Trung Quốc: Tương lai là các siêu thành phố thông minh

Nhà kinh tế học Trung Quốc Robin Xing tại Morgan Stanley nhận xét: “Theo chúng tôi, Trung Quốc đã sẵn sàng trở thành một nước đi đầu toàn cầu trong lĩnh vực phát triển thành phố thông minh và cụm thành phố”.

Giai đoạn tăng trưởng tiếp theo tại Trung Quốc có thể xuất phát từ việc phát triển các siêu thành phố thông minh kết nối mạng di động 5G, lưới điện thông minh, năng lượng tái tạo và giao thông hiện đại.

Đài Sputnik dẫn báo cáo của ngân hàng đầu tư Morgan Stanley cho biết dự kiến mật độ đô thị hóa của quốc gia châu Á này sẽ tăng từ mức hiện tại 60% lên 75% vào năm 2030, tiếp nhận thêm 220 triệu cư dân thành phố mới.

Morgan Stanley định nghĩa các siêu thành phố thông minh là những cụm trung tâm khổng lồ được bao quanh bởi các thành phố vệ tinh lớn. Nhà kinh tế học Trung Quốc Robin Xing tại Morgan Stanley nhận xét: “Theo chúng tôi, Trung Quốc đã sẵn sàng trở thành một nước đi đầu toàn cầu trong lĩnh vực phát triển thành phố thông minh và cụm thành phố”.

Theo ông Robin Xing, về dài hạn, các xu hướng đô thị hóa thông minh sẽ giúp duy trì tăng trưởng năng suất và giảm thiểu những “cơn gió ngược” tăng trưởng cơ cấu từ dân số già.

Theo báo cáo, Trung Quốc đã chuyển tập trung chiến lược đô thị hóa trong 2 năm qua sang phát triển 5 cụm thành phố tại các vùng tiên tiến bao gồm vùng châu thổ sông Dương Tử, vùng Jing-Jin-Ji (Bắc Kinh, Thiên Tân, Hà Bắc), Vùng Vịnh lớn (gồm chín thành phố ở tỉnh Quảng Đông của Trung Quốc, cộng với Hong Kong và Macau), Vùng giữa sông Dương Tử và Vùng Thành Đô-Trùng Khánh.

Ước tính, trung bình dân số của 5 cụm thành phố hàng đầu này sẽ chạm mốc 120 triệu người vào năm 2030. Mỗi cụm thành phố sẽ gần bằng quy mô dân số Nhật Bản.

Bản báo cáo trên đã giúp hình dung về cuộc sống tương lai tại một siêu thành phố thông minh tiềm năng khi người dân đi lại hằng ngày bằng đường sắt tốc độ cao và xe tự lái trên lưới điện thông minh, các hộ gia đình tự động có thiết bị Internet vạn vật thông minh (IoT) chạy trên mạng 5G, cũng như chăm sóc sức khỏe tốt hơn nhờ trí tuệ nhân tạo và cơ sở dữ liệu big-data.

Sự phát triển nhanh chóng như vậy sẽ thúc đẩy nhu cầu về viễn thông và tiện ích, cũng như thúc đẩy đầu tư vào các lĩnh vực như đám mây công cộng, cơ sở hạ tầng 5G và thiết bị IoT.

“Trong thời gian dài, các tính năng của thành phố thông minh tiên tiến hơn, chẳng hạn như xe không người lái, máy bay không người lái tự động cùng các thiết bị gia dụng được kết nối và tự động hoàn toàn sẽ đưa năng suất lên một tầm cao mới”, ông Shawn Kim, Trưởng nhóm nghiên cứu công nghệ châu Á tại Morgan Stanley nhận xét.

Nghiên cứu gợi ý rằng bước chuyển dịch của Trung Quốc sang các siêu thành phố thông minh sử dụng công nghệ cao sẽ tạo ra vô số cơ hội cho hoạt động đầu tư toàn cầu. Các thành phố thông minh sẽ nổi lên như một dự án thí điểm sớm cho những nhà khai thác viễn thông để kiếm lợi từ các khoản đầu tư 5G.

Cuối năm 2019, giới chức Trung Quốc vừa công bố Ô Trấn là “thị trấn thông minh 5G” đầu tiên ở nước này, nơi người dân có thể tải phim chất lượng cao trong tích tắc bằng điện thoại thông minh.

Trên 140 cột phát sóng 5G (mạng di động thế hệ thứ 5) đã được nhà thầu China Telecom và tập đoàn công nghệ Huawei đưa vào hoạt động tại Ô Trấn để phục vụ liên lạc qua mạng không dây di động thế hệ mới cho thị trấn cổ có 60.000 dân này. Thị trấn trên sông cổ kính này rộng khoảng 70 km2 thuộc thành phố Gia Hưng, tỉnh Chiết Giang, cách không xa Thượng Hải.

(Nguồn:chinhphu.vn)
Tin cũ hơn

Tạp chí QHXD

Ebook

Giới thiệu sách

Liên kết website