Tháp lọc không khí giúp giảm ô nhiễm

Tại công viên Sunder Nursery trên địa bàn New Delhi - một trong những thành phố ô nhiễm nhất thế giới, xuất hiện một tháp lọc không khí dạng xoắn độc đáo.

Tháp mang tên Verto cao 5,5 mét giúp giảm lượng NO2 và bụi mịn nguy hiểm bằng cách lọc 600.000 mét khối không khí mỗi ngày.

Sau khi thu thập dữ liệu từ nguyên mẫu tháp, đội ngũ kỹ sư cho ra đời phát minh này tin rằng dự án có thể được nhân rộng để làm sạch không gian công cộng lớn, khu dân cư hay thậm chí toàn bộ thành phố.

Được thiết kế bởi công ty Studio Symbiosis, Verto chứa 5 khối lọc không khí xếp chồng lên nhau. Hai nhà đồng sáng lập Amit và Britta Knobel Gupta giới thiệu thiết bị chạy bằng quạt của họ đủ sức làm sạch không khí trong khu vực bán kính 200 - 500 mét nếu là không gian trong nhà, 100 - 350 mét nếu là không gian ngoài trời tùy thuộc tốc độ gió cùng độ mở của môi trường xung quanh.

“Dữ liệu từ nguyên mẫu là những gì chúng tôi mong đợi, chúng tôi sẽ bắt đầu thảo luận với chính quyền về việc lắp đặt thêm”, Amit cho biết. Ở nhiều quốc gia như Uzbekistan, Pháp, New Zealand cũng có khách hàng tiềm năng. Một công ty Mỹ đang cân nhắc đặt mua khoảng 40 tháp phục vụ công tác xử lý bụi cùng mảnh vụn tại công trường xây dựng.

Theo Britta: “Tôi nghĩ chúng ta có thể lắp đặt tháp tại công viên hay quảng trường công cộng nơi mọi người dành thời gian ở ngoài trời. Lắp đặt tại địa điểm người vô gia cư thường ngủ cũng đem lại lợi ích”.

Thiết kế Verto dạng xoắn cho phép lượng lớn không khí lưu thông qua bề mặt thiết bị để khối lọc hút và làm sạch. Khối lọc là sản phẩm của công ty Đức Mann+Hummel.

Một nghiên cứu đăng trên tạp chí y khoa The Lancet cho biết chỉ tính riêng năm 2019, ô nhiễm không khí đã cướp đi sinh mạng gần 1,6 triệu người tại Ấn Độ. Thủ đô New Delhi thường xuyên bị khói mù bao phủ, chất lượng không khí thành giảm sút vì khí thải từ phương tiện giao thông, nhà máy điện than, hoạt động đốt cây trồng.

Viện Tác động sức khỏe Mỹ (HEI) năm ngoái xác định New Delhi là thành phố có mức độ tiếp xúc với bụi mịn PM2,5 cao nhất thế giới. Amit và Britta bị thôi thúc phải hành động khi họ phải chịu cảnh ô nhiễm khi chuyển từ London (Anh) đến đây.

Amit chia sẻ: “Hoạt động kinh doanh cốt lõi của chúng tôi là kiến trúc. Chúng tôi không muốn tham gia vào lĩnh vực lọc không khí, nhưng ô nhiễm ở đây không thể chấp nhận được. Nó rất tệ”.

Quạt trang bị cho Verto vẫn cần dùng điện nên tháp cũng đang tạo ra khí thải (mặc dù không đáng kể). Studio Symbiosis khắc phục bằng cách dùng quạt “thông minh” tiết kiệm năng lượng, thay đổi tùy tình hình thực tế chẳng hạn như chạy chậm lại khi mức độ ô nhiễm thấp hoặc khi gió mạnh thổi không khí vào.

Khối lọc cần được thay mỗi 3 - 9 tháng nhưng chúng có thể được tái chế một phần. Tiếng ồn do tháp tạo ra không vượt quá 75 decibel, tương đương tiếng ồn máy xay sinh số. Amit ước tính vùng trung tâm New Delhi (Ấn Độ) phải lắp 100 tháp để lọc không khí.

(Nguồn:1thegioi.vn)
Tin cũ hơn

Tạp chí QHXD

Ebook

Giới thiệu sách

Liên kết website