh, chưa thể triển khai trong thực tế.

Mặt khác theo Điều 6 của Luật Quy hoạch quy định về mối quan hệ giữa các loại quy hoạch phải tuân thủ thì hiện nay vẫn chưa tổ chức lập, phê duyệt quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, như vậy các quy hoạch cấp dưới sẽ triển khai và cụ thể hóa như thế nào?

Nguyên tắc tích hợp phải từ các quy hoạch bên dưới: tích hợp từ quy hoạch tỉnh để lập quy hoạch vùng và từ đó mới lập quy hoạch quốc gia được. Tuy nhiên muốn lập các quy hoạch bên dưới thì căn cứ để lập là phải dựa trên cơ sở quy hoạch tổng thể quốc gia được phê duyệt. Chính vì mối quan hệ xoay vòng này mà hiện nay tất cả quy hoạch bên dưới đang phải dừng lại. Trong khi quy hoạch mới chưa được ban hành thì đã quy định bãi bỏ quy hoạch cũ, nhưng quy định chuyển tiếp tại Luật Quy hoạch chưa đầy đủ nên không thể thực hiện được.

Việc Luật Quy hoạch có hiệu lực từ 1/1/2019 và các Luật Quy hoạch chuyên ngành hết hiệu lực từ thời điểm này trong khi các quy hoạch thực hiện theo Luật Quy hoạch mới chưa có đã gây khó khăn cho nhiều dự án. Nhiều quy hoạch đã lập xong nhưng không thể điều chỉnh bổ sung và phê duyệt theo quy định của pháp luật chuyên ngành mà phải trình thủ tục mới theo Luật Quy hoạch nên đã gây ách tắc ảnh hưởng đến đầu tư phát triển.

Theo báo cáo của Văn phòng Chính phủ, đến gần giữa tháng 4/2019, cả nước đã có khoảng 39 quy hoạch ngành quốc gia, 63 quy hoạch tỉnh chưa thể triển khai do chưa có hướng dẫn cụ thể. Cùng với đó là khoảng 25 quy hoạch các ngành như quy hoạch xây dựng vùng, tỉnh; quy hoạch khoáng sản; quy hoạch điện lực; quy hoạch cấp nước của các vùng kinh tế trọng điểm không thể ban hành; 368 dự án đầu tư sản xuất công nghiệp không thể triển khai vì vướng quy hoạch, tập trung ở các dự án lưới điện, điện mặt trời, các dự án xử lý rác thải điện.

Hiện chưa có hướng dẫn quy hoạch nào tiếp tục triển khai thực hiện, quy hoạch nào sẽ bị loại bỏ hoặc tích hợp vào quy hoạch chung, các quy hoạch về đầu tư phát triển hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm cụ thể, ấn định khối lượng, số lượng hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm được sản xuất tiêu thụ… sẽ được xử lý như thế nào. Do đó, trong thời gian tới các ngành có thể sẽ gặp khó khăn trong việc thẩm định hồ sơ, quyết định chủ trương đầu tư với những dự án phù hợp quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng nhưng không phù hợp quy hoạch ngành.

Ngoài ra, việc các Bộ chưa trình Chính phủ ban hành 6 Nghị định hướng dẫn thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch đã gây khó khăn trong việc triển khai lập các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành.

Nghị định 37/2019/NĐ-CP tuy đã ban hành nhưng vẫn chưa giải quyết những nút thắt. Có một số quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh đã được lập trước khi Nghị định 37 ban hành nhưng lại không được lập đúng theo hướng dẫn chi tiết về nội dung, trình tự, nhiệm vụ lập quy hoạch, việc lấy ý kiến quy hoạch và thẩm định quy hoạch theo như Nghị định 37. Nếu phải tổ chức lập lại các quy hoạch nói trên theo quy định của Nghị định 37 sẽ lãng phí nguồn lực và kéo dài thời gian lập quy hoạch.

Do các quy hoạch được lập trước đây có sự khác biệt cơ bản với hệ thống quy hoạch quốc gia và hiện nay chưa có định hướng phân vùng và liên kết vùng để lập quy hoạch vùng nên nếu phải chờ quy hoạch tổng thể quốc gia được phê duyệt rồi mới lập quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh thì sẽ không đảm bảo được yêu cầu tiến độ lập cho giai đoạn 2021-2030.

Luật Quy hoạch không có quy định về trình tự khi điều chỉnh, sửa đổi quy hoạch. Điều 54 của Luật Quy hoạch quy định trình tự, thủ tục điều chỉnh quy hoạch được thực hiện như đối với lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch mới. Như vậy việc điều chỉnh sẽ phức tạp, qua nhiều bước, nhiều cấp, mất nhiều thời gian hơn, không đảm bảo sự chỉ đạo điều hành, phát triển nhất là các dự án đầu tư cấp thiết, cấp bách trong giai đoạn phát triển nhanh chóng của xã hội. Do đó cần thiết phải có một quy định về điều chỉnh quy hoạch trong giai đoạn chuyển tiếp khi chưa có quy hoạch quốc gia, vùng, tỉnh mới được phê duyệt.

Những tác động của Luật quy hoạch đến công tác lập quy hoạch xây dựng và phát triển đô thị - nông thôn

Luật Quy hoạch ra đời cùng với Luật sửa đổi 37 Luật liên quan đến Luật quy hoạch đã có tác động đến Luật Xây dựng và Luật quy hoạch đô thị, đó là việc bố trí nguồn vốn, chọn tư vấn lập quy hoạch, thẩm định, phê duyệt, quy hoạch xây dựng và quy hoạch đô thị: quy hoạch xây dựng vùng thành phố HCM, quy hoạch chung xây dựng thành phố trực thuộc trung ương, quy hoạch vùng liên huyện, quy hoạch vùng huyện, quy hoạch khu chức năng đặc thù, quy hoạch nông thôn. Tất cả các loại quy hoạch trên đều phải tuân thủ nguyên tắc phù hợp với quy hoạch tỉnh, quy hoạch vùng và quy hoạch cấp quốc gia.

Tác động của Luật quy hoạch có thể thấy cụ thể đối với công tác lập quy hoạch xây dựng ở việc bỏ quy hoạch vùng tỉnh, bỏ giấy phép quy hoạch và khi lập quy hoạch đô thị loại 2 phải lấy ý kiến của Bộ Xây dựng.

Bộ Xây dựng đã có Văn bản số 688/BXD-QHKT ngày 05/4/2019 gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc rà soát, tổng hợp các vướng mắc trong quá trình thực hiện quy định chuyển tiếp của Luật Quy hoạch và Nghị quyết số 74/2018/QH14. Quy hoạch xây dựng, quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn quốc gia và các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành cũng trong tình trạng chưa thể triển khai thực hiện. Theo Luật Quy hoạch, việc lập, điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng tỉnh đã được bãi bỏ; các quy hoạch xây dựng vùng tỉnh sẽ được thực hiện cho đến khi quy hoạch tỉnh được phê duyệt. Do vậy, hiện nay, khi gặp các vấn đề, yếu tố mới phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện, các quy hoạch xây dựng vùng tỉnh không thể tổ chức điều chỉnh, dẫn tới công tác đánh giá, phân loại đô thị để cụ thể hóa Chương trình phát triển đô thị toàn tỉnh không được thực hiện kịp thời. Tương tư, việc lập quy hoạch xây dựng liên huyện, vùng huyện (để đảm bảo tiêu chí huyện nông thôn mới) theo quy định của Luật Xây dựng gặp khó khăn do phải chờ quy hoạch tỉnh được phê duyệt để làm cơ sở cụ thể hóa; các khu chức năng cần hình thành theo nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương không thể thực hiện. Điều này tác động tiêu cực, giảm thu hút đầu tư, chậm triển khai thực hiện các dự án đầu tư xây dựng, ảnh hưởng lớn tới phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương.

Công tác rà soát thường xuyên quy hoạch xây dựng là cần thiết và tất yếu để kịp thời xem xét, điều chỉnh các bất cập do xuất hiện các yếu tố mới tác động, không thực hiện được hoặc việc triển khai thực hiện gây ảnh hưởng xấu đến phát triển kinh tế - xã hội, an sinh xã hội và môi trường... Tuy nhiên, việc quy định quy hoạch chỉ được rà soát định kỳ 5 năm để điều chỉnh phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội tại Điều 52, Luật Quy hoạch sẽ dẫn tới việc chậm trễ trong rà soát, khó khăn trong công tác điều chỉnh quy hoạch xây dựng, gây ảnh hưởng lớn tới công tác quản lý, phát triển đô thị, nông thôn.

Đối với công tác quản lý và phát triển đô thị: do chưa quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch tỉnh… nên hiện nay các dự án chưa thể triển khai được. Ngoài ra trong Luật Quy hoạch không có quy định về điều chỉnh cục bộ trong khi nội dung quy hoạch lại tích hợp nhiều ngành, lĩnh vực nên rất khó khăn cũng như tốn thời gian khi cần điều chỉnh dự án.

Nội dung quy hoạch cấp quốc gia, cấp tỉnh sẽ có nội dung chung tổng thể, thiếu tính cụ thể, đặc trưng riêng của các vùng miền nên sẽ khó khăn khi lập kế hoạch trung hạn và ngắn hạn.

Đối với đô thị đặc biệt như thành phố Hồ Chí Minh

Việc tuân thủ tầng bậc của các loại quy hoạch từ trên xuống dưới liệu có dễ dàng không vì quy hoạch quốc gia làm trước, quy hoạch vùng làm sau, rồi đến quy hoạch tỉnh. Vậy các quy hoạch của thành phố trực thuộc trung ương như TP.HCM trước đây bao gồm: Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội được duyệt năm 2013, quy hoạch sử dụng đất, Quy hoạch chung xây dựng TP.HCM đến năm 2025 được duyệt năm 2010 thì nay sẽ ra sao, đặt ra nhiều vấn đề: sẽ xuất hiện loại quy hoạch TP.HCM (tương đương quy hoạch tỉnh?) tích hợp quy hoạch chung xây dựng và các quy hoạch khác? Tồn tại quy hoạch xây dựng vùng TP.HCM theo Luật Xây dựng và quy hoạch vùng Thành phố theo Luật quy hoạch mới? Thành phố còn mấy loại quy hoạch, loại nào làm trước, loại nào làm sau hay tất cả cùng làm và làm cho cùng 1 giai đoạn 2021 – 2030?

Nếu lập quy hoạch thành phố theo Luật quy hoạch thì khối lượng dữ liệu, thông tin cần tích hợp rất lớn và phức tạp kéo theo quá trình lập, thẩm định, lấy ý kiến phải cần rất nhiều thời gian, thủ tục thỏa thuận, lấy ý kiến nhiều cấp, đơn vị, ngành, huyện… mà mỗi ngành lại có định hướng, chỉ tiêu riêng, khó khăn khi thống nhất, tích hợp trong cùng một quy hoạch là điều có thể dự báo trước.

Với bối cảnh thế giới đang phát triển rất nhanh, sự biến động xảy ra hàng ngày nên có rất nhiều lý do từ thiên tai, dịch bệnh, khí hậu, tình hình kinh tế, an ninh quốc phòng, khoa học công nghệ đều có thể làm thay đổi mục tiêu chiến lược, điều chỉnh quy hoạch. Nếu phải điều chỉnh quy hoạch thì quá trình điều chỉnh chắc chắn cũng tốn nhiều thời gian và chi phí.

Hàng loạt các quy hoạch xây dựng chức năng đặc biệt, quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, quy hoạch chuyên ngành... đang trình thẩm định, phê duyệt hoặc sẽ triển khai sẽ xử lý tiếp tục thế nào trong khi Luật quy hoạch đô thị (2009) và Luật Xây dựng (2014) phải điều chỉnh cho phù hợp với Luật quy hoạch nhưng hiện nay chưa được Quốc hội thông qua.

Dòng chảy của xã hội và các vấn đề phát triển kinh tế - xã hội, đô thị là phát triển không ngừng, nếu thiếu quy hoạch thì sẽ gặp vấn đề lớn về quản lý và phát triển. Đặc biệt đối với thành phố cực lớn như TP.HCM, đầu tư xây dựng diễn ra rất lớn về quy mô và tiến độ thực hiện rất nhanh, ảnh hưởng đến toàn vùng và cả nước. Mỗi sự chậm trễ, ách tắc tại một quy trình nào đó đều làm giảm sức hút đầu tư, gây thiệt hại lớn về kinh tế, xã hội, đến quá trình phát triển của thành phố.

 

Các vấn đề về kỹ thuật

Rất nhiều ngành, lĩnh vực sẽ phải làm quy hoạch theo dạng tích hợp, hợp phần quy họach nhưng liệu có dễ dàng không vì mỗi một lĩnh vực đều có rất nhiều quy chuẩn, tiêu chuẩn quy định về mặt kỹ thuật rất khác nhau.

Các vấn đề mấu chốt và nội dung quy hoạch cấp quốc gia, cấp vùng liệu có quy định cứng nhắc cho quy hoạch cấp Tỉnh không?

Luật Quy hoạch đã quy định sửa đổi nhiều Luật, trong đó có Luật Xây dựng và Luật quy hoạch đô thị.

Điều 8 của Luật quy họach có nội dung về thời kỳ quy hoạch: đối với QH vùng, QH tỉnh là 20 năm đến 30 năm. Như vậy QHC TP (là loại QHXD cấp dưới) đang triển khai đến năm 2040 tầm nhìn 2060 là không phù hợp Luật quy hoạch.

Điều 16 của Luật quy hoạch có nội dung về quy trình lập quy hoạch thì đối với quy hoạch tỉnh (TP.HCM được xem tương đương): cơ quan lập quy hoạch chủ trì (Sở QH-KT) phối hợp với các cơ quan và UBND cấp huyện xây dựng nhiệm vụ lập quy hoạch, báo cáo UBND TP xem xét trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có hợp lý hay là quy trình nào khác phù hợp?

Điều 30 của Luật quy hoạch có nội dung về Hội đồng thẩm định quy hoạch: Chủ tịch hội đồng quy hoạch tỉnh là Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư chứ không phải Bộ Xây dựng như đối với quy hoạch xây dựng.

Một số nội dung trong Luật quy hoạch đô thị cũng sẽ thay đổi cho phù hợp Luật quy hoạch: định hướng quy hoạch tổng thể hệ thống đô thị quốc gia, căn cứ để lập quy hoạch, điều kiện điều chỉnh quy hoạch đô thị, công bố công khai quy hoạch đô thị, trách nhiệm công bố công khai quy hoạch đô thị, cung cấp thông tin về quy hoạch đô thị.

Kiến nghị giải quyết các vấn đề thực tế

Làm rõ một số vấn đề về mối quan hệ, trình tự thực hiện các loại quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị trong giai đoạn sắp tới. Với các quy hoạch mang tính chất kỹ thuật chuyên ngành như quy hoạch xây dựng, thì cần rà soát cụ thể, tỉ mỉ những vướng mắc, thiếu sót, chính sách, bất cập không phù hợp với Luật quy hoạch.

Vấn đề chuyển tiếp khi chưa có quy hoạch cấp quốc gia: Cho phép tiếp tục thực hiện tổ chức điều chỉnh, phê duyệt quy hoạch xây dựng vùng tỉnh theo quy định tại Luật Xây dựng năm 2014 đến khi quy hoạch tỉnh được phê duyệt. Ngoài ra, cũng cần hướng dẫn thực hiện cụ thể các căn cứ để xây dựng các loại quy hoạch có tính kỹ thuật, chuyên ngành theo quy định của Luật Quy hoạch trong khi chưa có quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh.

Thông tin đến các cơ quan tổ chức tư vấn lập quy hoạch các cấp về những nội dung trong Luật Quy hoạch và Nghị định 37/2019/NĐ-CP cũng như những Thông tư hướng dẫn sắp ban hành để nắm rõ và triển khai theo đúng pháp luật.

Phải quản lý được cơ sở dữ liệu quy hoạch đối với tất cả các lĩnh vực, với các ngành để đạt mục tiêu quan trọng của Luật quy hoạch.

Nâng cao chất lượng đội ngũ: thẩm định, quyết định trong phê duyệt quy hoạch, đặc biệt là công tác quản lý triển khai quy hoạch thì Luật quy hoạch mới thành công, triển khai quy hoạch thành công và thúc đẩy cả xã hội cùng vào cuộc xây dựng phát triển đất nước một cách toàn diện về kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, bảo vệ môi trường và phát triển một cách bền vững./.

(Nguồn:Tạp chí QHXD số 99)
Tin cũ hơn

Tạp chí QHXD

Ebook

Giới thiệu sách

Liên kết website