Đô thị khả phục hồi hậu thảm họa và khủng hoảng

TS. Trần Minh Tùng

Trưởng Bộ môn Kiến trúc dân dụng, Khoa Kiến trúc & Quy hoạch, Trường Đại học Xây dựng - 0933.264.426 - tungtm@nuce.edu.vn

Tóm tắt

Do tập trung một lượng lớn dân cư và tài sản vật chất, các thành phố luôn là nơi đón nhận đầu tiên và nặng nề các tác động của các thảm họa và khủng hoảng, nhưng cũng lại là nơi có khả năng phục hồi tốt hơn sau thảm họa và khủng hoảng do tập hợp nhiều hơn các nguồn lực và kỹ năng để huy động nhằm khắc phục hậu quả. Thành phố khả phục hồi là thành phố có khả năng lấy lại, duy trì hoặc phục hồi chức năng trong trường hợp bị gián đoạn hoặc xáo trộn do các thảm họa và khủng hoảng ngày càng bất ngờ và có quy mô toàn cầu. Do đó, như một cơ thể sống, thành phố khả phục hồi cũng cần có các phẩm chất cần thiết để tạo ra cho mình một sức đề kháng nhất định. Đại dịch Covid-19 đã cho thấy khả năng phản ứng kịp thời của các đô thị Việt Nam. Đó cũng là một dấu hiệu rõ ràng nhất để chúng ta bắt buộc phải thay đổi tư duy “làm đô thị” với một số yếu tố cần được xem xét dưới góc độ quy hoạch, xây dựng và phát triển các đô thị Việt Nam từ đây về sau, nhằm giúp các thành phố trở nên nhân văn hơn, con người hơn để phục hồi mạnh mẽ hơn, và thích ứng hơn cho một tương lai đầy biến động.

Abtract

Due to their high concentration of population and physical assets, cities are always first and heavily affected by the impacts of disasters and crises but also have the potential to recover faster due to a greater pool of resources and skills to mobilize to overcome consequences. A resilient city is one that can recover and maintain its functions in the event of disruption or disturbance caused by increasingly unexpected and global-scale disasters and crises. Therefore, as a living organism, a resilient city also needs the essential qualities to create self-resistance. The Covid-19 pandemic showed the ability to respond promptly in Vietnamese cities. It is also the clearest sign that we must change our mindset of "making-city" with many factors that need to be considered from the perspective of planning, making and developing Vietnamese cities from now on, in order to help cities become more humane to recover stronger, and more adaptable to a turbulent future.

Từ khóa

Thành phố khả phục hồi, (Hậu) thảm họa, (Hậu) khủng hoảng, (Hậu) Covid-19

Keywwords

Resilient city, (Post-)Disaster, (Post-)Crisis, (Post-)Covid-19

 

Đô thị - những tủ kính trưng bày hào nhoáng nhưng dễ đổ vỡ

Với sự phát triển của nhân loại, các đô thị trở thành những “tủ kính” trưng bày tất cả những gì được gọi là thành quả của con người sau hàng triệu năm tiến hóa, tách rời và chế ngự các môi trường tự nhiên hoang dã để làm chủ và kiến tạo những môi trường sống mới mang đậm dấu ấn “con người”. Những tủ kính này hấp dẫn bởi sự tập trung của những kiến trúc cao tầng, những con đường tấp nập giao thông, những ánh đèn hào nhoáng, mang đến cho con người cảm giác choáng ngợp về những gì mà chính con người có thể tạo ra. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, các đô thị cũng là những tủ kính theo đúng nghĩa đen khi ngày càng trở nên dễ bị tổn thương, dễ bị thiệt hại hay gián đoạn, mà diễn tả một cách nôm na hơn là dễ đổ vỡ, trước những tác động của các hiểm họa từ tự nhiên hay do con người.

Nếu xác định thảm họa hay khủng hoảng đô thị là một sự gián đoạn nghiêm trọng sự vận hành chức năng của một xã hội đô thị, gây ra những mất mát lớn về người, vật chất và môi trường, vượt quá khả năng chống chịu bằng nội lực của cộng đồng bị tác động, thì các thành phố luôn là những nơi đón nhận đầu tiên và nặng nề các tác động do tập trung một lượng lớn dân cư và tài sản vật chất. Mặt khác, đô thị còn là những động lực tăng trưởng kinh tế nên thể hiện rõ ràng nhất các hậu quả suy thoái sau mỗi thảm họa và khủng hoảng. Nhưng ngược lại, đô thị cũng lại là nơi có khả năng phục hồi tốt hơn sau thảm họa do tập hợp nhiều hơn các nguồn lực và kỹ năng mà người dân sở hữu, có thể phát triển, huy động hoặc có thể tiếp cận nhằm cho phép họ có nhiều khả năng kiểm soát tương lai cho mình hơn. Khả năng phục hồi này có thể là các tài sản vật chất như việc sở hữu đất đai hoặc tiền bạc; là các kỹ năng, trình độ dân trí; cũng có thể là từ xã hội, như các tổ chức cộng đồng hoặc các hệ thống phúc lợi đô thị. Chúng cũng có thể của cá nhân mỗi người dân đô thị, như mong muốn được sống sót, hoặc niềm tin vào một ý thức hệ hay tôn giáo.

Đô thị của thế kỷ XXI - đô thị của những thảm họa và khủng hoảng bất ngờ

Khi thế kỷ XXI mở ra, các quốc gia cũng thể hiện rõ mong muồn phần lớn dân số sẽ sống ở các thành phố. Mọi người bị thu hút đến các thành phố như là trung tâm của hoạt động kinh tế, cơ hội và đổi mới. Nhưng các đô thị cũng là nơi tích tụ căng thẳng hoặc những cú sốc bất ngờ có thể dẫn đến suy sụp xã hội, suy giảm vật chất hoặc suy thoái kinh tế. Các thành phố ngày càng phải đối mặt nhiều hơn với những rủi ro so với quá khứ, kể cả những thành phố tự hào đã từng tồn tại hàng thế kỷ và đã chứng tỏ khả năng phục hồi khi đối mặt với việc thiếu hụt tài nguyên, các hiểm họa thiên nhiên và xung đột trong lịch sử.

Những áp lực toàn cầu mới - chẳng hạn như biến đổi khí hậu, môi trường, dịch bệnh, suy thoái kinh tế và khủng bố,... - đặt ra những thách thức mới. Quy mô rủi ro đô thị ngày càng tăng do số lượng người sống ở các thành phố ngày càng cao. Hơn nữa, những rủi ro này cũng khó lường hơn do sự phức tạp của các hệ thống (trong) đô thị và sự xuất hiện đồng thời của nhiều nguy cơ tạo nên những biến thể hay các thảm họa kép. Chẳng hạn như bên cạnh các vấn đề về biến đổi khí hậu diễn ra khốc liệt hơn, ô nhiễm môi trường có dấu hiệu trầm trọng hơn hay nguy cơ khủng bố hiển hiện rõ ràng hơn, những năm cuối thập niên thứ hai, đầu thập niên thứ ba của thế kỷ XXI đã chứng kiến một đại dịch lớn khiến các thành phố chững lại sau một thời gian dài mải miết cạnh tranh thúc đẩy các hoạt động tăng trưởng. Đại dịch Covid-19 đã mang đến những bất ngờ mà con người phải thốt lên “như trong phim”. Những đường phố vắng lặng vì giãn cách xã hội thay cho khung cảnh đông đúc nhộn nhịp người dân đi lại, vui chơi hay hoạt động. Những cơ sở thương mại, dịch vụ buộc phải đóng cửa, thậm chí phá sản, thay cho các hoạt động mua bán tấp nập. Những thành phố bị cách ly, biệt lập với thế giới, dù chỉ là tạm thời một vài tuần, thay cho việc hòa nhập vào mạng lưới các dòng chảy di chuyển mạnh mẽ của hàng hóa, của thông tin, của con người. Và ngược lại, các nghĩa trang trở nên “bận rộn” hơn thay cho vẻ tĩnh lặng thường thấy. Những cảnh tượng “ngược đời” đó đã khiến con người phải suy nghĩ lại về bản chất của các đô thị, cũng như cách đô thị đối phó, thích ứng và phục hồi thế nào trước và sau mỗi thảm họa, mỗi khủng hoảng khó lường.

Thành phố khả phục hồi hay khả năng phục hồi của thành phố

Khả năng phục hồi của thành phố mô tả khả năng hoạt động, vận hành của các thành phố, để những người sống và làm việc ở các thành phố - đặc biệt là những người nghèo và dễ bị tổn thương - tồn tại và phát triển bất kể họ gặp phải những căng thẳng hay cú sốc nào, nhất là do các thảm họa và khủng hoảng gây ra. Khả năng phục hồi là một thuật ngữ xuất hiện trong lĩnh vực sinh thái học vào những năm 1970, để mô tả khả năng của một hệ thống (sinh thái) có thể duy trì hoặc phục hồi chức năng trong trường hợp bị gián đoạn hoặc xáo trộn vì một lý do nào đó. Thuật ngữ này có thể áp dụng cho các thành phố vì xét về bản chất, các đô thị cũng là những hệ thống phức hợp liên tục thích ứng với những hoàn cảnh thay đổi. Khái niệm về một thành phố khả phục hồi càng trở nên cần thiết khi gần đây, thế giới loài người đã có những căng thẳng mãn tính hoặc những cú sốc đột ngột đe dọa sự gián đoạn trên diện rộng hoặc sự sụp đổ các hệ thống vật chất và xã hội đô thị. Hiện nay, thành phố khả phục hồi phải chấp nhận khả năng một loạt các sự kiện gây gián đoạn và xáo động đô thị có thể xảy ra đồng thời và bất ngờ, không dự đoán trước được (như đại dịch Covid-19 mà cả thế giới đang đối mặt). Chính vì vậy, khả năng phục hồi của một thành phố tập trung vào việc nâng cao hiệu suất vận hành của hệ thống đô thị khi đối mặt với nhiều mối nguy hiểm hơn là ngăn ngừa hoặc giảm thiểu tổn thất tài sản do các sự kiện cụ thể.

Theo các nghiên cứu gần đây, như một cơ thể sống, một thành phố khả phục hồi, cũng giống con người, để có thể vượt qua các thảm họa hay khủng hoảng, cần có các phẩm chất cần thiết tạo ra một sức đề kháng nhất định.

  • Thứ nhất là phản xạ, phản ứng kịp thời của đô thị dựa trên việc chấp nhận sự không chắc chắn, dễ thay đổi ngày càng gia tăng trong thế giới ngày nay, từ đó, đô thị có thêm các cơ chế điều chỉnh kịp thời các cách thức vận hành dựa trên bằng chứng mới xuất hiện, bên cạnh các giải pháp ổn định lâu dài dựa trên hiện trạng như cách làm hiện tại.
  • Thứ hai là sự mạnh mẽ, vững chãi của đô thị dựa trên các tài sản vật chất đô thị được hình thành, xây dựng và quản lý tốt để chúng có thể chịu được tác động của các thảm họa mà không bị hư hỏng hoặc hư hỏng không đáng kể.
  • Thứ ba là sự dự phòng, dự báo đô thị được tạo ra một cách có chủ đích trong các đô thị để chúng có thể đáp ứng được sự gián đoạn, áp lực khắc nghiệt hoặc nhu cầu tăng cao, thông qua việc tăng cường nhiều cách để đạt được một nhu cầu nhất định hoặc đáp ứng một chức năng cụ thể.
  • Thứ tư là sự mềm dẻo, linh hoạt đô thị với hàm ý đô thị có thể dễ dàng thay đổi, phát triển và thích ứng nhằm đáp ứng với những hoàn cảnh mới thông qua việc sử dụng các cách thức mới, công nghệ mới, hay cũng có thể là xem xét và kết hợp kiến ​​thức và những thực hành bản địa, truyền thống theo những cách mới.
  • Thứ năm là sự tháo vát, nhanh nhẹn của đô thị để có thể nhanh chóng tìm ra các cách thức khác nhau nhằm đạt được mục tiêu hoặc đáp ứng nhu cầu khi bị sốc hoặc khi bị căng thẳng bằng cách huy động và điều phối các nguồn nhân lực, tài chính và vật chất trên quy mô rộng lớn hơn.
  • Thứ sáu là sự đồng lòng, hòa nhập đô thị nhấn mạnh sự tham gia rộng rãi của cộng đồng, sát cánh cùng nhau giải quyết những tác động của thảm họa. Phương pháp tiếp cận toàn diện người dân đô thị sẽ góp phần tạo nên ý thức về phát triển chung hoặc tầm nhìn chung để tái xây dựng đô thị sau thảm họa.
  • Thứ bảy là tích hợp, liên kết giữa các hệ thống trong đô thị thúc đẩy sự nhất quán trong việc ra quyết định và đảm bảo rằng tất cả đều có thể hỗ trợ lẫn nhau để đạt được một kết quả chung.

Nhìn về tương lai các đô thị Việt Nam hậu Covid

Covid-19 không phải là thảm họa hay khủng hoảng duy nhất mà các thành phố Việt Nam hiện đang phải hứng chịu, mà đó là một dấu hiệu rõ ràng nhất để chúng ta bắt buộc phải thay đổi tư duy “làm đô thị” nhằm thích ứng cho một tương lai đầy biến động. Đấy cũng được xem như liều thuốc thử để thấy được khả năng phục hồi của các đô thị sau đại dịch.

Mặc dù Covid-19 vẫn chưa kết thúc, nhưng bài học được rút ra trong thời gian đối phó vừa qua đã cho thấy một số yếu tố cần được xem xét dưới góc độ quy hoạch, xây dựng và phát triển các đô thị Việt Nam từ đây về sau như:

  • Các đô thị cần hạn chế tình trạng dễ bị tổn thương của người dân trước những tác động của thảm họa và khủng hoảng thông qua việc có một nơi trú ngụ an toàn (để chống chịu các thảm họa tự nhiên) và cao hơn là một môi trường sống tiện nghi tại chỗ (để chống chịu các khủng hoảng xã hội hay dịch bệnh cần giãn cách và cách ly xã hội). Thành phố có hệ thống không gian thương mại, dịch vụ đa dạng và đầy đủ, gắn liền với các môi trường cư trú và được phân bổ với khoảng cách hợp lý để đảm bảo nguồn cung cấp thực phẩm, hàng hóa thiết yếu, đảm bảo luôn sẵn sàng cho người dân trong trường hợp khẩn cấp.
  • Các đô thị cần có những không gian vận động kế cận nơi ở để người dân có thể tự nâng cao sức khỏe vật lý lẫn tâm lý bên cạnh việc bố trí đầy đủ ngân sách và nguồn lực cho chương trình y tế dự phòng và theo dõi sức khỏe cộng đồng. Các khoảng xanh đô thị dưới dạng công viên, vườn hoa, mặt nước, sân thể thao... sẽ góp phần tạo cơ hội cho người dân cải thiện thể chất, tinh thần cũng như giúp đô thị cải thiện các điều kiện vệ sinh, ô nhiễm môi trường.
  • Các đô thị cần tái xem xét mạng lưới, hệ thống và tính chất các công trình y tế nhằm cung cấp các dịch vụ y tế dễ tiếp cận và mức giá phù hợp đến mọi người dân trong điều kiện bình thường và khi có sự cố thảm họa. Bên cạnh các cơ sở y tế công, cần phát triển các cơ sở y tế tư để phủ khắp các địa bàn, các khu dân cư, đảm bảo có thể huy động tất cả các cơ sở y tế công và tư cùng tham gia ứng phó các tình huống khẩn cấp.
  • Các đô thị cần hỗ trợ đầy đủ hạ tầng cơ sở trước nhu cầu của doanh nghiệp, tạo ra môi trường đầu tư hấp dẫn và ổn định để các doanh nghiệp có thể kéo dài thời gian và khả năng chống chịu vì thực tế cho thấy các thành phố tăng trưởng ổn định trong khoảng thời gian dài, phục hồi nhanh hơn sau các cú sốc so với các thành phố khác.
  • Các đô thị cần soạn thảo các hướng dẫn về xây dựng có tính tới các vấn đề rủi ro thiên tai hay dịch bệnh được giới thiệu rộng rãi trên các kênh thông tin truyền thông, đặc biệt là chú ý đến các phương án xây dựng các công trình mang tính dã chiến hoặc tận dụng các công trình sẵn có để biến đổi công năng sử dụng kịp thời.
  • Các đô thị cần chú ý duy trì, bảo vệ hay cải thiện các hệ sinh thái tự nhiên thông qua các chương trình đánh giá hệ sinh thái và xác định được các hệ sinh thái quan trọng có khả năng bảo vệ cho thành phố trước các thảm họa. Các khu vực sinh thái tự nhiên, các nguồn nước quan trọng được đưa vào quy hoạch hạ tầng của thành phố để xem như những nguồn lực dự trữ đô thị.

Sau cơn mưa trời lại sáng...

Nhìn lại trong lịch sử, nhân loại không hiếm những lần đối mặt với các thảm họa và khủng hoảng, đe dọa và tàn phá sức sống các đô thị. Tuy nhiên, một cách lạc quan, các thảm họa hay khủng hoảng này không chỉ mang đến những hệ quả tiêu cực mà còn khiến con người có động lực hơn trong việc đẩy nhanh những tiến bộ y khoa, dịch vụ xã hội, nâng cao ý thức vệ sinh cá nhân và chăm sóc sức khỏe toàn dân, cũng như kích thích sự phát triển của hệ thống phúc lợi xã hội chuyên nghiệp. Dù gây thiệt hại nặng nề trên mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, nhưng không thể phủ nhận rằng đại dịch Covid-19 cũng mang đến nhiều bài học quý báu và mở ra những cơ hội mới cho nhân loại.

Như vậy, trong tương lai, các thành phố sẽ không thể tránh khỏi những thảm họa hay những khủng hoảng, thậm chí mang quy mô toàn cầu. Bên cạnh việc chủ động dự báo và phòng tránh các thảm họa, các thành phố cần chủ động phục hồi sau các thảm họa đó thông qua việc tăng cường sinh kế và cải thiện các điều kiện, môi trường sống của người dân liên quan đến tạo nguồn thu nhập. Các điều kiện sống cơ bản về sức khỏe (gồm cả sức khỏe tinh thần) và dinh dưỡng, rất quan trọng đối với khả năng hồi phục, đặc biệt trong trường hợp thảm họa làm giảm nguồn lương thực và tăng nguy cơ về sức khỏe. Ngoài ra sự tự bảo vệ liên quan đến nơi trú ẩn, nơi an cư trước các hiểm họa là cần thiết bên cạnh sự bảo vệ của xã hội nói chung do các tổ chức địa phương (như các nhóm tự giúp, chính quyền địa phương, các tổ chức phi chính phủ...) cung cấp. Gắn không gian đô thị với các tổ chức xã hội hay chính quyền là cần thiết để có thể xác định, phân bổ các nguồn lực, nguồn thu nhập và sự có mặt và hoạt động của các tổ chức dân sự trong việc kiến tạo hệ thống không gian chăm sóc y tế, nâng cao sức khỏe, cũng như thương mại, dịch vụ.

Đại dịch Covid-19 đã cho thấy khả năng phản ứng kịp thời của các đô thị Việt Nam. Tuy nhiên, sau cơn “bạo bệnh” này, liệu các thành phố có phục hồi lại được “như xưa” (nếu không muốn nói là “hơn xưa”) khi mà thực tế cho thấy nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh, thương mại hay dịch vụ đã bị “tàn phá”. Các thảm họa và khủng hoảng đã phơi bày những tác động lớn của con người lên trái đất để sau các cú sốc đó, có thể tạo ra những thay đổi nhận thức của chính con người về sự cần thiết điều chỉnh hành vi của mình trong thời gian ngắn nhằm cải thiện môi trường môi trường tự nhiên lẫn môi trường đô thị. Ứng phó đại dịch còn làm giàu thêm các ý tưởng kiến tạo đô thị giúp các thành phố trở nên nhân văn hơn, con người hơn để phục hồi mạnh mẽ hơn.

Tài liệu tham khảo

Michael Digregorio, Nguyễn Trí Thanh, Lê Quang Trung (2018). Chỉ số chống chịu của các đô thi Việt Nam - Báo cáo chứng minh khái niệm. Hà Nội: The Asia Foundation & The Rockefeller Foundation

The Rockefeller Foundation, Arup (2015). City Resilience Framework. https://www.rockefellerfoundation.org/wp-content/uploads/City-Resilience-Framework-2015.pdf

Hội Chữ thập đỏ Việt Nam (2010), Đánh giá tình trạng dễ bị tổn thương và khả năng (VCA) - Sổ tay dành cho Hướng dẫn viên đánh giá VCA Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Tập 1. https://www.rcrc-resilience-southeastasia.org/wp-content/uploads/2016/01/Danh-Gia-Tinh-Trang-De-Bi-Ton-Thuong-Va-Kha-Nang-VCA-tap-1.pdf

(Nguồn:Tạp chí quy hoạch xây dựng (số 109+110))
Tin cũ hơn

Tạp chí QHXD

Ebook

Giới thiệu sách

Liên kết website