Xử lý rác nhìn từ các nước

Không chỉ tại Việt Nam, việc xử lý rác thải là một trong những thách thức về môi trường mà nhiều nước trên thế giới gặp phải. Ngân hàng Thế giới từng cảnh báo, số lượng chất thải rắn mà loài người thải ra sẽ tăng từ 1,3 tỷ tấn hiện nay lên 2,2 tỷ tấn vào năm 2025, chi phí quản lý chất thải trên toàn cầu tăng từ 205 tỷ USD lên 375 tỷ USD/năm.

Và nếu không có chiến lược xử lý, tái chế rác thải ở các thành phố có tốc độ đô thị hóa nhanh và các quốc gia thu nhập thấp, việc xảy ra cuộc khủng hoảng rác là khó tránh khỏi.

Ý thức được các thách thức của tương lai, nhiều quốc gia đã có chính sách thiết thực về quản lý, thu gom và xử lý rác phù hợp với điều kiện riêng. Nhiều nước đưa ra nhiều biện pháp chế tài mạnh cũng như khuyến khích người dân chấp hành, tăng tỷ lệ tái chế thông qua phân loại rác tại nguồn từ các hộ gia đình, áp dụng công nghệ xử lý, tái chế rác hiện đại… Vậy những nước được mệnh danh là "quốc gia sạch" họ đã xử lý rác như thế nào?

Nhật Bản: Vứt rác bừa bãi có thể bị phạt tù

Nhật Bản được biết đến là một trong những quốc gia xử lý rác thải hiệu quả nhất thế giới, nổi tiếng với sự sạch sẽ, đường phố “không rác” là những gì người ta có thể cảm nhận được khi đến với đất nước mặt trời mọc.

Đầu tiên là bắt buộc phân loại rác chi tiết từ các hộ gia đình. Kế đến  công tác xử lý rác thải sinh hoạt được quản lý theo cấp độ địa phương (quận, huyện). Mỗi địa phương có cách phân loại rác khác nhau, nhưng về cơ bản rác thải sinh hoạt  được chia thành 4 loại chính: rác đốt được, rác không đốt được, rác nguyên liệu và rác thải cỡ lớn.

Loại rác phổ biến và được thải ra hàng ngày nhiều nhất là rác đốt được, thường là rác thải từ nhà bếp, vụn giấy, quần áo cũ, lá cây... Mỗi loại sẽ được thu gom theo từng túi ni lông riêng, sau đó buộc vào một túi chung.

Loại rác này thường được thu gom với tần suất hai lần một tuần. Rác không đốt được bao gồm kim loại, thủy tinh, gốm sứ, pin khô và các thiết bị điện gia dụng nhỏ... và thường không phổ biến nên tần suất thu gom mỗi tháng một lần.

 Tại Nhật Bản rác không cháy phải bỏ vào từng thùng riêng biệt như thùng đựng vỏ lon, thùng đựng rác thủy tinh… và bắt buộc không được vứt rác để nguyên trong túi nilon.

Rác nguyên liệu gồm các loại chai lọ thủy tinh, lon nước, báo, tạp chí và thùng carton... được thu gom một lần mỗi tuần. Chai lọ như sữa hoặc đồ uống, được khuyến nghị là rửa sạch trước khi vứt để tránh gây mùi khó chịu cho nhân viên tái chế.

Với rác thải cỡ lớn gồm các loại chăn đệm, đồ gia dụng như quạt, máy hút bụi, tivi, tủ lạnh, máy in, bàn ghế, đồ chơi trẻ em cỡ lớn, khi đổ loại rác này người dân phải đăng ký trước và trả phí từ 3.000-10.000 yên  tùy kích thước.

Việc xử phạt khi vi phạm quy định về vứt rác tại Nhật rất nghiêm khắc, vứt rác bừa bãi có thể bị phạt 5 năm tù hoặc 10 triệu yên. Vứt tàn thuốc vào rãnh mương tạm giam 1-30 ngày, phạt tiền từ 1.000-10.000 yên. Vứt rác từ xe hơi bị phạt từ 50.000 yên.

Theo báo cáo của Waste Atlas, mỗi năm mỗi người Nhật xả ra môi trường gần 350kg rác thải và sinh ra khoảng 45 triệu tấn rác, đứng thứ 8 trên thế giới. Do không có nhiều đất để chôn lấp rác, nước này buộc phải dựa vào giải pháp đốt rác. 20,8% tổng lượng rác thải hàng năm được đưa vào tái chế, đặc biệt là các chai nhựa tổng hợp polyethylene terephthalate (PET) - chai đựng nước uống trong các máy bán hàng tự động và cửa hàng tạp hóa trên khắp đất nước Nhật.

Ngoài ra, Nhật Bản cũng ứng dụng công nghệ lấp biển bằng đá nặng, xi măng, bụi và rác để tạo thêm đất mới. Cả hai sân bay quốc tế là Chubu Centrair và Kansai đều xây trên những hòn đảo nhân tạo được bồi lấp từ rác. Tại Tokyo, chính quyền thành phố đã cải tạo 249km2 đất dọc vịnh Tokyo cũng từ các bãi rác.

Singapore: Dùng công nghệ đốt rác phát điện

Cũng như Nhật Bản, Singapore cũng phạt nặng đối với hành vi gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, giải pháp bền vững là tuyên truyền cho người dân về bảo vệ môi trường, tăng cường phân loại rác tại nguồn, đẩy mạnh tái chế rác thải…

Và để tiết kiệm diện tích đất cũng như giảm lượng rác phải chôn lấp, Singapore triển khai biện pháp đầu tư vào công nghệ đốt rác phát điện.

Từ năm 1979, quốc đảo này xây dựng nhà máy đốt rác phát điện đầu tiên tại Ulu Pandan, sau đó tiếp tục xây dựng thêm 4 nhà máy đốt rác khác là Senoko, Tuas, Tuas South và Keppel Seghers Tuas (KST).

Theo thống kê của Cơ quan Môi trường quốc gia Singapore (NEA), mỗi ngày nước này thải ra khoảng 21.023 tấn rác các loại. Trong đó 58% lượng rác được đưa đến các nhà máy tái chế, 41% đem đến những nhà máy đốt rác phát điện, 1% không đốt được mang đến bãi chôn lấp Semakau để xử lý.

Rác chôn lấp tại đảo Semakau là tro rác và rác không đốt cháy được, sau khi đổ vào những ngăn được chuẩn bị sẵn, người ta lấp đất lên. Mục đích là dụ các loài côn trùng và chim chóc đến làm màu mỡ cho đất. Ý tưởng này thành công ngoài mong đợi khi Semakau hiện là điểm quan sát chim nổi tiếng bậc nhất của Singapore.

Việc đốt rác phát điện giúp Singapore giảm đến 90% lượng chất thải rắn phải chôn lấp, đáp ứng gần 3% nhu cầu điện năng của đất nước. Các nhà máy đốt rác của Singapore vận hành theo quy trình: Rác được dồn vào một hầm chứa đặc biệt với thiết kế ngăn mùi hôi thối thoát ra bên ngoài. Những máy nghiền được vận hành để nghiền nát những rác thải cứng rồi đưa vào lò đốt.

Trong suốt thời gian đốt rác thải, nhiệt từ quá trình đốt sản sinh ra hơi giúp đẩy máy phát turbine và tạo ra điện. Sau khi đốt hết rác, khói phát ra từ quá trình đốt rác trải qua quá trình lọc cẩn thận giúp loại bỏ những chất gây ô nhiễm độc hại và được xả vào không khí. Thứ còn lại cuối cùng của quá trình đốt rác là tro, được chuyển đến đảo chôn rác Semakau.

 

Đức: Phân loại rác theo màu, cơ hội kinh doanh

Người dân Đức có phần đặc biệt hơn: phân loại rác theo màu, gọi là sáng kiến “Green Dot”. Theo đó, đựng trong thùng màu nâu là các loại rác hữu cơ có thể phân hủy, như thức ăn thừa, rau hoa quả, vỏ trứng, vỏ các loại hạt, bã cà phê và chè, lá cây rụng, cỏ…

Rác thải khó phân hủy thường không chứa chất độc hại, được đựng trong thùng màu đen như tàn thuốc lá, tro, đầu mẩu thuốc lá, mẩu cao su thừa, băng gạc vệ sinh, bỉm trẻ em, sản phẩm làm từ da và đồ giả da…

 Người Đức phân loại rác theo màu, gọi là sáng kiến “Green Dot”.

Thùng rác màu vàng đựng các loại chất dẻo như túi ni lông, đồ hộp/lon rỗng, hộp đựng nước. Thùng đựng rác giấy màu xanh da trời, có thể vứt các loại báo cũ, tạp chí cũ, tờ rơi, sách cũ, bao bì bằng giấy, hoặc bìa cứng.

Riêng thùng thủy tinh để vứt chai, lọ là thùng to tròn màu xanh lá cây với nhiều ngăn. Trong đó chai, lọ thủy tinh bỏ vào một ngăn, còn các chai, lọ nhựa khác bỏ vào ngăn khác và không vứt các loại vỏ chai có thể tái sử dụng.

Đối với các loại rác cồng kềnh, khó xử lý như đồ nội thất không được phép vứt bừa bãi, mà phải gọi cho công ty môi trường đến thu gom, tân trang và bán ở các khu chợ đồ cũ. Khi phân loại không đúng, rác sẽ không được thu gom. Nếu bị các công ty môi trường phát hiện vứt rác bừa bãi, người dân có thể bị phạt tiền.

Các nhà sản xuất và bán lẻ phải trả phí cho sản phẩm, sản phẩm càng có nhiều bao bì đóng gói mức phí sẽ càng cao. Nhờ quy định này, tỷ lệ giấy, bìa, thủy tinh, kim loại thải ra giảm đáng kể và phải tái chế ít hơn.

Năm 1950, Đức có khoảng 50.000 bãi chôn lấp rác. Đến năm 2016, con số này đã giảm xuống chỉ còn 300 và tất cả các bãi chôn lấp đều không chấp nhận rác chưa qua phân loại.

Chính phủ Đức đặt mục tiêu từ năm 2020 sẽ xóa bỏ tất cả các bãi chôn lấp rác hiện có, đồng thời lên kế hoạch tái chế toàn bộ lượng rác thải và biến rác thải thành năng lượng. Theo ước tính, việc tái chế rác và biến rác thành năng lượng sẽ giúp Đức tiết kiệm 3,7 tỷ eur mỗi năm. Các hệ thống xử lý rác thải đã giúp tiết kiệm 20% chi phí nhập khẩu kim loại và 3% chi phí nhập khẩu năng lượng.

Vì vậy, các doanh nghiệp Đức coi đây là một cơ hội đầu tư, kinh doanh. Nhờ các sáng kiến đột phá về xử lý rác thải, các doanh nghiệp Đức hiện đang dẫn đầu thế giới trong một lĩnh vực giàu tiềm năng phát triển.

Thụy Điển: Nhập thêm rác cho 32 nhà máy tái chế rác thải

Thụy Điển là nước đi đầu ở châu Âu trong xử lý rác thải. Phần lớn người dân có thùng phân loại rác ngay tại gia đình. Rác thải thực phẩm cũng sẽ được tách ra để tái sử dụng hoặc tái chế. Rác đã được phân loại sẽ được tập kết tới những thùng chứa đặc biệt ở các tòa nhà, khu dân cư và sau đó được chuyển tới địa điểm tái chế.

Tại Thụy Điển, một số xe chở rác đặc biệt sẽ chạy quanh thành phố để thu nhặt các loại rác thải nguy hại như đồ điện tử hay hóa chất. Những loại rác thải cỡ lớn như nội thất hư hỏng hay tivi cũ được đưa tới trung tâm tái chế ở ngoại ô thành phố.

 Nhà máy sản xuất điện năng từ rác thải ở Linkoping (Thụy Điển).

Nước này thậm chí còn nhập khẩu rác để có đủ nguyên liệu cho các nhà máy tái chế để hoạt động. Chỉ 1% rác thải ở Thụy Điển bị thải ra môi trường, 99% còn lại được thu gom để tái chế và xử lý tạo ra năng lượng. Sau nhiều thập niên phát triển, công nghệ tái chế rác ngày càng trở nên hiệu quả và hệ thống nhà máy đốt rác đã được nhân rộng trên khắp cả nước.

Đến nay, Thụy Điển đã có 32 nhà máy tái chế rác thải. Khoảng 1% lượng rác thải không thể tái chế còn lại được đưa tới bãi chôn lấp. Với công nghệ tiên tiến, khói từ các lò đốt rác của Thụy Điển với 99,9% carbon dioxide và nước nhưng vẫn được tiếp tục lọc qua các hệ thống lọc. Bùn từ hệ thống lọc này sẽ được sử dụng để lấp đầy các mỏ quặng bị bỏ hoang.

Ngoài chuyện bảo vệ môi trường có sự phối hợp từ ý thức của người dân, công nghệ xử lý rác thải hiện đại và hiệu quả cũng là điểm đáng chú ý của quốc gia Bắc Âu này. Tại Malmo, thành phố lớn thứ 3 Thụy Điển, đến 60% lượng điện tiêu thụ và nhiệt cung cấp cho hệ thống sưởi tại đây đang được cung cấp từ một nhà máy tái chế rác thải.

Hệ thống tái chế xử lý rác hiệu quả đã giúp cho Thụy Điển trở thành nước đầu tiên trên thế giới tái chế được đến 99% lượng rác thải của mình. Rác nhập khẩu hàng tuần chủ yếu từ Anh và nhiều nước châu Âu khác. Thụy Điển hiện đang nhắm tới một nguồn rác giá rẻ khác: rác trên các đại dương.

Đan Mạch: Cấm đốt rác có thể tái chế

Tại Đan Mạch, chính quyền địa phương chịu trách nhiệm thu gom và xử lý rác thải. Luật của Đan Mạch cấm đốt những chất thải có thể tái chế được. Các địa phương có thể đổ chất thải có thể tái chế được ở những trung tâm tái chế mà không phải trả lệ phí, nhưng sẽ bị phạt nặng nếu đưa chất thải có thể tái chế được vào lò đốt.

Tại nhà máy Vestforbraending ở Copenhagen, nhà máy xử lý chất thải kiểu mới lớn nhất của Đan Mạch, xe tải chở chất thải phải dừng lại ở trạm cân xe trước khi vào nhà máy đổ rác. Rác được kiểm tra ngẫu nhiên để phát hiện chất thải có thể tái chế được và những người vi phạm bị phạt rất nặng.

Ở thành phố Horsholm của Đan Mạch, chỉ có 4% rác thải được đưa tới bãi rác và 1% (gồm hóa chất, sơn và chất thải điện tử) được chuyển tới bãi chôn rác đặc biệt, 61% chất thải của thành phố được tái chế và 34% được đốt trong nhà máy biến chất thải thành năng lượng.

Những nhà máy này đã sử dụng nhiều thiết bị sàng lọc mới, để loại ra những chất có thể gây ô nhiễm trước khi đưa rác vào lò đốt. Mức ô nhiễm trong khói của các nhà máy này thấp hơn tiêu chuẩn môi trường nghiêm ngặt của châu Âu từ 10-20%. Những chất thải có thể gây ô nhiễm được xử lý theo phương pháp riêng, chứ không đem chôn.

Áo: Sử dụng enzyme để tái chế  rác nhựa

Theo báo cáo của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc năm 2018, mỗi phút thế giới tiêu thụ 1 triệu chai nhựa, mỗi năm có 500 tỷ túi ni lông được sử dụng, thế giới thải ra khoảng 300 triệu tấn rác thải nhựa, tương đương với trọng lượng của dân số toàn cầu.

Loại chất dẻo này chiếm 10% tổng lượng chất thải và hiện đang tác động tiêu cực đến môi trường, kinh tế và sức khỏe con người. Làm thế nào để tái chế lượng rác thải này là một bài toán khó đối với nhiều quốc gia trên thế giới.

 Dưới tác động của enzim, nhựa PET sẽ bị phân hủy thành phân tử và sau đó có thể dễ dàng chuyển đổi lại thành nhựa chất lượng cao.

Trong khi cả thế giới đang đau đầu vì rác thải nhựa, Áo - một quốc gia nhỏ bé nhưng đã làm được điều phi thường trong việc xử lý vấn đề này. Bởi nước Áo rất chú trọng phát triển các công nghệ tiên tiến để xử lý rác thải. Một công ty công nghệ sinh học của nước này đã phát triển phương pháp sử dụng enzyme từ vi khuẩn để tái chế nhựa PET, loại nhựa thường được dùng để sản xuất chai nhựa đựng nước dùng một lần.

Dưới tác động của enzyme, nhựa PET sẽ bị phân hủy thành phân tử và sau đó có thể dễ dàng chuyển đổi lại thành nhựa chất lượng cao. Enzyme vốn không có độc chất, dễ phân hủy và có thể sản xuất số lượng lớn. Do vậy việc phát hiện ra loại enzyme đột biến có thể phân hủy nhựa PET, được coi là một bước đột phá trong việc tái chế nhựa.

Ở Áo, hàng ngàn thùng nhựa chứa rác chờ tái chế hiện diện trên các con phố mỗi tuần. Rác được phân loại tỉ mỉ trước khi đưa đến các nhà máy tái chế để tiếp tục vòng đời trong một hình dạng khác.

Các thùng nhựa đựng rác tái chế được tập trung về trung tâm tái chế để nhà máy tiếp tục hoàn tất quá trình phân loại rác. Với những đồ vật cồng kềnh như giường, tủ… phải gọi công ty xử lý rác thải và trả một khoản phí thu gom.

(Nguồn:saigondautu.com.vn)
Tin cũ hơn

Tạp chí QHXD

Ebook

Giới thiệu sách

Liên kết website