Tọa đàm đề cương chi tiết “Điều chỉnh định hướng quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2035 và tầm nhìn đến năm 2050” (Có tính đến BĐKH)

Ngày 16/1/2017, Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (VIUP) đã tổ chức Tọa đàm đề cương chi tiết “Điều chỉnh định hướng quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2035 và tầm nhìn đến năm 2050” (Có tính đến BĐKH). Viện trưởng Ngô Trung Hải chủ trì buổi tọa đàm

Tham dự hội thảo có bà Trần Thu Hằng – Phó vụ trưởng vụ Quy hoạch kiến trúc, ông Trần Ngọc Chính – Chủ tịch Hội quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, ông Lê Hồng Kế - Ủy viên Hội Quy hoạch PTĐT VN, bà Đỗ Tú Lan – Nguyên Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị, ông Trần Hồng Quang – Phó viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch đầu tư), ông Nguyễn Quốc Thành – Nghiên cứu viên cao cấp Viện Địa chất (Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam, ông Lawrie Wilson – Công ty Hansen partnership và nhiều chuyên gia trong và ngoài Viện.

Hệ thống đô thị Việt Nam hiện nay được quản lý và phát triển theo “Điều chỉnh định hướng quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại quyết định số 445/QĐ-TTg năm 2009. Sau 8 năm thực hiện từ 2009 đến nay, định hướng này đã khẳng định vai trò quản lý nhà nước điều hành vĩ mô về phân bố mạng lưới đô thị gắn kết với tổ chức không gian vùng lãnh thổ nhằm thúc đẩy quá trình CNH – HĐH đất nước. Nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả quản lý Nhà nước trong công tác quy hoạch và thực hiện quy hoạch, đáp ứng yêu cầu mới trong bối cảnh cạnh tranh kinh tế toàn cầu và thích ứng với BĐKH, để triển khai nhiệm vụ được giao, VIUP mời các chuyên gia đầu ngành có kinh nghiệm trong lĩnh vực quy hoạch và quản lý đô thị, kinh tế, BĐKH để tọa đàm, trao đổi, góp ý về đề cương chi tiết của dự án, xây dựng cơ sở lý luận, kinh nghiệm thực tiễn, đóng góp cho công tác triển khai thực hiện lập điều chỉnh định hướng được  hiệu quả hơn, phù hợp với yêu cầu phát triển KT-XH trong thời kỳ hội nhập quốc tế.

Viện trưởng Ngô Trung Hải phát biêu tại buổi tọa đàm

Tại tọa đàm, Phó Viện trưởng Phạm Thị Nhâm đã trình bày đề cương chi tiết “Điều chỉnh định hướng quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2035 và tầm nhìn đến năm 2050” (Có tính đến BĐKH). Trong đề cương đề cập tới sự cần thiết điều chỉnh định hướng được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại quyết định số 445/QĐ-TTg năm 2009; Khái quát rà soát việc triển khai thực hiện định hướng theo quyết định 445/QĐ-TTg (các mặt đạt được, tồn tại, cơ hội và thách thức mới; Nội dung đề cương chi tiết gồm 6 chương: Rà soát đánh giá thực trạng phát triển đô thị theo QĐ 445; Mục tiêu và quan điểm; Định hướng quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2035, tầm nhìn 2050 (có tính đến yếu tố BĐKH); BĐKH tác động đến hệ thống đô thị; Khung chiến lược – chính sách; Tổ chức thực hiện.

Tọa đàm đã được nghe ông Trần Hồng Quang – Phó viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch đầu tư) trình bày về Viễn cảnh Việt Nam đến năm 2035 và một số định hướng phát triển hệ thống đô thị Việt Nam. Tham luận tập trung vào bối cảnh quốc tế và trong nước, Viễn cảnh Việt Nam tới năm 2035 và một số định hướng phát triển hệ thống đô thị quốc gia.

Với tham luận đánh giá ảnh hưởng của thiên tai, cảnh báo thiên tai, TS. Nguyễn Quốc Thành – Viện Địa chất đã trình bày tình hình thiên tai ở Việt Nam, giới thiệu các bản đồ thiên tai thường xuyên xảy ra ở Việt Nam; Nhận dạng các thiên tai; Bản đồ cảnh báo nguy cơ thiên tai trên lãnh thổ Việt Nam và những kết luận kiến nghị.

Tại tọa đàm, các chuyên gia đã trao đổi, góp ý về cấu trúc của đề cương, đề nghị làm rõ nét hơn về vai trò của nông thôn, công tác quản lý đô thị, có phân tích đánh giá thêm tác động của nền kinh tế thị trường, bất động sản, chính trị… tới định hướng…

Các chuyên gia đóng góp ý kiến tại tọa đàm

Phát biểu kết luận tọa đàm, Viện trưởng Ngô Trung Hải cám ơn các ý kiến đóng góp quý báu của các chuyên gia. Ông cho biết đây mới chỉ là tọa đàm mở đầu, trong thời gian tới, Viện sẽ tổ chức các tọa đàm chuyên sâu từng lĩnh vực để các chuyên gia đóng góp nhiều hơn nữa. Các ý kiến tại tọa đàm sẽ được nhóm nghiên cứu tiếp thu, hoàn thiện cho đề cương chi tiết.

(Nguồn:VIUP)
Tin cũ hơn

Tạp chí QHXD

Ebook

Giới thiệu sách

Liên kết website