Cần cẩu trên công trường xây dựng ở Berlin, Đức, tháng 1.2023. Ảnh: Xinhua
Ngành xây dựng quan trọng của Đức đang trên bờ vực sụp đổ, gây nguy hiểm cho nền kinh tế nói chung - tờ The Economist đưa tin, trích dẫn dữ liệu từ gã khổng lồ nhà ở Vonovia.
Theo The Economist, lĩnh vực xây dựng chiếm 12% GDP của cả nước Đức và sử dụng một triệu công nhân xây dựng.
Rolf Buch - giám đốc điều hành của Vonovia - cho hay: “Chúng tôi đang đẩy ngành xây dựng của mình xuống vực thẳm”.
Bài báo chỉ ra, mặc dù chính phủ Đức cam kết xây dựng 400.000 căn hộ mỗi năm, nhưng ước tính của ngành cho thấy cần khoảng 700.000 căn hộ mỗi năm, “ít nhất là để cung cấp chỗ ở cho hơn 1 triệu người Ukraina” đang trú ẩn ở Đức.
Năm ngoái, chỉ có 295.000 tòa nhà mới được xây dựng. Buch mô tả tình trạng thiếu nhà ở giá rẻ ở nhiều nơi trên đất nước như một “mồi lửa của xã hội”.
The Economist viết, giá năng lượng tăng vọt và chi phí vật liệu xây dựng cao do sự gián đoạn của chuỗi cung ứng đã làm tê liệt ngành xây dựng. Trong khi đó, lãi suất cao hơn đã làm tăng chi phí nợ mà nhiều nhà xây dựng Đức phải đi vay để khởi công các dự án.
Tất cả điều này dẫn đến việc các công ty xây dựng và nhà phát triển bất động sản phá sản. Có tới 437 công ty xây dựng nộp đơn xin phá sản trong bốn tháng đầu năm nay, tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái.
Người đứng đầu tổ chức tư vấn Ifo Clemens Fuest nói: “Đây không phải là một thị trường đang hoạt động”, đồng thời chỉ ra tình trạng quan liêu, cũng như các quy định nghiêm ngặt về môi trường.
Liên đoàn Bất động sản Đức (ZIA) cho biết trong báo cáo mùa xuân rằng, tình trạng thiếu nhà ở có thể đã đạt mức cao nhất trong 20 năm và khoảng cách giữa cung và cầu có thể tăng lên 700.000 nhà vào năm 2025.
Theo ước tính của ZIA, 1,4 triệu người sẽ phải tìm kiếm một nơi để sống vào năm 2024 và sẽ không thể tìm được nơi nào "nếu chúng ta không xoay chuyển tình thế ngay lập tức".