Mô hình trung tâm tiểu vùng và mối liên hệ gắn kết giữa quy hoạch phát triển trung tâm tiểu vùng với quy hoạch phát triển nông thôn mới tại Việt Nam

TS. KTS. Tạ Quỳnh Hoa, TS. Phạm Đình Tuyển

Khoa Kiến trúc Quy hoạch trường Đại học Xây dựng

 

I. Mở đầu

Quan điểm Đại hội XII của Đảng về phát triển nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới đã chỉ ra một trong những định hướng lớn để sớm đạt được mục tiêu nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại là phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM). Đây là chủ trương đúng đắn, phù hợp nhằm nâng cao năng lực sản xuất cũng như đời sống của người dân nông thôn, nhất là trong điều kiện nền nông nghiệp nước ta đang đứng trước nhiều thách thức của quá trình hội nhập [1], [5].

Xây dựng NTM có vai trò chiến lược trong công cuộc phát triển đất nước [1]. Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM cũng đã được triển khai rộng rãi trên khắp cả nước, trong đó, công tác quy hoạch là công việc mang tính tiền đề, có tầm quan trọng trước mắt cũng như lâu dài đối với việc xây dựng NTM. Tuy nhiên, các mô hình quy hoạch NTM hiện nay đều thiếu sự liên kết về kinh tế - xã hội cũng như liên kết không gian giữa đô thị và nông thôn, giữa các vùng nông thôn với nhau.Vì thế NTM đã không hình thành được các hạt nhân động lực, khai thác được nguồn tài nguyên để hình thành mạng lưới sản xuất có quy mô giúp cho việc cạnh tranh và phát triển. Trong giai đoạn hiện nay, nguồn lực chính để tạo nên sự thay đổi toàn diện trên các lĩnh vực của nông thôn không phải là nguồn lực hạn hẹp của Nhà nước mà là nguồn lực thị trường. 

Đô thị hay khu vực đô thị là nơi có mức độ phát triển kinh tế - xã hội cao hơn hẳn khu vực nông thôn. Nguồn lực thị trường bắt nguồn chủ yếu từ đây. Nông thôn phải được quy hoạch và tạo lập các không gian nhằm thu hút và tiếp nhận có hiệu quả nguồn lực này để chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, phát triển kinh tế tiêu dùng nông thôn và thị trường bất động sản tại nông thôn. Tuy nhiên, cho dù nguồn lực thị trường tại khu vực đô thị có lớn đến mấy cũng không thể “thấm” vào đến tận từng xã, đủ để tổ chức lại xã hội nông thôn, dù có đến 10, 20 năm nữa, đặc biệt là tại các xã nằm cách xa khu vực đô thị. Vì vậy, trong giai đoạn đầu, thay vì phân tán nguồn lực xã hội vào từng điểm dân cư hiện có của từng xã, cần tập trung  nguồn lực vào một số khu vực trung tâm mới của mỗi cụm xã (3-6 xã) - mô hình được gọi là Trung tâm tiểu vùng, từ đó làm động lực, điểm đột phá cho việc phát triển toàn bộ khu vực nông thôn [4].

Khái niệm về Trung tâm tiểu vùng (TTTV) không hoàn toàn mới. Đã có nhiều nghiên cứu và thực tế quy hoạch xây dựng nông thôn đã đề cập đến khái niệm về TTTV (Trung tâm cụm xã), Trung tâm dịch vụ nông thôn...Tuy nhiên theo Quy chuẩn quy hoạch xây dựng Việt Nam, chỉ có các quy chuẩn quy hoạch xây dựng thị trấn (đô thị cấp V; IV) và xã. Các khái niệm về thị tứ, trung tâm tiểu vùng, trung tâm dịch vụ nông thôn vẫn chưa được thừa nhận.

Vì vậy, việc nghiên cứu, phát triển các trung tâm tiểu vùng là một khả năng đưa mô hình kinh tế - xã hội tiên tiến đô thị từng bước vào khu vực nông thôn.

II. Mô hình trung tâm tiểu vùng (TTTV)

TTTV là mô hình kinh tế - xã hội tại khu vực nông thôn, được hình thành trên cơ sở là điểm chuyển tiếp giữa các khu vực đô thị và các làng xã. TTTV là kết quả của mối quan hệ liên vùng, liên ngành, trước hết là mối tương  quan về kinh tế - xã hội với khu vực đô thị.

Việc quy hoạch xây dựng phát triển TTTV thể hiện rõ mối tương quan giữa các hoạt động kinh tế - xã hội với quy hoạch và tổ chức không gian lãnh thổ phù hợp với thay đổi mới tại khu vực nông thôn: Thay đổi từ nền kinh tế nông nghiệp sang nền kinh tế công nghiệp.

2.1 Những đặc trưng cơ bản của TTTV:

  • TTTV là trung tâm về kinh tế - xã hội của một tiểu vùng, hay cụm khoảng 5-7 xã, với quy mô dân số của tiểu vùng (kể cả dân số TTTV) khoảng  3 - 5 vạn người.
  • TTTV thúc đẩy kinh tế tiêu dùng, đáp ứng trước hết các nhu cầu dịch vụ không thường xuyên, tạo ra động lực phát triển mới tại khu vực nông thôn; Các hoạt động dịch vụ tại đây đủ lớn cho phép tạo ra các nhu cầu tiêu thụ và nhu cầu sản xuất hay nhu cầu phát triển tại khu vực nông thôn mà không ỷ lại sự phát triển từ bên ngoài.
  • TTTV là cơ sở quan trọng kích thích sự phát triển kinh tế nông hộ sản xuất hàng hóa qua việc tạo ra các điều kiện về thị trường, thu hút việc làm phi nông nghiệp và thúc đẩy nhanh hơn quá trình tích tụ ruộng đất. Sản phẩm công nghiệp của Việt Nam trong những năm tới không chỉ hướng về xuất khẩu mà còn phải mở mang thị trường trong nước, trước hết là khu vực nông thôn. Đây là thị trường rộng lớn với số dân cư đông và không đòi hỏi quá cao về chất lượng sản phẩm nên phù hợp với trình độ sản xuất của doanh nghiệp Việt Nam. TTDVNT là không gian giúp mở rộng thị trường tiêu thụ tại khu vực nông thôn.
  • TTTV cung cấp các không gian để bố trí tập trung hoạt động tiểu thủ công nghiệp (TTCN),  XNCN thu gom và chế biến sản phẩm nông nghiệp. Về phương diện này TTTV bao hàm nội dung của mô hình kinh tế cụm CN nông thôn. Việc tập trung các cơ sở sản xuất TTCN và CN cho phép hình thành một khu vực đủ lớn thuận tiện cho việc tổ chức sản xuất cũng như quản lý về môi trường. TTTV bổ sung và hoàn thiện thêm mô hình làng sản xuất TTCN. Nó có thể liên kết các làng nghề truyền thống thành một khu vực sản xuất có quy mô lớn hơn, được hỗ trợ bởi các hoạt động dịch vụ mới tại khu thương mại giao dịch trong TTTV.
  • Tại TTTV có các không gian bố trí công trình hoạt động dịch vụ phát triển sản xuất (ngân hàng, bảo hiểm, logistics...) và dịch vụ phát triển con người, đặc biệt là dịch vụ tiêu dùng, phục vụ cho nhu cầu sản xuất và sinh hoạt cấp cao cho người dân của toàn cụm xã, hình thành nên khu vực hay các tuyến phố sôi động, thu hút các nguồn lực thị trường vào kinh doanh các loại hình dịch vụ.
  • TTTV là nơi bố trí các quỹ đất giãn dân của cụm xã; đất xây dựng nhà ở xã hội cho KCN, cụm CN nông thôn. Tại đây từng bước hình thành thị trường bất động sản nhà ở, qua đó thu hút nguồn lực đầu tư của thị trường bất động sản vào khu vực nông thôn.

2.2  Tính chất và quy mô TTTV:

Tính chất: TTTV Là tổ hợp hoàn chỉnh của khu dân cư kết hợp dịch vụ và công nghiệp.

Quy mô: Quy mô của TTTV phụ thuộc vào các yếu tố: Chỉ tiêu diện tích các hạng mục chức năng theo quy chuẩn và tiêu chuẩn Việt Nam; Phạm vi phục vụ, khả năng thu hút dân cư và khả năng cung cấp lao động (phạm vi 3-5 xã với 3-4 vạn dân); Đảm bảo hoạt động tương đối độc lập và khả năng trở thành đô thị cấp V trong tương lai (quy mô 0,4 vạn dân trở lên).

Quy mô dân số và cơ cấu lao động tại TTTV

TTTV được xây dựng trong phạm vi 3-5 xã. Với quy mô dân số mỗi xã khoảng 1 vạn người, tiểu vùng có quy mô dân số khoảng 3-4 vạn người. Với tỷ lệ tăng dân số tự nhiên hàng năm khoảng 1,2 %, đến năm 2030, số lượng dân cư sống trong tiểu vùng 3-5 xã tại khu vực nông thôn (bao gồm cả trung tâm tiểu vùng) vào khoảng 4-5 vạn người.

Căn cứ theo quy mô dân cư của một đơn vị phát triển tương đương với một đơn vị ở khoảng 0,7 đến 1 vạn người. Quy mô dân số của TTTV dự kiến khoảng 0,7-1 vạn người, chủ yếu đáp ứng nhu cầu tăng về dân số và việc dịch cư trong vùng, từ các điểm dân cư nông thôn sang khu vực có điều kiện phát triển cao hơn và là quy mô đủ lớn cho việc hình thành một đơn vị phát triển.

Cơ cấu lao động và việc làm tại TTTV phải gánh được tỷ trọng cơ cấu lao động và việc làm của cụm xã. Trong đó việc làm phi nông nghiệp sẽ tập trung chủ yếu tại TTTV.

Quy mô đất đai

Với quy mô dân số khoảng 0,7 - 1 vạn người, khu vực dân cư kết hợp dịch vụ có quy mô khoảng 40ha - 60ha, nếu kể cả đất công nghiệp khoảng 30ha - 40ha, thì Trung tâm tiểu vùng có quy mô khoảng 100ha (chỉ tiêu 100 m2/người).

III. Định hướng phát triển không gian TTTV

  1.  Phân khu chức năng : Mô hình TTTV sẽ bao gồm 2 khu vực chức năng chính: khu dân dụng hay khu dân cư - dịch vụ và khu ngoài dân dụng (KCN, cụm CN nông thôn, khu vực đầu mối HTKT và các khu vực chức năng khác).
  1. Khu dân dụng hay khu dân cư, dịch vụ, gồm:
  • Các khu đất xây dựng công trình dịch vụ phát triển sản xuất và dịch vụ phát triển con người. Đất xây dựng các công trình dịch vụ sản xuất có thể bố trí trong hoặc bên ngoài khu dân cư, dịch vụ. Đất xây dựng các công trình dịch vụ phát triển con người tương đương với loại đất xây dựng các công trình dịch vụ đô thị trong quy hoạch xây dựng đô thị, được phân thành: Đất xây dựng công trình dịch vụ cho bản thân Trung tâm tiểu vùng (tính toán theo quy mô dân số của Trung tâm tiểu vùng); Đất xây dựng công trình dịch vụ cho dân cư của tiểu vùng (cụm 3-6 xã).
  • Các khu đất xây dựng nhà ở cho dân cư của Trung tâm tiểu vùng.
  • Các khu đất xây dựng các khu cây xanh công viên, vườn hoa.
  • Các khu đất xây dựng công trình hành chính ngoài cấp quản lý hành chính của Trung tâm tiểu vùng có vai trò là thị trấn huyện lỵ.
  • Trường dạy nghề và các khu vực chức năng khác.
  1. Khu vực ngoài dân dụng, gồm:  
  • KCN, cụm CN và các XNCN bố trí riêng lẻ.
  • Khu vực trang trại kết hợp dịch vụ du lịch.
  • Khu vực xây dựng các công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật và các khu vực chức năng khác.
    1.  Định hướng phát triển không gian
  • Định hướng phát triển chung

Khu dân dụng hay Khu dân cư, dịch vụ: Cần được bố trí liền kề với các trục giao thông quốc lộ, liên tỉnh và liên huyện. Để đảm bảo an toàn đường bộ, chỉ bố trí khu dân cư, dịch vụ nằm một phía của đường giao thông;

KCN, cụm CN nông thôn : Cần được quy hoạch gắn kết với khu dân dụng qua các trục giao thông chính của TTTV, được ưu tiên bố trí về vị trí so với hệ thống giao thông, cách khu dân dụng khoảng cách đảm bảo yêu cầu về vệ sinh phù hợp với loại hình công nghiệp.

  • Theo đặc điểm bố trí

Các khu chức năng trong TTTV được phân thành:

Khu vực bố trí tập trung công trình : bao gồm các công trình chợ, siêu thị, văn phòng; các công trình nhà chung cư, nhà ở dạng liên kế kết hợp với cửa hàng. Tại đây có mật độ xây dựng cao, có công trình cao đến 5 tầng, tạo diện mạo kiểu đô thị cho khu vực. Đây là khu vực tạo sôi động cả ban ngày lẫn ban đêm, được ưu tiên bố trí trên khu đất bằng phẳng.

Khu vực bố trí phân tán công trình : bao gồm các công trình giáo dục, y tế, nhà ở có vườn, biệt thự. Các công trình bố trí kết hợp với hệ thống cây xanh, mặt nước cảnh quan, tận dụng điều kiện địa hình gò, đồi.

  • Theo quan điểm về bất động sản

Các khu vực chức năng trong TTTV được bố trí theo: 

Khu vực có giá trị bất động sản cao do vị trí, ví dụ như dải đất kề liền với trục đường chính bên ngoài; dải đất dọc theo các trục đường chính của TTTV. Tại đây sẽ bố trí các quỹ đất có khả năng kinh doanh để thu hồi vốn, như: đất nhà ở liên kế kết hợp dịch vụ, nhà ở có vườn; đất có thể kinh doanh như cửa hàng, văn phòng…

Khu vực ít có giá trị bất động sản hơn do vị trí nằm sâu bên trong khu đất sẽ dành để bố trí đất cây xanh, trường học, nhà trẻ…

  • Theo quan điểm về thiết kế đô thị

Không gian trung tâm của TTTV được hình thành qua không gian mở (như quảng trường, tuyến phố) cho hoạt động mua sắm, giao dịch, tạo bởi các công trình dịch vụ văn phòng, thương mại, đặc biệt là chợ, siêu thị. Đặc trưng cơ bản của thiết kế kiến trúc cảnh quan TTTV và cả sự thành công của mô hình kinh tế - xã hội TTTV chính là việc xác định vị trí, quy mô và hình thức tổ chức của không gian trung tâm. Đây cũng chính là cơ sở cho việc thu hút đầu tư từ bên ngoài vào khu vực.

Về cơ bản TTTV có mật độ xây dựng thấp, công trình thấp tầng, gắn kết với hệ thống cây xanh, mặt nước tạo thành một tổng thể không gian thống nhất, tạo khả năng hoà nhập và nối kết với không gian kiến trúc cảnh quan của làng xã lân cận.

TTTV có hệ thống giao thông tầng bậc phân chia các ô đất xây dựng, thuận lợi cho việc xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật đến từng lô đất xây dựng, cho việc khai thác và quản lý công trình.

IV. Quy hoạch mạng lưới trung tâm tiểu vùng trong mối liên hệ với quy hoạch phát triển NTM tại Việt Nam

Về cơ bản, một huyện có thể có nhiều TTTV, song các trung tâm này sẽ không phát triển đồng đều, do điều kiện phát triển tại từng cụm xã hết sức khác nhau. Các TTTV xây dựng trước tại địa điểm thuận lợi, sẽ là hình mẫu, động lực để phát triển các TTTV khác. Các TTTV sau do có kinh nghiệm sẽ phát triển nhanh hơn.

Các thị trấn huyện lỵ ban đầu có thể coi như một TTTV đã phát triển: Các thị trấn huyện lỵ hay đô thị huyện lỵ, được xây dựng và phát triển trong nhiều năm để đạt được quy mô, tính chất như các bản vẽ quy hoạch. Trong giai đoạn đầu, các đô thị này có thể coi như là một TTTV đã phát triển – TTTV hạt nhân, cùng nằm trong hệ thống mạng lưới TTTV.

Huyện sẽ có TTTV và các xã phát triển xung quanh đô thị huyện lỵ và hệ thống giao thông liên kết hình thành theo dạng hướng tâm và vành đai.

Mối liên hệ phát triển giữa TTTV với đô thị huyện lỵ và xã: Khác hoàn toàn với đô thị, TTTV là một mô hình kinh tế - xã hội không thể tồn tại và phát triển độc lập. Chúng không thể tồn tại theo kiểu tự cung, tự cấp của các mô hình làng xã và cũng không thể tự phát triển khi thiếu sự tiếp sức về quản lý, về thị trường, về thông tin, tri thức và nguồn vốn từ các trung tâm cấp cao hơn - đô thị. Xét theo phương diện này thì các TTTV càng bố trí gần đô thị bao nhiêu thì khả năng thành công càng lớn bấy nhiêu. Chúng chỉ có thể là mô hình kinh tế - xã hội độc lập (tương đối) khi phát triển, mở rộng thành mô hình đô thị.

Các TTTV cần phải được liên hệ với nhau qua đó tạo mối liên kết về thị trường, trao đổi thông tin và tiêu thụ sản phẩm. Các tuyến đường giao thông chính trong huyện cần phải nối liền các TTTV.

TTTV được xây dựng không phải để thay thế trung tâm của các xã. Trung tâm xã vẫn đóng vai trò là trung tâm hành chính, quản lý, văn hóa của xã, nơi cung cấp các dịch vụ hàng ngày như với bán kính phục vụ 400-500m. Các trung tâm xã cần được nối với TTTV và trung tâm huyện lỵ, bằng hệ thống giao thông thuận tiện qua đó có thể hỗ trợ nhau tạo thành một hệ thống không gian phát triển kinh tế công nghiệp và dịch vụ trong toàn khu vực nông thôn.

V. Kết luận

Trung tâm tiểu vùng là mô hình kinh tế - xã hội phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay và lâu dài tại các khu vực nông thôn Việt Nam, có khả năng đáp ứng đồng thời nhu cầu của Nhà nước, nhà đầu tư và người dân địa phương.

Mô hình TTTV tạo điều kiện cho việc thu hút các nguồn lực thị trường và cho phép lồng ghép nhiều chương trình phát triển nông thôn. TTTV sẽ góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động và tạo việc làm, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. TTTV đóng góp tích cực cho việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, là cơ sở cho quá trình đô thị hoá tại khu vực nông thôn, thúc đẩy việc xây dựng xã hội mới trong khu vực nông thôn.

Một TTTV sẽ có ít ý nghĩa, nhưng khi nhân rộng các mô hình TTTV (về thể chế, về hoạt động kinh tế, về không gian, về khả năng tham gia của người dân và quản lý địa phương...) sẽ tạo ra phản ứng dây chuyền, sẽ dần tạo ra mạng lưới mới, cao cấp hơn hiện tại, thâm nhập vào toàn bộ khu vực nông thôn, nơi văn hoá của nền kinh tế tiểu nông đã từ lâu bám rễ, trở thành động lực để hình thành một xã hội nông thôn mới, qua đó làm nông thôn thực sự thay đổi.

Tài liệu tham khảo

  1. Ban chỉ đạo Trung ương CTMTQGXDNTM: Báo cáo Tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2015, phương hướng nhiệm vụ giai đoạn 2016 -2020.
  2. Tạ Quỳnh Hoa (2004), Tổ chức không gian KCN cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại nông thôn Hà Nội, Luận văn Thạc sĩ Kiến trúc, trường Đại học Xây dựng
  3. Nguyễn Cao Lãnh(2014), Quy hoạch nông thôn mới với mô hình trung tâm tiểu vùng và cụm công nghiệp nông thôn, Tạp chí Khoa học công nghệ trường Đại học Xây dựng, số 19-5-2014, Trường Đại học Xây dựng
  4. Phạm Đình Tuyển (2012), Quy hoạch xây dựng phát triển Trung tâm tiểu vùng các huyện trung du. Ứng dụng quy hoạch một trung tâm tiểu vùng huyện Hiệp Hoà, tỉnh Bắc Giang. Đề tài NCKH cấp Bộ, mã số B2009-03-69 -TĐ, Trường Đại học Xây dựng
  5. Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.92, 93, 281, 283-284.
(Nguồn:Tạp chí QHXD số 97+98)
Tin cũ hơn

Tạp chí QHXD

Ebook

Giới thiệu sách

Liên kết website