60 năm chặng đường Quy hoạch: Những gương mặt thân quen và dấu ấn để lại

Sáu mươi năm là một chặng đường dài trong lịch sử hình thành và phát triển của Viện Quy hoạch đô thị nông thôn nay là Viện Quy hoạch đô thị nông thôn quốc gia, Bộ Xây dựng.

Từ lúc thành lập Cục Quy hoạch có mấy chục người, trong đó chỉ có vài ba kiến trúc sư. Năm 1966 lớp Kiến trúc sư đầu tiên của chúng tôi ra trường về Viện cũng chỉ có khoảng vài chục Kiến trúc sư còn phần lớn là các anh chị Kỹ sư đô thị và trung cấp có nhiều kinh nghiệm. Lúc ấy Viện chỉ có một viện trưởng, một viện phó, 3 tổ quy hoạch, một tổ tổng hợp (như Phòng Quản lý kỹ thuật ngày nay).

Đến nay, Viện có tới mấy trăm người với hàng trăm kiến trúc sư và nhiều tiến sĩ, thạc sỹ đã cho thấy sự trưởng thành của Viện đến mức nào.

Giờ đây kỷ niệm 60 năm thành lập Viện, những thế hệ đầu tiên và nối tiếp người còn, người mất nhưng những hình ảnh của họ, những công trình Quy hoạch và những dấu ấn của họ vẫn còn được để lại trên khắp miền đất nước. Ai cũng có những kỷ niệm đáng nhớ với việc với nghề, tôi cũng là một trong số đó.

Từ lúc ra trường được về viện 4/1966 đến lúc nghỉ hưu năm 2003 tại viện và đến nay tôi vẫn gắn bó với công tác quy hoạch xây dựng và góp phần nhỏ bé của mình cùng các đồng nghiệp vào công cuộc xây dựng đất nước.

Nhớ lại năm ấy, giặc Mỹ bắt đầu leo thang đánh phá miền Bắc Viện sơ tán lên xã Phú Trưng, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc, chúng tôi được bố trí ở và làm việc nhờ nhà dân, ăn tại bếp tập thể của Viện. Nhân dân ở đây thật tốt, phong cảnh làng quê trung du yên bình với những cánh đồng lúa xanh, những đầm sen ngát hương.

Tôi được phân công về nhóm làm quy hoạch Quảng Ninh của tổ 1, tổ phụ trách Quy hoạch vùng Hải Phòng - Quảng Ninh. Tôi nhớ mãi những chuyến đi công tác tới vùng mỏ. Khi ấy Hải Phòng - Quảng Ninh bắt đầu bị máy bay Mỹ đánh phá ác liệt. Ba lô khăn gói lên đường ra vùng mỏ làm Quy hoạch xây dựng Khu nhà ở Cọc 6, Cẩm Phả rồi tiếp sau là Quy hoạch chung Khu vực Cẩm Phả - Cọc 6 - Cửa Ông - Mông Dương (làm Quy hoạch đón thời cơ để khi hòa bình có thể bắt tay xây dựng ngay).

Quá trình làm được phối hợp với cán bộ của Ty Kiến trúc Quảng Ninh, có những lúc phải ở hiện trường cả tháng trời để lấy tài liệu, làm hiện trạng… ăn ở, làm việc cùng các đồng nghiệp của ty kiến trúc nơi sơ tán trong các hang động núi đá vôi vùng Quang Hanh (Cẩm Phả). Phương tiện ban đầu là ô tô khách, tàu hỏa, ca nô khách. Qua những cứ điểm bị đánh phá phải đi bộ, tàu hỏa không đi được, có những lúc chờ tàu xe, ca nô mất cả ngày trời. Viện xin nhà nước cho một số cán bộ mua xe đạp trả góp. Vậy là chúng tôi lại rong ruổi bằng xe đạp trên các nẻo đường. Có tháng đi tới gần ngàn km nhưng thật vui, nhất là khi cùng nhóm làm Quy hoạch vùng Quảng Ninh (lần đầu tiên Viện tổ chức lập quy hoạch vùng)

Trong nhóm làm quy hoạch có các anh Nguyễn Văn Cương, Nguyễn Nam Thái, Nguyễn Thế Khải, Nguyễn Văn Trù, Lê Văn Nin, Nguyễn Mạnh Chu, Phạm Vũ Mỹ, Quách Tất Thúy, Nguyễn Trọng Thanh, Bùi Văn Hoạch, Vũ Kim Long, Nguyễn Lân, Trần Gia Luyện, Hoàng Khắc Tùng (giao thông), Hoàng Nguyên Quang (cấp nước), Hồ Duy Diên (thoát nước bẩn), Dương Cao Ba và Hoàng Quy (cấp điện), Nguyễn Đình Bảng (san nền), Trương Văn Tốt (kinh tế) và một số chị em kỹ thuật viên Nguyễn Văn Thận, Nguyễn Thị Kiên, Trần Thị Đàm. Những anh chị em trong nhóm Quy hoạch Hải Phòng như Nguyễn Thanh Thủy, Trần Văn Dũng, Đỗ Đình Nguyên, Nguyễn Thái Lai cũng thường xuyên được trao đổi. May sao bom đạn vậy mà mọi người vẫn an toàn, gian khổ vậy mà vẫn lạc quan làm quy hoạch cho các giai đoạn 15-20 năm sau. Ở nơi sơ tán, buổi sáng phải tập trung nghe báo cáo để biết tình hình thời sự, buổi tối họp, văn nghệ và phải đề phòng báo động. Lúc báo động ban đêm mọi người phải thu dọn đồ đạc, hành quân đi bộ tới 10-15km.

Tranh thủ giờ nghỉ buổi chiều hoặc thứ Bảy, Chủ Nhật tôi ghi lại những hình ảnh ở nơi sơ tán Vĩnh Tường, ở thị xã Vĩnh Yên, ở Ty Kiến trúc Quảng Ninh; thị trấn Phả Lại bên bờ Lục Đầu Giang nơi chúng tôi đến để xác định địa điểm làm nhà máy (nay đã là nhà máy điện Phả Lại hiện đại). Hay những hình ảnh trên đường đi đoàn công tác phải dừng lại chờ phà Cầm (Đông Triều), đường xuống phà vẫn còn hố bom, trong hang sơ tán hay phong cảnh của thị xã Hòn Gai, Vịnh Hạ Long, Mỏ Đèo Nai, chùa Hoa Yên trên Yên Tử… Trải qua 40 năm nay những bức ký họa đơn sơ trên giấy báo một mặt đã là những minh chứng của những ký ức một thời.

Giải phóng miền Nam, tôi được cử vào đoàn tìm địa điểm nhà máy lọc dầu miền Nam với Tổng cục Dầu khí (10/1975). Trên dọc đường đi từ Sài Gòn lên Đà Lạt rồi xuôi Phan Rang – Cam Ranh – Nha Trang - Đồng Nai - Vũng Tàu… đều được ghi chép nhanh bởi thời 

gian hiếm hoi. Năm 1976, tôi lại cùng đoàn của Viện do Phó Viện trưởng Đàm Trung Phường dẫn đầu tiếp tục công tác xác định địa điểm Khu lọc hóa dầu miền Nam. Trên đường vào được lệnh lên Đà Lạt làm Quy hoạch vùng Lâm Đồng và hướng dẫn những sinh viên kiến trúc Sài Gòn. Nhiều bức phong cảnh đáng nhớ trong chuyến đi này cũng được ghi lại.

Năm 1983, tôi được Bộ Văn hóa Thông tin mời đi làm quy hoạch Bảo tồn, tôn tạo và phát huy Khu DTLS Điện Biên Phủ để kỷ niệm 30 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Thủ tướng cho một chuyên cơ chở đoàn. Những đề xuất táo bạo như đưa Tỉnh Lỵ Lai Châu từ Mường Lay về Điện Biên Phủ lúc đầu, không được chấp nhận nhưng nay lại thàn hiện thực bởi tính khách quan.

Đây cũng là công trình mở đầu cho lý thuyết và thực tiễn cho công tác quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử sau này, vì phải tìm hiểu kỹ lưỡng về di tích và biến văn hóa phi vật chất thành văn hóa vật thể để du khách và người dân cảm nhận được. Đáng tiếc, một số ý tưởng tốt không được thực hiện, đặc biệt là Khu trung tâm thành phố Điện Biên Phủ.

Thời kỳ 1975-1990, đất nước được thống nhất nên mở ra nhiều cơ hội cho việc lập quy hoạch. Việc giải quyết địa điểm đã trở thành vô cùng cấp bách cho nhân dân, cán bộ công nhân viên, các cơ quan, trường học, các xí nghiệp nhà máy từ nơi sơ tán kéo về thành phố.

Tuy đã có “Quy hoạch đón thời cơ” chuẩn bị từ trước, nhưng lúc này vẫn còn nhiều lúng túng, không đáp ứng được kịp thời, mỗi nơi đều tùy thuộc vào tình hình cụ thể trước mắt để giải quyết và điều chỉnh dần. Chính vì vậy mà một số quy hoạch đã làm bị phá vỡ. Không những thế trong tình hình kinh tế khó khăn nên tầm nhìn bị hạn chế. Những đề xuất mạnh dạn cho phát triển đô thị không được chấp nhận điển hình là Quy hoạch Khu trung tâm thành phố Đà Nẵng. Khi đó thành phố Đà Nẵng chỉ có các Khu cũ trên bờ phía Tây sông Hàn. Chúng tôi mạnh dạn đề nghị tiến hành xây dựng bên phía Đông và tiến ra bãi biển Mỹ Khê trên bờ biển Đông. Đề xuất không được chấp nhận nhưng đến nay thì những kiến nghị đó đã trở thành hiện thực. Thế mới biết những việc làm đúng trước sau cũng thành hiện thực.

Một trong những trăn trở là làm sao quy hoạch phải được thực hiện. Tôi đã mạnh dạn kiến nghị lãnh đạo Viện cho thí điểm quy hoạch xây dựng Khu công nghiệp Phả Lại sẽ cùng lúc tiến hành quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, lập dự án thi công và phối hợp với Hội Kiến trúc sư Việt Nam thiết kế công trình. Vậy là một loạt công trình được thực thi: Đường tránh nhà máy điện, đường ống thải xỉ, khu nhà ở công nhân… Những công trình này đến nay vẫn còn phát huy tác dụng. Do phải giải quyết thực tế mới phát hiện ra nhiều mâu thuẫn trong sự phối hợp các bộ môn trong Viện, các bộ ngành tham gia xây dựng. Vấn đề quan trọng được phát hiện là trên cùng một khu đất xây dựng lại có quá nhiều cơ quan đo bản đồ. Mỗi đơn vị cơ quan được Cục bản đồ nhà nước cấp cho một mã cao tọa độ (giao thông làm đường, công nghiệp làm nhà máy, xây dựng làm nhà ở và hạ tầng đô thị…). Thế là khi xây dựng bị vênh nhau, mất rất nhiều công để tìm nguyên nhân và biện pháp giải quyết.

Kiến nghị mỗi đô thị hay khu vực xây dựng chỉ có một loại bản đồ do cơ quan đo đạc phát hành. Các cơ quan khác cần sử dụng sẽ được 

khai thác giảm đi nhiều kinh phí đo đạc và những mẫu thuẫn khi xây dựng. Vậy là đề án atlats khảo sát ra đời.

 Cuối thập kỷ 80, trong chương trình phân loại cán bộ, tổ chức đã đưa một số anh chị em “có vấn đề” vào khối B. Sau một thời gian ngắn không giao được việc gặp nhiều thắc mắc. Tôi được điều động về phụ trách và giải quyết công ăn việc làm. Tìm hiểu những vấn đề tồn tại và tâm tư anh chị em để gain quyết những vấn đề mấu chốt. Đó là khơi dậy niềm tự trọng và khả năng sẵn có của mỗi cá nhân. Cuối cùng công trình Quy hoạch chung thị xã Hòa Bình được khối B hoàn thành tốt.

Bước vào thời kỳ đổi mới, tôi được chuyển vào phụ trách Phòng Kế hoạch Tài vụ, được dự buổi tọa đàm với Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh với các văn nghệ sĩ Việt Nam về “Đổi mới”. Tôi đã cùng lãnh đạo Viện đi đến khắp các tỉnh thành trong cả nước. Với chiếc máy ảnh và chiếc camera M7 đã ghi lại những hình ảnh sống động chứng minh những công việc cần làm với các địa phương. Vì vậy, sau mấy năm kinh tế của Viện tăng trưởng nhanh chóng, đời sống cán bộ công nhân viên được nâng lên. Hàng loạt máy tính được trang bị cho các phòng ban, bàn ghế hiện đại được trang bị.

Các chi hội kiến trúc sư, xây dựng đều có các công trình thiết kế gây quỹ nâng cao đời sống. Mở rộng quan hệ trong nước và quốc tế. Dự án nhà ở cho người thu nhập thấp tại Hà Nội đã được Hội Huynh đệ Pháp Việt và tin lành Thụy Sĩ chấp nhận và cho xây dựng thí điểm tại Phương Liệt, Hà Nội. Cùng với đó là được cùng với chuyên gia ngân hàng thế giới thực hiện đề án Tái định cư Quốc lộ 1A đoạn Hà Nội – Vinh. Công trình đã khởi đầu cho tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ và đoạn tránh thành phố Ninh Bình giải quyết nhiều vấn đề ách tắc trên QL 1A. Quy hoạch tổng thể KTXH vùng Bắc Trung Bộ mà Viện được đứng chủ trì cũng là điều đáng nhớ để ngày nay hình thành nên hệ thống đô thị, các Khu công nghiệp, dân cư, các Khu du lịch mới. Ngoài các đô thị đã có được mở mang còn có những đô thị mới như Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh), Bỉm Sơn (Thanh Hóa), Khu lọc hóa dầu Nghi Sơn, Khu liên hợp gang thép Vũng Áng….

Được sự giúp đỡ của các Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ Kế hoạch Đầu tư chúng ta đã xin vốn tự thiết kế và xây dựng thành công Khu nhà ở cho CBCNV trong Viện tại Kim Liên.

Trở về công tác thiết kế, tôi lại tự hỏi vì sao các đồ án quy hoạch ít được trở thành hiện thực. Tôi cùng các đồng nghiệp lao công tốn sức suy nghĩ, nắn nót từng nét vẽ. Nhưng rồi tất cả công lao đổ xuống sông xuống biển, đô thị vẫn lộn xộn,… Tôi đã phải hiểu nguyên nhân chính là chúng ta đang thực hiện một quy trình “Chia rồi mới xây”. Cũng là đồng tiền nhà nước nhưng mỗi bộ ngành, tỉnh thành, cơ quan đều được chia một khoản tiền, rồi được chia một mảnh đất và thế là mạnh ai nấy làm. Kết quả, một bộ mặt đô thị biến dạng, đủ các hình thức trường phái, màu sắc được đặt cạnh nhau. Cũng là một con đường nhưng giao thông làm đường, ngành xây dựng làm cấp nước, thoát nước, ngành điện làm hệ thống cấp điện, ngành thông tin làm hệ thống cấp điện thoại, truyền hình… Và thế là đường vừa làm xong đẹp lại phải thường xuyên đào lên làm lại… làm cho đường phố lúc nào cũng là công trình đang thi công bẩn thỉu, bụi bặm. Tôi kiến nghị đổi lại quy trình “Xây rồi mới chia”. Cho tới nay, một số tỉnh thành đã bắt đầu thực hiện nhưng còn nhiều nơi, nhiều chỗ vẫn giữ cách làm cũ khiến ta không khỏi bức xúc khi nhìn thấy quang cảnh đất nước, bộ mặt các đô thị và những tuyến phố… không theo ý muốn.

Sau gần ba mươi năm ở Viện (1966-1993) lần đầu tiên được đi nước ngoài nhờ thiết kế nhà ở cho người thu nhập thấp được chọn. Được ở Pháp và Thụy Sĩ một tháng và sau này được đi tới các nước Trung Quốc, Indonexia, Singapore, Đài Loan, Đức, Ý, Lào, Campuchia, Malaysia… Tôi hiểu được con đường phải đi cho mình là vấn đề khai thác truyền thống, tìm về cội nguồn dân tộc. Quan điểm “Đến mỗi vùng đất nước Việt Nam, phải hiểu được lịch sử của vùng đất ấy thông qua các công trình kiến trúc xây dựng”… được hình thành trong tôi.

Sau rất nhiều năm làm quy hoạch toàn vẽ, viết về tương lai sau 20 năm nhưng chỉ qua sách báo, phim ảnh, không được tận mắt nhìn thấy những gì các nước tiên tiến đã làm để rút kinh nghiệm. Trong công trình Quy hoạch Khu DTLS Kim Liên gắn với phát triển du lịch Nam Đàn (Nghệ An) tôi đã mạnh dạn kiến nghị Viện cho số anh em tham gia công trình được đi thăm một số DTLS nước ngoài bằng kinh phí của đồ án. Được Viện chấp nhận, đoàn lên đường tới Singapore, Malaysia. Kết quả các bạn đồng nghiệp đều tự nhận thấy trình độ được nâng lên, tự tin hơn trong các ý kiến đề xuất và làm đồ án. Nhưng mọi người đều ghi nhận một chân lý “Đi để mở rộng tầm hiểu biết, để học tập nhưng khi về phải làm khác người ta”. Có như vậy mới tạo ra được những công trình mang đậm bản sắc của dân tộc mình.

Vậy là một loạt các công trình được nghiên cứu thiết kế bài bản được đánh giá cao và được giải thưởng kiến trúc quốc gia đó là: Quy hoạch công viên Văn Lang thành phố Việt Trì (1996), Khu du lịch Núi Quyết Bến Thủy, Nghệ An (1998), Quy hoạch chi tiết Khu du lịch Hàm Rồng (2000), tượng đài Thống Nhất TP.HCM, Đài tưởng niệm anh hùng liệt sỹ huyện Khoái Châu (Hưng Yên), tổng thể Khu di tích lịch sử Đền Hùng được ra đời. Và sau này khi đã nghỉ hưu nhưng con đường tôi chọn vẫn được tiếp tục phát triển cho những công trình đó là Quy hoạch xây dựng Việt Trì trở thành thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam, Khu Di chỉ khảo cổ xóm Rền (Phú Thọ), Khu trung tâm thành phố Vĩnh Yên, Khu di tích văn hóa Tây Thiên (Vĩnh Phúc), Bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích lịch sử Kim Liên gắn với phát triển Du lịch Nam Đàn (Nghệ An), Quy hoạch chi tiết các Khu Suối cá Cẩm Lương, Khu Am Tiên địa điểm khởi nghĩa Bà Triệu, Đề án du lịch cộng đồng huyện Vĩnh Lộc, đổi mới du lịch Lam Kinh, Du lịch đường thủy từ Cửa Hới đến Vĩnh Lộc (Thanh Hóa), Tôn tạo Khu lưu niệm Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, Khu đền Trần Thương, Lảnh Giang, Đền Bà Vũ, Ba mươi cụ già và thanh thiếu niên Đức Bản, Khu du lịch Tam Chúc (Hà Nam), Khu di tích lịch sử Đền Tiên La, Khu các danh nhân họ Lưu, Khu lưu niệm Lê Quý Đôn và cụ thân sinh tại Hưng Dân (Thái Bình). Công viên dọc sông và cầu Cầm Thi trên sông Cần Thơ…

Giờ đây nhìn lại những năm tháng đã qua tôi cùng các đồng nghiệp đều có chút tự hào bởi đã góp phần nhỏ bé của mình vào công tác quy hoạch xây dựng và để lại được những dấu ấn trên quê hương đất nước mình:

  • Khu di tích lịch sử Đền Hùng từ 30ha xưa được mở rộng đến ngàn ha. Khu trung tâm lễ hội được xây dựng khang trang đáp ứng cho 

    việc tổ chức lễ hội và thăm viếng của đồng bào trong ngoài nước. Từ chỗ chỉ có vài ngàn người lui tới thăm viếng nay đã có gần chục triệu người.

  • Công viên Văn Lang sau hai mươi năm nay đã thành hiện thưc. Từ một vùng đầm lầy, ruộng một vụ nay đã thành công viên văn hóa lịch sử về các truyền thuyết thời đại Hùng Vương với 138ha trên 60ha mặt nước nằm giữa Khu trung tâm thành phố.
  • Thành phố Việt Trì đang được xây dựng thành thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam.
  • Thành phố Vĩnh Yên đã phát triển nhanh chóng do quy hoạch hợp lý. Các Khu công nghiệp Khai Quang, Kim Hoa đã nhanh chóng phát huy tác dụng, Khu trung tâm thành phố được xây dựng khang trang theo thuyết phong thủy, cùng với Di tích danh thắng Tây Thiên, Khu du lịch Đại Lải đã trở thành điểm đến hấp dẫn.
  • Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Khoái Châu (Đài Bãi Sậy). Đền liệt sĩ huyện Yên Mỹ, Tiên Lữ, Khu Lưu niệm Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh cũng đã trở thành những điểm đến của du lịch Hưng Yên.
  • Khu du lịch văn hóa Hàm Rồng, Suối cá Cẩm Lương, Khu DTLS Am Tiên (khởi nghĩa Bà Triệu) và các Khu du lịch cộng đồng huyện Vĩnh Lộc, Trí Nang (Lang Chánh), di tích Lam Kinh, tuyến du lịch đường thủy từ Cửa Hới đến Vĩnh Lộc cũng đang dần hình thành và trở thành những điểm du lịch quan trọng của Thanh Hóa.
  • Khu Di tích Kim Liên gắn với phát triển du lịch Nam Đàn mà đề xuất quan trọng là Khu du lịch “Hành trình theo chân Bác” đang dần hình thành cùng với Cửa Lò, Núi Quyết - Bến Thủy, Hồ Sơn Dương, Đền Cuông - Cửa Hiến cũng đã là điểm dừng chân cho du khách mỗi lần về thăm Nghệ An.
  • Đền Bà Vũ, Đền Lảnh Giang, Đền Trần Thương, Khu du lịch Tam Chúc, Khu tưởng niệm ba mươi cụ già và thanh thiếu niên thôn Đức Bản đang là những điểm được lãnh đạo tỉnh Hà Nam quan tâm xây dựng.
  • Khu lưu niệm nhà bác học Lê Quý Đôn, Cácdanh nhân họ Lưu và di tích Đền Tiên La thờ Đông Nhung Đại tướng quân Vũ Thị Thục cùng với Khu tưởng niệm 21-10 Kỷ niệm thời Hoa lửa của ngành giáo dục (Máy bay Mỹ ném bom làm chết cô giáo và 30 học sinh) tại Thái Thụy – Thái Bình đang được lãnh đạo và nhân dân Thái Bình cho bảo tồn tôn tạo…

Nhiều ý tưởng mới được hình thành tuy chưa được thực hiện nhưng đã thực sự đi vào lòng người: Tuyến du lịch huyền thoại Bình Trị Thiên, ý tưởng về xây dựng công viên Thống Nhất và vành đai du lịch xanh tâm linh quanh Hà Nội, Cầu Cầm Thi và Công viên dọc sông Cần Thơ (thành phố Cần Thơ) và Khu lưu niệm Danh tướng Lý Thường Kiệt trên biển Đông cũng đã thực sự đi vào lòng người.

Biết bao cảm xúc, biết bao ký ức đã tràn về trong tôi và các thành viên trong Viện nhân ngày kỷ niệm 60 năm thành lập. Mong sao cho Viện ngày càng trưởng thành và làm đẹp cho đất nước cho hôm nay và cả mai sau.

(Nguồn:Tác giả: KTS.Nguyễn Thế Khải)
Tin cũ hơn

Tạp chí QHXD

Ebook

Giới thiệu sách

Liên kết website