Giải pháp quy hoạch hệ thống HTKT thích ứng và ứng phó với tình trạng ngập lụt tại các đô thị

Tốc độ đô thị hoá cao đang diễn ra ở Việt Nam, năm 1998 có 635 đô thị, sau 10 năm (đến 2009) đã có 754 đô thị, năm 2018 là 813 đô thị. Dự báo tăng dân số đô thị cho thấy dân số đô thị năm 2020 của Việt Nam là 37 triệu người, con số này là 42 triệu vào năm 2025, 47 triệu vào năm 2030. Tỷ lệ đô thị hóa được ước tính là 40% vào năm 2020, 45% vào năm 2025, 50-52% vào năm 2030. Tỷ lệ đô thị hóa cao này góp phần vào sự chuyển dịch kinh tế và xã hội của đất nước. Song song với đó, Việt Nam cũng phải đối mặt với những thách thức đô thị cấp bách, bao gồm các vấn đề về rủi ro biến đổi khí hậu, thiếu cơ sở hạ tầng đô thị, rủi ro về lũ lụt...

ThS. Trương Minh Ngọc

Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn Quốc Gia - VIUP

-----------------------------------------------------------------------------

1. Tổng quan

Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, trong đó đồng bằng sông Cửu Long là một trong ba đồng bằng trên thế giới dễ bị tổn thương nhất do nước biển dâng, bên cạnh đồng bằng sông Nile (Ai Cập) và đồng bằng sông Ganges (Bangladesh).

Theo các kịch bản biến đổi khí hậu, vào cuối thế kỷ 21, nhiệt độ trung bình năm ở nước ta tăng khoảng 2 - 30C, tổng lượng mưa năm và lượng mưa mùa mưa tăng, trong khi đó lượng mưa mùa khô lại giảm, mực nước biển có thể dâng khoảng từ 75 cm đến 1 m so với thời kỳ 1980 - 1999. Nếu mực nước biển dâng cao 1 m, sẽ có khoảng 40% diện tích đồng bằng sông Cửu Long, 11% diện tích đồng bằng sông Hồng và 3% diện tích của các tỉnh khác thuộc vùng ven biển sẽ bị ngập, trong đó, thành phố Hồ Chí Minh sẽ bị ngập trên 20% diện tích; khoảng 10 - 12% dân số nước ta bị ảnh hưởng trực tiếp và tổn thất khoảng 10% GDP.

Trong vòng  hơn 10 năm trở lại đây, chúng ta đã chứng kiến nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan trái với các quy luật thông thường như mưa bão, triều cường với mức độ lớn, trên diện rộng và gây ra những thiệt hại vô cùng lớn. Ví dụ, chỉ tính riêng trận lụt lịch sử tại Hà Nội vào cuối tháng 10, đầu tháng 11 năm 2008 đã thiệt hại trên 3000 tỷ đồng và khoảng 20 người bị thiệt mạng.

Việc nghiên cứu thiết kế quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị và đưa ra các giải pháp đối phó với tình trạng ngập lụt tại các đô thị là hết sức cần thiết và cấp bách.

2. Ảnh hưởng của ngập lụt tới hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị.

a/ Hệ thống thoát nước và các công trình đầu mối chống ngập lụt.

Một số đô thị của Việt Nam (như thành phố Hà Nội, Hồ Chí Minh, Huế, Hội An, Đà Nẵng,...) trong những năm gần đây đã phải hứng chịu những trận mưa, bão lũ có cường độ lớn, vượt xa khả năng chịu tải của hệ thống thoát nước. Rất nhiều đô thị ngoài việc chịu tác động của mưa, bão còn chịu tác động của nước biển dâng, triều cường dẫn đến ngập lụt. Hậu quả trực tiếp là hệ thống thoát nước và các công trình đầu mối chống ngập lụt (trạm bơm, hồ điều hòa, đê bao ...) bị hư hỏng, chi phí dành cho cho công tác duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp tăng lên.

Tại thành phố Hồ Chí Minh, mặc dù chúng ta đã đầu tư các công trình thoát nước, kiểm soát ngập lụt với tổng kinh phí hơn 10.000 tỷ đồng, nhưng hiệu quả còn rất thấp. Thách thức đang đặt ra là các dự án chống ngập trong hiện tại chỉ mới triển khai cho khu vực trung tâm thành phố với tổng diện tích phụ trách chừng 100 km2. Trong khi đó phần diện tích đang chuẩn bị đô thị hoá càng lúc càng tăng dần và có thể đạt đến 850km2 vào năm 2025. Nếu ước tính theo kinh phí đã bỏ ra cho khu vực trung tâm thành phố, thì cần phải đầu tư thêm khoảng 7 tỉ USD cho các khu vực còn lại trong hai thập niên tới, kể cả phần thoát và xử lý nước thải.

b/ Hệ thống giao thông

Việc ngập lụt trên diện rộng tại các đô thị là nguyên nhân chính gây hư hỏng, xuống cấp bề mặt các tuyến đường giao thông.

Mặt khác, các các trận bão, lũ đã phá hỏng các công trình giao thông như cầu, đường bộ, đường sắt, sân bay, cảng biển ...

3. Một số giải pháp thiết kế hệ thống hạ tầng kỹ thuật thích ứng và đối phó với tình trạng ngập lụt tại các đô thị.

a/ Hệ thống thoát nước và các công trình đầu mối chống ngập lụt.

a1/ Cao độ nền xây dựng:

Bên cạnh việc thiết kế cao độ nền xây dựng như quy chuẩn xây dựng quy định, để đối phó với biến đổi khí hậu, chúng ta nên tập trung nghiên cứu vào một số nội dung sau:

  • Chọn cao độ nền xây dựng  có tính đến cảnh báo của các kịch bản nước biển dâng. Tại các đô thị, lập bản đồ về các khu vực có cao độ an toàn, các khu vực bất lợi do ngập lụt gây ra.
  •  Đối với các khu vực đô thị dễ bị tác động của ngập lụt, bên cạnh các giải pháp “công trình” cần quy hoạch sử dụng đất đô thị một cách linh hoạt trên cơ sở lấy chống lũ lụt làm công cụ thiết kế đô thị, dành nhiều không gian cho nước.

 Việc cân bằng giữa đào và đắp trong quy hoạch cao độ đô thị là hết sức quan trọng. Mỗi mét vuông đắp hay phủ bằng vật liệu cứng (không thấm nước) cần phải được bổ sung một mét vuông có khả năng thấm nước, hoặc diện tích hồ chứa tương ứng.

a2/ Hệ thống thoát nước

      Trong QCVN 01:2008/BXD đã quy định rất rõ việc lựa chọn hệ thống thoát nước cho đô thị, đối với đô thị mới nhất thiết phải quy hoạch hệ thống thoát nước riêng hoàn toàn (tách riêng hệ thống thoát nước mưa và hệ thống thoát nước thải). Đặc biệt, với mục tiêu ứng phó với tình trạng ngập lụt, thì yêu cầu quy hoạch hệ thống thoát nước riêng sẽ là yêu cầu hàng đầu, bởi các lý do sau:

            + Hệ thống thoát nước chung sẽ vận hành không tốt trong mùa khô: do kích thước đường cống lớn dẫn đến vận tốc dòng chảy trong cống nhỏ, thậm chí còn nhỏ hơn vận tốc lắng cặn, nước thải sẽ không thoát hết, gây mất vệ sinh, làm hư hỏng hệ thống thoát nước.

            + Đối với hệ thống thoát nước riêng: Hệ thống thoát nước mưa sẽ dễ dàng tăng công suất, thậm chí có thể để mở (kênh, mương, hành lang thoát lũ) và trở thành một yếu tố cảnh quan đô thị với những hồ điều hòa, kênh rạch do không bị ô nhiễm nước thải.    

b/ Hệ thống giao thông

< >Khi quy hoạch các các tuyến đường giao thông đô thị, hạn chế tối đa việc xây dựng các tuyến ngăn dòng chảy của lũ. Trên “tuyến đi” của lũ cần nghiên cứu xây dựng các cầu, đường vượt trên cao.Quy hoạch giao thông đô thị cần chú trọng việc “rút ngắn” khoảng cách giao thông trên cơ sở cân bằng những chức năng chính trong khu vực đô thị (ví dụ như khu ở và khu làm việc...) để giảm thiểu lượng vận tải cơ giới (chạy bằng xăng) và kết quả giảm thiểu sự phát thải khí CO2.

4. Kết luận

Không thể có giải pháp nào đảm bảo chống ngập 100% cho các đô thị. Chúng ta cần thay đổi quan điểm kiểm soát ngập lụt như hiện nay đang thực hiện, đã đến lúc thay vì chỉ tập trung tìm cách giảm mức độ ngập lụt như cách chúng ta đang làm hiện nay (flood protection), thì giải pháp thông minh và khả thi hơn là tìm cách để sao cho xảy ra thiệt hại ít nhất khi bị ngập (flood resilience). Đây là một vấn đề có tính liên ngành, trong đó quy hoạch hạ tầng kỹ thuật đô thị đóng vai trò trung tâm.

 

(Nguồn:Tạp chí QHXD số 101+102)
Tin cũ hơn

Tạp chí QHXD

Ebook

Giới thiệu sách

Liên kết website