Điều tra khảo sát quy hoạch thoát nước và xử lý nước thải các tỉnh, thành phố lưu vực sông Nhuệ - Đáy (Hà Nội, Hòa Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình)

Trong lưu vực này đã hình thành một mạng lưới đô thị phát triển với thủ đô Hà Nội (đô thị loại đặc biệt), thành phố Nam Định (đô thị loại 2), thành phố Hà Đông, Sơn Tây, thành phố Ninh Bình và nhiều thị xã, thị trấn huyện lỵ.

 

1- Sự cần thiết của đề tài:

Lưu vực sông (LVS) Nhuệ - sông Đáy có diện tích tự nhiên 7.665 km2, chiếm khoảng hơn 2% diện tích cả nước. Các tỉnh trên LVS Nhuệ - Đáy bao gồm 5 tỉnh, thành phố là Hà Nội, Hà Nam, Hoà Bình, Ninh Bình, Nam Định.

Dân số của 5 tỉnh trong toàn lưu vực là 10.186.000 người (2005), mật độ dân số trung bình đạt 874 người/km2. Trong giai đoạn 1996 - 2002, dân số LVS Nhuệ - Đáy tăng với  tốc độ bình quân năm là 1,27%, đặc biệt là dân số thành thị.

Trong lưu vực này đã hình thành một mạng lưới đô thị phát triển với thủ đô Hà  Nội (đô thị loại đặc biệt), thành phố Nam Định (đô thị loại 2), thành phố Hà Đông,  Sơn Tây, thành phố Ninh Bình và nhiều thị xã, thị trấn huyện lỵ. Quá trình đô thị hoá diễn ra nhanh chóng (trung bình 5%/năm) nhưng cơ sở hạ tầng kỹ thuật phát triển không đáp ứng kịp.  

Theo thống kê trong Báo cáo môi trường quốc gia 2006, toàn bộ LVS Nhuệ - Đáy có 4113 cơ sở sản xuất công nghiệp gồm nhiều ngành (cơ khí, chế tạo máy, chế biến thực phẩm, dệt nhuộm, hoá chất...) Toàn lưu vực có 458 làng nghề thuộc các lĩnh vực dệt lụa, nhuộm, chế biến thực phẩm....

Tốc độ đô thị hoá diễn ra nhanh chóng, cùng với hoạt động của các khu công nghiệp, làng nghề, cùng với việc xây dựng các cơ sở xử lý nước thải chưa được quan tâm đầu tư đúng mức đã gây ô nhiễm nặng môi trường nước sông Nhuệ - Đáy.

Nước thải sinh hoạt, nước thải sản xuất từ các khu công nghiệp, làng nghề, nước thải từ các cơ sở y tế chưa qua xử lý là một trong những nguyên nhân chính gây ra ô nhiễm nguồn nước.

Nước thải sinh hoạt, với tỷ lệ đóng góp lớn tải lượng các chất ô nhiễm, đã làm chất lượng nước sông Nhuệ và một số đoạn của sông Đáy bị ô nhiễm nghiêm trọng. Trong các địa phương thuộc LVS, thành phố Hà Nội (cũ) chiếm tới 54% lượng nước thải sinh hoạt của toàn lưu vực, tiếp đến là Hà Tây (cũ) với 17%, Nam Định 13%, Hà Nam 7%, Ninh Bình 5%, Hoà Bình 4%

Hơn 4000 cơ sở công nghiệp đã phát sinh một khối lượng lớn nước thải công nghiệp, gây ô nhiễm đến môi trường nước sông (hơn 300.000 m3/ngày). Hoạt động sản xuất công nghiệp của Hà Nội (cũ) tạo nguồn nước thải lớn nhất so với các tỉnh trong lưu vực (khoảng 100.000  m3/ngày), Hà Tây (cũ) 80.000 m3/ngày.

Nước thải từ 458 làng nghề là khoảng 45.000 - 60.000 m3/ngày (trong đó lượng nước thải tại các làng nghề ở Hà Tây cũ chiếm khoảng 40% tổng lượng nước thải làng nghề).

Hơn 1400 cơ sở y tế đã phát sinh ra lượng nước thải khoảng hơn 10.000 m3/ngày (trong đó Hà Nội cũ chiếm hơn 47%).

Để đảm bảo phát triển đô thị bền vững, bảo vệ môi trường nước LVS Nhuệ - Đáy, vấn đề thoát nước và xử lý nước thải phải được xem xét và giải quyết triệt để từ khâu lập quy hoạch (trong đó: xét đến nhiều khía cạnh như nguồn phát sinh nước thải, hệ thống thu gom nước mưa, nước thải của từng đô thị, các trạm xử lý, mối liên quan chặt chẽ giữa hệ thống thoát nước đô thị  với hệ thống tiêu thoát thuỷ lợi ....).

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong công văn số 290-TTg-KG ngày 2 tháng 3 năm 2007 v/v thực hiện một số giải pháp nhiệm vụ bảo vệ môi trường LVS Nhuệ - Đáy, việc nghiên cứu đề tài "Điều tra khảo sát Quy hoạch  thoát nước và xử lý nước thải các tỉnh thành phố LVS Nhuệ-Đáy” là rất cần thiết và cấp bách trong giai đoạn hiện nay.

2- Mục tiêu nghiên cứu:

a/ Mục tiêu nghiên cứu dài hạn (chiến lược)

- Xây dựng hệ thống tiêu chí đánh giá quy hoạch thoát nước và xử lý nước thải vùng LVS.

- Xác định các phương án quy hoạch thoát nước và xử lý nước thải vùng LVS Nhuệ - Đáy (bao gồm: các lưu vực, hướng thoát nước chính, chỉ tiêu thoát nước thải, dự báo tổng khối lượng nước thải, lựa chọn hệ thống thoát nước, vị trí và quy mô các khu xử lý nước thải....).

- Tổng hợp, rà soát và đề xuất định hướng quy hoạch thoát nước và xử lý nước thải cho các đô thị chính.

b/ Mục tiêu nghiên cứu trước mắt:

- Xác định các giải pháp ưu tiên về quy hoạch thoát nước và xử lý nước thải  vùng LVS nhằm giảm thiểu ô nhiễm  môi trường nước sông Nhuệ - Đáy.

- Tổng hợp và đề xuất định hướng quy hoạch thoát nước và xử lý nước thải cho các đô thị lớn (như Hà Nội, Hà Đông, Phủ Lý, Nam Định, Ninh Bình).

3- Đối tượng nghiên cứu:

Hệ thống thoát nước mưa, hệ thống thoát nước thải, xử lý nước thải của các đô thị tỉnh lị, các đô thị quan trọng, các khu công nghiệp tập trung, các làng nghề trong phạm vi LVS.

4- Phạm vi nghiên cứu:

Các tỉnh, thành phố trực thuộc TW trong phạm vi LVS Nhuệ- Đáy: Hà Nội, Hoà Bình, Hà Tây, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình.

5- Phương pháp nghiên cứu:

5.1. Điều tra, khảo sát, thu thập các dữ liệu, số liệu tại các cơ quan Trung ương, địa phương;

5.2. Tổng hợp phân tích các số liệu, tài liệu qua quá trình điều tra khảo sát và thu thập; phân tích và đánh giá các quy hoạch, dự án thoát nước trong vùng, đánh giá tổng quan hiện trạng hệ thống thoát nước trong vùng;

5.3. Phương pháp chuyên gia, phỏng vấn trực tiếp và tham khảo tài liệu nước ngoài có liên quan, hội thảo xin ý kiến;

5.4. Phương pháp kế thừa các nghiên cứu đã có: những giải pháp có hiệu quả của các dự án quy hoạch thoát nước, các quy hoạch thoát nước của các đô thị trong vùng, các quy hoạch hệ thống thuỷ lợi, các quy hoạch xây dựng vùng tỉnh, …

6- Quan điểm quy hoạch thoát nước:

- Quản lý tổng hợp thoát nước theo lưu vực sông

- Quy hoạch thoát nước của vùng phải phù hợp với với quy hoạch phát triển kinh tế xã hội và quy hoạch phát triển thủy lợi của vùng.

- Quy hoạch thoát nước đô thị phải đồng bộ với các quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật khác.

- Quy hoạch hệ thống thoát nước của từng đô thị trong vùng phải tuân thủ theo quy hoạch phát triển thoát nước của vùng.

-  Đối với các khu công nghiệp, đô thị mới phải quy hoạch, xây dựng hệ thống thoát nước mưa, nước thải riêng. Các đô thị đã có hệ thống thoát nước, tuỳ điều kiện cụ thể của từng đô thị để nghiên cứu tổ chức quy hoạch hệ thống thoát nước riêng hoặc nửa riêng.

- Mô hình tổ chức thoát nước:

+ Đối với các đô thị thuộc các tỉnh ở thượng lưu và trung lưu sông Nhuệ - Đáy (như Hà Nội, Hà Nam), sử dụng hồ điều hoà để tiếp nhận nước mưa, tổ chức thoát nước mưa theo nguyên tắc lấy kênh hồ là tuyến thoát nước chính.

+ Các đô thị thuộc các tỉnh ở hạ lưu sông Nhuệ - Đáy (Ninh Bình, Nam Định) chịu ảnh hưởng của thuỷ triều nên vấn đề tiêu thoát nước mưa và nước thải phải được tính toán trên cơ sở dao động mức triều. Xây hồ điều hoà đầu mối và cống ngăn triều để thoát nước mưa, giảm công suất trạm bơm.        

+ Đối với nước thải đô thị có 2 dạng thoát nước là tập trung và phân tán. Khi thoát nước tập trung, phải thu gom và xử lý đạt các tiêu chuẩn môi trường trước khi xả ra nguồn tiếp nhận.

- Nước thải sinh hoạt đô thị, công nghiệp và làng nghề phải xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường trước khi xả ra nguồn  tiếp nhận. Khuyến khích tái sử dụng nước thải đã xử lý để phục vụ cho các mục đích khác.

- Phát triển các công nghệ xử lý nước thải hiệu quả cao và thân thiện với môi trường.

7- Nội dung quy hoạch thoát nước:

7.1. Các chỉ tiêu

-  Nước thải sinh hoạt đô thị: theo tiêu chuẩn cấp nước TCXDVN  33: 2006

- Hệ số pha loãng nước thải phụ thuộc vào khả năng tự làm sạch của nguồn nước, chế độ thuỷ văn, đặc điểm sử dụng nguồn nước.

- Chất lượng nước thải sinh hoạt sau khi xử lý phải đạt các tiêu chuẩn về môi trường Việt Nam có hiệu lực:

+ TCVN 5942-1995 “Chất lượng nước – tiêu chuẩn chất lượng nước mặt”

+ TCXD 188-1996 “Nước thải đô thị – Tiêu chuẩn thải”

+ TCVN 7222 – 2002 “Yêu cầu chung về môi trường, các trạm xử lý nước thải sinh hoạt tập trung”

- Chất lượng nước thải công nghiệp sau khi xử lý phải đạt tiêu chuẩn: TCVN 5945 -2005 “Chất lượng nước – Nước thải công nghiệp – Tiêu chuẩn thải”

7.2. Quy hoạch thoát nước vùng LVS Nhuệ-Đáy

7.2.1. Quy hoạch thoát nước mưa

a) Lưu vực, hướng thoát.

Việc tiêu thoát nước mặt trên lãnh thổ của LVS Nhuệ - Đáy được thông qua hệ thống sông nội đồng và hệ thống tiêu thuỷ lợi của từng tỉnh rồi sau đó chảy về các sông trục của tỉnh và đổ ra sông Đáy.

Toàn lưu vực chia ra 6 tiểu lưu vực, cụ thể:

-  Phần phía Nam Thủ đô Hà Nội (cũ) tiêu thoát ra sông Nhuệ ra sông Đáy.

- Tỉnh Hà Tây (cũ): phần hữu Đáy thoát ra sông Nhuệ, phần tả Đáy ra sông Tích, cuối cùng đều đổ ra sông Đáy.

-  Tỉnh Hà Nam: hướng tiêu ra sông Châu Giang và sông Đáy.

-  Tỉnh Nam Định: tiêu ra sông Nam Định và sông Đáy.

- Tỉnh Hoà Bình - phạm vi các huyện Lương Sơn, Kim Bôi, Yên Thuỷ, Lạc Thuỷ: thoát ra sông Bôi (sông Thanh Hà), sông Tích và sông Đáy.

-  Tỉnh Ninh Bình: hướng tiêu ra sông Hoàng Long và một phần (thị trấn Tam Điệp) thoát ra sông Vạc, sau đó đổ vào sông Đáy.

b) Hệ thống, công trình đầu mối

+  Hệ thống sông Nhuệ: Trạm bơm Yên Nghĩa, Vân Đình, Ngoại Độ 1-2, Bộ Đầu...

+  Hệ thống sông Đáy: Trạm bơm Thanh Lương, Quán Mới, Đồng Trúc, Lạc Tràng II,...

7.2.2. Quy hoạch thoát nước thải

a) Dự báo lượng nước thải

Lượng nước thải các thành phố trực thuộc trung ương, các đô thị tỉnh lỵ và các khu công nghiệp tập trung trong vùng LVS là: 1.422.300 m3/ngày. Trong đó:

- Nước thải sinh hoạt: 1.005.353 m3/ngày.

- Nước thải công nghiệp, làng nghề: 406.361 m3/ngày.

- Nước thải y tế: 10.586 m3/ngày

b) Hệ thống thoát nước thải

Hệ thống thoát nước và xử lý nước thải đô thị sẽ chủ yếu giải quyết độc lập trong từng đô thị, phù hợp với sự phát triển của từng đô thị trong vùng.

Sự gắn kết mang tính chất vùng của hệ thống thoát nước và xử lý nước thải của các đô thị, khu công nghiệp được quản lý theo LVS bao gồm 6 lưu vực chính như đã nói ở trên.

c) Công nghệ xử lý nước thải

Tuỳ theo điều kiện cụ thể của từng đô thị, áp dụng công nghệ xử lý nước thải hiện đại hoặc đơn giản  phù hợp với yêu cầu nguồn tiếp nhận và điều kiện kinh tế xã hội, nhưng phải đảm bảo xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường.

8. Khái toán chi phí đầu tư:

a) Các thành phần khái toán

Khái toán chi phí đầu tư của mỗi hệ thống thoát nước được tính toán gồm các thành phần chính sau:

-         Chi phí xây dựng;

-         Chi phí thiết bị;

-         Chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư;

-         Chi phí quản lý dự án;

-         Chi phí tư vấn đầu tư xây dựng;

-         Chi phí khác;

-         Chi phí dự phòng được xác định bằng 2 yếu tố:

+ Dự phòng chi phí cho yếu tố khối lượng công việc phát sinh được tính bằng 5% tổng chi phí xây dựng, chi phí thiết bị, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng và tái định cư, chi phí quản lý dự án, chi phí tư vấn đầu tư xây dựng và chi phí khác.

+ Dự phòng chi phí cho yếu tố trượt giá được tính theo thời gian thực hiện dự án và chỉ số giá xây dựng đối với từng loại công trình theo từng khu vực xây dựng.

b) Nhu cầu kinh phí

Ước tính vốn đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước và xử lý nước thải các thành phố, thị xã, các khu kinh tế các giai đoạn (kinh phí này không bao gồm kinh phí đền bù, giải phóng mặt bằng).

 

 

Chủ nhiệm đề tài: ThS.KTS Trương Minh Ngọc

Trung tâm quy hoạch xây dựng 1

 

 

(Nguồn:viup)

Tạp chí QHXD

Ebook

Giới thiệu sách

Liên kết website