Nghiên cứu, đề xuất mô hình và giải pháp quản lý phát triển đô thị nén phát triển bền vững

Chủ nhiệm đề tài: Ths.KTS. Lê Kiều Thanh

1. Sự cần thiết

Hệ thống đô thị Việt Nam trong gian đoạn vừa qua đang diễn ra 2 xu thế phát triển. Xu thế thứ nhất là mở rộng và hình thành các cực tăng trưởng mới của đô thị, rút ngắn khoảng cách giữa các đô thị nhưng đồng thời cũng làm tăng lên khoảng cách đi lại của dân cư. Trong giai đoạn 2000-2020 chính sách đô thị hóa bằng phát triển mạng lưới trung tâm, động lực tăng trưởng ‘quy hoạch mới’ như các khu kinh tế ven biển, khu kinh tế cửa khẩu, khu du lịch, khu chức năng đào tạo, nghiên cứu, cảng hàng không quốc tế, hệ thống cảng biển... đã tạo ra cấu trúc mở rộng hệ thống đô thị. Các đô thị lớn như Hà Nội, HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ và các đô thị tỉnh lỵ cũng đã và đang hình thành xu thế phát triển các trung tâm tăng trưởng mới bên cạnh những trung tâm thương mại, dịch vụ tại trung tâm lịch sử. Xu thế thứ hai là sự gia tăng dự án tái thiết mật độ cao tại các trung tâm đô thị hiện hữu tạo ra những thay đổi trong diện mạo đô thị hiện đại, quy mô, tầm cỡ quốc tế, nhưng cũng tạo ra những ảnh hưởng tiêu cực về chất lượng đô thị như  ắch tắc giao thông, đảo nhiệt đô thị, sức ép lên hệ thống cơ sở hạ tầng xã hội như trường học, bệnh viện, công viên cây xanh, chất lượng môi trường như ngập lụt, nước thải, khói bụi và tiếng ồn... Từ những khu đô thị chung cư cao tầng đầu tiên được xây dựng những năm 2000 tại các khu đô thị mới với chiều cao 9-10 tầng, đến nay mô hình chung cư cao tầng với tầng cao từ 30-40 tầng và cao hơn. Năm 2018, nguồn cung chung cư cao tầng tại HN chiếm 87% nguồn cung và 90% tại HCM. Trên cả nước có khoảng 2.500 khối nhà chung cư cũ, khoảng 3 triệu m2 sàn, do đó nhu cầu về cải tạo xây dựng là rất lớn, tạo ra xu thế gia tăng mật độ tại trung tâm đô thị hiện hữu trong thời gian qua.

Hiện nay công tác triển khai lập quy hoạch đô thị từ QHC, QHPK, QHCT theo Luật định là rất khác nhau giữa các loại đồ án quy hoạch đô thị, trong đó tỷ lệ lập QHC là cao nhất đạt 100%, QHPK đạt khoảng 70 %, và QHCT khoảng 35%. Điều này ảnh hưởng rất lớn tới công tác giám sát thực hiện quy hoạch, do các chỉ tiêu quy hoạch (sử dụng đất, MDDS, MĐXD, tầng cao…) cho lô đất quy hoạch sẽ chỉ được làm rõ tại các đồ án QHCT, trong khi tỷ lệ lập QHCT này là rất thấp chỉ chiếm 35% diện tích của đô thị. Đối với các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh song hành với đồ án quy hoạch là quy chế quản lý công trình cao tầng, khu vực trung tâm hiện hữu có những quy định ‘mở’ đối với công trình cao tầng tại khu vực nội đô lịch sử. Các đô thị khác như thì phụ thuộc vào cách áp dụng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn song hành với các đồ án quy hoạch để đưa ra những chỉ tiêu quy hoạch cho không gian cao tầng.

Đề tài nghiên cứu mô hình đô thị nén bền vững Việt Nam được tiến hành nghiên cứu thí điểm cho 5 đô thị; thành phố Hà nội, Hồ Chí Minh, Nha Trang, Vũng Tàu và Ecopark, nhằm đánh giá tổng quan thực trạng phát triển đô thị nén tại các thành phố từ đó rút ra được những bài học thực tiễn. TP Hà Nội và Hồ Chí Minh là đô thị lớn nhất, chiếm 50% dân số đô thị cả nước, là động lực tăng trưởng của cả nước. Nha trang và Vũng Tàu là 2 đô thị tỉnh lỵ loại 1, đô thị du lịch biển nổi tiếng, có những tăng trưởng tốt trong giai đoạn qua. Ecopark được đánh giá là mô hình đô thị mới thành công tại miền bắc, được quy hoạch đầu tư và quản lý tốt, nhưng có điểm đặc thù riêng là mô hình đô thị do 1 chủ đầu tư tư nhân thực hiện. Cả 05 đô thị (trừ đô thị ecopark) đều là những đô thị điển hình cho nhu cầu phát triển công trình cao tầng, đô thị nén trong thời gian qua với số lượng và quy mô các dự án đô thị cao nhất cả nước tạo ra một lượng lớn quỹ đất không gian xây dựng cao tầng quy mô hàng nghìn ha đất đô thị, hàng triệu m2 sàn nhà ở, thương mại, khách sạn..., nhưng cũng tạo ra những ảnh hưởng tiêu cực tới chất lượng môi trường đô thị.

2. Kết quả của đề tài (4/2020)

Đề tài đã tổng kết một số những lý thuyết căn bản về mô hình đô thị nén, trong đó

  • Mô hình phát triển đô thị nén ’ tập trung phân tán’ của Thomas và Cousins (1996): tất cả mọi người tiếp cận bằng đi bộ, bằng xe đạp và giao thông công cộng và tôn trọng thế giới tự nhiên hoang dã. Ưu điêm tạo ra hình thái dân cư không chỉ môi trường bền vững mà còn thích hợp với nhu cầu phát triển kinh tế.
  • Mô hình đô thị nén Churchman (1999) tăng mật độ sử dụng đất thông qua 2 tiêu chí mật độ dân cư cao và tập trung với sử dụng đất hỗn hợp và hạn chế phát triển nằm ngoài khu vực kiểm soát đô thị hóa.
  • Mô hình đô thị nén của Burton (2002) chỉ ra 3 khía cạnh của đô thi nén: mật độ cao, sử dụng đất hỗn hợp (mật độ dân cư và mật độ xây dựng cao, nhà ở mật độ cao và có giá trị cao, sử dụng đất hỗn hợp, sử dụng hỗn hợp theo chiều dọc và chiều cao) và tần xuất cao (dân số tăng, trung tâm thứ cấp có mật độ cao, phát triển mới sử dụng hỗn hợp).
  • Mô hình đô thị nén Âu-Mỹ- OECD (2012): Phương thức phát triển dày đặc và tập trung (mật độ cao, khoảng cách, ranh giới), Các khu vực đô thị liên kết bằng giao thông công cộng (sử dụng đất theo định hướng GTCC), Khả năng tiếp cận dịch vụ và việc làm (sử dụng đất và công trình đều có tính hỗn hợp, dân cư tiếp cận xe đạp, đi bộ), Chính quyền đô thị có năng lực và phối hợp ở cấp đô thị và cấp vùng.
  • Mô hình đô thị nén của UN Habitat (2017): Không gian thích hợp cho các đường phố và mạng đường phố hiệu quả;Mật độ cao, Sử dụng đất hỗn hợp, Các tầng lớp thu nhập khác nhau sống gần nhau, khu nhà ở dành cho nhà giá thấp; Hạn chế đất, các tòa nhà đơn chức năng

Đề tài đã tổng kết các kinh nghiệm quốc tế như sau:

Giai đoạn 1975-2015 không gian xây dựng các đô thị trên thế giới đã có những thay đổi đáng kể. Dân số trong vòng 40 năm tăng 1,8 lần và không gian xây dựng tăng 2,5 lần. Tuy nhiên, các đô thị vừa có mật độ xây dựng cao vừa có quy mô dân số lớn thường là các nước phát triển, với 08/10 đô thị có diện tích xây dựng lớn nhất, trong đó 05 thành phố thuộc Mỹ. Trong nhóm 4 châu lục, thì Châu Á nói chung có mật độ dân số cao nhất và thấp nhất là Châu Mỹ.  Đề tài đã đánh giá tổng hợp 15 đô thị, trong đó 10 đô thị 1 triệu dân (châu á, châu âu và châu mỹ) và 03 đô thị quy mô 200-300 nghìn người (châu âu và châu mỹ) và 2 đô thị 700 nghìn người (châu mỹ và châu âu). Thì kết quả cho thấy thành phố có mật độ cao nhất là Tokyo (150ng/ha) trong bán kính 15km, dân số 6,43 triệu, tại châu âu là thành phố Paris (212ng/ha) trong bán kính 8km, dân số 1,33 triệu, và new york tại châu mỹ (110 ng/ha) trong bán kính 15km, dân số 3,37 triệu người. Mật độ đất ở tại các thành phố châu á khác như Bắc Kinh là 9.3m2/ng (1075ng/ha), Seoul 13m2/ng (770ng/ha), Nhật bản là 15.7m2/ng (636ng/ha), Hongkong 7m2/ng (1428ng/ha) (nguồn: UNCHS). Thành phố HCM quy mô 6,5 triệu người, mật độ 132ng/ha trong bán kính 12-14km (494km2), thành phố Hà Nội quy mô 3,7 triệu, mật độ 122ng/ha trong bán kính 10-12km (307km2) (nguồn tổng hợp: GHS 2018).

Lịch sử hình thành đô thị nén tại các đô thị theo các châu lục là rất khác nhau, các đô thị tại Mỹ đã có quan điểm không phát triển đô thị nén ngay từ đầu và những nỗ lực tái cấu trúc hướng tới mô hình đô thị nén chỉ diễn ra tại các trung tâm đô thị xuống cấp do khủng hoảng kinh tế. Còn các đô thị châu âu thì đã có cấu trúc đô thị nén từ giai đoạn mới hình thành, nên những nỗ lực hướng tới mô hình đô thị nén của họ trong thời gian gần đây nhằm hướng tới những tiêu chí về tương tác xã hội. Tại các nước châu á, đã thể hiện xu thế tăng trưởng về cả quy mô và mật độ dân số trong giai đoạn 2000-2015, chiếm tới 30% tổng dân số đô thị thế giới. Họ đã rất thành công trong phát triển mô hình đô thị nén gắn với hệ thống đường sắt đô thị (Nhật bản, Singapore, Hàn Quốc), tạo ra những lợi thế cạnh tranh và tích tụ hoạt động kinh tế tại các đô thị này. Kennedy năm 2009 đã so sánh 10 thành phố trên thế giới và chỉ ra mối quan hệ tỷ lệ nghịch giữa năng lượng sử dụng cho giao thông và mật độ dân số và cũng như vậy đối với tỷ lệ phát thải và mật độ dân số. Taniguchi năm 2008 đã nghiên cứu trên 38 thành phố của Nhật bản về mối quan hệ giữa phát thải CO2 và mật độ dân số và đưa ra nhận định về mối quan hệ mật thiết giữa quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch giao thông để giảm phát thải CO2. Năm 2009 tại Mỹ, Ủy ban nghiên cứu quốc gia đã đề xuất tăng gấp 2 lần mật độ khu dân cư và đã tổ chức đánh giá hiệu quả giảm phát thải. Kết quả cho thấy những hoạt động phát triển giảm từ 1-11% nhiên liệu và phát thải CO2 tới 2050 so sánh với hiện trạng. Tại Nhật bản khu vực đô thị có mật độ cao gấp 5 lần Canada và sử dụng điện năng đầu người bằng 40%. Demark có mật độ gấp 4 lần Finland, Demark tiêu hao 40% năng lượng so với Finland. Đô thị nén sử dụng hệ thống điều hòa theo khu vực, cung cấp nhiều khách hàng hơn khu vực dân cư theo từng hộ gia đình (single-family residence zone). Mạng lưới điện thông minh có thể hoạt động tốt hơn ở khu vực mật độ cao.

Kinh nghiệm quản lý phát triển đô thị: Các nước áp dụng chính sách phát triển đô thị nén như tại Nhật, Úc, Pháp và Mỹ thiết lập khung chính sách quốc gia, quy hoạch chiến lược đô thị nén cho những vùng đô thị lớn (Tokyo-Osaka, Newyork-Boston), lấp đầy những khu công nghiệp bỏ hoang, gia tăng độ đa dạng các loại không gian tại khu ở hiện hữu, khuyến khích tăng mật độ tại dự án bất động sản hiện hữu, thiết lập các khu đi bộ và tuyến xe đạp, quy định mật độ tối thiểu đối với các đô thị mới ở ven đô, chủ động thiết lập khu đô thị nén theo mô hình TOD tại vùng đất trống. Các quy định chi tiết về sử dụng đất như tại singapore từ những năm 1990 đã chuyển sang quản lý hệ số sử dụng đất. Nhà ở cao tầng chiếm 78% và nhà ở thấp tầng chiếm 9%. Loại hình nhà ở mật độ khác nhau sẽ quyết định HSDD (1,5-3 lần), tầng cao và mật độ dân số. Tại Hồng kông tới 1962 đã áp dụng hệ thống HSSD đất, Khu vực xây dựng mật độ cao, thấp được quy định bằng HSSD đất (3-10 lần). Tại Mahattan HSSD đất là 5 lần.

Dự kiến kết quả nghiên cứu tại 04 đô thị nghiên cứu thí điểm như sau:

Thành phố Hà Nội: Quy hoạch chung thủ đô đến năm 2035, tầm nhìn 2050 đã đề ra những định hướng quy hoạch cho vùng đô thị tương lai với cấu trúc thành phố đa cực với dân số trên 10 triệu người. Vùng sẽ bao gồm 2 khu vực phát triển:Khu đô thị trung tâm bao gồm trung tâm hiện hữu và hệ thống đô thị mới từ vành đai 3 tới sát sông Đáy, 05 đô thị vệ tinh sẽ được kết nối với đô thị trung tâm trong bán kính 20-30km.  Mật độ dân số toàn thành phố 112ng/ha, Mật độ dân số đất xây đựng đô thị 322ng/m2, mật độ dân số đất ở 432ng/ha. Diện tích ở bình quân năm 2004 là 38m2/người, thì tăng lên 51m2/người năm 2015.

Hiện nay thành phố đang phát triển mất cân đối giữa vùng đô thị trung tâm và đô thị mở rộng. Tập trung dân số của các quận vùng lõi khiến mật độ dân số tại các vùng này siêu cao như Hai Bà Trưng: 31.000 người/km2, Đống Đa: 29.000 người/km2, các quận huyện khác như Sóc Sơn, Ba Đình, Cầu Giấy cũng trên 20.000 người/km2. Toàn thành phố HN có 165 phường, trong đó có 95 phường có diện tích trên 79 ha. Và có 62 phường có diện tích hơn 79 ha và dân số trên 20000 người. có 23 phường có mật độ dân số trên 200ng/ha và có diện tích trên 79 ha và dân số trên 20000 người. Có 14 phường có mật độ trên 600ng/ha, diện tích từ 7ha-33ha, dân số từ 4915 (phường Hàng Đào) người đến 29086 người (Phường thanh xuân nam). Khi đánh giá chỉ tiêu của quy chuẩn về đơn vị ở (quy mô dân số, diện tích, mật độ) thì có kết quả là số phường vượt cả 03 tiêu chí quy mô dân số, diện tích và mật độ dân số là 23/165 phường, chiếm 14%. Số phường vượt 02 tiêu chí về dân số và mật độ là 40/165 phường, chiếm 25%.

Trong 132 công trình cao tầng khu vực nội đô:  có 83 KĐT, nhóm công trình và công trình có số liệu điều tra, trong đó 21 KĐT, nhóm nhà ở có quy mô từ 1 ha -36 ha, có mật độ xây dựng 40%, tầng cao trung bình 15 tầng, hệ số sử dụng đất là 7 lần, tỷ lệ đất hỗn hợp là 25/75. 31 công trình có lô đất <3000m2, có mật độ xây dựng 50%, tầng cao trung bình 15 tầng, hệ số sử dụng đất là 8,5 lần, tỷ lệ đất hỗn hợp là 25/75. 31 nhóm công trình, công trình có quy mô từ 3000m2-10000m2, tỷ lệ sử dụng đất hỗn hợp là 20-80, tầng cao trung bình là 22 tầng. Mật độ xây dựng trung bình là 45%, hệ số sử dụng đất là 7,5 lần. Khi so sánh với quy chuẩn thì đa số các dự án có diện tích lớn trên 3000m2 đã vượt chuẩn về mật độ xây dựng.

Các khu đô thị mới, dự án cao tầng đã tạo ra dạng không gian nén mới cho mô hình đô thị hà nội, với các dạng nén theo trục (Cầu giấy, Minh Khai, Nguyễn Chí Thanh trong khu vực nội đô, Vũ trọng phụng, Lê Văn Lương tại khu đô thị mới), các dạng nén khu đô thị như Royal city, Times city. Các dự án trong khu vực nội đô lịch sử có tỷ lệ đất hỗn hợp tốt, chiếm tới 25/75 cơ cấu đa chức năng.

Hệ thống HTXH giáo dục chịu áp lực rất lớn đối với hệ mầm non, tất cả 11 quận nội thành quy mô học sinh đều vượt quy chuẩn từ 172hs-190hs/1000 người vượt 3,5 lần. Cấp tiểu học, quy mô học sinh bình quân từ 62hs-117hs/1000 người, vượt quy chuẩn 1,5 -2 lần. Cấp trung học cơ sở, 5/11 quận vượt quy chuẩn 55hs/1000 người (Bắc Từ Liêm, Hoàng Mai, Tây Hồ, Thanh Xuân, Hai Bà Trưng).

Tại Hà Nội, đề tài đã tiến hành điều tra 70 hộ dân trên địa bàn thành phố. Theo kết quả phân tích số liệu điều tra XHH đánh giá của người dân Hà Nội về chất lượng môi trường, có thể nói môi trường Hà Nội có các vấn đề cần được quan tâm giải quyết như là ô nhiễm không khí bởi bụi và ô nhiễm môi trường nước mặt; tiếp đến là công tác quản lý chất thải rắn chưa được thực hiện có hiệu quả do còn gây ra nhiều vấn đề khác như gây mùi khó chịu, phát tán bụi và gây nhiễm bẩn nước mặt; sau đó là ô nhiễm tiếng ồn. Bênh cạnh đó, khả năng tiếp cận ánh sáng tự nhiên từ môi trường sống xung quanh nhà ở (thông qua cửa sổ, ban công) của người dân thành phố cũng là vấn đề theo ý kiến của khoảng 1/3 người dân được điều tra.

Thành phố Hồ Chí Minh: Thành phố HCM: Theo quyết định số 24/QĐ-TTg phê duyệt QHCXD thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2025, diện tích 2.095 km2. Mô hình phát triển thành phố: theo mô hình tập trung - đa cực, khu vực trung tâm là khu vực nội thành với bán kính 15 km và 4 cực phát triển. Các chỉ tiêu về quy mô dân số và mật độ dự báo tới 2020 của thành phố đều đã vượt từ năm 2017.

Trong giai đoạn 10 năm 2006-2016, diện tích nhà ở bình quân toàn thành phố tăng từ 10,3m2/ng lên 18,1m2/người . Giai đoạn 2001-2015, thành phố có 135.000 căn chung cư xây mới, tương đương khoảng 680 công trình chung cư, mặt bằng bán lẻ 800.000m2 sàn, phần lớn  là tại trung tâm thương mại. Cuối năm 2015, thành phố có 1219 dự án nhà ở nhưng chỉ có 209 dự án nằm trong bán kính phục vụ 500m của đường sắt đô thị.

Trong giai đoạn 2016-2020 thành phố đã phát triển mạnh về phía Đông và phía nam với số lượng lớn các dự án phát triển đô thị, tổng quy mô 1814ha với trên 500 dự án, tập trung tại các quận trung tâm hiện hữu như quận 1, quận bình thạnh, nội thành phát triển là quận 2, quận 7, quận 9, thủ đức. Các dự án có xu thế tiếp cận tới hệ thống metro số 1 và metro số 4. Các dự án đều có xu thế xây dựng mật độ cao (MDDS và MĐXD) vượt quy chuẩn xây dựng. Tạo ra những điểm không gian nén phân tán trong đô thị, có những phường dân số tăng 2-3 vạn dân. Có những trục đường có 15 công trình cao tầng trên chiều dài 900m. Điều này tạo ra cấu trúc khá lộn xộn về phát triển không gian nén, không theo các trục tuyến GTCC, không theo hệ thống trung tâm khu vực, mà thiên về sự có sẵn quỹ đất xây dựng.

Hệ thống trường học và giáo dục các cấp chịu ảnh hưởng nặng nề của dân số cơ học, chỉ tính riêng 2019 đã tăng 75000 học sinh đã tạo ra áp lực rất lớn cho hệ thống HTXH giáo dục trên địa bàn thành phố. Xu thế phát triển mô hình nén của thành phố tạo ra những không gian nén theo khu vực, trục tuyến và điểm (cụm công trình) tại các quận trọng điểm phát triển của thành phố.

Thành phố Nha trang: Tổng quan mật độ dân số phân bố không đồng đều giữa các phường của thành phố. Có 12/17 phường có mật độ trên 100 người/ha. Theo số liệu: Phường Vĩnh Phước có số dân số nhiều nhất và mật độ dân số, còn Phường Lộc thọ có số công trình cao tầng nhiều nhất và mật độ dân số cao. Tiến hành điều tra XHH tại thành phố Nha trang: Tổng số phiếu là 100 phiếu, trong đó số phiếu đối tượng quản lý là 20 phiếu, và đối tượng người dân là 80 phiếu. Tất cả các phiếu được điều tra tại các phường nội thành của thành phố Nha Trang.

Thành phố vũng tàu: thành phố phố Vũng Tàu, dân số trung bình toàn thành phố Vũng Tàu theo thống kê chính thức năm 2018 là: 430.000 người,  trong đó dân số theo thống kê chính thức là 392.000 người. Diện tích tự nhiên thành phố Vũng Tàu là 15.043 ha. Đất khu vực đô thị (nội thành phố Vũng Tàu) 9.326,0 ha chiếm tỷ lệ 62%; Khu vực nội thành: 9.326,0 ha. Bao gồm Đất xây dựng đô thị khu vực nội thành 4.163 ha chiếm tỷ lệ 44,6% đất tự nhiên khu vực nội thành, trong đó: +Đất dân dụng: 2.766 ha chiếm tỷ lệ 66,4% đất xây dựng đô thị+     Đất ngoài dân dụng: 1.398 ha chiếm tỷ lệ 33,6 % đất xây dựng đô thị.

3. Kết luận và kiến nghị

Việt nam là một quốc gia Châu á đang phát triển, chứng kiến giai đoạn tăng trưởng kinh tế tốt 5,92% trong giai đoạn 2009-2015, Đô thị hóa cũng được thừa hưởng những thành tựu từ phát triển kinh tế. Việt Nam được xếp vào Nhóm thứ 2 - nhóm đô thị tăng trưởng mạnh với tốc độ tăng trưởng dân số đô thị là 2,8% với tỷ lệ đô thị hóa mức độ trung bình 33,7%. Để duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế trong những giai đoạn tiếp theo, việc tăng trưởng dân số đô thị là tất yếu, cung cấp bổ xung lực lượng thị trường lao động cho các đô thị động lực tăng trưởng, nhưng tăng trưởng chỉ lựa chọn tại các đô thị có cơ hội việc làm tốt, tăng trưởng kinh tế cao. Cho nên dự báo tăng trưởng đô thị và lựa chọn mô hình phát triển đô thị phù hợp có vai trò hết sức quan trọng. Cho nên những chính sách như phát triển đô thị nén bền vững sẽ thúc đẩy đổi mới đô thị nhằm đa dạng hóa nền kinh tế, nâng cao năng suất, nhằm tạo ra những lợi thế về ‘quy mô đô thị’, đô thị tập trung mật đô cao, tạo hiệu ứng về tích tụ kinh tế với hỗ trợ của công cụ Quy hoạch đô thị và quản lý đô thị.

Đề tài nghiên cứu mô hình đô thị nén bền vững Việt Nam được tiến hành nghiên cứu thí điểm cho 5 đô thị; thành phố Hà nội, Hồ Chí Minh, Nha Trang, Vũng Tàu và Ecopark. Với sự hợp tác chặt chẽ với chính quyền địa phương, UBND thành phố Nha trang, UBND thành  phố Vũng Tàu, Sở XD Bà rịa-vùng tàu, các cơ sở đào tạo; ĐHKT-TPHCM, Trường đại học tổng hợp Quy Nhơn, Cục đo đạc bản đồ, các Hội nghề nghiệp Hội KTS Thành phố HCM, Thành phố Nha Trang, Thành phố Vũng Tàu, các đoàn sinh viên thực tập tại VIUP, các trung tâm của VIUP đã tạo điều kiện giúp đỡ và cung cấp số lượng thông tin cho Đề tài. Đề tài đã tiến hành điều tra khảo sát trực tiếp 200 hộ dân và các cán bộ quản lý quy hoạch và phát triển đô thị tại UBND, Sở ban ngành, trường đại học, viện nghiên cứu tại các đô thị nêu trên. Đây sẽ là nguồn thông tin quý báu để xây dựng cơ sở dữ liệu cho nghiên cứu.

Hiện nay chưa có định nghĩa thống nhất và cơ sở dữ liệu thống kê chính thức nào về không gian xây dựng đô thị toàn quốc, do đó việc đánh giá về không gian đô thị nói chung và không gian đô thị nén là hoàn toàn không có tính pháp lý và cần thiết rất nhiều nguồn lực. Do đó đề tài sẽ đề xuất định nghĩa về không gian đô thị ‘nén’ trên cơ sở xem xét tham khảo đô thị trên thế giới và tính đến điều kiện đặc thù tại Việt nam.

Ngoài ra số liệu của đề tài sẽ tham khảo, đối chiếu với kết quả về không gian xây dựng của hệ thống dữ liệu Châu âu (GHS năm 2018), dựa trên chỉ số về RADCAL và NTL (Mức độ chiếu sáng ban đêm của các đô thị từ ảnh vệ tinh) tổng hợp từ hệ thống ảnh vệ tinh để đánh giá không gian và mật độ dân số của các đô thị nghiên cứu.

Về Diện tích đất ở, nghiên cứu sẽ làm rõ phương pháp thống kê số liệu đất ở toàn quốc, với đất ở trong đồ án quy hoạch tại các cấp độ. Hiện nay đất ở trong quy hoạch chung đô thị được quy định: Đất đơn vị ở trong QHC, Đất nhóm ở trong QHPK, Đất ở liền kề, chung cư, hỗn hợp.

Khái niệm không gian cao tầng trong đô thị không tồn tại trong hệ thống văn bản pháp quy hiện nay về quy hoạch đô thị nói chung.

Đối với các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh song hành với đồ án quy hoạch là quy chế quản lý công trình cao tầng, khu vực trung tâm hiện hữu có những quy định ‘mở’ đối với công trình cao tầng tại khu vực nội đô lịch sử. Các đô thị khác như thì phụ thuộc vào cách áp dụng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn song hành với các đồ án quy hoạch để đưa ra những chỉ tiêu quy hoạch cho không gian cao tầng. Do đó việc đánh giá sẽ chỉ dựa trên các quy định văn bản pháp luật hiện hành là hệ thống quy chuẩn xây dựng Việt nam để đánh giá việc thực hiện giám sát chỉ tiêu quy hoạch, hạ tầng xã hội để đảm bảo tính nhất quán cho nghiên cứu.

Đề tài phục vụ công tác quản lý nhà nước trong quy hoạch và quản lý phát triển đô thị, nên sẽ trọng tâm đánh giá thực hiện chính sách phát triển đô thị, quy hoạch, quy chế quản lý và hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, do vậy nhiều lĩnh vực lý thuyết và đánh giá chuyên sâu về đánh giá tác động môi trường, xã hội, kinh tế sẽ không thể đi sâu trong phạm vi đề tài này, mà cần có những nghiên cứu chuyên ngành khác triển khai tiếp theo ví dụ như đánh giá quỹ đất xây dựng, đánh giá không gian xanh, mô hình dự báo và đánh giá tác động giao thông với sự hỗ trợ của công nghệ viễn thám và GIS, và nhiều cuộc điều tra khảo sát XHH quy mô lớn hơn cấp vùng và quốc gia. Đề tài mong muốn lãnh đạo Bộ Xây dựng quan tâm chỉ đạo tới công tác nghiên cứu này, phục vụ cho công tác hoạch định chính sách, chiến lược, quy hoạch xây dựng đạt kết quả cao nhất./.

 

 

(Nguồn:VIUP)

Tạp chí QHXD

Ebook

Giới thiệu sách

Liên kết website