Lập quy hoạch tốt phải song hành với bố trí nguồn lực thực thi

Hà Nội đang bước vào giai đoạn “nước rút” thực hiện hàng loạt nhiệm vụ trong lĩnh vực quy hoạch. Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, kiến trúc sư Lưu Đức Cường, Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (Bộ Xây dựng) đã đưa ra nhiều nhận định thẳng thắn, khách quan về kết quả triển khai Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050; đồng thời nhấn mạnh, lập quy hoạch tốt là một chuyện nhưng bố trí nguồn lực để thực thi mới là điều quan trọng.

Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (Bộ Xây dựng) Lưu Đức Cường.

Nhiều bất cập cần xem xét, điều chỉnh

- Sau 11 năm thực hiện Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 (theo Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26-7-2011 của Thủ tướng Chính phủ), ông nhận định ra sao về những vấn đề còn tồn tại?

 - Mặc dù các cấp chính quyền và sở, ngành liên quan của thành phố Hà Nội đã nỗ lực triển khai nghiên cứu, phê duyệt các quy hoạch chung xây dựng và quy hoạch phân khu đô thị, nhưng đến nay, thành phố mới phủ kín được quy hoạch chung, quy hoạch chuyên ngành, lĩnh vực; nhiều ngành, lĩnh vực đã phải điều chỉnh quy hoạch để phù hợp với thực tiễn phát triển. Các quy hoạch phân khu chưa phủ kín các khu vực phát triển đô thị. Khu vực nông thôn nằm ngoài ranh giới phát triển đô thị đang thiếu quy hoạch.

Việc tổ chức thực hiện quy hoạch sau khi được phê duyệt còn khá nhiều tồn tại, như quy hoạch đặt ra định hướng cấu trúc dân số, lao động, cơ cấu chức năng đô thị nhưng đến nay dân số, lao động vẫn tập trung ở trung tâm thành phố. Quy hoạch đặt ra phải phát triển hệ thống các trung tâm phát triển mới của Thủ đô, của quốc gia, nhưng đến nay việc đầu tư theo hướng này chưa như mong muốn. Quy hoạch đặt ra việc phải phát triển cấu trúc hạ tầng và đường vành đai, nhưng sau rất nhiều nỗ lực vẫn chỉ mới cải tạo được một phần hạ tầng khu vực nội đô, hạ tầng vành đai mở rộng chưa được thực hiện. Thiếu chương trình phát triển đô thị dẫn tới việc nâng cấp huyện lên quận hay thành lập thành phố trong Thủ đô còn nhiều lúng túng. Đặc biệt là vấn đề nguồn lực và cơ chế chính sách chưa rõ ràng, trở thành rào cản cho sự phát triển.

- Từ những tồn tại nêu trên, khi nghiên cứu lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội cần lưu ý những gì để đáp ứng yêu cầu “phải thể hiện quan điểm đổi mới mạnh mẽ tư duy phát triển”?

- Đây là một yêu cầu, đòi hỏi cao của Chính phủ và tôi hiểu rằng đó cũng là điều lãnh đạo thành phố Hà Nội luôn trăn trở, rất muốn có tư duy đột phá. Theo tôi, lập quy hoạch lần này, thành phố Hà Nội cần chọn được đội ngũ tư vấn quy hoạch thực sự mạnh, có năng lực, trí tuệ và tâm huyết để vừa rà soát, đánh giá quy hoạch cũ, vừa mạnh dạn đề xuất mô hình phát triển mới cho Thủ đô.

Đặc biệt, lập quy hoạch tốt là một chuyện nhưng bố trí nguồn lực để thực thi quy hoạch mới là điều quan trọng, bởi nếu không, tất cả sẽ trở thành quy hoạch treo. Cho nên, ngay trong quá trình lập quy hoạch, chúng ta cần tính toán cả giải pháp tạo ra nguồn lực từ đất đai để thực thi quy hoạch. Ví dụ, trong quá trình lập quy hoạch, chúng ta xác định được những lô đất công có thể nhờ quá trình mở đường mà được nâng giá trị thì phải có giải pháp thu hồi để đấu giá, tạo nguồn lực đầu tư phát triển đô thị.

Bố trí nguồn lực thực hiện với lộ trình cụ thể

- Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đặt ra nhiệm vụ xây dựng mô hình thành phố trực thuộc Thủ đô tại khu vực phía Bắc và phía Tây. Quan điểm của ông về mô hình này ra sao?

- Trong quá trình đô thị hóa trên địa bàn cả nước nói chung, công tác quy hoạch xây dựng và quản lý phát triển đô thị là một vấn đề nóng và rất phức tạp. Các mô hình quản lý phát triển đô thị, bộ máy chính quyền, hệ thống thể chế chưa theo kịp với thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội tại các đô thị. Vì vậy, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TƯ ngày 24-1-2022 về “Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, trong đó nhiệm vụ số một là “hoàn thiện thể chế, chính sách, tạo thuận lợi cho quá trình đô thị hóa, công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững”.

Thực tế cho thấy, mô hình tổ chức quận cho các khu vực phát triển đô thị ổn định và mô hình tổ chức huyện cho khu vực nông thôn không phù hợp với các khu vực phát triển đô thị hóa mở rộng; cần có bộ máy chính quyền và mô hình tổ chức linh hoạt, phù hợp hơn với yêu cầu phát triển đô thị “nóng” tại các huyện ven đô, các huyện đang được định hướng phát triển thành quận. Thực hiện Luật Tổ chức chính quyền địa phương, thành phố Hồ Chí Minh đã đề xuất và được Trung ương và Chính phủ chấp thuận cho thành lập thành phố Thủ Đức theo mô hình “thành phố trong thành phố”. Hà Nội có thể tham khảo kinh nghiệm này trong quá trình nghiên cứu áp dụng các mô hình mới trong quản lý phát triển đô thị.

- Hà Nội vừa ban hành hai quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng và sông Đuống, mở ra nhiều cơ hội phát triển. Tuy nhiên, vấn đề di dân và tái thiết các khu dân cư đang là “bài toán khó” khi đất đai, dân cư ngoài bãi sông vốn rất phức tạp, đòi hỏi nguồn lực lớn để thực hiện. Theo ông, Hà Nội cần chú ý những gì để nâng cao tính khả thi của 2 đồ án quy hoạch trên?

- Quy hoạch Hà Nội trong nhiều giai đoạn luôn định hướng phát triển theo mô hình thành phố hai bên sông, lấy sông Hồng và sông Đuống là trục không gian cảnh quan quan trọng của Thủ đô. Có rất nhiều nghiên cứu trong nước, quốc tế đề xuất các giải pháp quy hoạch và đầu tư phát triển khu vực hành lang sông Hồng, sông Đuống, nhưng đến nay vẫn chưa được thực hiện.

Vì vậy, hai quy hoạch phân khu được duyệt là cơ sở pháp lý quan trọng cho việc quản lý các khu vực dân cư hiện trạng, tạo điều kiện ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng phòng, chống lũ lụt (đê, kè), hạ tầng giao thông, xác định các khu vực cho phép khai thác phát triển các dự án tạo nguồn lực, các khu vực dự án công cộng, công viên đô thị, không gian xanh cho cộng đồng, các khu vực cần phải di dời, giải tỏa…

Trên cơ sở đó, thành phố Hà Nội cần tổ chức bộ máy triển khai, bố trí nguồn lực thực hiện quy hoạch với lộ trình cụ thể. Với phạm vi quy mô rộng lớn, trước mắt cần tập trung đầu tư các tuyến hạ tầng kỹ thuật khung, như đê, kè bảo vệ, đường ven sông, cầu vượt sông, phát triển hệ thống các công viên đáp ứng nhu cầu bức thiết của người dân Thủ đô hiện nay, sau đó từng bước xây dựng các khu chức năng theo quy hoạch.

Từ kinh nghiệm quốc tế trong phát triển các dự án đặc thù như phân khu sông Hồng, tôi cho rằng cần có nghiên cứu đề xuất các cơ chế chính sách thực hiện riêng để huy động được nguồn lực xã hội đầu tư xây dựng theo quy hoạch. Ngoài ra, việc thực hiện quy hoạch phân khu sông Hồng nên gắn với tái cấu trúc khu vực trung tâm Hà Nội; thúc đẩy quá trình phát triển mở rộng đô thị về phía Bắc sông Hồng, phát triển cầu qua sông gắn với hệ thống khung giao thông đô thị… Như vậy sẽ bảo đảm tính khả thi trong thực hiện quy hoạch phân khu này.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(Nguồn:hanoimoi.com.vn)
Tin cũ hơn

Tạp chí QHXD

Ebook

Giới thiệu sách

Liên kết website