Quyền đi lại và một số lựa chọn về hạn chế phương tiện cá nhân ở khu vực trung tâm TP.HCM

TS. Nguyễn Ngọc Hiếu, TS. Huỳnh Đức Nguyên và NCS. Nguyễn Minh Thông

Đại học Việt Đức

 

Tóm tắt:

Khu vực trung tâm các thành phố lớn ở Việt Nam ngày càng tắc nghẽn do mật độ phương tiện cao và hạ tầng rất khó mở rộng. Đã tới lúc cần sử dụng lựa chọn hạn chế phương tiện cá nhân, đặc biệt trong bối cảnh giao thông lệ thuộc xe máy, giao thông công cộng bế tắc và đường bộ đang khai thác ở tình trạng bão hòa khó có thể gánh nổi xu hướng bùng nổ xe hơi lâu dài.

Bài viết sử dụng cách tiếp cận quyền đi lại của hành khách để thảo luận về các lựa chọn hạn chế phương tiện tại khu vực trung tâm TP.HCM. Sử dụng dữ liệu quan trắc tại một số mặt cắt điển hình trong và ngoài khu vực trung tâm TP.HCM giai đoạn 2013-2014 và 2018-2019, nhóm tác giả tìm cách luận giải cơ hội giảm ùn tắc và ô nhiễm với các lựa chọn hợp lý về phương tiện theo khu vực và theo thời điểm, thích ứng hơn với nhu cầu đi lại ngày càng tăng của hành khách. Những thông tin trên cũng là cơ sở để các cấp có thẩm quyền thúc đẩy sự đồng thuận xã hội khi phải áp dụng các chính sách động chạm đến quyền lợi của đa số là hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân.

Từ khóa: tiếp cận quyền đi lại, thu phí tắc nghẽn, chống ùn tắc trung tâm đô thị, lựa chọn phương thức đi lại, năng lực thông hành trong điều kiện cận bão hòa.

Abstract:

Central areas of large cities in Vietnam are increasingly congested due to the concentration of high mobility over narrow and hardly expandable space.  It is time to adopt more demand-driven solutions, especially when we are at the car-booming era, public transport fall behind schedule, and a saturated motorcycle dependent city could hardly afford the radical car transformation.

The article adopted mobility rights approach to discuss alternatives to reduce the number of private vehicles in the CBD area of Hochiminh city.  Observations from crosscuts in typical streets inside and outside old CBD during 2013-2014 and 2018-2019 revealed some insights to explain the opportunities to reduce congestion and pollution using better managing private vehicle modes that matches to increasing passenger mobility needs by are and time period.  The output of this analysis could also be fruitful for building social consensus when authorities facing a hard choice to apply the policy of reducing private vehicles that touches livelyhood of the many.

Keywords: mobility rights approach, congestion charge, city centre congestion solutions, transport mode choice, mobility capacity in near-saturated condition.

I. Bối cảnh

TP.HCM đứng trước thách thức lớn về đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Trong giai đoạn từ 2005 đến 2015, mật độ dân số thành phố đã tăng gần 1,4 lần, mật độ xe máy trên đầu người tăng 1,9 lần, và tỉ lệ sở hữu xe hơi tăng hơn 1,6 lần. Trong khi đó, mật độ mạng lưới đường bộ thấp hơn 2-3 lần so với tiêu chuẩn quy hoạch chung (4-6km/km2), mật độ mạng lưới giao thông công cộng thấp hơn mức tiêu chuẩn tối thiểu (2km/km2) và số lượng xe buýt phục vụ trên triệu dân chỉ đạt khoảng 342 xe/triệu dân ở TP.HCM[i].  Đặc biệt, xe buýt trên đầu người trong giai đoạn 2005-2015 giảm 38% do dân số tăng nhanh nhưng khả năng phục vụ xe buýt giảm.

Thành phố đã có nhiều nỗ lực quản lý nhằm làm giảm ùn tắc giao thông. Giai đoạn từ 2017 đến 2019, thành phố đã thực hiện nhiều giải pháp chống ùn tắc giao thông như điều chỉnh tổ chức giao thông tại các khu vực bị ùn tắc, nâng cấp CSHT mạng lưới đường hiện hữu, xây dựng các công trình giao thông trọng điểm và đầu tư công nghệ quản lý điều hành hệ thống tín hiệu, xử phạt vi phạm đỗ xe dưới lòng đường, tăng cường quản lý các tuyến xe liên tỉnh.

Tuy nhiên, có thể nói sớm hay muộn thì các biện pháp ‘cứng’ cũng sẽ hết tác dụng. Khả năng cải thiện từ đầu tư hạ tầng khu vực trung tâm đã tới mức giới hạn; trong khi đó, các cao ốc và các cơ sở kinh doanh xây mới tiếp tục thu hút chuyến đi và đến. Cơ hội mở rộng đường Pasteur hay Cách Mạng Tháng 8 ngày càng xa vời. Khu vực trung tâm chỉ còn cải thiện được một số ít vị trí như bổ sung kết nối cầu Thủ Thiêm 2 và hành lang dọc bờ sông Sài Gòn (cuối năm 2021). Trong khi đó, tình trạng ùn tắc xảy ra ngày càng thường xuyên hơn trong năm 2019 trên các tuyến đường hướng tâm, các trục kết nối sân bay, cảng biển, đi quận 2, 3, 4, 7, 8, Bình Thạnh. Đường sắt đô thị đã chậm một thập kỷ; xe buýt ngày càng khó cạnh tranh xe ôm và xe hơi công nghệ về cả tiện nghi, giá cả và khả năng tiếp cận. Có thể nói, các biện pháp kiềm chế phương tiện cá nhân sẽ phải chú trọng trong giai đoạn sắp tới.

Nhìn ra nước ngoài, các thành phố lựa chọn kiềm chế phương tiện đều hướng tới các lựa chọn thay thế theo bối cảnh có tính thực tiễn. Đối diện với nhu cầu đi lại có tính đa dạng trong hệ sinh thái đô thị, các biện pháp kiềm chế phương tiện cá nhân đều tiếp cận theo hướng điều chỉnh thích ứng với sử dụng phí theo khu vực và thời điểm. Rõ ràng là không thể bắt tất cả chuyển loại phương tiện và công cụ chính sách như phí sẽ hướng tới hạn chế một số nhóm phương tiện vào khu vực trung tâm trong một số thời điểm và điều tiết tối ưu hóa năng lực hạ tầng giao thông và vận tải hành khách công cộng, đồng thời giảm các tác động có hại như tắc nghẽn, ô nhiễm và mất an toàn. Các giải pháp được lựa chọn trên thực tế là thu phí đi vào/đi qua theo khu vực theo ngày, theo lần vào/ra, hoặc theo điểm/tuyến đường cùng với các mức phí được áp dụng linh hoạt (Xem Bảng 1).

Bảng 1. Tổng hợp các giải pháp thu phí vào trung tâm đô thị mức độ tác động

Nơi áp dụng

Năm áp dụng

Giải pháp

Tác động về

giao thông

Tác động về môi trường

Hiệu quả đầu tư (tỉ số chi phí so với doanh thu của hệ thống thu phí)

Singapore

1975

Thu phí theo ngày, có tăng giảm theo khu vực và thời gian

Giảm 44% xe hơi, duy trì vận tốc tối ưu đường xa lộ 45-65km/h và 20-30km/h đường khác

 

16/200

London

2003

Thu phí kín theo ngày một vùng, có tăng theo mức ô nhiễm

Giảm 16% xe vào Giảm 30% xe thu phí, tăng 50% xe đạp, 25% xe bus, Giảm 30% thời gian chờ

Giảm khoảng 13-16% các chất ô nhiễm không khí

170/440

Stockholm

2007

Thu theo lượt và theo ngày

Giảm 16% xe vào Giảm 30% xe thu phí, tăng 50% xe đạp, 25% xe bus, Giảm 33% thời gian chờ

Giảm khoảng 8- 13% các chất ô nhiễm không khí

25/150

Milan

2012

Thu theo lượt

Giảm 34% xe, 30% thời gian chờ

Giảm khoảng 20%-40% các chất ô nhiễm không khí

34/35

Gothenburg

2013

Thu theo lượt, theo thời gian vào vùng

Giảm 10-20% thời gian chờ

Giảm 2,5% chất ô nhiễm không khí

30/125

Nguồn: Tổng hợp từ các báo cáo thành phố [1]

Kinh nghiệm cho thấy khả năng chuyển đổi phương tiện thực tế chỉ ở một mức độ nhất định nhưng tình hình đã cải thiện rõ rệt. Kết quả cải thiện như giảm tỉ lệ xe hơi cá nhân từ 15% đến 40%, thời gian chờ của dòng xe tại các nút giảm 30% (khi lưu lượng xe giảm 20% ở London). Hàm lượng Nox, bụi mịn PM10, PM2.5 giảm từ 20% đến 30% khi bộ phận người đi làm theo tuyến cố định về cơ bản chuyển sang sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Cũng có thể một số nhu cầu đi lại lựa chọn hướng đi khác hoặc thậm chí từ bỏ nhu cầu, nhưng về cơ bản tác động của thu phí là chuyển đổi loại hình phương tiện.

Lý do các dự án thành công còn nằm ở tính hiệu quả, công bằng, và khả thi. Tất cả các nơi đã áp dụng giải pháp hạn chế đều gặp phản đối ban đầu, xong tỉ lệ ủng hộ đều tăng cao sau khi áp dụng do tính hiệu quả, khả năng thích ứng và tính chất công bằng của giải pháp.  Hiệu quả thực tế lưu lượng xe phải thu phí giảm khoảng 30% - 40%[i] cho thấy khả năng điều chỉnh hay ‘đàn hồi’ của thị trường khi tăng chi phí. Hiệu quả về môi trường, sức khỏe, và chi phí xã hội cũng được chứng minh, và những người phải trả phí cũng đã dần bị thuyết phục khi tỉ lệ ủng hộ giải pháp thu phí trước và sau khi triển khai đều tăng lên (London tăng từ 39% lên 54%, Stockholm tăng từ 21% lên 67%, hay Oslo từ 30% lên 41%) [1]. 

Việc áp dụng bài học quốc tế cần nghiên cứu đặc điểm cụ thể. Nếu như đa phần các thành phố nhắm việc chuyển loại từ xe hơi cá nhân sang phương tiện công cộng thì TP.HCM (và cả Hà Nội) cần giải bài toán bùng nổ xe hơi trong bối cảnh đang lệ thuộc vào xe máy[ii]. Gần đây, hệ thống xe buýt ở TP.HCM đang khủng hoảng do bị cạnh tranh của xe ôm và xe hơi công nghệ[iii]. Nhưng xét về lâu dài, đặc điểm nền kinh tế phi chính thức, tổ chức không gian đã tối ưu cho xe máy và hạ tầng yếu kém (diện tích đất dành cho giao thông thấp và tình trạng bão hòa hoặc cận bão hòa[iv] về phương tiện đi trên làn theo khu vực và thời điểm) sẽ là cản trở lớn nhất cho chuyển đổi sang phương tiện công cộng. Trong bối cảnh đa số các quy hoạch còn trên giấy và đường sắt đô thị chưa thu xếp được vốn đầu tư, bài toán cơ bản sẽ là kiềm chế nhóm chuyển đổi xe hơi mới.

Trong bối cảnh TP.HCM đã thông qua đề án hạn chế xe hơi vào trung tâm, bài viết cung cấp thêm cơ sở để các cơ quan quản lý có thêm lựa chọn thực thi chính sách[v]. Giải pháp kiểm soát hay hạn chế thường bị phản đối nên cần sức thuyết phục cao. Các bằng chứng về tính hiệu quả, tính công bằng và thực tiễn là những nội dung cần làm rõ. Bài viết sẽ tập trung phân tích về sự cần thiết kiểm soát phương tiện cá nhân theo loại phương tiện, theo không gian và thời điểm với cách tiếp cận phù hợp với đặc điểm phát triển của thành phố.

II. Phân tích khả năng thông hành của các tuyến đường sử dụng tiếp cận quyền đi lại

A. Phương pháp

Bài viết sử dụng phương pháp tiếp cận ‘quyền đi lại để đánh giá khả năng thông hành của một số tuyến chính ở khu vực trung tâm TP.HCM với cấu trúc phương tiện và xu hướng gia tăng nhu cầu đi lại. ‘Quyền đi lại’ (mobility right) là một khái niệm phản ánh nhu cầu sử dụng không gian lòng đường của một cá nhân khi sử dụng phương tiện giao thông.  Mỗi tuyến đường khi đáp ứng nhu cầu đi lại sẽ tính gộp thông qua các hệ số quy đổi tiêu chuẩn thành khả năng đáp ứng được bao nhiêu đơn vị ‘quyền đi lại’.  Khả năng đáp ứng về quyền đi lại khác nhau ở các thời điểm với cấu trúc phương tiện khác nhau sẽ cho chúng ta căn cứ để cải thiện khả năng đáp ứng cao hơn về nhu cầu, thay vì chạy theo đáp ứng phương tiện.

Khả năng thông hành của tuyến đường sẽ thay đổi khi hành khách sử dụng phương tiện khác nhau như xe máy, xe hơi, hoặc xe buýt. Năng lực thông hành của tuyến đường theo tiêu chuẩn sẽ thay đổi phụ thuộc vào thành phần phương tiện sử dụng bề rộng lòng đường hỗn hợp hay tách bạch, ảnh hưởng của các loại hình nút giao, nút giao cho phép rẽ trái, có đèn tín hiệu/không đèn tín hiệu số lượng điểm giao cắt để đi bộ sang đường, cùng một số yếu tố khác như độ dốc, tình trạng đỗ xe dọc đường, số làn trên một chiều, đường một chiều hoặc hai chiều, bề rộng làn thực tế, vận tốc cho phép.

Các tham số sử dụng tính toán quy đổi quyền đi lại sẽ căn cứ vào các hệ số quy đổi. Từ số lượng xe sử dụng qua mặt cắt theo thời gian, nhóm sẽ tính toán được khả năng thông hành dựa vào sức chứa bình quân của mỗi loại phương tiện. Các tham số sử dụng tiêu chuẩn gồm có:

  • Hệ số quy đổi các loại xe trong dòng xe về xe con quy đổi (xcqđ) sử dụng TCVN 104-2007 [3]. 
  • Khả năng thông hành tối đa theo làn sử dụng TCVN 4054-2005 [4] (1.800 xe con/h/làn đường 1 chiều có giải phân cách với xe thô sơ, 1.500 xcqđ/h/làn đối với đường 1 chiều không có giải phân cách xe thô sơ, và 1.000xcqđ/h/làn đối với đường 2 chiều không có giải phân cách giữa và phân cách xe thô sơ).  
  • Hệ số chuyên chở bình quân sử dụng kết quả khảo sát thực tế tại TP.HCM giai đoạn 2013. Hệ số này có chênh lệch giữa giờ cao điểm và thấp điểm (Xem Bảng dưới).

Bảng 2. Hệ số quy đổi phương tiện và hệ số chuyên chở người bình quân của các loại phương tiện tại TP.HCM tiêu chuẩn theo hai khung thời gian

 

Xe máy

Xe con

Taxi

Xe buýt nhỏ

Xe buýt lớn

Xe tải nhỏ

Xe tải lớn

Hệ số quy đổi ra xe ô tô con

0,15 giờ cao điểm,

0,25 giờ thấp điểm

1

1

2,5

3,5 giờ cao điểm,

3 giờ thấp điểm

2,5

3,5 giờ cao điểm,

3 giờ thấp điểm

Hệ số chuyên chở giờ cao điểm (OCC_peak)

1,37

1,86

1,99

13,00

46,72

1,70

1,70

Hệ số chuyên chở giờ cao điểm (OCC_offpeak)

1,37

1,86

1,99

6,50

23,36

1,70

1,70

Nguồn: TCVN 104:2007 và nghiên cứu hỗ trợ thực hiện dự án MRT Bến Thành Suối Tiên (SAPI) – 2014 [5]

Ví dụ: một tuyến đường 2 chiều 2 làn xe hơi và 2 làn xe máy giờ thấp điểm có chiều rộng tổng cộng là 9,5m, trong một đơn vị thời gian là 1 giờ sẽ phục vụ được 1000x1,86x2+1000x1,37x2/0,25 = 4816 đơn vị quyền đi lại ở điều kiện tiêu chuẩn. Các tuyến đường có bề rộng khác nhau và chiều rộng không theo tiêu chuẩn làn có thể phục vụ xe máy và xe hơi hỗn hợp được quy đổi về năng lực thông hành theo chiều rộng thay vì tính theo làn xe.

Áp dụng cách tính trên vào khu vực khảo sát ở TP.HCM để so sánh tổng quát năng lực thông hành theo quyền đi lại của một số tuyến đường nằm trong và ngoài trung tâm kinh doanh (CBD) TP.HCM, nơi dự kiến xây dựng ranh giới hạn chế xe hơi.  Việc đo lượng xe được tính theo mặt cắt điển hình giữa các nút với giả định năng lực thông hành trong điều kiện bình thường[i] không khác biệt quá lớn giữa tại các nút và mặt cắt. Bài viết sử dụng số liệu trình bày mẫu tại 12 mặt cắt trên một số trục giao thông điển hình với 6 mặt cắt ở trong và 6 ở ngoài khu vực trung tâm (930ha) TP.HCM (Xem Hình 1).

Với đặc trưng mạng lưới khu vực hiện có, nhóm nghiên cứu chọn 6 mặt cắt gắn với các vị trí trong trung tâm và ngoài trung tâm. Các vị trí được chọn phản ánh đặc trưng khu vực trong và ngoài trung tâm với các trục chính/phụ, xuyên tâm đi vào CBD và đi kề cận CBD, một chiều nhiều làn và ít làn, 2 chiều nhiều làn và ít làn. Tuy nhiên, có thể nói việc lựa chọn các mặt cắt trên một số tuyến trên vẫn chưa thể phản ánh hết đặc trưng khu vực trung tâm và ngoài trung tâm cũ của thành phố. 

Ký hiệu

Tên mặt cắt

Hướng – đặc điểm

Trung tâm

 

MC1

Nguyễn Thị Minh Khai

Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Lê Quý Đôn - tuyến chính kề cận CBD

MC2

Pasteur

Lê Thánh Tôn - Lý Tự Trọng - xuyên tâm CBD

MC3

Lê Thánh Tôn

Pasteur - Nam Kỳ Khởi Nghĩa - xuyên tâm CBD một chiều

MC4

Hai Bà Trưng

Điện Biên Phủ - Võ Thị Sáu - tuyến chính kề cận CBD 1 chiều

MC5

Lê Duẩn

Đinh Tiên Hoàng - Mạc Đĩnh Chi - Tuyến chính kề cận CBD 2 chiều

MC6

Cống Quỳnh

Bùi Thị Xuân - Nguyễn Trãi - tuyến phụ

Cận Trung tâm

 

MC1

An Dương Vương

Nguyễn Văn Cừ - Lê Hồng Phong - Tuyến chính có bề rộng mặt cắt đường lớn

MC2

Nguyễn Trãi

Nguyễn Văn Cừ - Cống Quỳnh - Tuyến trục chính kết nối khu vực cận trung tâm đến trung tâm

MC3

Ngô Quyền

Hồng Bàng - Nguyễn Chí Thanh - Tuyến phụ, bề rộng đường nhỏ

MC4

Trần Phú

Trần Bình Trọng - Ngã 6 Cộng Hòa - Tuyến chính trong khu vực, đường 1 chiều, bề rộng mặt cắt lớn

MC5

Hùng Vương

Trần Bình Trọng - Ngã 6 Cộng Hòa - Tuyến chính trong khu vực, đường 1 chiều, bề rộng mặt cắt lớn

MC6

Nguyễn Chí Thanh

Lý Thường Kiệt - Ngô Quyền - Tuyến chính trong khu vực, bề rộng mặt cắt đường nhỏ

Nguồn: Tác giả

Để đánh giá nhu cầu sử dụng phương tiện, nghiên cứu sẽ trình bày mẫu hình đi lại qua các mặt cắt theo phương tiện quy đổi (passenger car unit - pcu) giữa hai nhóm khu vực để làm rõ đặc điểm về nhu cầu đi lại và đặc điểm về mức độ khai thác hạ tầng đô thị theo các khung giờ trong ngày. Sau đó, sử dụng phương pháp quy đổi về nhu cầu đi lại để đánh giá mẫu hình đi lại theo quyền đi lại của hành khách và so sánh với đặc điểm sử dụng phương tiện để làm rõ khoảng cách giữa đáp ứng nhu cầu đi lại với lưu lượng. Khoảng cách này sẽ dùng để làm rõ hơn cơ hội cải thiện tình hình và dự bảo về tác động của các giải pháp hạn chế xe hơi cá nhân khi biến động về phương tiện thời điểm giúp định hình không gian và khu vực có nhu cầu. Từ đó có thể khoanh vùng phân tích khả năng điều tiết nhóm phương tiện trong khoảng khung giờ.

B. Phân tích về đặc điểm sử dụng hạ tầng giao thông

Dựa vào số liệu đếm xe sử dụng phương pháp đo tại mặt cắt giữa hai nút giao với phân tách nhóm phương tiện và đo theo cả khung giờ trong 24 giờ, nhóm thu thập được dữ liệu lưu lượng xe qua các nút trong tuần tại khu vực trung tâm và cận trung tâm. Kết quả cho thấy phân bố lưu lượng trong ngày thường (ở thời điểm 2018-2019) nhu cầu đi lại theo phương tiện ở khu vực trung tâm thành phố có mức dao động tương đối cao trong các khung giờ cao điểm sáng (7h-10h), đặc biệt là giờ cao điểm chiều (16h30-19h hoặc thậm chí 19h30). Một số tuyến chính còn có giờ cao điểm trưa kéo dài từ 11h-13h. Lưu lượng giờ thấp điểm kéo dài từ 22h đêm đến 6h sáng.

Tại khu vực cận trung tâm, phân bố lưu lượng cũng biến động tương tự với giờ cao điểm sáng và chiều. Một số tuyến có lưu lượng biến động cao, song nhìn chung lưu lượng ở khu vực cận trung tâm có tính ổn định cao hơn (mức độ biến động thấp hơn) so với khu vực trung tâm. Lưu lượng tăng cao từ 7h sáng đến 19h tối. Một số tuyến chính có giờ cao điểm sáng bắt đầu sớm hơn (từ 6h) và cũng kết thúc giờ cao điểm sớm hơn so với khu vực trung tâm (19h thay vì 20h).

Như vậy, giờ cao điểm buổi chiều trong tuần (từ 17h đến 19h) có lưu lượng cao nhất, thường xuyên xảy ra tắc nghẽn và cần được sử dụng để đánh giá giới hạn về khả năng thông hành và giải pháp hạn chế phương tiện cá nhân. Khoảng thời gian từ 7h đến 19h là khung thời gian cần được cân nhắc để hạn chế phương tiện đi làm theo tuyến cố định ở khu vực này và bài viết tập trung vào phân tích về trạng thái tới hạn làm việc của các tuyến đường chính trong khoảng thời gian này.

C. Năng lực thông hành và cấu trúc sử dụng phương tiện

Tại khu vực trung tâm, tỉ trọng xe hơi cao hơn trong giờ cao điểm là đóng góp quan trọng vào sự suy giảm khả năng đáp ứng quyền đi lại. So sánh cấu trúc phương tiện sử dụng trên các tuyến điển hình cho thấy sự tương phản giữa cấu trúc phương tiện và khả năng đáp ứng nhu cầu đi lại. Trong khung giờ cao điểm, xe con và xe taxi qua các mặt cắt trung bình chiếm tỉ lệ gần 45% trong thành phần dòng xe quy đổi nhưng chỉ đáp ứng gần 10% nhu cầu đi lại. Xe máy chiếm tỉ lệ gần 40% dòng xe quy đổi, nhưng lại đáp ứng tới 55% nhu cầu đi lại (Xem Hình 4).

Xe buýt có khả năng chuyên chở lớn nhưng xu hướng suy giảm về sức chứa đáng lo ngại. Với số lượng xe buýt vận hành thực tế, khả năng đáp ứng nhu cầu đi lại cá nhân của xe buýt là đáng kể nếu chở đủ tải theo mặt bằng sức chứa của mặt bằng năm 2012. Với giả định này, xe buýt đáp ứng trên dưới 30% nhu cầu đi lại trên tuyến chính trong khi chỉ sử dụng khoảng 10% năng lực thông hành theo làn. Tuy nhiên, khi số lượng khách đi xe buýt ở TP.HCM giảm liên tục khoảng 6% năm từ 2012 và 14% trong riêng năm 2018 thì lượng khách sử dụng xe buýt hiện nay chỉ bằng khoảng ½ năm 2012 và tiếp tục suy giảm do Ncovid 19 từ đầu năm 2020. Như vậy, hệ số sử dụng phương tiện bình quân suy giảm làm khả năng đáp ứng thực tế của xe buýt có thể giảm từ 30% xuống còn 15% nhu cầu và con số này cho thấy hiệu quả giải quyết quyền đi lại chỉ xấp xỉ phương tiện xe máy.

Tại khu vực cận trung tâm, quyền đi lại được thỏa mãn ở mức độ cao hơn gắn với tỉ trọng xe con thấp hơn. Trong khung giờ cao điểm, xe con và xe taxi chiếm dụng mặt đường tới gần 40% (khi dừng tại nút thì xe hơi chiếm dụng mặt đường tăng lên tới tỉ lệ khoảng 60%[i]) nhưng chỉ đáp ứng 13% nhu cầu đi lại. Tỉ lệ này ở khu vực cận trung tâm thấp hơn so với khu vực trung tâm. Trong khi đó, xe máy vẫn đáp ứng nhu cầu cao về đi lại (trên 50%), trong khi chỉ khai thác năng lực thông hành tính theo bề rộng mặt đường bình quân là 30%.

D. Xu hướng dịch chuyển sang xe hơi  

Xu hướng dịch chuyển sang sử dụng xe hơi vào khu vực trung tâm là hiện hữu. Tốc độ tăng trưởng về sở hữu xe gắn máy ở TP.HCM trong 5 năm vừa qua vẫn tăng trên dưới 10%, riêng năm 2018-2019 là gần 16%[ii]. Mối liên hệ giữa tỉ lệ sở hữu xe hơi phản ánh vào tỉ trọng sử dụng xe hơi tăng lên vào trung tâm là hiện hữu khi theo dõi lưu lượng phương tiện qua hầm Thủ Thiêm trong giai đoạn 5 năm trở lại đây. So sánh hai khung thời gian 2013-2014 và 2018-2019 cho thấy xu hướng tăng về số lượng và cả cấu trúc phương tiện xe hơi so với xe máy là rõ ràng[iii].

Áp lực dịch chuyển này minh chứng về tình trạng quá tải khu trung tâm. Sau 5 năm tỉ trọng xe hơi so với xe máy chỉ dịch chuyển hơn 3% về tuyệt đối, nhưng lại cho mức tăng tương đương 15,9/13.75 = 115,6%. Nếu mỗi năm tỉ trọng xe hơi tiếp tục tăng bình quân là trên dưới 3%, khả năng ùn tắc trong giờ cao điểm sẽ tăng theo ở các tuyến và nút:

(1) Trên tuyến: do xe hơi có hệ số chiếm dụng không gian mặt đường = khoảng 6,5 lần so với xe máy[i] trong trạng thái bão hòa về phương tiện giờ cao điểm. Để giữ mức độ ùn tắc không tăng, cần phải bổ sung năng lực thông hành của các làn có xe hơi lên tới 6,5* 3= 13,5% một năm. Nói cách khác, năng lực thông hành cần tăng gấp đôi sau chỉ 3.7 năm[ii].

(2) Tại nút: Xe hơi có vận tốc trung bình trong giờ cao điểm thấp hơn xe máy khoảng 30%.  Cùng với khả năng xoay trở chậm ở các nút giao hỗn hợp (thời gian đi qua nút rẽ rái dài hơn bình quân 50% và đi thẳng dài hơn 30%), dòng chờ tại các nút thường bị dồn ứ kéo dài. Việc dồn ứ cộng hưởng tại các nút giao gần nhau sẽ gây ra tình trạng ùn tắc kéo dài hơn nữa trong giờ cao điểm.

Hai lý do trên làm tình trạng ùn tắc ở khu vực trung tâm nhạy cảm hơn với tốc độ dịch chuyển từ xe máy sang xe hơi.

E. Khả năng thực tế hấp thụ gia tăng nhu cầu tại các tuyến cụ thể

Xét trên một số tuyến đại diện, có thể hình dung kết nối với bên ngoài vào khu vực trung tâm đều ở trạng thái quá tải hoặc suy giảm khả năng thông hành. Có thể biện luận rằng đường trung tâm vẫn còn khả năng hấp thụ lượng xe tăng thêm. Tuy nhiên, khi so sánh khả năng thông hành tại 6 mặt cắt đại diện cho các tuyến chính và phụ trong khu vực trung tâm, chúng ta đều thấy khả năng hấp thụ lượng xe tăng thêm đã không còn hoặc đã suy giảm nghiêm trọng do quá tải khu vực. Tại các tuyến cửa ngõ vào CBD như Lê Thánh Tôn, Pasteur, sự ảnh hưởng do ùn xe liên nút giao dẫn đến vận tốc suy giảm và khả năng khai thác chỉ đạt dưới 0,4 mức tiêu chuẩn khả năng thông hành tiêu chuẩn.  Đồng thời, tỉ trọng xe hơi tại các mặt cắt này rất lớn do bị dồn ứ ở các nút, xe hơi chiếm dụng tới 70% diện tích mặt đường cho thấy khả năng xoay trở tăng thêm nếu là xe hơi sẽ rất khó với đặc điểm khoảng cách giữa các nút giao có lưu lượng lớn rất gần. 

Một số tuyến quan trọng quá tải nhưng chưa suy giảm khả năng thông hành. Một số tuyến như Nguyễn Thị Minh Khai, Hai Bà Trưng có mức độ quá tải cao là điểm tích cực bởi nếu ùn tắc thường xuyên sẽ suy giảm về năng lực thông hành. Có thể giải thích bằng đặc điểm làn đường, chiều dài giữa các nút giao đã được tối ưu hóa cùng tỉ trọng xe gắn máy cao nên có thể tải được nhu cầu đi lại lớn. Tuyến đường phụ như Cống Quỳnh (đoạn gần nút giao Trần Hưng Đạo) còn dư địa hấp thụ thêm lượng phương tiện; tuy nhiên, khả năng nhu cầu tăng lên cao ít có ý nghĩa thực tiễn.

Trong khi đó, khu vực cận trung tâm nhìn chung vẫn còn khả năng hấp thụ thêm lưu lượng gia tăng trừ đường Nguyễn Chí Thanh và Nguyễn Trãi đã quá tải có độ bão hòa (> 1). Các vị trí quan sát còn lại vẫn còn dưới mức bão hòa một khoảng nhất định đồng nghĩa với khả năng hấp thụ thêm một lượng phương tiện nhất định hoặc khả năng dịch chuyển thêm một tỉ lệ nữa. Xét theo quyền đi lại bình quân của hành khách theo giờ, khu vực ngoài trung tâm mới khai thác bình quân 2.000 quyền đi lại/m/h, trong khi khu vực trung tâm đã ở mức 3.000 quyền đi lại/m/giờ.

III. Thảo Luận

Đánh giá khả năng thông hành theo tiếp cận quyền đi lại cho thấy tính cấp bách trong áp dụng giải pháp hạn chế chuyển đổi xe máy sang xe hơi ở khu vực trung tâm thành phố. Tình trạng suy giảm khả năng thông hành trên các tuyến chính dẫn vào khu vực CBD và quá tải trên hầu khắp các tuyến đường chính ở đây cho thấy khả năng hấp thụ nhu cầu đi lại tăng thêm ở khu vực này đã hết. Trong khi khu vực cận trung tâm vẫn còn khả năng hấp thụ một lượng nhất định thì việc điều chỉnh giúp khai thác tối ưu hơn năng lực hạ tầng giao thông.  Trạng thái tới hạn trên các tuyến chính, gia tăng tỉ lệ xe hơi dù nhỏ cũng đe dọa dẫn tới suy giảm nhanh khả năng thông hành và ùn tắc kéo dài giờ cao điểm buổi chiều trong khu vực trung tâm là cơ sở để khẩn trương áp dụng các giải pháp đồng bộ cho khu vực này.

Lựa chọn hạn chế chuyển đổi xe hơi đem lại hiệu quả đa chiều. Cùng đồng hành với một số nghiên cứu khác về tương lai của xe máy ở Việt Nam[i], bài viết cung cấp thêm bằng chứng về tính hiệu quả của phương tiện xe máy trong đáp ứng quyền đi lại khu vực trung tâm TP.HCM trong các khung giờ cao điểm. Hiệu quả về sử dụng năng lực thông hành của xe máy cao hơn xe hơi khoảng 6,5 lần sẽ giúp các tuyến huyết mạch duy trì khả năng thông hành vượt trạng thái tới hạn lý thuyết. Các tuyến đã bị suy giảm năng lực thông hành có thể giữ được trạng thái hiện tại trong một thời gian cho đến khi tuyến Metro số 1 được khai thác. Trong điều kiện bão hòa và nhu cầu đi lại tăng thêm, giải pháp hạn chế là một yếu tố quan trọng có thể đảo ngược xu hướng gia tăng sử dụng xe hơi và điều này đã được kiểm chứng ở nước ngoài. 

Khả năng thuyết phục quan trọng của quyền đi lại được củng cố. Lựa chọn phù hợp phạm vi, mức phí, thời điểm sẽ cho phép người dân đảm bảo công bằng khi thực hiện quyền đi lại theo lý thuyết về công bằng truyền thống[ii]. Rõ ràng là người sử dụng xe hơi sử dụng nhiều tài nguyên (gấp 6,5 lần trong giờ cao điểm so với xe máy) nên khi sử dụng ‘quyền’ của 5 người khác cần phải trả phí để thành phố bù lỗ cho vận tải hành khách công cộng cũng như ngăn chặn xu hướng bất lợi khi cuộc chơi tới hạn về khả năng đáp ứng chỉ dẫn tới gia tăng quyền của nhóm này được đáp ứng bằng sự hy sinh của nhóm khác. Những khu vực còn khả năng hấp thụ phương tiện và thời điểm nhu cầu thấp ở khu vực kề cận không chỉ là hiệu quả mà còn là cơ sở giúp các bên bình đằng trong thực hiện quyền thích nghi với hoàn cảnh mới. Ngoài ra, xe hơi vẫn là phương tiện của người có khả năng chi trả cao nên giải pháp này về nguyên tắc không dẫn đến bất bình đẳng hơn nữa về thu nhập.

Kỳ vọng của giải pháp hạn chế hướng tới hiệu quả lâu dài. Mặc dù tỉ lệ giảm tức thời sau khi áp dụng chỉ là 20% tới 40% về số lượng xe hơi không nhiều so với tốc độ gia tăng nhu cầu đi lại gần đây (chỉ quay ngược thời gian được khoảng 3 năm trước tính theo số lượng phương tiện xe hơi); tuy nhiên, mức phí phù hợp sẽ tạo rào cản dịch chuyển phương tiện sang xe hơi ở khu vực trung tâm vào giờ cao điểm về lâu dài. Nhu cầu đi lại bằng xe hơi sẽ có thể tái phân bố ở các khu vực còn dự trữ năng lực thông hành và đặc biệt là giảm trong giờ cao điểm chiều (bởi một tỉ lệ lớn xe hơi cá nhân đi làm theo tuyến cố định không vào khu vực trung tâm từ sáng thì đến chiều cũng không ra nữa). Điều này quan trọng đạt được là tiết giảm xu hướng dịch chuyển sang xe hơi cá nhân theo khu vực và thời điểm để chờ tới lúc các hệ thống vận tải hành khách công cộng như Metro, xe buýt nhanh được vận hành đồng bộ.

Điều quan trọng đối với các giải pháp là làm cho khu vực CBD - trung tâm tài chính, trung tâm kinh doanh được vận hành thông suốt. Tốc độ giao dịch tăng lên cùng khả năng đáp ứng nhu cầu đi lại nhanh chóng hơn về tổng thể sẽ giúp thúc đẩy sự phát triển chung của cả thành phố và vùng kinh tế. Mong rằng thành phố sẽ sớm có những lựa chọn và thực thi giải pháp khẩn trương, đồng bộ và phù hợp để Nghị quyết 25 của Hội đồng nhân dân đi vào cuộc sống.

Tài liệu tham khảo

1. Amelsfort, D.v. and K. Brundell-Freij, Congestion Charging: Policy and Global Lessons Learned. 2018, WSP.

2. VGTRC, Motorcycle roles in Vietnam's future. 2018, VGTRC, VGU.

3. BXD, TCXDVN 104:2007, in Tiêu chuẩn xây dựng: đường đô thị: yêu cầu thiết kế. 2007: Hà Nội.

4. BKHCN, TCXDVN 4504:2005 Công trình giao thông đường bộ. 2005: Hà Nội.

5. JICA, et al., SAPI Special Assistance for Project Implementation for Hochiminh city Urban Railway Project (Ben Thanh Suoi Tien). 2014, HCMC PC, MAUR.

6. John, R., A theory of justice. 1971: Belknap.


[i] Nghiên cứu về tương lai xe máy của Trung tâm nghiên cứu giao thông vận tải, đại học Việt Đức cho thấy ‘ở các thành phố lớn, đến năm 2030, thị phần xe máy sẽ vẫn duy trì ở mức khoảng 70% cho dù các thành phố lớn có thực hiện được hoàn toàn quy hoạch phát triển cơ sở hạ tầng và giao thông công cộng như đã vạch ra’ 2.    VGTrc, Motorcycle roles in Vietnam's future. 2018, VGTrc, VGU..  Lý do của các lựa chọn này là tính vượt trội của xe máy so với các phương tiện khác về hiệu quả gồm cả thời gian, chi phí xã hội của phương tiện, và mức độ tiện lợi của các phương tiện.  Nhược điểm lớn nhất của xe máy là an toàn và ô nhiễm có thể giải quyết bằng chuyển sang sử dụng xe máy điện và giới hạn vận tốc lưu hành.

[ii] Xem thêm trong Lý thuyết về công bằng/ công lý của John Rawls 6.    John, R., A theory of justice. 1971: Belknap.


[i] Ước tính dựa trên đo lường thực tế khi vận hành tốc độ thấp trong giờ cao điểm (vận tốc khoảng 20km/h trong các làn hỗn hợp xe hơi và xe máy). Chỉ số này có tham khảo Nghiên cứu 2.           VGTrc, Motorcycle roles in Vietnam's future. 2018, VGTrc, VGU.

[ii] Cách tính dựa trên tỉ lệ phương tiện xe hơi hiện tại so với xe máy là 15% và số lượng sẽ tăng gấp đôi khi chia 72 cho tỉ lệ tăng trưởng hàng năm của phương tiện này.


[i] Vận tốc trung bình của xe hơi trong giờ cao điểm thường chậm hơn 50% so với xe máy và do đó dòng chờ xe hơi tại các nút giao se dài hơn, không gian mặt đường tại nút luôn chiếm dụng tăng lên tương ứng 50% so với không gian sử dụng khi đi qua mặt cắt không chịu ảnh hưởng từ nút.

[iii] Tốc độ gia tăng tỉ trọng phương tiện xe hơi qua hầm Thủ Thiêm có thể chưa đại diện cho tất cả các tuyến và khu trung tâm; tuy nhiên, xu hướng tăng lên khó có thể đảo ngược khi tỉ lệ sở hữu xe hơi đã và sẽ tăng liên tục trong tương lai.


[i] Điều kiện lưu thông dưới mức bão hòa có thể hiểu là khả năng thông hành vẫn giữ ổn định gần với tiêu chuẩn, dòng chờ ở các nút không kéo dài làm ảnh hưởng đến năng lực thông hành liên các nút.


[i] Tỉ lệ xe hơi phải chịu phí giảm 30%-40%, nhưng do có các xe được miễn phí nên hiệu quả tổng thể giảm lưu lượng xe khoảng trên 20%.

[ii] Thành phố Hồ Chí Minh có tỉ lệ sử dụng chuyến đi trên 2km bằng xe máy tới 90% 2.     VGTrc, Motorcycle roles in Vietnam's future. 2018, VGTrc, VGU.

[iii] Báo cáo Sở GTVT thành phố Hồ Chí Minh năm 2020.

[iv] Cận bão hòa là tỉ số giữa lưu lượng thực tế so với khả năng lưu hành chuẩn của làn (Volume/Capacity=v/c).  Khả năng lưu hành phản ánh khả năng lưu thông trên một làn xe – quy đổi là 1800 xe/h đo tại mặt cắt giữa hai nút giao thông.  Tình trạng cận bão hòa là 0,9>V/c>0,8, còn bão hòa là V/c=1, quá bão hòa là V/c>1.

[v] Nghị quyết số 25/NQ-HĐND ngày 11/7/2020 của HĐND TP về thực hiện tăng cường vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) kết hợp với kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn TP.


[i] Tổng hợp từ Báo cáo Sở GTVT Thành phố Hồ Chí Minh, Cục đăng Kiểm Việt Nam, và Công an Thành phố Hồ Chí Minh.

(Nguồn:Tạp chí quy hoạch xây dựng (số 107+108))
Tin cũ hơn

Tạp chí QHXD

Ebook

Giới thiệu sách

Liên kết website