Tích hợp quản lý rủi ro lũ lụt với quy hoạch đô thị hướng tới phát triển bền vững

Quy hoạch không gian đô thị tích hợp các giải pháp quản lý rủi ro lũ lụt là định hướng cho quy hoạch sử dụng đất. Vì vậy, việc lập quy hoạch cho các dự án phát triển đô thị, điểm dân cư an toàn là điều cần thiết để đảm bảo cộng đồng có thể phát triển cả trong bối cảnh có rủi ro lũ lụt.

Nguy cơ khi tốc độ mở rộng đô thị nhanh đi cùng với bê tông hóa, từ đó ảnh hưởng đến khả năng thoát nước. (Ảnh minh họa: CM)

Trong hai thập kỷ gần đây, việc xây dựng nhiều công trình trị thuỷ ở nước ta đã làm giảm tác hại của lũ lụt ở các vùng đồng bằng, từ đây cho ra đời nhiều khu đô thị và các điểm dân cư. Tuy nhiên, do biến đổi khí hậu, lượng mưa cũng thay đổi bất thường, khó dự đoán, làm cho các đô thị đối mặt với hiện tượng ngập lụt.

Tính đến hết tháng 10/2022, toàn quốc có 888 đô thị, trong đó có 02 đô thị loại đặc biệt, 22 đô thị loại I, 33 đô thị loại II, 47 đô thị loại III, 94 đô thị loại IV và các đô thị loại V. Tỷ lệ đô thị hóa tại Việt Nam hiện ước đạt khoảng 41%. Tuy nhiên, đi cùng với quá trình đô thị hóa nhanh là vấn đề về môi trường, sự thiếu hụt các hệ thống hạ tầng đô thị dẫn đến môi trường sống bị suy giảm, tình trạng ngập lụt diễn ra thường xuyên hơn. Những vấn đề này đã và đang đặt ra nhiều thách thức trong phát triển bền vững đô thị tại Việt Nam.

Đặc biệt, ngập lụt đã xảy ra thường xuyên ở nhiều đô thị, kể cả những đô thị nằm dọc theo sông và bờ biển, vốn có khả năng thoát nước nhanh. Nguy cơ khi tốc độ mở rộng đô thị nhanh, đi cùng với bê tông hóa, từ đó ảnh hưởng đến khả năng thoát nước. Việc khai thác nước ngầm quá mức cũng đã dẫn đến sụt lún ở một số đô thị. Trong bối cảnh đó, sự gia tăng lượng mưa cũng như tốc độ của dòng chảy vượt quá năng lực quản lý hạ tầng kỹ thuật thoát nước của các thành phố. Cộng thêm, ở một số thành phố, quy hoạch đô thị không phù hợp, sự thiếu rõ ràng của các quy định sử dụng đất và quy định quản lý đô thị đã thúc đẩy hoạt động xây dựng không chính thức và thậm chí là cả việc phát triển các dự án khu đô thị mới ở các vùng nguy hiểm dễ xảy ra lũ lụt hay các vùng vốn có vai trò thoát nước và trữ nước.

Bên cạnh đó, tần suất và cường độ ngập lụt ngày càng gia tăng, đã và gây ra nhiều thiệt hại về tài sản, gián đoạn các hoạt động của dân cư và kinh tế ở các thành phố lớn như: Hà Nội, Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Cần Thơ, Đà Nẵng… và cả các thành phố vừa và nhỏ như Vinh, Thủ Dầu Một, Hạ Long, Đà Lạt, Sơn La… Ngoài thiệt hại về vật chất rất lớn, ngập lụt ở đô thị còn làm gia tăng nguy cơ lan tràn dịch bệnh, làm xói mòn hình ảnh văn minh đô thị.

PGS.TS.KTS Hoàng Vĩnh Hưng – Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia cho rằng, để giảm thiểu thiệt hại xảy ra do lũ lụt và ngập lụt, cần có cách tiếp cận toàn diện về quản lý rủi ro lũ lụt và ngập lụt đô thị trong đó kết hợp hài hoà giữa các giải pháp công trình và các giải pháp phi công trình. Trong lịch sử, nhiều thành phố đã lựa chọn các giải pháp công trình, được xây dựng cho hai mục đích khác nhau: bảo vệ thành phố khỏi rủi ro lũ lụt thông qua các biện pháp phòng chống lũ lụt như đê và đập thuỷ điện hoặc hướng nước lũ, nước mưa ra khỏi các khu vực đô thị thông qua các biện pháp tăng khả năng thoát nước bằng các đường cống, kênh mương và lưu vực. Tuy nhiên, chỉ dùng các giải pháp công trình đã được chứng minh là không đủ, với một số lý do: chúng dựa trên những dự đoán hữu hạn về rủi ro mà có thể không tính đến yếu tố bất định do biến đổi khí hậu hoặc do mở rộng đô thị thiếu kiểm soát;  rủi ro có thể tăng lên nếu các công trình không có đủ không gian cho lưu lượng lũ; chi phí xây dựng cao do sự phức tạp thiết kế kỹ thuật và vật liệu xây dựng; các giải pháp công trình thường tạo ra sự chủ quan trong nhận thức vì cộng đồng và doanh nghiệp có xu hướng phụ thuộc quá mức vào chúng.

Cũng theo PGS.TS.KTS Hoàng Vĩnh Hưng, hầu hết các giải pháp công trình đều giảm thiểu nhưng không ngăn ngừa hết thiệt hại. Sẽ luôn có rủi ro tồn đọng cần được quản lý bằng cả các giải pháp phi công trình thông qua quy hoạch sử dụng đất. Giải pháp này giúp linh hoạt trong giải quyết lũ lụt và ngập lụt; dễ phối hợp quản lý rủi ro lũ lụt ở nhiều quy mô, từ các khu đô thị, khu dân cư, cấp phường, quận, cấp thành phố, đến quy hoạch vùng với lưu vực liên quan; kiến tạo được môi trường đô thị an toàn, hiệu quả và đáng sống với chi phí thấp hơn...

Vì vậy, quy hoạch không gian đô thị tích hợp các giải pháp quản lý rủi ro lũ lụt là định hướng cho quy hoạch sử dụng đất. Các quy hoạch không gian đô thị dựa trên nghiên cứu mức độ rủi ro lũ lụt sẽ cung cấp cho cộng đồng và doanh nghiệp một cái nhìn tổng thể về những khu vực cần được bảo vệ, sơ tán, phát triển hoặc tái phát triển. Các quy hoạch này cần được nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp, người dân chấp nhận và có thể được thực thi với năng lực và nguồn lực của địa phương. Việc lập quy hoạch cho các dự án phát triển đô thị, điểm dân cư an toàn là điều cần thiết để đảm bảo cộng đồng có thể phát triển cả trong bối cảnh có rủi ro lũ lụt.

Để làm tốt được việc tích hợp quản lý rủi ro lũ lụt với quy hoạch đô thị hướng tới phát triển bền vững thì chính quyền cần cung cấp các khu đất ở đã có đủ hạ tầng và an toàn tại các khu vực rủi ro thấp sẽ làm cho nhà ở có giá cả phải chăng. Ngoài ra, chính quyền phải đảm bảo rằng tổn thất không vượt qua tổng lợi ích từ các hoạt động ở các vùng dễ bị lũ lụt. Trong đó, một môi trường thể chế thuận lợi cũng là điều cần thiết để phát triển một vùng đất có rủi ro lũ lụt. Trong môi trường như vậy, có vai trò và trách nhiệm của tất cả các tổ chức trong lập quy hoạch. Đề cao vai trò và trách nhiệm ở tất cả các cấp hành chính và các bên liên quan sẽ giúp giảm thiểu xung đột lợi ích. Đồng thời cần tập trung đầu tư vào hai lĩnh vực chính là: nâng cao nhận thức của các nhà hoạch định sách và cộng đồng về vai trò của sử dụng đất trong việc quản lý rủi ro lũ lụt. Bên cạnh đó, phải nâng cao năng lực kỹ thuật, quản trị để xây dựng, thực hiện và quản lý rủi ro lũ lụt dựa trên quy trình quy hoạch đô thị./.

(Nguồn:dangcongsan.vn)
Tin cũ hơn

Tạp chí QHXD

Ebook

Giới thiệu sách

Liên kết website