Tư liệu
< Trở lại danh sách

Đọc & hiểu

Kiến trúc là một bộ môn nằm ở ranh giới mỏng manh giữa một bên là nghệ thuật và một bên là khoa học kỹ thuật. Từ bao đời nay khi tiếp cận với kiến trúc xây dựng, con người đã đụng chạm tới cái ranh giới này, lúc thì thiên về tưởng tượng – tạo hình, lúc thì nặng về tính toán – kỹ thuật. Các sản phẩm được tạo ra, vì thế, đã chứa đựng trong nó sự hợp lý tiện dụng, đồng thời lại thể hiện một vẻ đẹp mang đến cho ta những cảm xúc. Con người ta, ai cũng có ít nhiều tâm hồn của người nghệ sỹ.

Nghề kiến trúc là một nghề đòi hỏi lao động nặng nhọc và tự nguyện. Thành công không dành cho những người không biết đam mê, không có sự trăn trở nghề, không có sự tận tụy và quên mình trong lao động sáng tạo.

Vì vậy tác giả muốn gửi tới người đọc những trao đổi, ít nhất có thể coi như việc cung cấp những kiến thức cơ bản và nâng cao để hiểu về Kiến trúc. Cuốn sách sẽ có ba phần:

– Phần 1: ĐỌC KIẾN TRÚC
– Phần 2: HIỂU về TỔ HỢP KIẾN TRÚC
– Phần 3: HIỂU về KHÔNG GIAN KIẾN TRÚC 12

Trong phần 1 – ĐỌC KIẾN TRÚC, tác giả trình bày 3 vấn đề như những “ký tự cơ bản và sơ khai” để có thể hiểu được kiến trúc một cách nôm na nhất. Đó là các vấn đề Kiến trúc và Đồ án Kiến trúc (1), Công năng, Kỹ thuật (2) và Hình thức kiến trúc (3). Đây thực sự là những “ký tự” cơ bản để đọc và dịch mã được những ý tưởng của người sáng tạo thể hiện trong một tác phẩm kiến trúc. Giống như khi đọc một cuốn truyện, người ta phải hiểu câu từ, ngữ pháp, thì trong kiến trúc muốn hiểu được chân giá trị của một tác phẩm thì ít nhất cũng phải nắm được những ngôn ngữ và cú pháp dùng trong kiến trúc. Sau đó là giơi thiệu một số xu hướng kiến trúc đương đại của phương Tây và ở Việt Nam (4) với các KTS tiêu biểu là thủ lĩnh của các xu hướng, trường phái. Đến đây, cần phải hiểu rộng ra rằng, kiến trúc không đứng một mình. Nó tồn tại trong không gian đô thị. Vì vậy chương cuối của phần 1 sẽ bàn về kiến trúc trong không gian đô thị (5).

Đối tượng cho phần thứ nhất dành cho những người ngoài nghề muốn tìm hiểu kiến trúc và nghề kiến trúc hoặc cho các sinh viên ngành kiến trúc và nghệ thuật bắt đầu nhập môn kiến trúc. Nó cũng có ý nghĩa đối với các nhà doanh nghiệp, chủ đầu tư, thậm chí cả các nhà quản lý, chính quyền đô thị – để họ có được một cái nhìn tổng thể về kiến trúc, hiểu được nghề kiến trúc và kiến trúc sư là ai. Để biết rằng, đằng sau cái vẻ ngoài lộng lẫy của kiến trúc, là cả một nội dung phong phú mà người kiến trúc sư phải vật lộn với “cái muốn và cái không thể”. Ít nhất cũng có thể tìm được sự cảm thông.

Trong phần 2 – HIỂU về TỔ HỢP KIẾN TRÚC tác giả sẽ trình bày 5 vấn đề, để bắt đầu có những hiểu biết sâu hơn của công việc sáng tạo kiến trúc. Trước hết phải hiểu thế nào là tổ hợp kiến trúc, diễn biến của các hình thức tổ hợp theo trục thời gian, từ cổ tới kim (1). Sau đó là các phân tích các yếu tố xác định tổ hợp hình thức. Cũng giống như các ngành nghệ thuật, muốn xây dựng một tổ hợp kiến trúc thì cần phải nắm bắt các yếu tố ngôn ngữ kiến trúc và các trục tổ hợp (2) để phát triển tổ hợp (3) hay biến thể tổ hợp (4). Cuối cùng là giới thiệu về hình học Fractal ứng dụng trong tổ hợp kiến trúc (5). Điều đó muốn chứng tỏ rằng, tổ hợp có những mối liên hệ với cả môn Hình học. Phần này được mô tả như những “cấu trúc và ngữ pháp” để có thể hiểu sâu hơn về cách thức để tạo nên một tác phẩm kiến trúc.

Trong phần 3 – HIỂU về KHÔNG GIAN KIẾN TRÚC, là phần rất quan trọng của nghề kiến trúc. Khái niệm Không gian Kiến trúc sẽ được bàn luận một cách hàn lâm và mở rộng hơn, để ta có thể hiểu rằng trong thời đại ngày nay, KTS phải giải một bài toán phức tạp hơn ngày xưa. Nội hàm của kiến trúc, ở một khía cạnh này thì ngày càng mở rộng, nhưng ở một góc độ khác, có vẻ như bế tắc trong việc tạo ra những sáng tạo độc đáo (1). Vấn đề Tổ hợp hình thức và tạo dựng không gian sẽ được phân tích qua các trích dẫn và minh họa của các tác giả và các công trình đã được thời gian thừa nhận là tác phẩm, để hiểu rằng giữa hình khối và không gian kiến trúc có một mối liên hệ hữu cơ và biện chứng (2). Sau đó, tác giả sẽ bàn về vấn đề thứ 3 là Phân loại Không gian kiến trúc. (3) Đây là một khía cạnh sâu và tinh tế của người làm nghề kiến trúc. Suy cho cùng không gian không chỉ tạo điều kiện cho các hoạt động một cách hợp lý cho người ta những xúc cảm thẩm mỹ. Để tạo ra các hình thức, các kiểu không gian khác nhau sẽ là công việc của nhà tổ hợp. Họ sẽ tìm những dạng không gian thích ứng với Thể loại kiến trúc (4). Trong thuật ngữ tạo dựng không gian kiến trúc, người ta đã mạnh dạn dùng từ Chế tạo, hay sản xuất Không gian kiến trúc (Fabrication, Production de l’espace) thay cho từ Sáng tạo (Creation). Điều đó có thể hiểu rằng việc tạo dựng không gian không đơn giản là sự tưởng tượng, mà còn đem lại phải kết hợp với nhiều tính toán khác mới có thể tạo nên một không gian hoàn chỉnh. Và đó chính là yếu tố “nghề” của Kiến trúc sư (5). Ở những trang cuối của phần này, tác giả đã đề cập tới vấn đề tư duy sáng tạo và phương pháp sáng tác kiến trúc. Đây cũng là một phần trong nghề vừa dạy học vừa nghiên cứu và làm kiến trúc, cùng các đồng nghiệp và học trò. Hy vọng đó cũng là những trao đổi mang tính nghề nghiệp, dựa trên những đồ án kiến trúc đã vẽ, những cuộc thi tuyển kiến trúc đã chấm chọn, và những trải nghiệm của chính tác giả. Mới biết rằng, đọc được kiến trúc thật không đơn giản, phải học mới đọc được. Nhưng đọc chưa chắc đã hiểu, và hiểu được kiến trúc chưa chắc đã biết làm. Điều quan trọng là đừng nên nóng vội nếu muốn làm kiến trúc thật sự. Đòi hỏi điều này với anh em trẻ thật là khó khăn. Hình như mọi người rất vội, vì cuộc sống không cho phép họ mất thời cơ. Kiến trúc ngày nay đang thiếu sự ngưng tụ, sự trầm lắng, cái mà người Nhật đã làm được trong quá khứ, và ngày nay vẫn còn đó, những không gian tràn đầy năng lượng.

Xin cảm ơn các đồng nghiệp đã động viên và giúp đỡ. Xin cảm ơn các học trò đã thắp lửa cho tình yêu dạy học. Một số bài tập của các em trong quá trình dạy đại học và cao học đã được tác giả nghiên cứu trích dẫn. Hy vọng sẽ mang lại những điều tốt đẹp với mọi người khi bắt đầu tìm hiểu về kiến trúc và sống cùng với nó…