Viup 60 năm một chặng đường

Tính đến năm 2016, Viện Quy hoạch đô thị nông thôn quốc gia tròn 60 năm xây dựng và trưởng thành (1956 – 2016). Nhìn lại chặng đường 60 năm đã qua tất cả chúng ta, những người con của Viện đều cảm thấy tự hào và hạnh phúc vì những đóng góp không nhỏ của Viện trong công tác phục vụ quản lí ngành xây dựng…

 

Một chặng đường 60 năm chưa dài nhưng cũng đủ cho một đời người chiêm nghiệm nỗi buồn, niềm vui, cái giá của dân tộc phải trả cho Độc lập, Tự do, Thống nhất nước nhà… Và niềm hân hoan, hào hứng của triệu triệu bàn tay, khối óc khi bước vào công cuộc Xây dựng lại “Đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như Bác Hồ kính yêu hằng mong đợi. 

Điểm lại những gì đã qua chúng ta càng cảm thấy tự hào khi từ một Phòng đô thị (thuộc Nha Kiến trúc/giai đoạn 1956 - 1964), tiền thân của Viện Quy hoạch đô thị nông thôn quốc gia (VIUP) hôm nay. Quy mô Phòng đô thị lúc bấy giờ chỉ có hơn 10 cán bộ, trong đó có 4 KTS, do KTS Hoàng Như Tiếp phụ trách… Nhưng nhiệm vụ của Phòng đô thị là không nhỏ… Bởi phải nghiên cứu tái cấu trúc lại hệ thống đô thị theo hướng đô thị XHCN. Đô thị phải thúc đẩy sản xuất, phục vụ lợi ích của dân, gắn với đảm bảo an ninh quốc phòng… Từ đó, trải qua bao thăng trầm cùng Đất nước, Phòng đô thị ngày ấy giờ đã lớn mạnh không ngừng: Viện Quy hoạch đô thị nông thôn quốc gia (VIUP), và hôm nay với đội ngũ trên 500 CBVC (gồm các KTS, KS, PGS, TS, ThS có trình độ nghiên cứu, thiết kế…) đã là một thương hiệu mạnh có vị trí quan trọng trong nước và quốc tế. Xứng đáng với niềm tin của các thế đi trước, đặt nền móng vững chắc cho sự phát triển bền vững của Viện trong tương lai.

VIUP - 60 năm một chặng đường! Chẳng có gì để đếm đong những thành quả mà VIUP 60 năm qua đã đạt được. Thật khiêm nhường, chúng ta hãy điểm lại một vài công việc gọi là Dấu ấn của VIUP trên chặng đường 60 năm xây dựng và trưởng thành… Để vững tin bước tiếp.

Ở giai đoạn 1956 - 1964 trong bối cảnh Đất nước mới giải phóng, miền Bắc bước vào xây dựng XHCN, miền Nam dồn sức người sức của đấu trang giải phóng Đất nước, mặc dù còn rất nhiều khó khăn, sau một thời gian thành lập, vào ngày 26/7/1958 Phòng đô thị đã được quyết định nâng tầm phát triển thành Cục đô thị và nông thôn (QĐ số 31/BKT). Để phù hợp với nhu cầu xây dựng mới, tháng 10/1961 Bộ Kiến trúc thành lập Viện Thiết kế Quy hoạch Thành phố (QĐ 166- CP). Viện trưởng là KTS Hoàng Như Tiếp. Viện thiết kế Quy hoạch Thành phố đã bắt tay ngay vào N/C tái cấu trúc lại hệ thống đô thị Thực dân – Phong kiến theo hướng đô thị XHCN để phù hợp với cơ cấu nền kinh tế kế hoạch tập trung… Các đô thị Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định… là những ưu tiên của các KTS lúc bấy giờ… Một số kiểu nhà ở tập thể cho CBVC-LĐ Thủ đô cũng được N/C… như các căn nhà xây bằng gỗ tại khu tập thể ngoài đê sông Hồng…

Giai đoạn 1965 - 1975 là giai đoạn cực kì khó khăn khi Đế quốc Mĩ mở rộng chiến tranh ra ngoài miền Bắc XHCN. Năm 1969, Viện thiết kế Quy hoạch Thành phố được tách thành hai viện. Trong đó có Viện thiết kế Quy hoạch Thành phố và Nông thôn, do KS Lê Đình Cương làm viện trưởng. Lúc này Viện vừa phải tham gia chiến đấu bảo vệ cơ quan, bảo toàn lực lượng vừa phái N/C thúc đẩy công tác Quy hoạch nông thôn phục vụ hợp tác hóa theo mô hình mới XHCN. Ở giai đoạn này Viên còn trực tiếp N/C phát triển Thủ đô Hà Nội lên phía tây Bắc (khu vực Tam Đảo), phục vụ chiến lược phát triển lâu dài của Đất nước trong bối cảnh có chiến tranh… Tháng 4/1975 Viện Xây dựng Đô thị - Nông thôn ra đời (trên cơ sở sáp nhập 3 viện là Viện thiết kế Thành phố và Nông thôn, Viện Thiết kế dân dụng và Viện Thiết kế kĩ thuật Thành phố) thuộc Bộ Xây dựng (Bộ Xây dựng được hình thành năm 1973 trên cơ sở UBTK cơ bản và Bộ Kiến trúc). KS. Ngô Huy Cảo được cử làm Viện trưởng. Viện Xây dựng Đô thị - Nông thôn được giao nhiệm vụ NCKH và thiết kế trong lĩnh vực thiết kế Quy hoạch xây dựng vùng, đô thị, nông thôn; kĩ thuật đô thị; kiến trúc công trình; thiết kế điển hình; công nghệ thi công; TCQC... Ở giai đoạn này Viện đã đóng góp nhiều cho ngành xây dựng về phương pháp, cách tiếp cận lập Quy hoạch đô thị, nông thôn, định hình một số bộ TCQC về thiết kế công trình, hạ tầng kĩ thuật… chuẩn bị cho giai đoạn phát triển mới sau này.

Giai đoạn 1976 - 1985, miền Nam giải phóng, Đất nước thống nhất. Mặc dù có những khó khăn rất lớn sau chiến tranh nhưng công tác Quy hoạch xây dựng, thiết kế kiến trúc đã có những chuyển biến tích cực, phù hợp với tình hình mới là chuẩn bị cho công tác tái thiết các đô thị ở miền Bắc sau bom đạn tàn phá, chuyển hóa cấu trúc các đô thị miền Nam – cấu trúc đô thị phục vụ quân sự - sang cấu trúc đô thị phát triển kinh tế XHCN. Năm 1978, Viện thiết kế Thành phố và Nông thôn được tách thành hai viện là Viện Quy hoạch xây dựng Đô thị và Nông thôn và Viện Thiết kế nhà ở và công trình công cộng thuộc Bộ Xây dựng. Viện Quy hoạch xây dựng Đô thị và Nông thôn do GS Đàm Trung Phường làm Viện trưởng.

Sau khi UBXDCBNN được thành lập Viện Quy hoạch xây dựng Đô thị và Nông thôn được tách thành hai viện, Viện Quy hoạch tổng hợp (thuộc UBXDCBNN)do GS Đàm Trung Phường làm Viện trưởng và Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn (thuộc Bộ Xây dựng) do KS Phạm Trí Minh làm Viện trưởng… Năm 1982 do nhu cầu phát triển mới hai viện này lại được sáp nhập thành Viện Quy hoạch Tổng hợp (QĐ số 35/HĐBT) thuộc Bộ Xây dựng do GS Đàm Trung Phường làm Viện trưởng. Ở thời điểm này Viện có trên 250 CBVC, với tư cách là viện đầu ngành trong lĩnh vực Quy hoạch đô thị, nông thôn… Nhiều đô thị ở niềm Bắc dưới sự hỗ trợ của các chuyên gia nước ngoài trong khối XHCN đã được N/C thiết lập… Mô hình sản xuất lớn tác động vào khu vực nông thôn, Viện đã tổ chưc N/C Quy hoạch mô hình cấp huyện như một đơn vị kinh tế và là một “Pháo đài” chống sự xâm lăng từ phương Bắc.

Giai đoạn 1986 - 1995, với chính sách Đổi mới, Mở cửa của Đảng và chính phủ Việt Nam nhiều cơ hội, thách thức mới trong lĩnh vực Quy hoạch xây dựng đặt ra cho Viện Viện Quy hoạch Tổng hợp. Ở giai đoạn này KTS Nguyễn Ngọc Khôi được giao trọng trách Viện trưởng. Năm 1990 Viện Quy hoạch Tổng hợp được đổi tên thành Viện Quy hoạch Đô thị-Nông thôn (QĐ số 174/BXD-TCLĐ), KTS Nguyễn Ngọc Khôi tiếp tục đảm nhiệm chức vụ Viện trưởng, với lực lượng CBVC-LĐ khoảng 250 người. Cùng với tiến trình Đổi mới công cuôc tái thiết hệ thống đô thị, nông thôn trên đia bàn cả nước trở lên sôi động hơn lúc nào hết. Các đô thị lớn, đóng vai trò là đô thị động lực như Thủ đô Hà Nội, TP. HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng… cũng như các đô thị trung bình, vừa và nhỏ như Hạ Long, Thái Nguyên, Nam Định, Vinh, Đồng Hới, Huế, Nha Trang, Quy Nhơn, Cần Thơ, Vũng Tàu… đều được Viện N/C lập Quy hoạch chung theo chỉ đạo của Bộ Xây dựng… Đặc biệt Thủ đô Hà Nội được nghiên cứu với ý tưởng phát triển không gian đô thị sang phía Bắc, phải đưa trục cảnh quan sông Hồng vào trong cấu trúc đô thị… Các giải pháp kết nối hạ tầng qua sông Hồng cũng được đề cập giải quyết.

Giai đoạn 1996 - 2008, trong bối cảnh của quá trình Đổi mới bước đầu đã thu được một số thành công nhất định, Viện cũng đã có sự thay đổi và lớn mạnh không ngừng. Chất lượng đội ngũ cán bộ, KTS, KS, chuyên gia nghiên cứu của Viện được ngày một nâng cao theo hướng chuyên nghiệp… Ở giai đoạn này, từ năm 1996 - 2000, PGS. TS Lê Hồng Kế làm Viện trưởng đã thúc đẩy cách tiếp cận Quy hoạch gắn với bảo vệ môi trường để đảm bảo chất lượng không gian sống tốt hơn… Từ tháng 8/2000 - 2003, KTS Trần Ngọc Chính làm Viện trưởng mở rộng tư duy này ở bình diện không gian rộng lớn hơn trong mối liên kết vùng tỉnh, liên tỉnh… Từ tháng 9/2003 - 4/2008, PGS.TS Lưu Đức Hải làm Viên trưởng với sự kế thừa truyền thống các thế hệ đi trước… nhưng với mong muốn phải áp dụng công nghệ mới vào công tác lập và quản lí phát triển đô thị… Hệ thống cơ sở dữ liệu GIS được dần tiếp cận, áp dụng… Phải nói rằng ở giai đoạn 1996 - 2008 Viện đóng góp được nhiều cho công tác xây dựng của ngành. Bên cạnh việc Quy hoạch hệ thống đô thị, điểm dân cư nông thôn, Viện cũng đã lập nhiều Quy hoạch các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, vùng kinh tế trọng điểm… Đóng góp rất lớn làm thay đổi diện mạo không gian nhiều đô thị, điểm dân cư nông thôn của nhiều tỉnh, nhiều vùng trên địa bàn cả nước. Công trình điểm nhấn phải kể đến đồ án QHXD vùng Thủ đô Hà Nội (QĐ 490/2008/QĐ - TTg, ngày 05/5/2008), vùng TP. HCM (QĐ 589/2008/QĐ-TTg, ngày 20/5/2008) và Điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn 2050 (QĐ số 445/QĐ – TTg ngày 07/4/2009).

Giai đoạn từ 2008 đến nay.

Do yêu cầu phát triển ngành, tháng 4/2008, tại QĐ số 477/QĐ – BXD của Bộ Xây dựng đã sáp nhập Viện Quy hoạch Đô thị Nông thôn và Viện N/C Kiến trúc Quốc gia thành Viện Kiến trúc, Quy hoạch Đô thị Nông thôn. Từ tháng 4/2008 - 8/2009, TS.KTS. Nguyễn Đình Toàn làm Viện trưởng… và từ 9/2009 đến nay, ThS. KTS Ngô Trung Hải được bổ nhiệm làm Viện trưởng. Ngày 09/10/2013, theo Quyết định số 999/QĐ-BXD của Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã đổi tên Viện Kiến trúc, Quy hoạch đô thị và nông thôn thành Viện quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (VIUP) trên cơ sở tổ chức lại Viện Kiến trúc, Quy hoạch đô thị và nông thôn.

 

Phải nói rằng ở giai đoạn từ 2008 đến nay đội ngũ CBVC-LĐ của Viện đã trở lên hùng hậu (khoảng trên 500 CBVC-LĐ), trình độ chuyên môn và tính chuyên nghiệp được nâng cao rất nhiều. Thiết kế đô thị - một công cụ hổ trợ trong công tác nâng cao chất lượng tổ chức không gian, quản lí thực hiện Quy hoạch do Viện khởi xướng từ những năm 2000 (Mà tiên phong là ThS.KTS Ngô Trung Hải, nay là Viện trưởng VIUP) đã đi vào thực tiễn và được pháp lí hóa trong Luật, Nghị định, Thông tư… của ngành. Đặc biệt đây là giai đoạn Viện tiếp tục khẳng định thương hiệu thông qua các đồ án Quy hoạch vùng, QHC đô thị, Quy hoạch xây dựng nông thôn mới… trên cơ sở hợp tác với tư vấn nước ngoài mà điển hình là đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 (QĐ 1259//QĐ-TTg, ngày 26/7/2011), “Điều chỉnh Quy hoạch xây dựng Vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050” (QĐ 768/QĐ-TTg, ngày 06/5/2016)… Hiện nay Viện lại đi tiên phong trong công tác N/C đổi mới phương pháp lập Quy hoạch cho phù hợp với xu hướng hội nhập, tiến bộ KHCN… và đặc biệt là trong bối cảnh tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng giai đoạn 2013 – 2020” của Chính phủ Việt Nam.

VIUP – 60 năm một chặng đường! Trải qua bao thăng trầm, Viện đã lớn mạnh cùng Ngành, cùng Đất nước Đổi Mới… Tất cả chúng ta, các thế hệ đi trước, hôm nay và cả ngày mai đều có quyền tự hào đã, đang và sẽ tiếp tục đóng góp một phần công sức nhỏ bé của mình để tạo nên, giữ vững, phát triển thương hiệu VIUP, có vị trí xứng đáng trong nước, khu vực và quốc tế.

Tài liệu Tham khảo:

- Lịch sử 55 năm VIAP (1956 – 2011)

- Website VIUP

- Một số tư liệu có liên quan

(Nguồn:Tác Giả Trương Văn Quảng)
Tin cũ hơn

Tạp chí QHXD

Ebook

Giới thiệu sách

Liên kết website