Tránh tư duy áp đặt trong quy hoạch đô thị

Theo ông Nguyễn Thành Hưng - Phó Viện trưởng viện quy hoạch đô thị và nông thôn Quốc gia, các nước trên thế giới hiện nay đều xây dựng quy hoạch trên cơ sở đưa ra các chiến lược khung, rất cơ bản, không áp đặt quy hoạch.

Tháng 5 tới, Luật quy hoạch sẽ chính thức được đưa ra bàn thảo, lấy ý kiến trước Quốc hội. Để hiểu rõ hơn về vấn đề liên quan đến dự thảo Luật Quy hoạch lần này, PV VnMedia đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thành Hưng - Phó Viện trưởng viện quy hoạch đô thị và nông thôn Quốc gia.

Phóng viên: Thưa ông, hiện nay Chính phủ đang trình ra Quốc hội dự thảo Luật Quy hoạch. Theo ông thì trong tổng thể chúng ta phải xây dựng Luật Quy hoạch này theo hướng nào?

Ông Nguyễn Thành Hưng: Về phía một chuyên gia quy hoạch, tôi đánh giá việc ban hành Luật Quy hoạch là rất cần thiết; tư tưởng chỉ đạo của TW, của Quốc hội cũng như hành động của Chính phủ rất rõ. Chúng ta cần xây dựng một Luật Quy hoạch mang tính khung, Luật này đầu tiên tác dụng của nó như thế nào, sẽ hệ thống lại tất cả quy hoạch. Hiện nay, chúng ta còn rất nhiều, hệ thống lại, sắp xếp lại để làm sao không trùng lặp, không mâu thuẫn với nhau. Các quy hoạch không cần thiết sẽ được loại bỏ. Ví dụ như quy hoạch sản phẩm-  sản phẩm theo kinh tế thị trường và có biến động thì không cần phải quy hoạch…

Một trong những vấn đề quan tâm nhất là quy hoạch liên quan đến công tác xây dựng. Có thể nói là công tác quy hoạch xây dựng chúng ta tiến hành rất lâu, từ năm 1956, công tác quy hoạch xây dựng đã được chúng ta xây dựng một cách hoàn chỉnh sau khi giải phóng đất nước. Từ đầu những năm 90 thế kỷ trước, bắt đầu đã có những quyết định của Bộ Xây dựng ban hành những văn bản pháp luật liên quan đến công quy hoạch. Và cho đến nay hơn 20 năm, hệ thống văn bản PL liên quan đến công tác quy hoạch xây dựng đến nay cơ bản đã hoàn thiện và luôn được chỉnh sửa theo định hướng của Đảng, của Nhà nước và luôn được cập nhật lý thuyết quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị của trên thế giới.

Tuy nhiên lần này, trong Dự thảo tôi chưa thấy rõ vai trò của của QHXD, tôi nghĩ rằng QHXD là một trong những nền tảng. Chúng ta biết rằng, tất cả cơ sở hạ tầng của xã hội, của cả vật chất sẽ là đầu tư cho những công trình xây dựng cơ bản. Do vậy, vai trò của QHXD Ban soạn thảo phải nghiên cứu kỹ để nhìn thấy được hình ảnh của QHXD trong bộ Luật này.

Dự thảo luật này liên quan đến nhiều luật khác, theo ông, chúng ta cần chỉnh sửa theo hướng như thế nào để đảm bảo tính đồng bộ với những luật khác?

Theo báo cáo của đơn vị rà soát của  Quốc hội thì dự thảo luật này ảnh hưởng đến 32 luật,  rất nhiều chuyên gia cũng nói rằng không chỉ dừng lại ở 32 luật mà còn lên đến trên 50 luật. Quan điểm của tôi như thế này, việc một bộ luật phủ lên rất nhiều bộ luật khác, khiến 50 luật khác cần phải thay đổi, dù thay đổi rất nhỏ câu chữ hoặc thay đổi những điều những khoản, thậm chí thay đổi cả những chương và hệ thống pháp luật đi theo như Nghị định, thông tư… thì chúng ta phải cực kỳ thận trọng.

Thứ hai, để giải quyết vấn đề này chúng ta cần phải có cái nhìn khách quan từ các Bộ, vì hơn ai hết  các Bộ là nơi nắm được, hệ thống quy hoạch thừa gì, thiếu gì và Chính phủ sẽ chỉ đạo các Bộ cần loại bỏ bớt những quy hoạch thừa mà các Bộ đang quản lý, còn lại những quy hoạch mấu chốt của các Bộ. Khi đó vai trò của bộ Luật Quy hoạch có vai trò rất lớn, Luật sẽ hệ thống lại, sắp xếp thứ tự trước sau. Đấy là cách giải quyết căn cơ nhất. Theo tôi để đặt một tham vọng quá lớn hoặc giải quyết quá lớn đồng bộ quy hoạch trong cả nước trong vài năm mà theo dự thảo trình bày thì khoảng năm 2019, nghĩa là khoảng  chưa đến 3 năm nữa đã đi vào thực tiễn rồi, tôi đánh giá là rất khó. Nên chăng, Bộ luật này ban hành những khung giống như một Bộ luật khung, giống như UBTV Quốc hội đã từng chỉ đạo trong rất nhiều cuộc họp, chỉ cần sắp xếp lại các quy hoạch cho thật logic, loại bỏ quy hoạch thừa, cấu trúc lại để hệ thống quy hoạch không còn trùng lặp, tận dụng tốt các quy hoạch đang có giá trị rất cao về mặt thực tiễn thì hiệu quả của Bộ luật sẽ đi sâu vào thực tế. Nếu đi sâu quá vào vấn đề kỹ thuật, tôi e rằng sẽ có những vướng mắc về sau

Phóng viên: Ông thấy chúng ta cần rút ra bài học như thế nào hoặc phân biệt rõ ràng như thế nào về hệ thống quy hoạch hiện nay?

Trên thế giới cách người ta làm quy hoạch và hệ thống quy hoạch hiện nay đang theo hướng mở, nghĩa là quy hoạch trên chỉ đặt ra những cái khung, tạo điều kiện cho quy hoạch dưới phát triển. Quy hoạch dưới phát triển sẽ phản hồi lại để quy hoạch trên điều tiết. Tất cả những điều tiết đấy cần phải cực kỳ linh hoạt, điều đấy sẽ đảm bảo ra chiến lược để phát triển một lãnh thổ lớn nhất, tốt nhất, nhanh nhất.

Theo dự thảo Luật này có một số nội dung mà tôi cảm thấy vẫn chưa yên tâm. Ví dụ, nếu quy hoạch cấp dưới mà không phù hợp với quy hoạch cấp trên thì phải điều chỉnh theo quy hoạch cấp trên. Luật quy hoạch là một bài toán của dự báo, dự báo trong vòng 20 năm, 30 năm, thậm chí 50 năm. Không một ai có thể tài giỏi đến mức dự báo được đúng. Tôi nói rằng chưa chắc quy hoạch cấp trên đã đúng hơn, mà quy hoạch cấp dưới lại đúng, thì lúc đó chúng ta tuân thủ ai? Ai nghe theo ai?

Do vậy hệ thống quy hoạch trong Luật quy hoạch lần cốt lõi phải là mối quan hệ giữa các loại quy hoạch phải thật linh hoạt, phải thật mở.

Do vậy Ban soạn thảo cũng cần phải nghiên cứu kỹ thêm về quan hệ giữa các loại quy hoạch. Nếu thế chúng ta mới xây dựng được một hệ thống quy hoạch linh hoạt, mở, tạo, rất điều kiện cho các địa phương, cho các vùng lãnh thổ. Lúc ấy hệ thống quy hoạch của chúng ta mới dễ đi vào cuộc sống, đi vào thực tiễn.

Phóng viên: Ông vừa nói về việc trên thế giới có một số nước người ta quy hoạch như thế nào để đảm bảo cái việc mở và linh hoạt?

Tôi nói ví dụ trong trường hợp hiện nay các nước trên thế giới đều hướng vào chung một hình thức quy hoạch, đối tượng quy hoạch đó là không gian, đó chính là vật thể. Và tôi được biết rằng, có rất ít nước, gần như không có nước nào có tồn tại cái gọi là tổng thể kinh tế xã hội nữa vì thị trường luôn biến động. Chính vì thế rất nhiều nước đã thay đổi, chúng tôi đã nghiên cứu về một đề tài đổi mới công tác quy hoạch đô thị, hệ thống quy hoạch của Mỹ và Nhật Bản. Họ chỉ xây dựng những chiến lược rất khung, rất cơ bản, trách tình trạng áp đặt.  

Ví dụ, ở Mỹ không tồn tại những quy định hay những áp đặt do chính quyền của liên bang tới từng bang. Công tác quy hoạch cho từng bang nhất định không quyết định cho từng thành phố, mà công tác quy hoạch chỉ đặt ra từng khung cho những phần hạ tầng kỹ thuật lớn, những vấn đề mang tính liên vùng là những kết nối, còn toàn bộ những vấn đề bên trong giao hoàn toàn cho chính quyền hạt, chính quyền thành phố quyết định.

Hệ thống quy hoạch mở tránh tình trạng áp đặt trên nói thế nào dưới thực hiện y nguyên như thế, dưới nữa thực hiện kỹ hơn, nếu chúng ta còn duy trì nguyên hệ thống đấy thì vẫn còn nguyên hơi hướng của 1 mệnh lệnh  của 1 nền kinh tế tập trung. 

(Nguồn:vnmedia.vn)
Tin cũ hơn

Tạp chí QHXD

Ebook

Giới thiệu sách

Liên kết website