Quy hoạch xã, phường mới cần gắn với vùng thoát lũ và hiệu quả quản lý

Trong quá trình sắp xếp, điều chỉnh địa giới hành chính cấp cơ sở, việc tuân thủ các nguyên tắc về dân cư, diện tích là cần thiết. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, cần đánh giá kỹ các yếu tố địa hình và không gian thoát lũ, nhất là tại các vùng ven sông, bãi nổi.

Từ ngày 1/7/2025, các đơn vị hành chính cấp xã, phường mới của Hà Nội chính thức được vận hành. Ảnh minh họa

Ranh giới mới phải tính đến địa hình và thoát lũ

Quá trình tái cấu trúc đơn vị hành chính tại Hà Nội đang được triển khai theo hướng hiện đại, tối ưu hoá bộ máy và nâng cao hiệu quả quản lý. Một trong những tiêu chí quan trọng khi phân chia địa giới hành chính mới là dựa trên trục giao thông chính và ranh giới tự nhiên như sông, mương, đường phân thủy. Cách làm này được các chuyên gia đánh giá là giúp làm rõ ranh giới địa lý, thuận tiện cho việc thiết lập bản đồ và quản lý hành chính, từ đó hạn chế tối đa sự chồng chéo giữa các phường, xã.

Từ ngày 1/7/2025, các đơn vị hành chính cấp xã, phường mới của Hà Nội chính thức được vận hành. Đây là kết quả từ quá trình sắp xếp lại các xã, phường không đạt 50% tiêu chuẩn diện tích và dân số, theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Thành phố đã ban hành bản đồ địa giới hành chính chính thức và công bố công khai trên hệ thống bản đồ số.

TS. Nguyễn Văn Khôi, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đánh giá, việc sắp xếp đơn vị hành chính là điều tất yếu để tinh gọn bộ máy và khai thác hiệu quả nguồn lực đô thị. Tuy nhiên, nếu không gắn chặt với quy hoạch không gian, đặc biệt là địa hình vùng ven sông - nơi có rủi ro ngập lụt cao - thì nguy cơ phát sinh sai phạm trong cấp phép xây dựng là rất lớn.

Trao đổi với báo chí, KTS. Trần Huy Ánh, Ủy viên Thường trực Hội Kiến trúc sư Hà Nội cho rằng, việc xác định địa giới hành chính theo ranh giới tự nhiên là một nguyên tắc hợp lý từ góc độ địa hình học. Đây là cơ sở khoa học để thiết lập các mốc ranh giới rõ ràng, giúp chính quyền các cấp dễ dàng quản lý, quy hoạch và phát triển. Tuy nhiên, quá trình này cần được nhìn nhận trong mối tương quan với yếu tố địa lý nhân văn, nơi yếu tố văn hóa, lịch sử và cộng đồng truyền thống có vai trò lớn trong định hình không gian sống.

Hà Nội đã trải qua hơn một thế kỷ đô thị hóa. Trong nội đô, nhiều ranh giới làng xã cũ đã bị xoá nhòa bởi các đợt quy hoạch kiểu phương Tây từ đầu thế kỷ XX. Ngược lại, tại các khu vực nông thôn, dấu tích các làng truyền thống vẫn được ghi lại trong các bản đồ địa chính bằng tiếng Việt, thậm chí bằng chữ Nôm, tạo nên một nền tảng ổn định và đồng thuận xã hội sâu sắc. Đó là bài học về cách thiết kế không gian hành chính hài hòa giữa yếu tố truyền thống và hiện đại.

Bên cạnh yếu tố lịch sử, một thực tế đang đặt ra yêu cầu cấp thiết là: Nhiều khu vực dự kiến tái tổ chức đơn vị hành chính lại nằm trong vùng thoát lũ của sông Hồng, tức các bãi sông, lòng sông giữa hai con đê. Theo Quyết định 257/QĐ-TTg về quy hoạch phòng chống lũ và đê điều sông Hồng - Thái Bình, đây là vùng tuyệt đối không được phép xây dựng hay san lấp, bởi tiềm ẩn rủi ro ngập lụt và vi phạm luật pháp.

Chuyên gia cảnh báo, nếu không cẩn trọng trong quản lý ranh giới tại các vùng bán ngập, các cơ quan chức năng có thể lặp lại bài học đau xót như năm 1995, khi một số cán bộ bị xử lý vì cấp phép xây dựng sai phạm trong hành lang đê điều. Hơn nữa, theo luật hiện hành, không gian mặt nước và hành lang thoát lũ chịu sự quản lý của Bộ Nông nghiệp và Môi trường. Việc quản lý nếu không phân định rõ sẽ gây khó khăn trong thực thi và kiểm soát. Chính vì vậy, các chuyên gia kiến nghị Hà Nội cần xây dựng quy trình cấp phép riêng cho các khu vực nhạy cảm về địa hình, phân biệt rõ ranh giới tự nhiên với hành chính trên hệ thống bản đồ số.

Đồng bộ hóa hạ tầng, số hóa địa giới và dữ liệu đất đai

Việc sắp xếp lại địa giới hành chính không chỉ là điều chỉnh ranh giới trên bản đồ mà còn kéo theo yêu cầu đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, dữ liệu đất đai và quy trình hành chính.

Ngay từ tháng 5/2025, Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội đã phối hợp với Sở Nội vụ và các quận, huyện liên quan tiến hành bàn giao hồ sơ, dữ liệu đất đai, địa giới hành chính, bản đồ địa chính cho các xã, phường mới. Tất cả dữ liệu đều được số hóa, tích hợp lên nền tảng bản đồ địa chính điện tử, bảo đảm tính liên thông trong công tác quản lý đất đai và quy hoạch đô thị.

Đại diện Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội, cho biết, toàn bộ ranh giới các đơn vị hành chính mới đã được cập nhật vào cơ sở dữ liệu địa giới hành chính thống nhất toàn thành phố. Song song với đó, chúng tôi đang tích hợp dữ liệu sử dụng đất, quy hoạch phân khu, quy hoạch giao thông, thoát nước… lên hệ thống bản đồ số để phục vụ quản lý và ra quyết định từ cấp xã đến Thành phố.

Đáng chú ý, quá trình số hóa ranh giới còn giúp minh bạch hóa quyền quản lý, sử dụng đất, từ đó giảm tình trạng chồng chéo, khiếu kiện đất đai. Ngoài ra, các địa phương cũng được yêu cầu chuẩn hóa dữ liệu thửa đất, cắm mốc giới thực địa, và cập nhật kịp thời các biến động sau sắp xếp để phục vụ kiểm kê, quy hoạch và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân.

Về hạ tầng hành chính xã hội, TP. Hà Nội đã chỉ đạo bố trí lại trụ sở hành chính, cập nhật biển hiệu, tổ chức lại bộ máy để các xã, phường mới bắt đầu vận hành chính thức từ ngày 1/7/2025. Một số nơi sử dụng lại trụ sở cũ (sau khi sáp nhập), một số nơi cải tạo hoặc xây mới theo tiêu chuẩn thống nhất. Cùng với đó, các hệ thống phần mềm dịch vụ công, cơ sở dữ liệu hộ tịch, cư trú, quản lý dân cư… cũng được chuyển đổi, đồng bộ theo đơn vị hành chính mới.

TS. Nguyễn Thị Kim Thoa, chuyên gia quy hoạch đô thị nhận định, việc sáp nhập xã, phường nếu chỉ làm trên giấy tờ mà không đồng bộ hạ tầng và dữ liệu thì sẽ tạo ra khoảng trống quản lý mới.

Vì vậy, việc Hà Nội chủ động số hóa toàn diện địa giới, kết nối quy hoạch đa ngành và đẩy mạnh phân cấp, từ đó tạo nền tảng để xây dựng chính quyền đô thị hiện đại, minh bạch và phục vụ tốt hơn cho người dân.

Bên cạnh đó, UBND TP. Hà Nội cũng đang chỉ đạo Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội khẩn trương rà soát các khu vực phát triển đô thị nằm giáp ranh giữa các xã/phường mới sáp nhập để cập nhật vào điều chỉnh cục bộ các quy hoạch phân khu. Mục tiêu là bảo đảm quy hoạch không bị chia cắt, trùng lặp hoặc lãng phí không gian đô thị, đồng thời hỗ trợ các địa phương mới thuận lợi trong lập quy hoạch chi tiết 1/2.000, kêu gọi đầu tư hạ tầng kỹ thuật và dịch vụ.

Đặc biệt, để phát triển Thủ đô toàn diện, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội đang đề xuất phương án xác định ranh giới các khu vực trọng điểm phát triển - như vành đai xanh, vành đai công nghiệp - gắn với địa giới xã/phường mới để tích hợp vào quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050.

Về công tác tiếp nhận dân cư, chỉnh lý hồ sơ địa chính, tại nhiều phường xã mới tạm thời duy trì các cán bộ quản lý cũ để bảo đảm thông suốt hoạt động hành chính.

Theo UBND TP. Hà Nội, quá trình sắp xếp bảo đảm tính liền mạch, không chia cắt trong quản lý, trong sự đồng bộ, liên thông của hệ thống kết cấu hạ tầng và phát huy hiệu quả của các khu vực trọng điểm, vùng động lực phát triển. Đồng thời, các khu vực là trục, động lực phát triển; yếu tố đặc thù, đặc biệt cần được tổ chức nằm trọn trong phạm vi một đơn vị hành chính cơ sở mới để bảo đảm quản lý hiệu quả, sát dân, gần dân, nhưng đồng thời giữ được không gian phát triển dài hạn, đóng vai trò là các cực tăng trưởng, đầu tàu dẫn dắt sự phát triển của các khu vực lân cận và Vùng đồng bằng sông Hồng.

Việc sắp xếp, điều chỉnh 126 xã, phường mới tại Hà Nội không chỉ là giải pháp kỹ thuật trong cải cách hành chính, mà còn là cơ hội để thiết lập một nền tảng quản lý đô thị hiện đại, hiệu quả và minh bạch hơn. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu dài hạn, quá trình này cần được thực hiện đồng bộ từ ba chiều: pháp lý hành chính - không gian quy hoạch - hạ tầng dữ liệu số.

Các chuyên gia đồng thuận rằng, nếu không đánh giá kỹ yếu tố địa hình và vùng thoát lũ, đặc biệt tại các khu vực ven sông, bãi nổi, thì những rủi ro về xây dựng trái phép, tranh chấp đất đai và mất an toàn dân sinh có thể sẽ tiếp tục phát sinh - làm giảm hiệu quả cải cách.

Hà Nội đang đi đúng hướng khi tích cực số hóa bản đồ địa giới, dữ liệu sử dụng đất, đồng thời lồng ghép các yếu tố thủy văn, quy hoạch hạ tầng vào quản trị hành chính. Tuy vậy, thành phố cần đẩy mạnh phân cấp, trao quyền quy hoạch chi tiết cho các địa phương mới nhằm nâng cao tính chủ động, thu hút đầu tư hạ tầng và đảm bảo sự đồng thuận trong cộng đồng dân cư.

Quản lý hành chính không thể tách rời với đặc điểm tự nhiên - văn hóa - lịch sử. Do đó, quy hoạch xã/phường mới cần không chỉ đúng pháp luật, hợp lý về mặt kỹ thuật mà còn phải thấm đẫm yếu tố địa hình và bản sắc địa phương, để mỗi đơn vị hành chính mới thực sự là "hạt nhân" vận hành chính quyền đô thị thông minh và phát triển bền vững.

(Nguồn:chinhphu.vn)
Tin cũ hơn

Tạp chí QHXD

Ebook

Giới thiệu sách

Liên kết website