Điều tra hiện trạng phòng chống thiên tai, đề xuất nội dung cần bổ sung trong quy chuẩn, tiêu chuẩn quy hoạch xây dựng

Theo dự báo của đài khí tượng thuỷ văn khu vực Nam Bộ nhận định từ nay đến cuối năm 2007 còn khoảng 6 cơn bão và áp thấp gây ảnh hưởng đến nước ta và nguy cơ bão đổ bộ vào các tỉnh phía Nam là không nhỏ. Để đóng góp thiết thực chương trình hành động của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng về công tác phòng chống và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai đề tài này thực sự là cần và cấp thiết.

I. Tính cấp thiết 

Nằm ở vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, tiếp giáp với Biển Đông và khu vực Tây bắc Thái Bình Dương, Việt Nam có tài nguyên khí hậu phong phú, đa dạng nhưng cũng có nhiều thiên tai nhất là bão lũ. 

Báo cáo của ban chỉ đạo phòng chống lụt bão TW cho biết trong năm 2006 thiên tai đã xảy ra trên phạm vi cả nước gây thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản, cơ sở hạ tầng: đã làm 312 người chết, 1721 người bị thương, 65 người mất tích, hàng ngàn ngôi nhà bị hư hỏng... ước tính thiệt hại khoảng 1,2tỷ đô la. 

Mùa bão 2006 đã khép lại với 24 cơn bão và 6 áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) hoạt động trên toàn khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương, trong đó có 10 cơn bão và 6 ATNĐ hoạt động trên biển Đông. Một điều đặc biệt là năm 2006, số lượng các cơn bão mạnh và rất mạnh (Cường độ ≥ cấp 12) chiếm tới 70% tổng số các cơn bão hoạt động trong năm và tập trung vào cuối mùa bão. Đặc biệt trong tháng 12 có 2 cơn bão cường độ mạnh tới cấp 13, cấp 14, là hiện tượng hiếm thấy trong chuỗi số liệu lịch sử nhiều năm qua. 

Cơn bão số 3 xuất hiện trong tháng 7/2006 ảnh hưởng gián tiếp đến Việt Nam gây ra một đợt mưa lớn trên diện rộng ở khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Cơn bão số 1 (Chanchu) tuy không đổ bộ vào đất liền nước ta nhưng đã gây thiệt hại nặng nề đối với ngư dân các tỉnh miền Trung. Từ tháng 9 đến 10 ngày đầu tháng 12/2006 trên Biển Đông bão hoạt động nhiều (5 cơn) với cường độ rất mạnh: Bão số 6 (Xangsane- 25/9/2006), Bão số 7 (Cimaron-27/9/2006),  bão số 8 (1/11/2006) và  bão số 9 (Durian- 4/12/2006). Cơn bão số 6 (XANGSANE – xảy ra đêm 30/9 rạng sáng 1/10/2006) mạnh cấp 12, giật cấp 13-14 là cơn bão mạnh nhất trong các cơn bão đổ bộ vào Trung Bộ trong vòng 10 năm trở lại đây. Bão số 6 đã đổ bộ vào Thừa Thiên- Huế, Đà Nẵng ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh thuộc Trung –Trung Bộ, gây mưa lớn ở Bắc Trung Bộ và gây thiệt hại lớn về người và của. Cơn bão số 9 (DURIAN- xảy ra tối ngày 4/12/2006) với sức gió mạnh nhất trên cấp 12 đã đổ bộ vào Nam Bộ gây ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh Nam Trung Bộ, miền Tây Nam Bộ, đặc biệt ảnh hưởng nặng nề đến tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu, Bến Tre và Vĩnh Long. Mức độ thiệt hại do bão gây ra tại các tỉnh miền Trung và Nam Bộ vừa qua thực sự là nằm ngoài dự báo. 

Bắt đầu muộn, ít lũ và kết thúc sớm trên các hệ thống sông chính toàn quốc. Trên các sông ở Nam Trung Bộ hầu như không có lũ. Nhìn chung, lũ 2006 chỉ xuất hiện trên các sông ở miền Bắc thuộc loại nhỏ và vừa. Lũ lớn (vượt báo động III) xuất hiện trên sông Cầu, đoạn chảy qua thị xã Bắc Cạn và đặc biệt lớn (lớn hơn giá trị trung bình nhiều năm (TBNN) và lớn hơn báo động III) xuất hiện trên sông Đà và các sông Trung Trung bộ. 

Tháng 8/2007 lũ lớn chưa từng có ở Quảng Bình và Hà Tĩnh. Hiện tượng sạt lở dọc 2 bờ sông Tiền, sông Hậu đang diễn biến rất phức tạp với 104 đoạn bờ sông , tổng chiều dài tới 162km. 

Tháng 9/2007 mưa lớn tại Bắc Cạn cũng đã gây thiệt hại lớn về người và tài sản 

Những ngày đầu của tháng 10/2007 bão số 5 với cấp gió mạnh đã gây ra mưa to đến rất to (vùng tâm mưa từ 300-400mm, một số nơi như Ba Đồn 461mm, Hiền Lương 494mm, Lý Sơn 530mm...) và gây ra lũ trên diện rộng từ Nghệ An, Thanh Hoá đến Yên Bái, Hoà Bình. Miền Bắc và Miền Trung phải gánh chịu trận lũ lớn trong 20 năm qua, sơ bộ thống kê đến ngày 9/10 khoảng 66 người chết, 13 người mất tích và ước tính thiệt hại tới hơn 250 tỷ đồng. 

Theo dự báo của đài khí tượng thuỷ văn khu vực Nam Bộ nhận định từ nay đến cuối năm 2007 còn khoảng 6 cơn bão và áp thấp gây ảnh hưởng đến nước ta và nguy cơ bão đổ bộ vào các tỉnh phía Nam là không nhỏ. 

Thiên tai xảy ra lúc nào và ở đâu, mức độ ra sao là khó tránh khỏi, song chúng ta hãy cố gắng phòng và tránh để giảm thiểu tổn thất cho xã hội. Trong hội nghị quốc tế và giảm nhẹ thiên tai tại TP Cô- Bê của Nhật Bản (1/2005) với sự tham dự của khoảng 4000 đại biểu từ 150 nước và ra “tuyên bố Hi-Ô-Gô” đã vạch ra kế hoạch hành động trong mười năm tới với hai mục tiêu chính là phòng chống và giảm nhẹ thiệt hại thiên tai, phát triển kinh tế. Hội nghị thảo luận và nhấn mạnh sự cần thiết trong hợp tác giữa các chính phủ, các tổ chức quốc tế, các nhà khoa học, doanh nghiệp, người tình nguyện... trong cảnh báo và khắc phục hậu quả thiên tai. 

Để đóng góp thiết thực chương trình hành động  của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng về công tác phòng chống và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai đề tài này thực sự là cần và cấp thiết. 

II. Các văn bản pháp quy và tài liệu dùng trong nghiên cứu đề tài 

  - Luật xây dựng 

  - Nghị định số 08/2005/NĐ- CP ngày 24/01/2005 của Chính phủ về quy hoạch  xây dựng

  - Các tiêu chuẩn VN về quy hoạch xây dựng: TCVN4417-1987, 4418-1987, 4448-1987, 4092-1987, 4449-1987, 4454-1987 và 4616-1988. 

  - Quy chuẩn xây dựng VN tập I 

  - Luật đê điều 

  - Nghị định về thoát nước đô thị và khu công nghiệp, số 88/2007/NĐ-CP ngày 28/5/2007 

  - Các đồ án quy hoạch xây dựng do Viện Quy hoạch Đô thị- Nông thôn nghiên cứu trong toàn quốc 

  - Các kết quả nghiên cứu khoa học, các thông tin về tiến bộ khoa học, kỹ thuật có liên quan. 

  - Các tài liệu liên quan khai thác trên mạng Internet. 

  - Các tiêu chuẩn của nước ngoài có liên quan: tiêu chuẩn Nga CH.0.06.15-85 “Bảo vệ Đô thị khỏi úng và ngập lụt”; Tiêu chuẩn Trung Quốc GB 50201-94 “Tiêu chuẩn phòng lũ”. 

III. Thành phần một đồ án quy hoạch xây dựng 

Để lập một đồ án quy hoạch xây dựng phải có sự tham gia nghiên cứu của nhiều bộ môn, cụ thể: 

  - Kiến trúc- Kinh tế quy hoạch 

  - Hạ tầng kỹ thuật: 

    +  Giao thông 

    + Chuẩn bị kỹ thuật (CBKT) - Đây là bộ môn nghiên cứu để đề xuất ra phương án phòng tránh thiên tai 

    + Cấp nước; Cấp điện; Thoát nước bẩn- VSMT 

  - Thiết kế đô thị 

  - Đánh giá tác động môi trường 

IV. Kết luận và kiến nghị 

Thiên tai mưa, bão, lũ lụt ở nước ta xảy ra thường xuyên, diễn biến phức tạp. Trong những năm gần đây, có một số dấu hiệu chứng tỏ thiên tai mưa, bão, lũ lớn tăng lên về nhịp điệu, mức độ và phạm vi tác động. Đây là vấn đề phức tạp, cần được tiếp tục theo dõi, đánh giá, phân tích trong thời gian tới. 

Phòng chống thiên tai, giảm nhẹ thiệt hại chỉ đạt hiệu quả cao khi thực hiện một cách đồng bộ: việc đầu tư của nhà nước là rất cần thiết và cấp bách, 

Liên kết chặt chẽ giữa các bộ ngành và thực hiện đồng bộ các giải pháp công trình và phi công trình. Thực hiện các giải pháp theo trình tự sau: 

1. Các giải pháp phi công trình 

2. Các giải pháp công trình

 

 

Chủ nhiệm đề tài:                    Ks. Phạm Xuân Tứ 

                                                    Viện phó Viện Kiến trúc, Quy hoạch đô thị và nông thôn 

Tham gia nghiên cứu:             Ks. Dương Hồng Thuý 

                                                     Ks. Trần Đức Thiện

(Nguồn:VIUP)

Tạp chí QHXD

Ebook

Giới thiệu sách

Liên kết website