8 chỉ số trong kinh nghiệm Đan Mạch cải tạo thành phố đáng sống Copenhagen

Trong thời gian diễn ra Hội thảo “Tuần lễ Đan Mạch – Đô thị bền vững và sống tốt”, kiến trúc sư trưởng Hội đồng TP Copenhagen, bà Tina Saaby đã chia sẻ kinh nghiệm của Đan Mạch trong quá trình cải tạo TP Copenhagen.

Dù là thủ đô của đất nước Đan Mạch, nhưng TP Copenhagen chỉ là một thành phố nhỏ với dân số vỏn vẹn 600.000 người và mỗi tháng đón thêm trung bình khoảng 1.000 công dân mới.

Kiến trúc sư Tina Saaby đã nhấn mạnh yếu tố kết nối con người để đồng sáng tạo TP Copenhagen.

Tầm nhìn của TP Copenhagen

Copehagen đang được đánh giá là một trong những thành phố đáng sống nhất thế giới. Vậy Hội đồng TP Copenhagen đã làm những gì để cải tạo thành phố này?

Theo bà Tina Saaby - Kiến trúc sư trưởng Hội đồng TP Copenhagen, vấn đề quan trọng nhất để cải tạo thành phố là tầm nhìn.

Ở cấp độ tầm nhìn cho toàn bộ thành phố, các chính sách, quy định của chính quyền sẽ được quy hoạch cụ thể, lan tỏa đến mọi ngóc ngách của thành phố và tất cả các thành viên đều phải tham gia thực hiện.

Khi lập kế hoạch, Hội đồng TP Copenhagen sẽ tiến hành thảo luận 3 lần nhằm đảm bảo quy hoạch cụ thể ở địa phương luôn có kết nối với tầm nhìn của thành phố, người dân luôn có sự đối thoại với chính quyền.

Bà Tina cũng cho biết: Tổ chức TP Copenhagen hiện tại đã khác nhiều so với quá khứ. Trước đây, mỗi người dân trong TP Copenhagen đều làm việc riêng rẽ. Nhưng hiện tại, Hội đồng thành phố đang thực hiện các giải pháp để người dân tiếp xúc, nói chuyện với nhau nhiều hơn, cùng nhau trao đổi về không gian đô thị và xây dựng những không gian công cộng trong lòng TP Copenhagen.

“Để trở thành một thành phố tốt trong tương lai, chúng tôi cần phải có tư duy chiến lược tốt, không chỉ xây dựng một bản thiết kế tổng thể mà còn phải có tầm nhìn để làm thế nào cho tất cả mọi người đều hiểu cách thức tạo ra một thành phố tốt để làm theo. Chúng ta phải có đối thoại với người dân, phải lắng nghe để tìm ra tiếng nói chung”, bà Tina Saaby nhận định.

Hiện tại, Hội đồng TP Copenhagen đã xây dựng một tầm nhìn cho thành phố trong vòng 10 năm (2015 – 2025), với mong muốn xây dựng 1 thành phố đáng sống, 1 thành phố có trách nhiệm.

Con người trở thành ưu tiên hàng đầu

Kiến trúc sư trưởng Hội đồng TP Copenhagen, bà Tina Saaby khẳng định: Chính quyền TP Copenhagen luôn ưu tiên đặt con người lên hàng đầu trong quá trình cải tạo Copenhagen thành một thành phố đáng sống.

Trong đó, vấn đề quy mô của không gian công cộng rất quan trọng để mọi người gần gũi nhau hơn, kết nối với nhau sâu sắc hơn. Nhận thức rõ vấn đề này, Hội đồng TP Copenhagen luôn cố gắng tìm cách hiểu rõ về con người trong quá trình đô thị hóa, làm thế nào để mọi người nói chuyện với nhau nhiều hơn, làm thế nào để kết nối cuộc sống bên trong và bên ngoài gia đình, làm thế nào để xóa bỏ những rào cản ngăn cách giữa con người với con người.

Toàn cảnh Hội thảo.

Một thành phố có trách nhiệm cần pha trộn, kết hợp không gian làm việc với các tòa nhà xã hội, nhà hàng, rạp chiếu phim... để tạo ra một thành phố đa chức năng, những khu dân cư đa chức năng để mọi người có thể làm việc và sống trong thành phố.

“Tại Copenhagen, chúng tôi nghĩ về cuộc sống đô thị trước khi thiết kế không gian đô thị và nghĩ về không gian đô thị trước khi thiết kế các tòa nhà. Chúng tôi làm điều này bởi chính cuộc sống đô thị sẽ quyết định tính bền vững và đáng sống của thành phố.

Thành phố sẽ không tồn tại nếu không có người dân sử dụng, sống, làm việc và di chuyển quanh thành phố cũng như trong các tòa nhà và trên đường phố. Bởi vậy, yếu tố con người phải đặt lên ưu tiên hàng đầu”, bà Tina Saaby chia sẻ thêm.

Theo quan điểm của bà Tina Saaby, để xây dựng một thành phố đáng sống, chúng ta cần lấy con người làm chuẩn đối sánh thiết kế, chất lượng cuộc sống và đưa mọi người đến gần với nhau, hiểu rõ nhau hơn để đồng sáng tạo thành phố đáng sống của chính họ.

8 chỉ số đồng sáng tạo TP Copenhagen

Tại Copenhagen, Hội đồng thành phố đã xây dựng 8 chỉ số để đồng sáng tạo Copenhagen bền vững, sống tốt và có trách nhiệm.

Trước hết, một thành phố đáng sống cần phải có cuộc sống hàng ngày tốt đẹp hơn trong không gian đô thị, mọi người sẽ dành khoảng 20 – 25% thời gian mỗi ngày để kết nối với những người xung quanh. Điều này giải thích tại sao khi chính quyền làm việc với các dự án, một trong những điều được quan tâm đầu tiên là chủ đầu tư sẽ dùng cách nào để “kéo” người dân ra khỏi ngôi nhà của họ.

Hội đồng TP Copenhagen cũng quan tâm đến việc thúc đẩy mọi người vận động nhiều hơn. Với 65% người dân sử dụng xe đạp làm phương tiện đi học, đi làm hàng ngày và phần lớn người dân ở thành phố không có xe hơi, Copenhagen hiện là thành phố tốt nhất thế giới dành cho người đi xe đạp, dù trong quá khứ, Copenhagen không sử dụng nhiều xe đạp.

Sau khi xác định rõ nhiệm vụ cần làm, chính quyền thành phố luôn nỗ lực tìm kiếm giải pháp để người dân có thể đi học, đi làm bằng xe đạp thuận tiện và nhanh chóng nhất trong điều kiện cho phép.

Ngoài ra, TP Copenhagen cũng yêu cầu người dân phải đỗ xe trong nhà, đồng nghĩa với việc họ phải đi bộ ra ngoài đường và tiếp xúc với những người khác.

Ngoài ra, chính quyền thành phố cũng quan tâm về chiến lược thiên nhiên, cảnh quan đô thị khác để Copenhagen ngày càng xanh hơn, đa dạng sinh học và chất lượng cuộc sống của người dân được nâng cao.

Để xây dựng một thành phố đáng sống, Hội đồng TP Copenhagen cũng đã tiến hành xây dựng thành phố với những lợi thế cạnh tranh khác biệt, nổi bật là việc Copenhagen đang tạo ra các khu vực sống độc đáo bằng cách chuyển đổi những tòa nhà cũ để tăng cường khả năng gắn kết người dân trong những khu vực khác nhau.

Theo quan điểm của bà Tina Saaby, quá trình phát triển của Copenhagen cần tôn trọng các giá trị văn hóa hiện có. “Chúng ta không nên xem xét liệu một tòa nhà, hay kết cấu vật thể khác có đáng để bảo tồn hay không mà còn xem xét tất cả các yếu tố có giá trị văn hóa, hay xã hội đặc biệt đối với cư dân và người sử dụng của thành phố. Hiện tại, chúng tôi, đã đang và sẽ nỗ lực bảo tồn, bổ khuyết và chuyển đổi thành phố”.

Mặt khác, thành phố cũng phải linh hoạt và sáng tạo để giúp người dân chịu trách nhiệm về ứng xử đối với thành phố mà họ đang sinh sống. “Chúng tôi đã tạo ra một không gian đi bộ, trong đó người dân phải tự chịu trách nhiệm trước cộng đồng về những hoạt động của mình trong không gian đô thị như xả rác thải”, bà Tina Saaby chia sẻ.

Cuối cùng, để trở thành một thành phố có trách nhiệm, Copenhagen đã luôn tuân thủ 3 yêu cầu: Thủ đô đầu tiên trên thế giới cân bằng phát thải cacbon; Không lãng phí tài nguyên, bắt đầu bằng việc xử lý, tái chế rác thải để tận dụng những đồ vật cũ vẫn có thể sử dụng tốt; Thích ứng với vấn đề biến đổi khí hậu.

Theo nhận định của bà Tina Saaby, TP Copenhagen chỉ có thể hoàn thành nhiệm vụ xây dựng một thành phố có trách nhiệm khi mỗi người dân phải ý thức được việc trở thành đại sứ tuyên truyền cho những người xung quanh về vấn đề bảo vệ môi trường từ những hành động nhỏ nhất.

Thực tế, Copenhagen đã phải đối mặt với nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan như mưa lớn, mực nước biển dâng cao, nhiệt độ tăng cao đột ngột... Đối phó với tình huống này, Hội đồng thành phố phải vạch ra những chiến lược để giúp thành phố ứng phó với biến đổi khí hậu, mỗi khi xây dựng các dự án, ví dụ như một không gian công cộng từ bãi đỗ xe cũ để thu lượng nước mưa lớn đổ xuống thành phố mỗi năm.

“Chính trị gia và nhà quản lý cần can đảm từ bỏ một sộ kiểm soát và chấp nhận thay đổi những thói quen. Bên cạnh đó, người dân cũng phải quen với việc không chỉ đứng ở vị trí đòi hỏi phúc lợi mà họ cũng cần có một phần trách nhiệm. Tất cả các bên đều sẽ cần thời gian để thích nghi”, Nhà nghiên cứu đồng sáng tạo Annika Agger tại Đại học Roskilde cho biết.

(Nguồn:baoxaydung.com.vn)
Tin cũ hơn

Tạp chí QHXD

Ebook

Giới thiệu sách

Liên kết website