“Vẽ” quy hoạch, trình chưa được duyệt đã lạc hậu

Phó Đoàn ĐBQH TP Hà Nội Ngọ Huy Hiểu cho biết, ngày xưa người Pháp phải đến Sa Pa, Đà Lạt hàng 3 - 4 năm với đội ngũ chuyên gia lăn lê bò tìm mới ra được quy hoạch. Chứ giờ có những quy hoạch trình chưa được duyệt đã lạc hậu rồi.

Ngày 7/3, Đoàn ĐBQH TP Hà Nội tổ chức hội nghị lấy ý kiến vào các dự thảo: Luật Quy hoạch, Luật Quản lý ngoại thương, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

      Toàn cảnh hội nghị    

Tránh quy hoạch “trăm hoa, đua nở”

Cho ý kiến Dự luật Quy hoạch, ông Đỗ Minh Sơn, Hội Luật gia TP Hà Nội dẫn thông tin, cách đây 10 năm, khu đô thị Linh Đàm được đánh giá là rất hiện đại văn minh, đáng sống. Đến nay, khu đô thị Linh Đàm đã bị “băm nát” vì khâu tổ chức thực hiện quy hoạch phát sinh nhiều lợi ích cục bộ.

“Có rất nhiều quy hoạch làm công phu, tiêu tốn không biết bao nhiêu tiền của của người dân. Tuy nhiên, việc tổ chức thực hiện quy hoạch hết sức bất cập”, ông Sơn nhấn mạnh.

Theo ông Sơn, chính vì khâu tổ chức thực hiện quy hoạch trước nay không nghiêm thiếu tính đồng bộ, manh múm và ở đâu đó có lợi ích ngành, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ địa phương nên cần quy định về trách nhiệm, xử lý vi phạm với liều lượng dày hơn.

“Dự thảo luật mới nói đến vấn đề quản lý quy hoạch, còn việc quy định trách nhiệm tôi thấy chưa tương xứng hay nói cách khác là còn thiếu và yếu”.

Ông Sơn cũng nhấn mạnh, nên hạn chế quy hoạch ngành quốc gia. Chỉ những ngành kinh tế trọng điểm, do Nhà nước quản lý mới có quy hoạch tầm quốc gia. Còn những ngành chủ trương xã hội hóa thì không nên quy hoạch để phù hợp với sự phát triển.

“Nếu không sẽ như tình trạng “trăm hoa, đua nở” vừa qua, manh mún, dẫm đạp lên nhau, thiếu sự đồng bộ, thống nhất, gây tốn kém cho xã hội”, đại diện Hội Luật gia TP Hà Nội nói.

Cũng theo ông Sơn, nếu theo logic, có quy hoạch tổng thể cơ bản rồi mới có quy hoạch chi tiết thì sẽ rất khó vì có những địa phương do cấp thiết đặc thù phát triển nếu phải chờ ở trên mới lập được quy hoạch thì có khi mất tính chủ động, sáng tạo.

Không cùng quan điểm, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Xây dựng TP Hà Nội cho rằng, quy hoạch nên làm từ trên xuống vì nó là công cụ điều tiết của Nhà nước.

“Từ quy hoạch tổng thể, các địa phương lập kế hoạch thực hiện quy hoạch đó theo tiềm năng của địa phương. Nếu quy hoạch từ dưới lên thì “trăm hoa, đua nở” không kiểm soát được”.

6 ngày làm xong quy hoạch huyện!

Viện Phó Viện Quy hoạch và Đô thị nông thôn quốc gia (VIUP) Nguyễn Thành Hưng nêu quan điểm, quy hoạch là từ trên xuống không sai về mặt logic. Thực tế làm quy hoạch xây dựng và quy hoạch đô thị, quan điểm đó đã lạc hậu.

“Không một lãnh đạo địa phương nào cũng như một nhà tư vấn nào giỏi đến mức có thể hình dung được tới đây, TP Hà Nội sẽ có những gì. Lãnh đạo Bắc Ninh hay Thái Nguyên khi xây dựng chương trình của họ cũng không hình dung và lường trước đượcc Samsung sẽ “chạy” về đây”, ông Hưng nêu.

Ông Hưng tiếp tục đặt vấn đề: Trường hợp quy hoạch quốc gia không chính xác như xác định số lượng các khu kinh tế nhầm thì thế nào?

“Chúng ta có nhiều bài học về cái này rồi. Trong luật phải thể hiện tính mở, cả thế giới đang hướng theo nội dung đó chứ không theo xu thế trên nói dưới nghe răm rắp theo”, Viện Phó Viện Quy hoạch và Đô thị nông thôn quốc gia cho rằng, dự thảo nên thiết kế khung, không đi vào chi tiết kỹ thuật.

Viện Phó VIUP Nguyễn Thành Hưng

Là chuyên gia anh thử giải quyết 1 điều luật mở như anh mong muốn? Phó Trưởng đoàn ĐBQH TP Hà Nội Ngọ Huy Hiểu hỏi.

Trả lời điều này, ông Hưng nói: Luật này rất nhạy cảm vì điều tiết rất nhiều luật khác. Nếu chúng ta ban hành các điều luật quá kỹ về mặt kỹ thuật thì sẽ gây vướng mắc cho các quy hoạch tiếp theo.

“Quy hoạch cấp quốc gia rất phức tạp! Bản thân tôi chưa thực sự tin tưởng, quy hoạch cấp quốc gia lập nên dựa theo luật này có thể là một quy hoạch chuẩn. Tôi nghĩ rằng nên làm thử quy hoạch cấp quốc gia, có gì bất cập để sửa, chứ một khi ban hành, phê duyệt rồi mà không đúng thì rất khó sửa”, ông Hưng kiến nghị.

Trưởng đoàn ĐBQH Ngọ Duy Hiểu cảm thán: “Tôi chưa thấy nước nào mà nhà quy hoạch giỏi như nước ta”. Trước đây khi về công tác tại huyện Phúc Thọ thì đã xong quy hoạch rồi. Tôi hỏi thì chỉ có 6 ngày làm xong quy hoạch huyện.

“Ngày xưa người Pháp phải đến Sa Pa, Đà Lạt hàng 3 - 4 năm với đội ngũ chuyên gia lăn lê bò tìm mới ra được quy hoạch. Chứ giờ có những quy hoạch trình chưa được duyệt đã lạc hậu rồi”, ông Hiển nêu.

Chính vì vậy, theo ông Ngọ Duy Hiểu, vấn đề quy hoạch có những vấn đề phải suy nghĩ.

(Nguồn:thanhtra.com.vn)
Tin cũ hơn

Tạp chí QHXD

Ebook

Giới thiệu sách

Liên kết website