Xây dựng khung hướng dẫn lập ATLAS đô thị - khí hậu cho các đô thị Việt Nam

Chủ nhiệm dự án: PGS.TS.KTS. Lưu Đức Cường

Cán bộ tham gia thực hiện chính:

  • TS. KTS. Lưu Đức Minh
  • Th.S. KS. Nguyễn Hoàng Long
  • Th.S. Nguyễn Huy Dũng
  • Th.S. Lại Bích Ngọc
  • Th.S. Nguyễn Việt Dũng
  • Th.S. Phạm Trung Quân
  • Th.S. Nguyễn Tiến Trung
  • Th.S. KS. Phan Trọng Dũng
  • CN. Vũ Thu Hương
  • KS. Nguyễn Trung Kiên

MỞ ĐẦU

1. Sự cần thiết

Với đường bờ biển dài 3.260km, vị trí địa lý, địa hình và khí hậu đa dạng, Việt Nam được đánh giá là một trong các quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ BĐKH, đặc biệt là các hiện tượng thời tiết cực đoan và đặc biệt nhạy cảm trước hiện tượng nước biển dâng và bão/áp thấp nhiệt đới trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương . Các khu vực đồng bằng thấp dễ bị ảnh hưởng do bão, lũ lụt, nước biển dâng và triều cường. Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam được dự báo là một trong ba đồng bằng dễ bị tổn thương nhất theo dự báo về nước biển dâng. BĐKH làm gia tăng cường độ và tần suất thiên tai, đặc biệt là bão, lũ và hạn hán. 

Lũ quét và các hiện tượng mưa cực đoan là những mối đe dọa lớn tới các khu vực miền núi. Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, nếu mực nước biển dâng 1m, sẽ có khoảng 38,9% diện tích đồng bằng sông Cửu Long, trên 16,8% diện tích vùng đồng bằng sông Hồng có nguy cơ bị ngập. Các khu vực tiềm ẩn chịu tác động mạnh từ BĐKH lại là khu vực có tốc độ đô thị hóa và phát triển đô thị cao. Trong đó một số tỉnh bị ngập nặng phải kể đến là: TP. Hải Phòng (30,2% diện tích bị ngập), tỉnh Thái Bình (50,9% diện tích bị ngập), tỉnh Nam Định (58% diện tích bị ngập), tỉnh Thừa Thiên-Huế (7,69%), TP. Hồ Chí Minh (17,8% diện tích bị ngập), TP. Cần Thơ (20,5% diện tích bị ngập), tỉnh Kiên Giang (76,9% diện tích bị ngập), tỉnh Hậu Giang (80,6% diện tích bị ngập), tỉnh Cà Mau (57,7% diện tích bị ngập)… Sẽ có khoảng 115 đô thị từ loại V đến loại đặc biệt trên tổng số gần 800 đô thị toàn quốc hiện có sẽ chịu tác động mạnh từ BĐKH, NBD. Hậu quả của BĐKH đối với Việt Nam là nghiêm trọng, đe dọa đến các mục tiêu về xóa đói giảm nghèo và quá trình thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ cũng như sự phát triển bền vững đất nước.

Trong bối cảnh BĐKH, với chức năng cảnh báo rủi ro do BĐKH cho đô thị, Atlas đô thị-khí hậu có ý nghĩa rất quan trọng nhằm cung cấp thông tin, dữ liệu cho công tác lập quy hoạch đô thị cũng như hỗ trợ công tác quản lý đô thị thích ứng với BĐKH. Hệ thống Atlas đô thị-khí hậu một mặt cung cấp các thông tin nhanh nhất về điều kiện tự nhiên, địa hình, dân cư, hệ thống hạ tầng... mặt khác sẽ đưa ra các thông tin về sự thay đổi khí hậu, các hiện tượng thời tiết cực đoan và các loại hình thiên tai đối với đô thị (ngập úng, lũ lụt, biển xâm thực, sạt lở đất…) cũng như các khu vực trong đô thị có nguy cơ bị ảnh hưởng cao. Điều này sẽ giúp công tác quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch đô thị tốt hơn. Đồng thời, cung cấp thông tin cho chính quyền đô thị nhằm quản lý xây dựng, kiểm soát phát triển đô thị giảm thiểu rủi ro thiệt hại do BĐKH. Chính vì vậy, Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH giai đoạn 2012-2015 phê duyệt tại Quyết định 1183/QĐ-TTg ngày 30/8/2012 của Thủ tướng Chính phủ đã xác định nhiệm vụ xây dựng Atlas biến đổi khí hậu và rủi ro thiên tai nhằm đánh giá mức độ BĐKH và nước biển dâng là nhiệm vụ trong tâm cần ưu tiên thực hiện.

Với tầm quan trọng đó, thực hiện theo Quyết định 2623/QĐ-TTg ngày 31/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án Phát triển các đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2013-2020”, Bộ Xây dựng  ban hành “Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của ngành Xây dựng, giai đoạn 2016-2020” và đã xác định một nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu và hệ thống Bản đồ cảnh báo rủi ro BĐKH tại đô thị (gọi tắt là Atlas Đô thị và Khí hậu) nhằm đánh giá mức độ tác động của BĐKH đến phát triển hệ thống đô thị, làm cơ sở đề xuất giải pháp ứng phó.

Mặc dù hiện nay, một số đô thị nước ta đã xây dựng Atlas Đô thị-Khí hậu, đặc biệt là tại TP. Hồ Chí Minh, TP. Đà Nẵng và một số đô thị khác cũng đang xây dựng mô hình số độ cao, mô hình thủy văn thủy lực... nhằm tạo lập hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quy hoạch phát triển kinh tế xã hội trong điều kiện biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, việc xây dựng Atlas đô thị-khí hậu tại các địa phương chưa thống nhất về nội dung cũng như quy trình thực hiện. Vì vậy việc ban hành một Khung hướng dẫn nhằm hướng dẫn các đô thị triển khai xây dựng Atlas đô thị-khí hậu phục vụ công tác thích ứng với BĐKH của đô thịlà hết sức cần thiết. Để Khung hướng dẫn có tính khả thi, cần thực hiện thí điểm lập Atlas đô thị-khí hậu cho cho một đô thị chịu tác động mạnh mẽ từ BĐKH và nước biển dâng, đó là thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau.

KẾT LUẬN, KIẾN NGHỊ

1. KẾT LUẬN

1.1 Đề tài đã thực hiện đầy đủ các nội dung theo đề cương được phê duyệt tại 1254/QĐ-BXD ngày 29 /10 /2015 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng, bao gồm 2 nội dung chính:

- Xây dựng Khung hướng dẫn xây dựng Atlas đô thị-khí hậu

- Thí điểm xây dựng Atlas đô thị - khí hậu cho thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau

1.2 Đề tài đã hoàn thành các sản phẩm theo đề cương được phê duyệt:

- Báo cáo tổng hợp đề tài;

- Khung hướng dẫn xây dựng Atlas đô thị - khí hậu cho các đô thị Việt Nam;

- Atlas đô thị - khí hậu lập thí điểm cho thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau;

- Dự thảo Quyết định trình Bộ Xây dựng ban hành Khung hướng dẫn xây dựng Atlas đô thị - khí hậu;

1.3 Kết quả của nhiệm vụ

- Khung hướng dẫn xây dựng Atlas đô thị-khí hậu được soạn thảo tuân thủ các quy định về pháp lý, phù hợp với năng lực thực hiện ở các đa số các đô thị trong điều kiện hiện tại về công nghệ, số liệu, tài liệu, năng lực cán bộ, khả năng tài chính…

- Atlas đô thị - khí hậu thí điểm cho thành phố Cà Mau có thể cảnh báo các loại rủi ro thiên tai chính đối với đô thị. Các số liệu về khí hậu và đô thị trong Atlas đô thị - khí hậu thành phố Cà Mau được cập nhật đến năm 2014. Kịch bản biến đổi khí hậu của đô thị thí điểm là kịch bản mới nhất năm 2016.

- Phương pháp lập bản đồ cảnh báo rủi ro được sử dụng kết hợp giữa phương pháp định tính (cho điểm) và phương pháp định lượng (dựa trên số liệu khảo sát thực tế, mô hình hóa...), dựa trên cơ sở lý thuyết về đánh giá rủi ro thiên tai với các phương pháp cụ thể như: Tiếp cận thực địa, kế thừa, chuyên gia, phỏng vấn, GIS và các phương pháp chuyên ngành… Đây là các phương pháp có thể thực hiện được trong điều kiện thực tế hiện nay ở các đô thị.

- Bản đồ nền dùng để xây dựng Atlas đô thị-khí hậu cần kết hợp nhiều loại bản đồ khác nhau để phục vụ các mục đích khác nhau, bao gồm các tỷ lệ: 1:2.000 và 1:10.000 ở phạm vi đô thị, tỷ lệ 1:50.000 đến 1:200.000 để tham chiếu ở phạm vi tỉnh và vùng.

- Atlas đô thị - khí hậu được xây dựng và quản lý bằng phần mềm ArcGis Desktop. Khi có điều kiện có thể nâng cấp lên ArcGis Server (bao gồm Webgis)

2. KIẾN NGHỊ

- Kiến nghị Bộ Xây dựng ban hành Khung hướng dẫn xây dựng Atlas đô thị - khí hậu cho các đô thị Việt Nam, làm cơ sở để các đô thị có thể xây dựng các bản đồ cảnh báo rủi ro thiên tai cho đô thị.

- Cảnh báo rủi ro thiên tai cho các đô thị là một vấn đề mới mẻ. Đặc biệt việc xây dựng bản đồ cảnh báo rủi ro thiên tai cho các đô thị trong điều kiện BĐKH thì chưa từng thực hiện ở Việt Nam trước đây. Trong hầu hết những nghiên cứu trước đây chỉ dừng đến bản đồ nguy cơ thiên tai, còn việc cảnh báo rủi ro như thế nào đến các lĩnh vực của đô thị chưa được thực hiện. Do vậy nhiệm vụ này có thể coi là nghiên cứu thử nghiệm đầu tiên về phương pháp xây dựng bản đồ cảnh báo rủi ro cho các đô thị ở Việt Nam. Chính vì vậy để qui trình thực hiện được hoàn thiện kính đề nghị Bộ Xây dựng tạo điều kiện cho nhóm nghiên cứu tiếp tục được thực hiện thí điểm đối với các đô thị khác với loại hình thiên tai khác.

- Nghiên cứu và ban hành quy định về chuẩn cơ sở dữ liệu trong công tác quy hoạch đô thị theo quy định pháp luật về đo đạc bản đồ.

- Chính quyền các đô thị trên cơ sở Khung hướng dẫn xây dựng Atlas đô thị - khí hậu cho các đô thị Việt Nam tiến hành xây dựng Atlas đô thị-khí hậu cho đô thị của mình.

- Các đô thị đã được xây dựng Atlas cần cập nhật cơ sở dữ liệu định kỳ 5-10 năm và khi có sự thay đổi.

- Khuyến khích các đô thị xây dựng Atlas điện tử.


[1] Kịch bản Biến đổi khí hậu, nước biển dâng cho Việt Nam, Bộ TN&MT, 2016

(Nguồn:VIUP)

Tạp chí QHXD

Ebook

Giới thiệu sách

Liên kết website