Hướng dẫn thiết kế quy hoạch xây dựng điểm dân cư du lịch, văn hóa lịch sử

Hiện nay trong hệ thống các văn bản pháp luật có liên quan đến công tác Quy hoạch xây dựng đô thị chưa có các quy định rõ về nội dung quy trình lập quy hoạch xây dựng điểm dân cư du lịch, văn hóa lịch sử.

I. SỰ CẦN THIẾT THỰC HIỆN 

Việt Nam có điều kiện địa lý tự nhiên và tiềm năng du lịch đa dạng và phong phú, hấp dẫn về vẻ đẹp sinh thái tự nhiên, nền văn hóa đa dạng và truyền thống lịch sử lâu đời. Tuy nhiên hiện nay, chúng ta cũng đang chứng kiến một quá trình đô thị hóa tốc độ cao chưa từng có trong lịch sử phát triển của mình. Lượng dân cư đô thị đã chiếm tới 28% tổng dân cư toàn quốc, và mỗi năm khoảng 1 triệu dân tiếp tục tham gia vào đại gia đình đô thị này. Toàn quốc hiện có hơn 700 đô thị lớn nhỏ, trong đó có không ít đô thị đang tăng tốc phát triển nhờ vào tiềm năng văn hóa lịch sử. Các đô thị và các điểm dân cư du lịch này dần dần trở thành các đầu tàu phát triển kinh tế của tỉnh, địa phương và cả nước, song đây cũng là những điểm nóng về đô thị hóa, là nơi phát sinh các mâu thuẫn giữa các xu hướng phát triển và bảo tồn, giữa lợi ích phát triển kinh tế và nhu cầu bảo vệ môi trường, bảo vệ các giá trị văn hóa và bảo đảm phát triển bền vững đô thị trong quá trình phát triển của mình. 

Để triệt để giải quyết các mâu thuẫn trên, công tác quy hoạch các điểm dân cư du lịch, văn hóa lịch sử tại đô thị cần được xem là một nội dung quan trọng được quy định rõ ràng hơn bởi hệ thống các văn bản hướng dẫn của Bộ Xây dựng. 

Hiện nay trong hệ thống các văn bản pháp luật có liên quan đến công tác Quy hoạch xây dựng đô thị chưa có các quy định rõ về nội dung quy trình lập quy hoạch xây dựng điểm dân cư du lịch, văn hóa lịch sử. 

Hơn thế nữa các quy trình quy hoạch xây dựng đô thị tuy đã được soạn thảo và có hướng dẫn tương đối đầy đủ nhưng nhìn chung đến nay vẫn chưa có một quy trình lồng ghép hoàn chỉnh các nội dung nói trên. Do đó việc soạn thảo một “Hướng dẫn thiết kế quy hoạch xây dựng đô thị điểm dân cư du lịch văn hóa, lịch sử” tại các đô thị là hết sức cần thiết và phù hợp với nhu cầu thực tiễn. Hướng dẫn thiết kế quy hoạch xây dựng điểm dân cư du lịch văn hóa, lịch sử sẽ trợ giúp đắc lực cho các tổ chức cá nhân làm công tác tư vấn trong lĩnh vực quy hoạch, mà còn rất có ích đối với các cơ quan quản lý phát triển đô thị và các điểm dân cư đặc thù tại các địa phương. 

 

II. MỤC TIÊU CỦA ĐỀ TÀI 

-     Rà soát đánh giá hiện trạng các hướng dẫn Quy hoạch xây dựng tại các điểm dân cư du lịch, văn hoá lịch sử trong hệ thống quy trình hướng dẫn Quy hoạch xây dựng đô thị. 

-     Xây dựng quy trình Quy hoạch xây dựng điểm dân cư du lịch, văn hoá lịch sử. 

-     Kiến nghị hoàn chỉnh hệ thống các văn bản hướng dẫn lập Quy hoạch xây dựng có liên quan đến văn hoá lịch sử.  

 

III. CẤU TRÚC CỦA ĐỀ TÀI 

Đề tài được chia ra làm 3 chương: 

Chương I: Rà soát đánh giá hiện trạng xây dựng các điểm dân cư du lịch, văn hoá lịch sử 

Chương II: Biên soạn hướng dẫn quy hoạch xây dựng các điểm dân cư du lịch, văn hoá lịch sử 

Chương III: Đề xuất nội dung chính của dự thảo “Hướng dẫn thiết kế Quy hoạch xây dựng điểm dân cư du lịch, văn hoá lịch sử”. 

 

IV. ĐÁNH GIÁ CHUNG HIỆN TRẠNG CÔNG TÁC PHÁT TRIỂN VÀ QUẢN LÝ PHÁT TRIỂN CÁC ĐIỂM DÂN CƯ DU LỊCH, VĂN HOÁ LỊCH SỬ TRONG ĐÔ THỊ TẠI VIỆT NAM 

Để quản lý phát triển nhiều dự án quy hoạch quy mô lớn nhỏ khác nhau đã được lập, có thể nói rằng chưa bao giờ tại Việt Nam lại có nhiều dự án quy hoạch đến như vậy: “Quy hoạch Vùng”, “Quy hoạch chung xây dựng thành phố”, “Quy hoạch sử dụng đất đai 5 năm của các tỉnh, thành phố”; “Quy hoạch phát triển du lịch”, “Quy hoạch quản lý môi trường”, “Quy hoạch giao thông”... Theo quy định của nhà nước quy hoạch đựơc phân theo 2 cấp quản lý: cấp quốc gia và cấp địa phương trong đó các dự án quy hoạch cụ thể thường do địa phương quản lý thực hiện. 

Ngoài các đô thị di sản ra thì các thành phố, thị xã thị trấn khác cũng đã và đang được lập quy hoạch tổng thể và quy hoạch chi tiết với mục đích phục vụ quản lý xây dựng, mà chưa lồng ghép nhiệm vụ bảo tồn di sản văn hoá lịch sử vào các chương trình thực hiện quy hoạch. Chính vì vậy, việc quản lý cũng chỉ mới thực hiện được bước đi đầu tiên là quản lý sử dụng đất, còn chưa thể quản lý và điều khiển được sự phát triển của không gian đô thị. Bộ mặt đô thị thẩm mỹ đô thị, và việc lưu giữ bản sắc của đô thị vẫn là bài toán chưa có lời giải “chính thức”. 

Tầm quan trọng và sự cần thiết của việc lập quy hoạch trong chiến lược phát triển đất nước trên mọi mặt là điều quan trọng không phải bàn cãi. Các quy hoạch tiến đến mục tiêu xây dựng tập trung, thống nhất, đồng bộ, nhằm hạn chế phát triển vô tổ chức, mạnh ai nấy làm dẫn đến lãng phí, trì trệ, gây cản trở cho sự phát triển chung của đất nước. Tuy nhiên vấn đề quản lý và thực hiện đang thể hiện nhiều vấn đề tồn tại mà nguyên nhân là: 

1) Các dự án quy hoạch trong quá trình dự thảo chưa chú ý đúng mức đến các dữ liệu, số liệu điều tra kỹ về quĩ đất di tích lịch sử văn hoá và danh thắng cũng như những yếu tố văn hoá kiến trúc của khu vực có khả năng ảnh hướng đến quy hoạch và thực thi quy hoạch. Do đó chưa đề xuất các biện pháp để đảm bảo cho công tác bảo tồn và phát triển bền vững cho di sản văn hoá như việc quy hoạch đất đai, các kế hoạch giả toả vi phạm, các dữ liệu cho việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hoá và danh thắng. 

Những kiến nghị của ngành văn hoá - thông tin về việc bổ sung các số liệu điều tra về di tích lịch sử văn hoá  và danh lam thắng cảnh nói riêng, các số liệu về văn hoá xã hội nói chung đối với các đồ án quy hoạch  do Chính phủ hoặc một số Bộ ngành Trung ương phê duyệt chưa được các cơ quan lập dự án quy hoạch quan tâm bổ sung đúng mức, điều này có thể thấy trong hầu hết các dự án quy hoạch đã được phê duyệt. 

2) Quản lý đô thị, quản lý nông thôn và đặc biệt là quản lý di sản là hoàn toàn khác biệt nhưng lại có chung cơ chế quản lý, bộ máy cũng giống nhau từ thành phố đến tỉnh, từ quận đến huyện. Hơn nữa tại các địa phương, chính quyền các Tỉnh, thành phố thị xã thị trấn lai chủ trương quan tâm tới phát triển giao thông phát triển các khu đô thị mới, các thành phố vệ tinh hơn là bảo vệ di sản vản hoá và di sản tự nhiên của khu vực. 

3) Sự chưa đồng bộ giữa các đồ án quy hoạch và hiệu lực pháp lý của các dự án quy hoạch bảo tồn chưa tạo được sự bền vững cho các di tích lịch sử văn hoá và danh lam thắng cảnh, chưa làm yên lòng những ai quan tâm đến sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá nước nhà. 

Để khắc phục hạn chế này, trong thời gian gần đây một số dự án quy hoạch đã để riêng những khu vực di tích lịch sử văn hoá và danh lam thắng cảnh được xếp hạng di tích quốc gia trên bản đồ quy hoạch gọi là khu vực bản tồn di sản như trường hợp quy hoạch phát triển kinh tế Côn Đảo, hay quy hoạch các khu bảo tồn thiên nhiên của các tỉnh. Tuy nhiên, trên thực tế những khu vực di sản nằm trong các vùng kinh tế quan trọng nhạy cảm, quy hoạch xây dựng luôn luôn có xu hướng lấy mục tiêu phát triển kinh tế làm trọng, điều này đã tạo nên những tác động mạnh mẽ đến sự bền vững của di sản. 

Lấy ví dụ khu vực di sản thiên nhiên quốc gia vịnh Hạ Long và Bái Tử Long (từ năm 1994 Vịnh Hạ Long được ghi vào danh mục di sản văn hoá thế giới) các quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của thành phố Hạ Long, thị xã Cẩm Phả, quy hoạch phát triển ngành than, xi măng, hải sản, giao thông vận tải, hàng hải và du lịch… ở khu vực này là những nguy cơ tiềm  ẩn đe doạ sự  bền vững của khu vực di sản có một không hai này. Mặc dù, tổ chức JICA Nhật Bản đã tài trợ dựng một dự án lớn về quy hoạch quản lý môi trường vịnh Hạ Long, tuy nhiên tính hiệu quả của dự án chưa cao.  

Chính quyền địa phương do không có lập trường rõ ràng về công tác bảo tồn và phát triển nên tiếp nhận dự án mà không chuyển tải, hoạch định được thành các chính sách, chiến lược bảo tồn, giảm thiểu hoặc loại bỏ các nguy cơ làm mất đi giá trị tư nhiên của di sản. Cũng chưa xác lập kế hoạch hành động và lồng ghép cần đối kế hoạch bảo tồn với các kế hoạch phát triển tại khu vực di sản. Nếu chúng ta không có cách tiếp cận quản lý rõ ràng mạch lạc thì một ngày không xa chúng ta sẽ phải trả giá cho những hậu quả do sự yếu kém vầ quản lý ngày nay mang lại. 

Một thực tế nữa là trong quá trình thực hiện các dự án quy hoạch, không ít trường hợp người thực thi đã thay đổi, làm sai với quy hoạch được duyệt mà không được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Theo quy định hiện nay, để có thể phê duyệt được một dự án quy hoạch chúng ta phải tuân thủ một quy trình xét duyệt rất chặt chẽ với sự tham gia của rất nhiều cấp ngành và xã hội. Tuy nhiên khi thay đổi những nội dung của đồ án quy hoạch được duyệt, người ta thường làm rất đơn giản, chỉ là sự thoả thuận giữa bên xây dựng và cơ quan lập dự án (thiết kế) hoặc cẩn thận hơn chút ít thì có thêm cấp chính quyền quản lý trực tiếp. Vì thế không ít dự án khi đi vào thi công đã cho ra những sản phẩm làm đau đầu các nhà quản lý, không ít trường hợp sửa đổi, bổ sung tuỳ tiện vào quy hoạch đã gây ra những mối hiểm hoạ cho di tích về các vấn đề môi trường, cảnh quan và cả chất lượng công trình. Một số trường hợp không được xử lý kịp thời, thoả đáng, có nơi những sai phạm nêu trên còn được hợp thức tạo ra những tiền lệ coi thường luật pháp đúng như câu các cụ xưa thường nói: “phép vua thua lệ làng”. 

Tình trạng đó không chỉ xuất hiện trong các dự án quy hoạch phát triển kinh tế xã hội mà xảy ra ngay trong những dự án bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hoá. Các quy hoạch, dự án khả thi, thiết kế kỹ thuật luôn được điều chỉnh. Sự thay đổi điều chỉnh các dự án quy hoạch di tích cũng có nhiều nguyên nhân; giai đoạn đầu lập luận chứng kinh tế kỹ thuật quy hoạch chỉ tập trung vào việc bảo tồn các thành phần kiến trúc hiện có. Sau này do khả năng kinh tế của đất nước khá hơn, nhận thức và công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản cũng được nâng cao, các dự án quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di sản được mở rộng quan tâm và các vấn đề về di sản văn hoá phi vật thể. 

Trong bối cảnh các dự án bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hoá và danh lam thắng cảnh ngày càng được xúc tiến, xây dựng nhanh chóng, xuất hiện nhu cầu cần phải có sự cân đối, đồng bộ, đảm bảo sự liên kết, thống nhất giữa các dự án (sự lồng ghép giữa các chương trình Quốc gia) trong một thời gian nhất định. Để đáp ứng nhu cầu thực tế đó, tránh sự chồng chéo, mâu thuẫn giữa các dự án, Bộ Văn hoá Thông tin đã cho triển khai lập Dự án Quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hoá và danh lam thắng cảnh đến năm 2020 và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Dự án quy hoạch đó đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng các dự án cụ thể di tích lịch sử văn hoá và danh lam thắng cảnh ở nước ta hiện nay. 

Thế nhưng do những nguyên nhân nào đó bản quy hoạch sau khi được phê duyệt chưa có điều kiện xuất bản, giới thiệu, phổ biến rộng rãi trong toàn quốc. Do đó một số dự án quy hoạch phát triển kinh tế xã hội hoặc dự án bảo tồn phát huy giá trị di sản văn hoá một số khu vực chưa được tiếp cận được nội dung của quy hoạch. Do vậy càng khẳng định việc cấp thiết của công tác lập “Hướng dẫn thiết kế quy hoạch xây dựng đô thị điểm dân cư du lịch văn hóa, lịch sử”. 

 

Chủ nhiệm Đề tài: ThS.KTS Cao Sỹ Niêm

Phòng Nghiên cứu Phát triển Đô thị và công trình kiến trúc

(Nguồn:VIUP)

Tạp chí QHXD

Ebook

Giới thiệu sách

Liên kết website