Liên kết giữa đô thị trung tâm và các đô thị vệ tinh phục vụ phát triển bền vững thành phố mới

TS. Nguyễn Hồng Sơn, TS. Nguyễn Thị Diễm Hằng, ThS. Nguyễn Ngọc Tiệp

Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội

 

Thủ đô Hà Nội có tốc độ gia tăng dân số rất nhanh, đặc biệt tại đô thị trung tâm, gây ra áp lực lớn đối với hạ tầng kỹ thuật và xã hội, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống người dân. Việc xây dựng các đô thị vệ tinh (ĐTVT) với mục tiêu giảm tải dân số cho đô thị trung tâm, đồng thời tạo các cực tăng trưởng mới cho Thủ đô là một giải pháp được hoạch định trong Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tuy nhiên, Hà Nội đang gặp nhiều khó khăn, thách thức trong việc xây dựng các đô thị vệ tinh, tạo mối liên kết hài hoà giữa đô thị trung tâm và đô thị vệ tinh.

I. Thực trạng phát triển đô thị trung tâm của Hà Nội

Thành phố Hà Nội có diện tích khoảng 3.345km2, nằm trong số 17 thủ đô lớn nhất thế giới, với dân số năm 2017 hơn 7,6 triệu người, chiếm 8% dân số cả nước; gồm 12 quận trung tâm, 17 huyện ngoại thành và 1 thị xã.

Luật Thủ đô được Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam khóa XII ban hành đã xác định Hà Nội là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia; là trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước. Hà Nội là nơi đặt trụ sở các cơ quan Trung ương, các tổ chức chính trị xã hội, đại diện các cơ quan ngoại giao, các tổ chức quốc tế; là nơi có các cơ sở giáo dục lớn nhất cả nước ở các cấp học phổ thông và giáo dục chuyên nghiệp (với hơn 100 trường đại học, cao đẳng); là trung tâm nghiên cứu hàng đầu của cả nước và nơi đặt trụ sở của nhiều doanh nghiệp lớn.

Với các chức năng như vậy, Hà Nội đã và đang thu hút rất nhiều dân cư từ các địa phương về học tập, làm việc và sinh sống, đặc biệt tại các đô thị trung tâm. Sau 10 năm thay đổi địa giới hành chính, dân số đô thị tại 12 quận của Hà Nội đã tăng 19,43%, từ 2.897,2 nghìn người năm 2008 lên đến 3.460,3 nghìn người năm 2017. Mật độ dân số trung bình tại các quận nội thành là 10.830 người/km2 (cá biệt có quận Đống Đa với mật độ là 42.259 người/km2, Thanh Xuân với 31.328 người/km2 và Hai Bà Trưng với 33.056 người/km2)

2. Những vấn đề bất cập của đô thị trung tâm Hà Nội

Mặc dù được đầu tư rất nhiều trong xây dựng và quản lý đô thị, hướng đến một thành phố sống tốt, nhưng với áp lực dân số lớn như vậy, khu vực trung tâm Hà Nội đang gặp phải những vấn đề bất cập về hạ tầng và công tác quản lý dân cư. Có thể lấy một số ví dụ cụ thể sau:

- Công tác quản lý dân cư, đặc biệt tại các khu đô thị hóa nhanh gặp nhiều khó khăn

Với khối lượng dân nhập cư khá lớn, trong đó rất nhiều trường hợp không đăng ký tạm trú, là một khó khăn lớn cho chính quyền cơ sở trong việc quản lý dân cư, đảm bảo trật tự an toàn xã hội ở các quận trung tâm thành phố.

Bên cạnh đó, trong khoảng 20 năm trở lại đây, khu vực trung tâm Hà Nội hình thành nhiều khu đô thị với quy mô lên đến hàng vạn dân như các khu Linh Đàm (Hoàng Mai), Việt Hưng (Long Biên), Đặng Xá (Gia Lâm)… Một đặc điểm chung là các khu đô thị này năm xen kẽ với khu dân cư, làng xóm cũ. Việc quản lý cư dân tại các khu đô thị này đang là khó khăn lớn cho chính quyền cấp cơ sở khi dân số tăng quá nhanh, trong khi đội ngũ cán bộ cấp phường lại thiếu về số lượng và chưa mạnh về chất lượng.

- Việc phát triển hạ tầng giao thông và vận tải vẫn chưa đáp ứng nhu cầu thực tế

Có thể thấy trong hàng chục năm qua, hệ thống hạ tầng giao thông của thành phố được đầu tư xây dựng, mở rộng khá nhiều, tiêu biểu là hệ thống đường vành đai 1,2,3; các tuyến cầu vượt khác cấp tại các nút giao thông; các tuyến đường nội đô thường xuyên được cải tạo chỉnh trang… Nhưng với hơn 5 triệu xe máy, 500 nghìn xe ô tô (chủ yếu tập trung trong đô thị trung tâm), hiện tượng ùn tắc giao thông thường xuyên xảy ra trên địa bàn khu vực nội đô Hà Nội, vừa gây ô nhiễm môi trường không khí, vừa gây lãng phí nhiêu liệu rất lớn. Việc quy hoạch các khu đô thị ở bên ngoài, nhưng các công sở lại ở trung tâm thành phố làm cho số lượng phương tiện di chuyển của người dân giữa nội đô và khu vực ngoại thành rất lớn, gây ra hiện tượng ùn tắc thường xuyên tại các tuyến đường cửa ngõ thủ đô như đường 32, đường Nguyễn Trãi, Nguyễn Văn Cừ... Trong khi đó, việc di dời các cơ sở sản xuất, trường học, bệnh viện, cơ quan Nhà nước ra khỏi nội đô diễn ra rất chậm. Quỹ đất sau khi di dời lại được thay bằng các khu đô thị, tòa nhà chung cư cao tầng càng dẫn đến gia tăng mạnh hơn áp lực giao thông, quá tải hạ tầng xã hội...

Mặc dù Hà Nội có nhiều cố gắng trong tăng cường năng lực vận tải hành khách công cộng như vận hành tuyến buýt nhanh BRT năm 2016, liên tục mở rộng các tuyến buýt công cộng lên đến 112 tuyến toàn thành phố, nhưng cho đến nay mới chỉ đáp ứng được khoảng 15% nhu cầu vận tải hành khách công cộng. Con số này thay đổi rất ít trong 10 năm qua do lượng dân cư ngày càng lớn trong khu vực nội đô.

- Sức ép từ bảo vệ môi trường khu vực trung tâm thành phố

Hà Nội là thành phố có hệ thống hồ phong phú với hàng trăm hồ, sông lớn nhỏ, góp phần điều hoà khí hậu và tạo vẻ đẹp đặc biệt. Bên cạnh đó, hệ thống hồ Hà Nội còn là một phần của hệ thống thoát nước khu vực trung tâm thành phố. Tuy nhiên, với áp lực đô thị hoá nhanh, hệ thống hồ đã bị thu hẹp lại và làm giảm khả năng thoát nước khi gặp mưa, gây nên hiện tượng ngập cục bộ. Nghiêm trọng hơn, với lượng nước thải đô thị phát sinh khoảng 700.000 m3/ngày đêm, trong đó chỉ hơn 22% được xử lý, đã làm ô nhiễm rất nhiều hồ, sông như sông Tô Lịch, các hồ khu vực quận Hoàng Mai, Hai Bà Trưng…

Lượng chất thải rắn sinh hoạt khu vực trung tâm chiếm hơn 50% toàn thành phố, gây áp lực rất lớn đến việc thu gom và xử lý. Bên cạnh đó, lượng chất thải rắn xây dựng của khu vực trung tâm rất lớn, lên đến hàng ngàn tấn/ngày do hoạt động xây dựng diễn ra khắp nơi nhưng việc quản lý, xử lý chưa hiệu quả, hiện tượng đổ thải không đúng quy định xảy ra ở hầu khắp địa bàn thành phố, gây mất mỹ quan đô thị và ô nhiễm môi trường.

Ngoài ra, do hoạt động xây dựng quá nhiều, số lượng phương tiện giao thông quá lớn đã làm khu vực trung tâm thành phố xảy ra hiện tượng ô nhiễm không khí, trong đó đặc biệt là ô nhiễm bụi và đến nay chưa có giải pháp xử lý hiệu quả.

- Hiện tượng quá tải tại cơ sở khám chữa bệnh, các trường học các cấp… trên địa bàn vẫn ngày càng tăng. Mặc dù trong 5 năm qua, các cơ sở khám, chữa bệnh tuyến Trung ương, địa phương trên địa bàn thành phố đã đầu tư xây dựng, mở rộng rất nhiều, nhưng hiện tượng người bệnh phải chờ đợi lâu, nằm ghép giường, nằm ngoài hành lang bệnh viện vẫn diễn ra. “Quy hoạch mạng lưới trường học toàn thành phố đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” được phê duyệt năm 2012 với mục tiêu rất cụ thể về quỹ đất cho mỗi học sinh, quy mô số học sinh tối đa/lớp. Nhưng cho đến năm 2018, hiện tượng quá tải đối với các trường, đặc biệt khối tiểu học vẫn diễn ra rất cao (theo Quy hoạch đối với bậc tiểu học không quá 30 học sinh/lớp, nhưng thực tế nhiều trường tiểu học thuộc các quận Ba Đình, Hoàn kiếm, Cầu Giấy, Đống Đa… số học sinh đều lên tới 45-55 học sinh/lớp, cá biệt lên tới 60-70 học sinh/lớp).

II. Vai trò của đô thị vệ tinh trong tổng thể định hướng phát triển của Hà Nội

Nhằm giảm áp lực cho đô thị trung tâm, tạo động lực mới cho phát triển thủ đô, Đồ án “Quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050” được Chính phủ phê duyệt năm 2011 đã định hướng Hà Nội sẽ phát triển theo mô hình chùm đô thị gồm đô thị trung tâm, 5 đô thị vệ tinh và các thị trấn sinh thái. Khu vực đô thị trung tâm được phân cách với các ĐTVT và thị trấn bằng hành lang xanh, chiếm 70% diện tích đất tự nhiên của thành phố.

1. Giới thiệu chung về đô thị vệ tinh của Hà Nội

Năm đô thị vệ tinh gồm: Hòa Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên và Sóc Sơn, ở cự li khoảng 25-30 km tính từ trung tâm thành phố.

(1) Đô thị vệ tinh Hòa Lạc: nằm ở phía Tây của đô thị trung tâm, có dân số dự kiến là 600 ngàn người. Trong quy hoạch, Hòa Lạc được xác định là đô thị khoa học công nghệ và đào tạo. Mục tiêu chính là khuyến khích phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và thu hút di dân;

(2) Đô thị vệ tinh Xuân Mai: cũng nằm ở phía Tây của đô thị trung tâm, có dân số dự kiến là 220 ngàn người. Trong quy hoạch, Xuân Mai được xác định là đô thị dịch vụ-công nghiệp. Trong đó, phát triển các trung tâm dịch vụ gắn với cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề truyền thống; và phát triển các dịch vụ thương mại đầu mối nối kết Hà Nội với các tỉnh phía Tây Bắc đất nước;

(3) Đô thị vệ tinh Phú Xuyên: nằm ở phía Nam của đô thị trung tâm, với dân số dự kiến khoảng 127 ngàn người. Trong quy hoạch, Phú Xuyên được xác định là đô thị công nghiệp, đầu mối giao thông và trung tâm trung chuyển hàng hóa. Trong đó, đầu tư xây dựng các cơ sở kinh tế về công nghiệp, y tế, giáo dục, vui chơi giải trí, thể dục thể thao nhằm thu hút và cung cấp nguồn lực tại chỗ và các vùng hoạt động kinh tế lân cận.

(4) Đô thị vệ tinh Sơn Tây: nằm ở phía Tây Bắc đô thị trung tâm, có dân số dự kiến khoảng 186 ngàn người. Trong quy hoạch, Sơn Tây được xác định là đô thị văn hóa lịch sử, du lịch nghỉ dưỡng.

(5) Đô thị vệ tinh Sóc Sơn: nằm ở phía Bắc đô thị trung tâm, có dân số dự kiến khoảng 250 ngàn người. Trong quy hoạch, Sóc Sơn được xác định là đô thị dịch vụ và đô thị sinh thái. Trong đó, Sóc Sơn sẽ được phát triển dựa trên cơ sở trung tâm dịch vụ cảng hàng không, dịch vụ thương mại, logistics và trung chuyển hàng hóa quốc tế, trung tâm dịch vụ du lịch thương mại nghỉ dưỡng cấp vùng và thành phố, phát triển công nghiệp sạch, trung tâm dịch vụ đào tạo cấp vùng.

2. Vai trò của các đô thị vệ tinh Hà Nội

- Giải quyết bất cập giữa việc gia tăng tỷ lệ đô thị hóa, tỷ lệ dân thành thị nhưng phải đảm bảo kiểm soát dân số đô thị trung tâm, hạn chế phát triển dân số khu vực nội đô.

Việc xây dựng các đô thị vệ tinh với quy mô tổng dân số khoảng 1,3 triệu người, cùng với hàng chục khu đô thị mới, là một giải pháp cần thiết và hiệu quả để thực hiện mục tiêu kiểm soát dân số khu vực nội đô, phát triển dân số tại các đô thị vệ tinh theo Quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội. Khi các đô thị này được xây dựng đáp ứng được yêu cầu là đô thị hoàn chỉnh, độc lập một cách tương đối so với đô thị trung tâm (chỉ phụ thuộc về mặt hành chính), có chất lượng cuộc sống tốt, hạ tầng giao thông kết nối với khu vực trung tâm tốt thì việc thu hút dân cư từ nội đô là việc khả thi. Có thể nhìn thấy rất rõ sự dịch chuyển của các trường đại học, các cơ sở y tế và các cơ sở công nghiệp về các đô thị vệ tinh sẽ kéo theo số lượng lớn dân cư và sinh viên hiện có tại khu vực trung tâm Hà Nội.

- Tạo động lực mới trong phát triển kinh tế thành phố nói chung, khu vực ngoại thành nói riêng.

Nguồn lực đất đai là một trong những nguồn lực quan trọng trong phát triển của thành phố Hà Nội. Hiện nay quỹ đất trong khu vực nội đô không đủ để phục vụ cho các dự án phát triển với quy mô lớn, trong đó bao gồm cả các dự án về bất động sản, sản xuất công nghiệp… Việc phát triển các đô thị vệ tinh để chia sẻ các chức năng của đô thị trung tâm với lợi thế quỹ đất còn nhiều sẽ tạo nên động lực mới cho phát triển kinh tế của thành phố, đặc biệt khi các đô thị vệ tinh được quy hoạch hợp lý, chuẩn bị hệ thống hạ tầng kỹ thuật khung hiện đại.

Khi các khu đô thị mới được xây dựng, việc gia tăng dân số tại các khu vực này sẽ tạo điều kiện cho hệ thống dịch vụ - thương mại (các trung tâm thương mại, siêu thị…) tại các khu vực này nói riêng và toàn thành phố nói chung phát triển, góp phần thực hiện tốt quy hoạch hệ thống bán lẻ của thành phố.

Việc phát triển đô thị vệ tinh tạo cơ hội có quỹ đất dành cho đầu tư phát triển rất lớn, đây là nguồn lực quan trọng bậc nhất của Hà Nội để phát triển. Theo quy hoạch, đến 2030, 05 đô thị vệ tinh với hơn 8.701ha đất ở mới, hơn 1.369ha đất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (riêng đô thị vệ tinh Hòa Lạc bố trí 1.272ha phục vụ phát triển các khu công nghệ cao), hàng nghìn ha đất dành cho các loại hình dịch vụ như y tế, nghỉ dưỡng… Nếu quỹ đất này được huy động tốt sẽ tạo thành nguồn vốn lớn cho thành phố để đầu tư phát triển. Bên cạnh đó sẽ giúp phát triển thị trường bất động sản, thị trường nhà ở trên địa bàn.

Quy hoạch sử dụng một số loại đất của các đô thị vệ  tinh

Đô thị vệ tinh

Hiện trạng

Quy hoạch đến 2030

Đất ở                   (ha)

Đất CN-TTCN (ha)

Đất đơn vị ở                 (ha)

Đất CN-TTCN (ha)

Hòa Lạc

1.454,85

126,64

2.883,69

1.272,98  (đất khu CNC)

Phú Xuyên

1.337,49

272

1.460,5

800

Xuân Mai

1.351,18

121,66

1.610,57

223

Sơn Tây

718,92

20,1

1.637,94

80

Sóc Sơn

 

 

1.111,92

266,55

Nguồn: Quy hoạch chung xây dựng các đô thị vệ tinh Xuân Mai, Sóc Sơn, Ba Vì, Sơn Tây năm 2015 và dự thảo Quy hoạch chung xây dựng Đô thị vệ tinh Hòa Lạc.

- Giảm áp lực về hạ tầng và giảm ô nhiễm môi trường đối với khu vực nội đô  thành phố Hà Nội.

Việc xây dựng các đô thị vệ tinh với các chức năng đô thị rất rõ nét được kỳ vọng sẽ thu hút được lượng lớn dân cư từ đô thị trung tâm đến làm việc và sinh sống. Từ đó sẽ giảm dân số đô thị trung tâm, đồng thời làm giảm áp lực đến hạ tầng kỹ thuật, giảm ô nhiễm môi trường.

- Việc xây dựng các ĐTVT góp phần thúc đẩy các khu phát triển sáng tạo mới, các mô hình đô thị thông minh, giúp Hà Nội có thể phát triển nhanh, theo mô hình hiện đại một cách nhanh chóng.

Quá trình xây dựng các đô thị vệ tinh cũng sẽ tạo cơ hội cho ngành công nghiệp xây dựng phát triển, có cơ hội thử nghiệm trong phát triển những sản phẩm mới phục vụ đô thị xanh, thông minh… Đây là cơ hội tốt để triển khai các kết quả nghiên cứu trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với những thành tựu nổi bật về giao thông thông minh, tiêu dùng thông minh, công trình thông minh, IOT (internet kết nối vạn vật) cho các đô thị được xây dựng mới, với cơ sở hạ tầng hiện đại. Việc xây dựng mô hình đô thị thông minh với quy mô nhỏ gọn, phát triển mới hoàn toàn như các ĐTVT của Hà Nội sẽ khả thi hơn rất nhiều so với xây dựng đô thị thông minh tại đô thị trung tâm thành phố

III. Những khó khăn, bất cập đối với việc phát triển ĐTVT để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững toàn thành phố

Hiện nay, Quy hoạch chung xây dựng của 4/5 đô thị vệ tinh là Xuân Mai, Phú Xuyên, Sơn Tây và Sóc Sơn đã được phê duyệt; với tính chất đặc thù, đô thị vệ tinh Hòa Lạc đã được thành phố Hà Nội thông qua và Bộ Xây dựng thẩm định để trình Thủ tướng phê duyệt, làm cơ sở cho việc xây dựng và triển khai các quy hoạch tiếp theo và tạo cơ hội thu hút đầu tư cho các đô thị vệ tinh.

Mặc dù Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội được phê duyệt từ năm 2011, nhưng cho đến nay, việc xây dựng các đô thị vệ tinh vẫn gặp nhiều khó khăn, chưa có kết quả rõ rệt. Có thể kể đến một số nguyên nhân chủ yếu sau:

- Kết nối giao thông giữa các đô thị vệ tinh với đô thị trung tâm Hà Nội và giữa các đô thị vệ tinh với nhau còn đang trong quá trình hoàn thiện và chưa đồng bộ.

Hệ thống hạ tầng giao thông, vận tải kết nối giữa đô thị vệ tinh với các đô thị trung tâm đang trong quá trình hoàn thiện. Trừ đô thị vệ tinh Hoà Lạc có tuyến đại lộ Thăng Long chạy qua rất tiện lợi, các tuyến đường nối đô thị trung tâm đến 4 đô thị vệ tinh còn lại chưa được đầu tư nâng cấp, mở rộng hoàn chỉnh, hạn chế thời gian di chuyển của các phương tiện. Bên cạnh đó, hiện chưa có nhiều hình thức vận tải để người dân lựa chọn (chủ yếu là xe buýt với mật độ xe rất hạn chế, xe khách liên tỉnh và xe cá nhân).

- Việc thu hút dân cư về sinh sống tại các đô thị vệ tinh, giảm tải và góp phần giãn mật độ tập trung tại đô thị trung tâm còn gặp nhiều khó khăn.

Hiện nay, các dự án phát triển nhà ở và xây dựng đồng bộ các hạ tầng xã hội, hạ tầng dịch vụ tại các đô thị này còn chậm nên người dân chưa nhận thấy được sự hấp dẫn, đảm bảo cho cuộc sống, an sinh xã hội để chuyển về các vùng này sinh sống. Nguyên nhân chính do hoạt động kêu gọi và thu hút các dự án đầu tư vào các đô thị vệ tinh còn chậm triển khai, các nhà đầu chưa nhận thấy tiềm năng khi đầu tư vào các khu vực này do hạ tầng khung còn chưa hoàn chỉnh; quỹ đất sạch thiếu nên phải mất nhiều thời gian cho công tác giải phóng mặt bằng dẫn đến quá trình triển khai chậm…

Bên cạnh đó, do chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư đến kinh doanh tại các đô thị vệ tinh nên các đô thị này cũng chưa có nguồn lực để phát triển kinh tế, tạo việc làm. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến việc không thu hút được dân số tại các đô thị vệ tinh.

- Vấn đề khó khăn trong việc huy động các nguồn vốn đầu tư để phát triển cơ sở hạ tầng vào các đô thị vệ tinh còn chưa mang lại hiệu quả đầu tư cao.

Trong bối cảnh thành phố Hà Nội còn rất nhiều lĩnh vực cần ưu tiên đầu tư từ nguồn ngân sách như giáo dục, y tế, hạ tầng kỹ thuật…, việc bố trí ngân sách Nhà nước cho xây dựng, phát triển các đô thị vệ tinh là rất khó thực hiện và đến nay hầu như chưa được quan tâm. Hơn nữa, do khu vực đô thị trung tâm hệ thống hạ tầng liên tục quá tải, cần đầu tư nâng cấp, mở rộng thường xuyên; đồng thời đô thị trung tâm vẫn liên tục được mở rộng ra khu vực ven đô, nên ngân sách thành phố phải ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật khu vực đô thị trung tâm (xây dựng thêm các tuyến đường, cầu vượt, cải tạo chất lượng môi trường…). Vì vậy, nguồn vốn ngân sách đầu tư cho các đô thị vệ tinh là rất khó khăn.

Bên cạnh đó, các lợi ích về kinh tế mang lại cho các nhà đầu tư khi thực hiện dự án tại các đô thị vệ tinh chưa hấp dẫn, khả năng thu hồi vốn chậm nên nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách chưa có nhiều cơ hội để phát huy.

IV. Những định hướng giải pháp để phát triển ĐTVT nhằm giảm tải áp lực cho đô thị trung tâm Hà Nội trong thời gian tới

Trong giai đoạn tới, để phát triển các đô thị vệ tinh, thành phố Hà Nội cần ưu tiên một số nhiệm vụ sau:

- Lập kế hoạch đầu tư xây dựng các đô thị vệ tinh:

Căn cứ vào nguồn lực địa phương, dự báo phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới, lập kế hoạch cụ thể để phát triển, xây dựng các đô thị vệ tinh. Trong giai đoạn tới, do nguồn lực có hạn, thành phố Hà Nội nên ưu tiên đầu tư xây dựng các đô thị vệ tinh mà có thể xác định được rõ động lực phát triển của các đô thị này, theo chúng tôi, đô thị vệ tinh Hoà Lạc và Sóc Sơn là hai đô thị có động lực phát triển rõ nét và nên được ưu tiên đầu tư trong thời gian tới.

 Đô thị vệ tinh Hoà Lạc: Theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội, đô thị Hoà Lạc được định hướng là đô thị “thông minh”; là thành phố khoa học, nơi tập trung trí tuệ và công nghệ tiên tiến nhất của Việt Nam, trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và là đô thị du lịch nghỉ dưỡng với quy mô dân số năm 2030 khoảng 0,6 triệu người, diện tích đất tự nhiên 20.113ha. Hiện nay có nhiều điều kiện thuận lợi để đẩy nhanh việc xây dựng đô thị Hoà Lạc như: nằm trên trục đại lộ Thăng Long; một số công trình đã và đang được xây dựng như Đại học quốc gia, Khu công nghệ cao Hoà Lạc; nhiệm vụ xây dựng quy hoạch đang được thực hiện... Đô thị vệ tinh Hoà Lạc có động lực phát triển rất rõ, đó là các trường đại học, khu công nghệ cao đang được hình thành, sẽ thu hút một số lượng lớn sinh viên, người lao động lên sinh sống, học tập và làm việc; hệ thống các khu nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí đã và đang được hình thành... tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch. Việc xây dựng nhanh đô thị Hoà Lạc sẽ góp phần giảm áp lực dân số nội đô một cách hiệu quả nhất, đồng thời đẩy nhanh tiến trình CNH, HĐH Thủ đô do sự phát triển của khu công nghệ cao Hòa Lạc và các khu vực nghiên cứu.

+ Đô thị vệ tinh Sóc Sơn: theo   quy hoạch, phát triển đô thị Sóc Sơn trở thành đô thị dịch vụ gắn với bảo tồn khu vực núi Sóc, đô thị vệ tinh cửa ngõ phía Bắc thành phố Hà Nội, khai thác tiềm năng cảng hàng không quốc tế Nội Bài, tuyến hành lang kinh tế Côn Minh - Hà Nội - Quảng Ninh, QL3 liên kết Hà Nội với các tỉnh trung du và miền núi Bắc Bộ, với quy mô dân số năm 2030: khoảng 0,25 triệu người, diện tích tự nhiên: 6.013ha. Đặc biệt, hiện nay nhà ga T2, cảng hàng không quốc tế Nội Bài đã được đưa vào sử dụng cùng với các tuyến đường giao thông khung hiện đại, bao gồm quốc lộ 3, đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai và đường nối cầu Nhật Tân - Nội Bài đã hoàn thành là những điều kiện rất thuận lợi để phát triển nhanh đô thị Sóc Sơn theo đúng quy hoạch. Với những lợi thế trên, việc nhanh chóng xây dựng đô thị Sóc Sơn với trọng tâm là phát triển dịch vụ phục vụ cảng hàng không (nhà hàng, khách sạn - điểm vui chơi giải trí và trung chuyển khách quốc tế đi các tỉnh phía Bắc), dịch vụ nghỉ ngơi, giải trí (khu nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, du lịch tâm linh..), các dịch vụ khác như logicstic, dịch vụ cao cấp khác như tài chính - ngân hàng, giáo dục... phát triển theo chuỗi đô thị của trục Nhật Tân - Nội Bài... hoàn toàn khả thi trong tương lai gần.

- Tập trung phát triển hạ tầng giao thông kết nối khu vực trung tâm - đô thị vệ tinh - các tỉnh khác:

Kinh nghiệm thế giới cho thấy, hạ tầng giao thông kết nối thuận lợi trong đô thị vệ tinh và giữa đô thị vệ tinh với đô thị trung tâm là điều kiện tiên quyết để các đô thị vệ tinh phát triển. Bên cạnh đó, theo quy hoạch, 3 trong 5 đô thị vệ tinh (Sơn Tây, Sóc Sơn, Xuân Mai) nằm tại các vị trí tiếp giáp với các tỉnh lân cận như Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hòa Bình. Trong tương lai, các đô thị vệ tinh không chỉ giữ vai trò là hạt nhân phát triển tại các  khu vực của Hà Nội mà còn với cả các tỉnh này. Việc phát triển hạ tầng giao thông thuận tiện kết nối đến các tỉnh sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các đô thị vệ tinh nói riêng và Hà Nội nói chung có cơ hội thu hút các nguồn lực từ các tỉnh để phát triển.

- Xây dựng và triển khai quyết liệt các cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển các đô thị vệ tinh, trong đó lưu ý các nội dung sau:

+ Chuyển định hướng đầu tư từ ngân sách theo hướng giảm đầu tư trong nội đô, tăng đầu tư ra ngoại thành, ưu tiên cho các đô thị vệ tinh.

+ Cơ chế, chính sách xúc tiến đầu tư, huy động nguồn lực đầu tư vào các đô thị vệ tinh: Cần xây dựng các chương trình xúc tiến đầu tư phù hợp với chức năng của từng đô thị vệ tinh. Ưu tiên các hoạt động xúc tiến đầu tư vào các đô thị vệ tinh trong chương trình xúc tiến đầu tư của thành phố.

+ Tiếp tục đẩy mạnh việc di dời các cơ quan, trường học, bệnh viện… ra khỏi khu vực đô thị vệ tinh.

+ Xây dựng các cơ chế, chính sách thu hút nguồn nhân lực vào các đô thị vệ tinh, trong đó lưu ý đặc thù các đô thị vệ tinh để có các chính sách thu hút nhân lực phù hợp với từng đô thị vệ tinh (ví dụ nhân lực trí thức cho đô thị vệ tinh Hòa Lạc; nhân lực trình độ tay nghề lao động cao cho đô thị vệ tinh Phú Xuyên…). Các chính sách này cần bao gồm cả chính sách đãi ngộ về lương, chỗ ở, các dịch vụ giáo dục - y tế…

+ Xây dựng, triển khai các cơ chế hợp tác, điều phối với các địa phương lân cận để đảm bảo sự phát triển hài hòa giữa các khu vực, tránh trùng lắp dẫn đến cạnh tranh thu hút đầu tư; đồng thời hỗ trợ qua lại giữa đô thị vệ tinh của Hà Nội với các đô thị của các tỉnh để tăng cường hiệu quả phát triển trên toàn địa bàn Vùng thủ đô./.

 
(Nguồn:Tạp chí QHXD số 95+96)
Tin cũ hơn

Tạp chí QHXD

Ebook

Giới thiệu sách

Liên kết website