Bộ Xây dựng thẩm định Nhiệm vụ Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến 2065

Ngày 22/7/2022, Bộ Xây dựng tổ chức hội nghị thẩm định Nhiệm vụ Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến 2065 do VIUP thực hiện. Tham dự hội nghị có đại diện Văn phòng Chính phủ, các Bộ, hội, hiệp hội chuyên ngành, lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế. Được sự ủy quyền của Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Vụ trưởng Vụ Quy hoạch - Kiến trúc Trần Thu Hằng chủ trì hội nghị. Phó Viện trưởng phụ trách VIUP Phạm Thị Nhâm tham dự hội nghị.

Toàn cảnh hội nghị

Báo cáo tóm tắt thuyết minh Nhiệm vụ, đại diện đơn vị tư vấn (Viện Quy hoạch đô thị & nông thôn quốc gia) cho biết, phạm vi ranh giới lập quy hoạch bao gồm toàn bộ địa giới hành chính tỉnh Thừa Thiên Huế với diện tích khoảng 4.947km2; phía Bắc giáp tỉnh Quảng Trị; phía Đông giáp biển Đông; phía Nam giáp tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng; phía Tây giáp Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào.

Quy hoạch nhằm các mục tiêu:

Đến năm 2025, phát triển Thừa Thiên Huế trở thành đô thị trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hoá Huế, với đặc trưng văn hoá, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường.

Đến năm 2030, đưa Thừa Thiên Huế trở thành một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hoá, du lịch và y tế; một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao, quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân đạt mức cao.

Đến năm 2045, đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố Festival, trung tâm văn hoá, giáo dục, du lịch và y tế chuyên sâu đặc sắc của châu Á.

Quy hoạch đô thị Thừa Thiên Huế với tính chất là đô thị đặc thù trực thuộc Trung ương; bảo tồn phát huy giá trị di sản của quốc gia; là cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm Trung Bộ, với thế mạnh động lực của kinh tế biển, kinh tế du lịch, kinh tế sinh thái; trung tâm của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao; trung tâm về phát triển công nghiệp và cảng biển của quốc gia; là địa bàn chiến lược về quốc phòng và an ninh khu vực miền Trung và cả nước.

Nhiệm vụ nêu lên những yêu cầu trọng tâm trong nghiên cứu quy hoạch bao gồm: đánh giá thực trạng quy hoạch phát triển đô thị: rà soát, đánh giá tình hình thực hiện Quy hoạch vùng tỉnh Thừa Thiên Huế, quy hoạch chung thành phố Huế, các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết và các dự án đầu tư; xác định những tồn tại, hạn chế, xác định các yêu cầu quản lý phát triển đô thị trong giai đoạn mới, những vấn đề tồn tại, bất cập cần điều chỉnh; nghiên cứu các chủ trương và chính sách của Đảng, Nhà nước trong việc hình thành và phát triển đô thị Thừa Thiên Huế theo định hướng đô thị đặc thù về di sản, văn hoá, cảnh quan trực thuộc Trung ương; nghiên cứu mối quan hệ của đô thị Thừa Thiên Huế với các địa phương lân cận, mô hình đô thị trực thuộc Trung ương để lựa chọn cấu trúc phát triển phù hợp; phát triển đô thị theo hướng đa cực, với trọng tâm là thành phố Huế và các khu vực ven biển; tổ chức không gian cho các chức năng mang tính đặc thù của Thừa Thiên Huế; đề xuất các giải pháp cụ thể về kiểm soát phát triển không gian đô thị, không gian ven biển, không gian bảo tồn văn hóa và tự nhiên; nghiên cứu mạng lưới giao thông đồng bộ các loại hình đường không, đường sắt, đường bộ, đường biển để tăng cường liên kết vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và quốc tế, kết nối trực tiếp với các khu vực lân cận.

Tại hội nghị, các chuyên gia, thành viên Hội đồng gồm đại diện Văn phòng Chính phủ, các Bộ, hội, hiệp hội chuyên ngành thống nhất với lý do, sự cần thiết lập Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến 2065; đồng thời có nhiều ý kiến đóng góp giúp đơn vị tư vấn tiếp thu, chỉnh sửa, hoàn thiện Báo cáo thuyết minh Nhiệm vụ, trên các lĩnh vực: quy hoạch - kiến trúc, đầu tư, giao thông, tài nguyên và môi trường, tài chính, thương mại, quốc phòng an ninh.

Kết luận hội nghị, Vụ trưởng Trần Thu Hằng tổng hợp ý kiến đóng góp của các thành viên Hội đồng và yêu cầu đơn vị tư vấn nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ, sớm hoàn thiện Báo cáo thuyết minh Nhiệm vụ, trong đó cần xem xét đặt Thừa Thiên Huế trong mối quan hệ khu vực, quốc tế, kết nối Đông - Tây (Lào); kế thừa đầy đủ tinh thần Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; chú trọng nội dung tổ chức không gian đô thị Thừa Thiên Huế; làm rõ tính kế thừa của các quy hoạch đã được phê duyệt; rà soát, đảm bảo tính thống nhất của các cấp độ quy hoạch; làm rõ quá trình xây dựng, phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo các tiêu chí đặc thù; làm rõ cơ sở dự báo về dân số, sử dụng đất; xác định cụ thể những yêu cầu về bảo tồn, đặc biệt là bảo tồn rừng đặc dụng; bổ sung nội dung khai thác các không gian khu vực ven biển.

Vụ trưởng Trần Thu Hằng cũng đề nghị UBND tỉnh Thừa Thiên Huế chỉ đạo đơn vị tư vấn sớm hoàn thiện dự thảo Tờ trình và dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét theo quy định.

(Nguồn:xaydung.gov.vn)
Tin cũ hơn

Tạp chí QHXD

Ebook

Giới thiệu sách

Liên kết website