Xu hướng xây dựng đô thị trên thế giới ứng phó với đại dịch COVID-19

ThS.KTS.Hoàng Anh

Chương trình Quy hoạch Vùng và Đô thị, Khoa Kiến trúc, Đại học Thủ Dầu Một

Tóm tắt: Ứng phó với Đại dịch Covid-19, bên cạnh việc thực hiện các biện pháp về y tế, khai báo, giãn cách xã hội,… thì việc cần thiết là tạo môi trường, điều kiện thuận lời cho người dân, đáp ứng việc thay đổi thói quen sinh hoạt, làm việc của cộng đồng là. Theo đó, công tác nghiên cứu, đánh giá và xem xét lại cấu trúc đô thị là một trong những nội dung quan trọng, nhằm tái thiết lại hạ tầng, không gian công cộng, cây xanh, hướng đến nâng cao sức khỏe người dân. Bài viế nhằm tổng hợp một số xu hướng xây dựng, điều chỉnh đô thị nhằm ứng phó với Đại dịch Covid-19 mà hiện nay đang được nhiều nước trên thế giới khuyến khích như: Compact City, SuperBlocks, 15-Minute City, and Car-Free City. Tuy nhiên để xây dựng các mô hình trên, các nhà nghiên cứu đô thị cũng khuyến nghị về việc bổ sung Chính sách, Nguồn vốn và Vai trò Chính phủ nhằm hướng đến xây dựng khối liên minh bền vững, hỗ trợ nhau trong xây dựng môi trường sống bền vững, cộng đồng địa phương nhưng liên kết quốc tế.

Từ khóa: xu hướng đô thị, ứng phó Covid-19

Abstract: In response to Covid-19 pandemic, in addition to taking medical solution, declaring, social isolation,... it is necessary to create an environment, favorable conditions for the people, to adapt with the new living and working habits. Accordingly, there eare many research and review about the urban structure - it is one of the important contents, leading to reconstruct infrastructure, public and green spcae, towards improving the healthy condition. The article aims to summarize some urban constructions in the world - in response to the Covid-19, that are currently being encouraged such as: Compact City, SuperBlocks, 15-Minute City, and Car-Free City. However, in order to build those models, there are some also recommends of the urban professors, including: The Policy, Funding and Government Responsibility, to build sustainable coalitions, support every partner in making a sustainable living environment, community for local but be built by international coalition.

1. Tác động của Đại dịch Covid-19 đến đô thị

Đại dịch Covid-19 bắt đầu từ cuối năm 2019 đến nay, đã và đang ảnh hưởng đến các thành phố lớn nhỏ trên toàn thế giới; đồng thời bộc lộ nhiều mặt yếu của các khu đô thị: khu vực nào có mật độ dân cư cao thì càng rủi ro, khả năng gây nhiễm càng cao, và không thể phủ nhận rằng đô thị hóa đang tạo môi trường cho các bệnh truyền nhiễm (TS.KTS.Lê Quốc Hùng, 2020). Song song đó là các yếu tố như: giao thông công cộng, các trung tâm thương mại, chung cư, các vấn đề xã hội, chủng tộc, kết nối toàn cầu… trong khu đô thị cũng cần xem xét, đánh giá lại. Theo AyyoobSharifi (2020), trong bài viết “The COVID-19 pandemic: Impacts on cities and major lessons for urban planning, design, and management”, tạm dịch là “Đại dịch COVID-19: Tác động đến các thành phố và các bài học lớn cho quy hoạch, thiết kế và quản lý đô thị”, tác giả đã đưa ra các yếu tố bị tác động bởi đại dịch Covid-19 bao gồm 4 nhóm chính: Môi trường, Kinh tế - Xã hội, Chính phủ và Quản lý, Giao thông và Thiết kế đô thị.

Thống kê cho thấy, đa số khu vực có lượng người bị mắc Covid-19 và phát tán nhanh, mạnh đều xảy ra tại các Khu đô thị - siêu đô thị có lượng dân cư tập trung đông, mật độ xây dựng cao, càng nhiều hệ thống, phương tiện công cộng càng có nguy cơ cao; điển hình có thể kế đến các Thành phố như: Delhi, Shanghai; New York,…

Do mức độ nghiêm trọng của đại dịch, nhiều chính phủ đã phản ứng với các biện pháp để kiểm soát sự bùng phát, bảo vệ người dân và giảm thiểu thiệt hại kinh tế. Một trong những biện pháp phổ biến là “khóa và phá vỡ các cộng đồng”. Phương pháp này chủ yếu tập trung vào việc giảm thiểu sự tiếp xúc gần để phá vỡ sự lây lan của dịch và cô lập các ổ dịch. Thuật ngữ “giãn cách xã hội” hiện được sử dụng rộng rãi để khuyên mọi người nên tự cách ly bản thân bằng cách giữ khoảng cách phù hợp với những người khác và tránh những chuyến đi không cần thiết.

Theo thống kê của Apple - cung cấp thông tin về sự thay đổi trong di chuyển của người dùng trong đại dịch Covid-19; ngày 13 tháng 4, có 52% người Việt Nam đã giảm đi bộ và 53% giảm lái xe so với ba tháng trước đó, ngày 13-1. Ở Mỹ, so với ba tháng trước, tỷ lệ lái xe đã giảm 45%, đi bộ 56%, còn quá cảnh giảm tới 76%. Ở Anh, tỷ lệ này là 63%, 70% và 85%. Nước giảm di chuyển nhiều nhất là Italy với các tỷ lệ tương ứng là 85%, 88% và 90% (Báo Nhân dân điện tử, 2020). Hay trong Hình 3 cho thấy xu hướng di chuyển tại một số đô thị trên thế giới qua ứng dụng của Apple: Hong Kong, Seoul, Singapore, Sydney, London, Rome và New York. Tất cả đều giảm dưới 50% khi so sánh với dữ liệu tháng 1/2020 (Đại dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát từ tháng 11/2019).

Khi thực hiện việc “giãn cách xã hội”, hạn chế sự di chuyển, các doanh nghiệp, người lao động, người dân cũng thay đổi cách thức sinh hoạt và làm việc. Các doanh nghiệp đã cho phép người lao động làm việc ở nhà, hoặc ở bất kì nơi nào có mạng internet, người dân hạn chế đi lại và mua sắm tại khu vực mình sinh sống trong bán kính nhỏ có thể đi bộ được, hạn chế ăn uống bên ngoài, hạn chế đến nơi tập trung đông người,… kéo theo đó là việc giảm số lượng văn phòng, đóng cửa hàng loạt các nhà hàng, quán ăn, quán bar,… Các cửa hàng khuyến khích việc mua hàng online, giao hàng tận nơi, cắt giảm lượng nhân viên tại quầy, tăng cường nhân viên giao hàng.

Theo Mikiharu Arimura, 2020 dựa trên các thống kê, tổng kết của một số khu vực cho thấy rằng: lưu lượng hàng không châu Âu giảm khoảng 90% trong giai đoạn này; mức độ di chuyển ở Budapest giảm khoảng 51% đến 64% vào tháng 3 năm 2020; trong khi đó, tổng số chuyến đi được tạo ra ở Úc giảm xuống chỉ còn hơn 50%; Tại Vương quốc Anh, các chính sách hạn chế của chính phủ góp phần giảm lưu lượng lái xe, chuyển tuyến và đi bộ xuống khoảng 60%, 80% và 60%, tương ứng. Về hành vi, nhiều báo cáo chỉ ra rằng chia sẻ phương thức du lịch đã chuyển đổi: như các hộ gia đình Úc chuyển phương tiện giao thông từ phương tiện công cộng sang phương tiện chủ động vào khoảng 7; Trong trường hợp của Hà Lan, bên cạnh việc giảm số lượng chuyến đi và khoảng cách di chuyển, 88% người Hà Lan thích đi làm bằng phương thức cá nhân hơn phương thức công cộng.

Ngoài ra, trong khảo sát “Tác động của COVID-19 đối với thành phố và tính di động” (Shailendra Kaushik, IMPACT Project, 2020[1]); Khi hỏi về việc khi làm việc từ xa và có cơ sở hạ tầng đầy đủ thì họ sẽ chọn sống trong Thành phố lớn hay nhỏ, thì có tới 76% những người chọn sống ở các thành phố nhỏ hơn là các thành phố lớn; Mặt khác, qua khảo sát cũng cho thấy rằng, trong tương lai ngắn, phương tiện giao thông công cộng và việc phải di chuyển chung sẽ bị từ chối ít nhất 02 năm sau Covid-19, vì mối quan tâm về sức khỏe và an toàn, kéo theo đó là thay đổi phương thức di chuyển từ phương tiện công cộng sang các phương thức di chuyển khác, có thể sẽ có sự gia tăng trong di chuyển tư nhân. Vấn đề đặt ra là làm sao giải quyết vấn đề di chuyển cá nhân mà không bùng nổ phương tiện cá nhân trong tương lai, không phá vỡ cấu trúc đô thị vốn đã định hình dựa trên hệ thống giao thông công cộng, đặc biệt ở các đô thị, thành phố lớn?

Như vậy, rõ ràng đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi gần như mọi phương thức sinh hoạt, đi lại và làm việc của tất cả mọi người trên thế giới. Chưa có một nghiên cứu hay phân tích khoa học nào nói về sự tích cực của tác động này nhưng việc cần xem xét và đánh giá lại những hạn chế, mặt kém trong việc thiết kế, quản lý, xây dựng đô thị là việc làm cần thiết. Thế giới của chúng ta sẽ không bao giờ giống như trước nữa và cả những thành phố của chúng ta cũng vậy. Nhưng cuộc khủng hoảng có thể là cơ hội để xây dựng các xã hội và thành phố tốt hơn và bền vững hơn. Đại dịch và những hạn chế mà nó đã đặt ra, cho chúng ta thời gian để suy ngẫm và suy nghĩ về các giải pháp dài hạn trong khi giải quyết một vấn đề ngắn hạn lớn. Chúng ta nên thực hiện những thay đổi nào để đảm bảo các tác động có lợi cho sức khỏe về lâu dài (Mark J Nieuwenhuijsen, 2020).

2. Các đề xuất mô hình đô thị hậu Covid-19            

Hiện nay trên thế giới có nhiều Hội thảo, Dự án nghiên cứu về mô hình đô thị hậu Covid-19. Trong một nghiên cứu khác của UNDP[1] được báo cáo tại tại #UN75 Talks về Phát triển đô thị và các thành phố trong tương lai: Hướng tới xây dựng lại một nền tảng tốt hơn sau COVID-19 (Urban Development and Future Cities: Towards Building Back a Better Post COVID-19), đã chỉ ra Ba mô hình đáng khích lệ - đang được ứng dụng để phục hồi, liên quan trực tiếp đến tương lai của các thành phố, đó là:

 Thứ nhất, cần sẵn sàng giải quyết các điều kiện cơ bản và tồn tại của bất bình đẳng, đây là điều kiện quan trọng để phục hồi bền vững và lâu dài: Phần lớn những người bị đẩy lùi vào cảnh nghèo đói do COVID-19 có thể đang sống ở các thành phố. Vì vậy, các biện pháp lấy người dân làm trung tâm, có trong các kế hoạch ứng phó, để bảo vệ người dân hoặc bằng cách cứu sống người dân bằng các khoản đầu tư vào dịch vụ y tế, hoặc bằng cách thực hiện chuyển tiền và khôi phục sinh kế, sẽ rất quan trọng để đảm bảo sự gắn kết xã hội ở các khu vực đô thị.

Thứ hai, nội lực của từng thành phố là yếu tố quan trọng trong việc theo đuổi sự phục hồi kinh tế xanh, bền vững và bao trùm. Các biện pháp phục hồi sẽ hướng sự phát triển kinh tế địa phương của các thành phố theo hướng các-bon thấp hơn và linh hoạt hơn. Theo đó, cần hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ triển khai các mô hình kinh doanh mới nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững như thành lập các doanh nghiệp cung cấp công nghệ và dịch vụ quản lý chất thải, làm sạch đại dương, nông nghiệp và năng lượng bền vững. 

Thứ ba, trên phạm vi toàn cầu, đại dịch hiện nay đang đẩy nhanh tốc độ số hóa. Quá trình chuyển đổi sang cuộc sống kỹ thuật số là một yếu tố quan trọng đối với cơ sở hạ tầng và các tòa nhà của thành phố trong tương lai.

Cuối cùng, khả năng tiếp cận tài chính là một hạn chế lớn đối với chính quyền thành phố và khu vực trên toàn thế giới. Trung bình, chính quyền địa phương sẽ có ít hơn từ 15% đến 25% nguồn thu vào năm 2021 do sự thu hẹp của nền kinh tế đô thị. Do đó, cần khuyến khích các gói kích cầu của các chính phủ quốc gia bao gồm các quỹ phục hồi đô thị chuyên dụng; tăng cường hợp tác trong hệ thống Liên hợp quốc, và với các hiệp hội của chính quyền thành phố và khu vực để tăng cường hỗ trợ đối với các thành phố nhằm thúc đẩy phục hồi xanh và toàn diện (Haoliang Xu, 2020).

Trong đại dịch COVD-19, các thành phố đã bắt đầu gạt ô tô sang một bên và tăng không gian được phân bổ cho các làn đường dành cho xe đạp và giao thông đang hoạt động. Tỷ lệ đi xe đạp đã tăng lên. Trong một nghiên cứu, khoảng 90% người lái xe ô tô nói rằng họ hoàn toàn không bỏ lỡ lộ trình đi làm hàng ngày khi không có xe oto; Đồng thời, mức độ ô nhiễm không khí và tiếng ồn đã giảm đáng kể. Với bài: “Các thành phố sau COVID-19: Mô hình đô thị mới để làm cho các thành phố trở nên khỏe mạnh hơn” (Post-COVID-19 Cities: New Urban Models to Make Cities Healthier) của Mark J Nieuwenhuijsen , Giáo sư nghiên cứu, Giám đốc Sáng kiến ​​Quy hoạch Đô thị, Môi trường và Sức khỏe, và Giám đốc Chương trình Ô nhiễm Không khí và Môi trường Đô thị; ông đã giới thiệu 04 mô hình đô thị mới hiện đang xây dựng tại một số Thành phố lớn trên thể giới, theo đó khái niệm quy hoạch mới đang được đưa ra nhằm giải quyết một số vấn đề về quy hoạch đô thị: thành phố nhỏ gọn, thành phố siêu khối, thành phố 15 phút, thành phố không có xe hơi, hoặc kết hợp những thứ này.

(i) Mô hình Thành phố nhỏ gọn (Compact City): Các thành phố nhỏ gọn được đặc trưng bởi mật độ dân cư cao hơn, khoảng cách di chuyển ngắn hơn và sự đa dạng hơn. Họ có lượng khí thải CO2 thấp hơn so với các thành phố rộng lớn và lành mạnh hơn do sử dụng đất đa dạng hơn, các chuyến đi ngắn hơn và cơ hội di chuyển lành mạnh hơn. Việc làm cho các thành phố nhỏ gọn hơn 30% có thể ngăn ngừa mất khoảng 400 đến 800 năm sống được điều chỉnh theo khuyết tật trên 100.000 người hàng năm tùy thuộc vào loại thành phố.

(ii). Mô hình Thành phố “Siêu Khối” (SuperBlocks): Barcelona là một trong những Thành phố có lượng oto lớn. Trong khi 60% không gian công cộng ở Barcelona được sử dụng để chứa ô tô, cứ bốn chuyến đi thì chỉ có một chuyến đi bằng ô tô. Vì vậy hiện nay, Barcelona đã xem xét không gian này có thể được phân bổ để sử dụng theo cách lành mạnh hơn. Thành phố đang có kế hoạch tạo ra hơn 500 chốt chặn để giảm giao thông cơ giới. Trong không gian đường phố giữa các chốt chặn đó sẽ tổ chức, cung cấp thêm không gian cho người dân đi lại và không gian xanh. Những siêu khối này sẽ làm giảm ô nhiễm không khí, mức độ tiếng ồn và hiệu ứng đảo nhiệt, đồng thời sẽ tăng không gian xanh và hoạt động thể chất. Theo đó, ước tính rằng có thể ngăn chặn gần 700 ca tử vong sớm mỗi năm trong thành phố. Các nguyên tắc tương tự cũng được áp dụng trong các vùng lân cận có giao thông thấp.

(iii) Thành phố “15 phút” (15-Minute City): Paris đang giới thiệu mô hình của thành phố 15 phút, một nơi có thể đến cơ quan, trường học, giải trí và các hoạt động khác trong vòng 15 phút đi bộ từ nhà. Thành phố 15 phút sẽ đòi hỏi một sự suy nghĩ lại khá triệt để về các thành phố của chúng ta và có khả năng giảm bất bình đẳng vì mô hình này bao gồm việc pha trộn các nhóm dân cư khác nhau thay vì duy trì mô hình phân vùng dân cư theo tình trạng kinh tế xã hội đang được sử dụng. Nó cũng sẽ làm giảm nhu cầu di chuyển đường dài và do đó giảm lượng khí thải CO2, ô nhiễm không khí và mức độ tiếng ồn. Mô hình này được mô tả là "trở lại lối sống địa phương”, còn được gọi là công đồng hoàn chỉnh hoặc khu phố có thể đi bộ.

(iv). Mô hình Thành phố không có ô tô (Car-Free City): Hamburg, Đức, dự kiến ​​sẽ không có ô tô vào năm 2034, một phần để giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu. Các thành phố không có ô tô làm giảm giao thông cơ giới tư nhân không cần thiết và dễ dàng tiếp cận các phương tiện giao thông công cộng và năng động. Chúng làm giảm ô nhiễm không khí và mức độ tiếng ồn, tăng cường hoạt động thể chất và tạo không gian cho các mảng xanh. Một ví dụ thành công là Vauban ở Freiburg, Đức, một khu phố không có ô tô cá nhân, chỉ có nhà ở, không gian xanh, di chuyển bằng phương tiện công cộng, xe đạp và lối sống bền vững.

Khi xem xét 04 mô hình đô thị mới nêu trên có thể thấy 01 Nguyên tắc chung, đó là: đảo ngược kim tự tháp quy hoạch giao thông để thay vì ưu tiên ô tô, ưu tiên giao thông công cộng, đi bộ và đi xe đạp. Theo đó, việc mở rộng mạng lưới di chuyển bằng xe đạp là cũng một cách để giảm lưu lượng cơ giới và lượng khí thải CO2 và tăng cường vận động tích cực. Kết quả là tăng hoạt động thể chất cũng cải thiện sức khỏe của con người. Vận động tích cực mang lại cho mọi người cơ hội xây dựng hoạt động thể chất vào cuộc sống hàng ngày của họ trong quá trình đi làm hàng ngày. Nhưng thực tế những làn đường dành cho loại phương tiện này sẽ chỉ hoạt động nếu chúng an toàn và được nhìn nhận là một phần của mạng lưới. Đây cũng là một quan điểm cần nhìn nhận, và đưa vào quy định, quy chuẩn thiết kế đô thị chung.

Mặt khác, một khía cạnh khác mà 04 mô hình trên đều chia sẻ đó là khả năng tiếp cận không gian xanh, điều quan trọng vì nhiều lý do, bao gồm sức khỏe tâm thần, chức năng nhận thức và tuổi thọ. Không chỉ cần tạo ra không gian xanh mới, chẳng hạn như công viên, mà còn phải giới thiệu nhiều thảm thực vật hơn trên đường phố, và trồng thêm cây xanh, điều này cũng sẽ làm giảm hiệu ứng đảo nhiệt và góp phần hấp thụ CO2 và giúp sức khỏe tốt hơn.

Bên cạnh các mô hình đô thị, Mark J Nieuwenhuijsen cũng đưa ra nhiều khuyến khác cần xem xét khi tổ chức các đô thị mới, đó là: 

               (i) Luật mới, bao gồm cả quy định về phát triển đô thị mới, nên bao gồm các chỉ số quy hoạch được thiết kế để cải thiện sức khỏe, mà cho đến nay thường bị bỏ qua. Đánh giá tác động sức khỏe nên được sử dụng để đánh giá các dự án và xác định các kịch bản lập kế hoạch lành mạnh nhất.

               (ii) Cung cấp một Kế hoạch xây dựng đô thị toàn diện trong khối Liên minh để có thể tiết kiệm tài nguyên và bền vững hơn, đồng thời tạo ra cơ hội để trung hòa carbon giữa các đô thị, môi trường lành mạnh hơn thông qua quy hoạch giao thông và đô thị tốt hơn

               (iii) Xây dựng Nguồn vốn từ các khối liên minh, liên kết tầm quốc tế

Trong một Báo cáo của Chương trình IUC-LAC[1], sau khi thực hiện phân tích về tác động của đại dịch COVID 19 đối với việc quản lý đô thị và việc cung cấp các dịch vụ công ở các thành phố tham gia, bao gồm 32 thành phố thuộc Liên minh Châu Âu và Châu Mỹ Latinh và Caribe. Báo cáo đã chỉ ra 10 nội dung cần thực hiện đối với các đô thị, đó là: 

1. Tầm quan trọng của Quản trị và lãnh đạo chính trị: Để đối ứng với các Đại dịch như Covid-19, thì các cơ quan chính phủ phải xây dựng đội ngũ và hành động một cách đồng bộ, hợp lý hóa các dịch vụ, đạt được hiệu quả và công bằng cao hơn, phục vụ người dân.

2. Sự cần thiết phải quy hoạch đô thị hiệu quả: Quy hoạch đô thị, hệ thống hạ tầng đầy đủ và hệ thống thông tin vững chắc đã được chứng minh là cần thiết để dự đoán các rủi ro, thu được các kết quả bằng hệ thống, có thể đo lường được.

3. Số hóa và hệ thống phản hồi tích cực: Đầu tư vào việc triển khai các công nghệ trng việc lập kế hoạch, quản lý và cung cấp dịch vụ cho người dân, là chiến lược quan trọng sắp tới, đáp ứng nhu cầu xã hội một cách hiệu quả, trực tiếp và minh bạch hơn, đặc biệt là trong thời kỳ khủng hoảng như dịch bệnh.

4. Trách nhiệm xã hội tạo ra nguồn lực xã hội: Cần có sự tôn trọng của người dân đối với các yêu cầu về giữ khoảng cách xã hội mà các nhà chức trách đã và đang thực hiện; và việc tạo ra không gian công cộng đã được đẩy mạnh và nâng cao như việc xây dựng mộ “di sản cho đô thị”.

5. Vai trò mới của không gian công cộng và khả năng di chuyển bền vững: Ở cấp độ quy hoạch đô thị, sự di chuyển, không gian công cộng nổi lên như một yếu tố quan trọng hàng đầu trong các thành phố, tạo ra bản sắc và khả năng phục hồi. Các hành động được thực hiện trong lĩnh vực này để quản lý Covid-19 đã thể hiện tính linh hoạt, tiềm năng và khả năng thích ứng của nó. Do đó, không gian công cộng và di chuyển bền vững phải được khuyến khích thực hiện thay đổi di chuyển đã được thực hiện trên cơ sở tạm thời.

6. Cần có một nền kinh tế đa dạng hơn: Do tác động kinh tế mạnh mẽ của đại dịch đối với nền kinh tế và việc làm, tất cả các nỗ lực trong lĩnh vực này được coi là ưu tiên, và để quản lý một cuộc khủng hoảng này cần nỗ lực tập thể ở tất cả các cấp: nhà nước, tư nhân và cá nhân. Việc thúc đẩy các sáng kiến ​​kinh tế vòng tròn và thúc đẩy các doanh nghiệp địa phương dường như là chiến lược.

7. Giao tiếp tốt và minh bạch: Điều cần thiết là phải truyền đạt thực tế của tình hình một cách rõ ràng và đơn giản, và bằng một ngôn ngữ mà công chúng có thể xác định được.

8. Chú ý đến các đối tượng dễ bị tổn thương: Vi rút đã được phân biệt theo địa lý, mật độ và nghề nghiệp, đó là lý do tại sao nó có tác động nghiêm trọng hơn nhiều về mặt sức khỏe và kinh tế đối với những nhóm dân cư dễ bị tổn thương nhất. Do đó, giảm thiểu tình trạng dễ bị tổn thương là một chiến lược công bằng xã hội ưu tiên.

9. Khả năng phục hồi đô thị: Cuộc khủng hoảng đã làm nổi bật các vấn đề về cấu trúc ở các trung tâm đô thị. Bài học rút ra từ khủng hoảng là phải giải quyết những vấn đề này là phải xây dựng những vùng lãnh thổ lành mạnh, có khả năng phục hồi, cho phép chúng ta đối mặt với những khó khăn có thể nảy sinh trong nhiều năm.

10. Sự cần thiết của một tầm nhìn toàn cầu: Qua đại dịch có thể thất rằng việc tiếp cận một vấn đề toàn cầu với mục đích cung cấp các giải pháp địa phương rõ ràng là không hiệu quả. Do đó, bên cạnh việc lập kế hoạch và chuẩn bị cho các thành phố cho mọi tình huống có thể xảy ra; thì mặt khác cần xem xét lại các mô hình phát triển phù hợp với Công ước Toàn cầu về Khí hậu và Năng lượng và Chương trình Nghị sự 2030.

3. Kết luận

Như vậy, Đại dịch Covid-19 không chỉ làm thay đổi phương thức sinh hoạt, làm việc của nhiều người trên thế giới, mà còn tác động đến quan điểm, nhận thức của nhiều nhà khoa học, các nhà nhiên cứu đô thị. Xuất phát từ yêu cầu về “giãn cách xã hội” của Chính phủ, các mô hình đô thị mới được đề xuất không chỉ đơn thuần là việc sắp xếp tổ chức lại các không gian đô thị, tạo thêm không gian cho cây xanh và cộng đồng trong vòng bán kính có thể đi bộ; mà còn thay đổi cả thói quen đi lại, sử dụng phương tiện giao thông, hướng đến việc nâng cao sức khỏe từng cá nhân, vai trò chính quyền đô thị, kinh tế đô thị,…Tuy nhiên, nếu những mô hình này chỉ thực hiện trong một khu vực, gói gọn trong một thành phố thì việc hướng đến mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu là chưa mạnh mẽ; Do đó, cần thiết nhìn nhận, đánh giá các mô hình đô thị của từng địa phương là sản phẩm được xây dựng bởi liên minh các nước trong cùng khu vực thì sẽ tạo một động lực cũng như sự liên kết mạnh mẽ, cùng nhau giảm thiểu tác động môi trường, hỗ trợ nhau khi có Dịch bệnh hoặc thảm họa toàn cầu.

[1] IMPACT Project là một dự án của một nhóm các bên liên quan: GIZ, Diễn đàn các thành phố (Cities Forum), CRDF-CEPT và Nhà tư vấn quản lý. Dữ liệu thu thập được đã được phân tích và tổng hợp từ 45 quốc gia, 550 người tham dự và 40 cuộc phỏng vấn trực tiếp; sau đó các dữ liệu này chia sẻ với các nhà lãnh đạo và các chuyên gia toàn cầu để phục vụ cho việc đề xuất các quan điểm của họ.

2 UNDP (United Nations Development Programme) hoạt động ở khoảng 170 quốc gia và vùng lãnh thổ, giúp xóa đói giảm nghèo, giảm bất bình đẳng, đồng thời xây dựng khả năng phục hồi để các quốc gia có thể duy trì tiến bộ. Với tư cách là cơ quan phát triển của LHQ, UNDP đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp các quốc gia đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững.

3 Chương trình Hợp tác Đô thị Quốc tế (International Urban Cooperation Program, viết tắt IUC) nhằm hỗ trợ các thành phố ở các khu vực khác nhau trên toàn cầu kết nối và chia sẻ giải pháp cho các vấn đề chung trong phát triển đô thị bền vững. Thông qua sự tham gia của IUC, các thành phố sẽ có cơ hội chia sẻ và trao đổi kiến ​​thức với các đối tác quốc tế, xây dựng một tương lai xanh hơn và thịnh vượng. Chương trình IUC-LAC (Mỹ Latinh và Caribe) là phần toàn diện nhất của chương trình trên thế giới. Ba thành phần của chương trình đang được phát triển ở khu vực này trên thế giới.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. AyyoobSharifi Amir RezaKhavarian-Garmsir, 2020. The COVID-19 pandemic: Impacts on cities and major lessons for urban planning, design, and management. Tạp chí Science of The Total Environment, Volume 749

2. Haoliang Xu, 2020. Urban Development and Future Cities: Towards Building Back a Better Post COVID-19 Kuwait. Đăng trên trang web UNDP (United Nation Development Programme). Khai thác ngày 02/4/2021 từ link: https://www.undp.org/content/undp/en/home/news-centre/speeches/2020/urban-development-and-future-cities-.html

3. IUC Latino America, 2020. Impact and response of IUC-LAC cities to COVID 19. Đăng trên trang web của IUC-LAC, khai thác ngày 31/3/2021 từ link: https://iuc-la.eu/en/impact-and-response-of-iuc-lac-cities-to-covid-19/

4. Lê Quỳnh Anh, 2012. Vauban – khu đô thị “xanh” nhất thế giới. Đăng trên trang web Tạp chí Điện tử du lịch, khai thác ngày 10/4/2020 từ link: http://vtr.org.vn/vauban-khu-do-thi-%E2%80%9Cxanh%E2%80%9D-nhat-the-gioi.html

5. Mark J Nieuwenhuijsen , 2020. Post-COVID-19 Cities: New Urban Models to Make Cities Healthier. Đăng trên trang web Barcelona Institute for Global Health (ISGlobal). Khai thác ngày 31/3/2021 từ link:  https://www.isglobal.org/en/healthisglobal/-/custom-blog-portlet/post-covid-19-cities-new-urban-models-to-make-cities-healthier/4735173/0

6. TS, KTS Lê Quốc Hùng, 2020. Cú hích quy hoạch giải thoát điểm nghẽn đô thị sau đại dịch Covid-19. Đăng trên trang web của Vietnamnet. Khai thác ngày 31/3/2021 từ link: https://vietnamnet.vn/vn/bat-dong-san/thi-truong/cu-hich-quy-hoach-giai-thoat-diem-nghen-do-thi-sau-dai-dich-covid-19-648987.html

7. Shailendra Kaushik và cộng sự, 2020. Impact of COVID-19 on Cities and Mobility. IMPACT Project.

(Nguồn:Tạp chí quy hoạch xây dựng (số 109+110))
Tin cũ hơn

Tạp chí QHXD

Ebook

Giới thiệu sách

Liên kết website