Phát biểu của Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị tại Hội nghị công bố Đồ án Quy hoạch chung thành phố Phú Quốc đến năm 2040

Sáng 29/2, UBND tỉnh Kiên Giang phối hợp Bộ Xây dựng tổ chức Hội nghị công bố Đồ án Quy hoạch chung thành phố Phú Quốc đến năm 2040 do Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (Bộ Xây dựng) thực hiện. Báo điện tử Xây dựng xin trân trọng đăng toàn văn bài phát biểu của Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị.

 

Đồng chí Nguyễn Thanh Nghị - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng phát biểu tại Hội nghị công bố Đồ án Quy hoạch chung thành phố Phú Quốc đến năm 2040.

Toàn văn bài phát biểu như sau:

Thưa các đồng chí và quý vị đại biểu!

Thành phố Phú Quốc là thành phố biển đảo đầu tiên của cả nước, có vị trí và vai trò rất quan trọng đối với tỉnh Kiên Giang và khu vực Tây Nam Bộ và cả nước; là khu kinh tế - hành chính đặc biệt mang tính động lực của tỉnh Kiên Giang; là trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí cao cấp quốc gia và quốc tế; là đầu mối quan trọng về giao thông vận tải nội vùng và quốc tế; trung tâm bảo tồn sự đa dạng sinh học rừng và biển cấp quốc gia và khu vực và là khu vực có vị trí đặc biệt về quốc phòng và an ninh. Thành phố đảo Phú Quốc nằm trong vịnh Thái Lan, là đảo lớn nhất của Việt Nam nằm ở phía Tây Nam đất nước vừa mang những giá trị lịch sử của dân tộc, vừa có nhiều tiềm năng, lợi thế rất quan trọng trong phát triển kinh tế và đảm bảo an ninh, quốc phòng của đất nước. Việc xây dựng và phát triển Thành phố Phú Quốc là một trong những nhiệm vụ chính trị hết sức quan trọng đã được xác định từ rất sớm theo Đề án phát triển tổng thể đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 178/2004/QĐ-TTg năm 2004 và tiếp tục được khẳng định lại tại Nghị quyết 13-NQ/TW năm 2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng an ninh vùng đồng bằng Sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Quy hoạch chung đảo Phú Quốc được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt lần đầu năm 2005 và Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 633/QĐ-TTg năm 2010. Sau hơn 13 năm thực hiện Quy hoạch đã phát huy tác dụng là cơ sở để đầu tư xây dựng, nâng cao trình độ phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đáng kể cho đô thị Phú Quốc. Đến nay Đảo Phú Quốc là đã đạt tiêu chí đô thị loại II, trở thành một trong những thành phố hấp dẫn, năng động nhất khu vực Tây Nam Bộ, Vùng đồng bằng sông Cửu Long với hạ tầng đồng bộ, diện mạo đô thị ngày càng khang trang, hiện đại với nhiều công trình kiến trúc mang tính điểm nhấn và có tính biểu tượng cao. Kinh tế - xã hội Phú Quốc có bước tăng trưởng vượt bậc: Hàng năm, tổng thu Ngân sách của Phú Quốc đạt hơn 7.000 tỷ đồng (tăng 260 lần so với năm 2004), chiếm gần 50% thu ngân sách của tỉnh Kiên Giang và chiếm tỷ trọng lớn trong thu ngân sách vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long; thu nhập bình quân đầu người của thành phố đạt hơn 3.100 USD tăng hơn 20 lần so với 10 năm trước đây. Năm 2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê duyệt thành lập thành phố Phú Quốc - đô thị loại II trực thuộc tỉnh Kiên Giang. Đây là kết quả nổi bật và cũng minh chứng rõ nhất cho những nỗ lực không ngừng của đảng bộ, chính quyền tỉnh Kiên Giang trong mục tiêu phát triển Phú Quốc tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của mình.

Tuy nhiên, sau thời gian dài thực hiện, Quy hoạch và phát triển đô thị thành phố Phú Quốc cũng đã bộc lộ những tồn tại, bất cập cần điều chỉnh như: Kinh tế phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; tăng trưởng kinh tế chưa thực sự ổn định và chưa bền vững; chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh chưa cao. Vai trò trung tâm, động lực và sức lan toả của thành phố Phú Quốc đối với sự phát triển của tỉnh và Vùng còn chưa như mong muốn; chất lượng hạ tầng chưa đồng đều, đã xuất hiện các hiện tượng quá tải hạ tầng kỹ thuật đô thị như ngập úng cục bộ, cấp điện, cấp nước, khả năng xử lý rác thải sinh hoạt, xử lý nước thải… còn nhiều bất cập. Bên cạnh đó, thành phố Phú Quốc là đô thị loại II, đồng thời là Khu kinh tế có vị thế đặc biệt tầm cỡ quốc gia và quốc tế được định hướng phát triển thành đô thị biển - đảo độc đáo, đặc sắc đạt tiêu chí đô thị loại I vào năm 2040 đang đứng trước bối cảnh phát triển có nhiều thay đổi, dẫn đến việc nhìn nhận, đánh giá, xác định quan điểm phát triển và định hướng quy hoạch chung của toàn thành phố cũng cần được nghiên cứu, điều chỉnh để phù hợp hơn với những yêu cầu và bối cảnh mới, với những tầm nhìn và chiến lược phát triển phù hợp, phát huy được một cách toàn diện các tiềm năng, lợi thế phát triển riêng có của Phú Quốc.

Thưa các đồng chí và quý vị đại biểu!

Sau quá trình nghiên cứu và thực hiện các trình tự, thủ tục lập, thẩm định quy hoạch một cách công phu, khoa học và chặt chẽ, ngày 06/02/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 150/QĐ-TTg phê duyệt Đồ án Quy hoạch chung thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đến năm 2040. Có thể nói, đây là một đồ án quy hoạch có chất lượng cao, đầu tư nhiều công sức, trí tuệ nhằm đạt được nhiều mục tiêu sau:

Phát triển thành phố Phú Quốc trở thành đô thị biển - đảo có sức hấp dẫn, đạt tiêu chuẩn đô thị loại I;

Xây dựng đô thị Phú Quốc trở thành trung tâm dịch vụ du lịch, sinh thái biển - đảo tổng hợp, với nhiều giá trị khác biệt, chất lượng tầm quốc gia và quốc tế; là trung tâm thương mại, dịch vụ tầm cỡ khu vực và quốc tế; trung tâm chăm sóc sức khỏe, điều dưỡng ứng dụng công nghệ cao của khu vực và quốc tế; là trung tâm nghiên cứu khoa học công nghệ, bảo tồn đa dạng sinh học rừng và biển của quốc gia và khu vực;

Nâng cao vị thế và vai trò của đô thị Phú Quốc là đầu mối quan trọng về giao thông vận tải nội vùng, cảng biển và cảng hàng không quốc tế; có vị trí đặc biệt quan trọng về an ninh và quốc phòng của Quốc gia.

Đồ án quy hoạch lần này cũng xác định Phú Quốc phát triển gắn với 04 Chiến lược: (1) Bảo tồn và phát triển tài nguyên thiên nhiên và giá trị nhân văn đặc thù biển đảo Phú Quốc; (2) Phát huy giá trị biển đảo, xây dựng Phú Quốc trở thành cực tăng trưởng kinh tế biển Vùng đồng bằng sông Cửu Long; (3) Phát triển đô thị biển đảo đặc sắc; và (4) Phát triển Khu du lịch quốc gia Phú Quốc.

Đồng chí Nguyễn Thanh Nghị - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng trao quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đồ án Quy hoạch chung thành phố Phú Quốc đến năm 2040 cho lãnh đạo thành phố Phú Quốc (Ảnh: Báo Kiên Giang).

Với định hướng phát triển không gian theo mô hình đa trung tâm, hình thành chuỗi đô thị tập trung với hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội và hạ tầng kỹ thuật đồng bộ; tổ chức không gian, sử dụng đất và kiến trúc cảnh quan đối với từng khu vực phát triển; định hướng tổ chức hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật và các yêu cầu bảo vệ môi trường, đáp ứng phát triển kinh tế - xã hội của thành phố trong thời gian tới, Quy hoạch chung thành phố Phú quốc lần này là cơ sở pháp lý rất quan trọng để tỉnh Kiên Giang quản lý, thu hút đầu tư và triển khai các chương trình phát triển đô thị, lập các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, hình thành các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khung trên địa bàn thành phố Phú Quốc và triển khai thu hút đầu tư.

Thưa các đồng chí và quý vị đại biểu!

Để việc tổ chức thực hiện và triển khai Quy hoạch chung thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đến năm 2040 bảo đảm các quan điểm, nguyên tắc, mục tiêu, tính chất và tuân thủ định hướng phát triển không gian, kiến trúc cảnh quan theo đồ án Quy hoạch chung được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhân buổi lễ công bố quy hoạch này, tôi đề nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh Kiên Giang lãnh đạo, chỉ đạo Thành ủy, UBND thành phố Phú Quốc, Ban quản lý Khu kinh tế Phú Quốc; các Sở, ban ngành thuộc tỉnh phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan sớm triển khai các công việc trọng tâm sau:

Xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch; tổ chức rà soát lập, điều chỉnh, phê duyệt các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị; rà soát các dự án đầu tư xây dựng, đặc biệt là các dự án hạ tầng kỹ thuật khung theo đúng quy định, tuân thủ Quy hoạch được duyệt và tuân thủ Quy chuẩn về quy hoạch xây dựng và theo đúng quy định pháp luật về quy hoạch đô thị, xây dựng, đất đai, đầu tư, lâm nghiệp và các quy định pháp luật, Quy chuẩn, Tiêu chuẩn chuyên ngành khác có liên quan, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ trong quy hoạch, đầu tư phát triển và đáp ứng yêu cầu quản lý tại thành phố Phú Quốc.

Sớm xây dựng và ban hành Chương trình Phát triển đô thị, Quy chế quản lý kiến trúc để quản lý, tạo dựng các công trình kiến trúc có tính đặc trưng, tính biểu tượng đặc sắc và là cơ sở để tập trung đầu tư hướng đến Thành phố Phú Quốc đạt tiêu chuẩn đô thị loại I.

Kế thừa thành tựu, kế quả, kinh nghiệm từ quá trình tổ chức thực hiện quy hoạch 633 trước đây. Quá trình tổ chức quy hoạch mới được công bố ngày hôm nay cần phải bảo vệ nghiêm ngặt diện tích rừng, hệ thống sông suối tự nhiên, các không gian ven biển, các không gian sinh hoạt công cộng, các giá trị thiên nhiên, nhân văn, các bản sắc riêng có của Thành phố Phú quốc, trong đó quản lý, bảo vệ nghiêm ngặt và phát triển rừng đặc dụng, rừng phòng hộ; quản lý và bảo vệ biển, khu vực ven biển, vùng bờ, bảo tồn biển; quản lý khai thác, sử dụng các khu vực di tích, di sản,... trên địa bàn thành phố Phú Quốc theo đúng quy định hiện hành.

Quản lý chặt chẽ việc đầu tư, phát triển phù hợp với định hướng phát triển, các chỉ tiêu sử dụng đất quy hoạch, yêu cầu về không gian, kiến trúc cảnh quan theo đồ án quy hoạch; bảo đảm việc xây dựng đồng bộ hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật của thành phố Phú Quốc. Đặc biệt quan tâm quản lý chặt trật tự xây dựng trong quá trình tổ chức thực hiện quy hoạch.

Triển khai thực hiện Quy hoạch chung thành phố Phú Quốc theo đúng quy định pháp luật; đặc biệt chú trọng các vấn đề về quốc phòng, an ninh, thích ứng với biến đổi khí hậu; sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả; bảo đảm phát triển bền vững kinh tế - xã hội và môi trường đô thị.

Chủ động xây dựng các phương án, giải pháp bảo vệ môi trường tự nhiên, đặc biệt là khu vực ven biển đảm bảo giảm thiểu ảnh hưởng những tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Để thực hiện và phát huy hiệu quả Quy hoạch chung Phú Quốc, Tỉnh cần tập trung nghiên cứu, đề xuất, xây dựng các cơ chế chính sách đặc thù huy động và sử dụng nguồn lực tài chính phù hợp nhất để đầu tư phát triển thành phố Phú Quốc bền vững, hài hoà giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường; bảo đảm an ninh quốc phòng.

Đặc biệt, quan trọng nhất là triển khai thực hiện Quy hoạch chung thành phố Phú Quốc để Phú Quốc phát triển bền vững là nhằm mục tiêu để đời sống, thu nhập của nhân dân Phú Quốc phải tốt hơn trước đây; người dân Phú Quốc phải được thụ hưởng trong quá trình phát triển Phú Quốc; tỉnh Kiên Giang và thành phố Phú Quốc phải quan tâm đảm bảo hài hòa chia sẻ lợi ích giữa nhà nước – người dân và doanh nghiệp.

Với chức năng, nhiệm vụ được giao và tình cảm với Phú Quốc nói riêng và tỉnh Kiên Giang nói chung, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ ngành liên quan và UBND tỉnh Kiên Giang và thành phố Phú Quốc trong quá trình thực hiện Quy hoạch Phú Quốc đến năm 2040 để hiện thực hóa Đồ án Quy hoạch và cùng hướng tới mục tiêu phát triển Phú Quốc bền vững, đóng góp tích cực cho phát triển của tỉnh, của Vùng và cả nước.

Trân trọng cảm ơn!

Phó Viện trưởng VIUP Hoàng Vĩnh Hưng (áo vest đen) đại diện đơn vị tư vấn lập đồ án chụp ảnh lưu niệm tại Hội nghị

 

(Nguồn:baoxaydung.com.vn)
Tin cũ hơn

Tạp chí QHXD

Ebook

Giới thiệu sách

Liên kết website